Những bông hoa dân phòng

Thứ bảy, 31/12/2016 10:30

(Cadn.com.vn) - Mùa xuân này, Đội Dân phòng cơ động nữ (DPCĐN) P. Khuê Mỹ (Q. Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) bước sang tuổi thứ 5. Và người "hàng xóm" cùng quận của họ, Đội DPCĐN P.  Hòa Hải  cũng chính thức đi vào hoạt động được 3 năm.

Lễ công bố quyết định thành lập Đội Dân phòng cơ động nữ Khuê Mỹ.

Chị Hồ Thị Thêm - Đội phó và chị Đinh Thị Nga- đội viên Đội DPCĐN P. Khuê Mỹ nhớ lại những ngày đầu thành lập: Tháng 8-2011, khi nghe anh Phạm Văn Tiến- Đội trưởng Dân phòng P. Khuê Mỹ cùng Đoàn Điển hình trong phong trào TDBVANTQ TP Đà Nẵng đi tham quan các tỉnh phía Nam về kể cho nghe về "Đội Dân phòng nữ giữ gìn ANTT" tại ấp Tân Hòa B, xã Tân Hòa, H. Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang, chị em cán bộ nữ P. Khuê Mỹ đã thấy bị hấp dẫn bởi mô hình này. "Nam làm được thì tại sao nữ không làm được? Kiên Giang làm được thì tại sao Đà Nẵng mình không làm được?". Vậy là sau một tuần vận động và được số chị em cán bộ cốt cán của Hội LHPN phường nhiệt tình hưởng ứng, đúng dịp kỷ niệm 66 năm Ngày Truyền thống CAND Việt Nam (19-8-1945 - 19-8-2011), Đội DPCĐN P.  Khuê Mỹ gồm 19 chị, do chị Nguyễn Thị Thanh Tâm làm Đội trưởng, hai chị Hồ Thị Thêm và Nguyễn Thu Đào làm Đội phó, đã ra mắt. Đây cũng là Đội DPCĐN đầu tiên trên địa bàn Đà Nẵng.

Để kịp cho lễ ra mắt, các chị đã phải đi mượn trang phục của một đơn vị Bộ đội Đặc công đóng quân trên địa bàn. Lọt thỏm trong bộ đồng phục dành cho nam giới nhưng trông các chị không kém phần "oai phong". Dần dà, thấy các chị hoạt động hiệu quả, chính quyền địa phương đã may tặng bộ đồng phục màu lá mạ non. Và cũng từ những ngày tháng ấy, người dân Khuê Mỹ đã quen dần với hình ảnh của Đội DPCĐN đêm đêm sát cánh bên các đồng đội nam giữ yên lành cho dải đất Ngũ Hành Sơn bên bờ sông Hàn lộng gió.

Mỗi người một hoàn cảnh xuất thân - người là cán bộ hưu trí, thợ gỗ mỹ nghệ, người kinh doanh vật liệu xây dựng, người là cô giáo mầm non, là phụ hồ, làm nông, nội trợ,... nhưng họ đều gặp nhau ở một điểm chung, đó là khát vọng giữ gìn sự bình yên cho cuộc sống, trong đó có gia đình mình. Và có lẽ chính truyền thống cách mạng của "vùng đất thép" Căn cứ lõm K20 đã hun đúc nên những người phụ nữ "Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang" trong Đội DPCĐN Khuê Mỹ ngày nay. Ban ngày vật lộn trong cuộc mưu sinh, tối đến họ tập hợp nhau lại để cùng sẻ chia gánh nặng với lực lượng nòng cốt đảm bảo ANTT tại cơ sở.

Để hoàn thành nhiệm vụ, các chị đã có những khởi đầu hết sức gian nan. Khó khăn nhất đó chính là vượt qua những áp lực từ dư luận. Người thì bảo: "Mấy bà này rỗi việc, đường quang không đi, lại đâm đầu vào bụi rậm", "Chuyện của đàn ông mắc mớ chi mấy bà lại ôm vào"; kẻ lại bàn ra: "Tự dưng "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng"... Chồng con thì lo sợ người thân sẽ không an toàn tính mạng khi đương đầu với tội phạm giữa đêm hôm. Nhớ có lần, chị H. trong Đội đi tuần tra về đến nhà đã quá 22 giờ, bị chồng giận dỗi, khóa cửa không cho vào. "Ảnh nói cái chi cũng đồng ý, nhưng đi làm công việc nguy hiểm ni thì không được", chị H. nhớ lại. Sáng hôm sau, cả Đội kéo đến nhà thuyết phục mãi anh chồng mới cho vợ tiếp tục tham gia. Vậy là từ đó, trong những dịp họp mặt Đội nhân ngày 8-3, 19-8, các chị đều mời chồng con cùng tham dự. Thấy việc làm của vợ, của mẹ mình được xã hội tôn vinh và mang lại hiệu quả thiết thực, các anh lại quay sang ủng hộ. Có anh cứ đến giờ mà chưa thấy vợ ra khỏi nhà là lại nhắc: "Hôm nay là ca trực của em mà"... Cũng có chị, tham gia hoạt động Đội DPCĐN giống như một nhu cầu tự thân, không thể thiếu; ra nước ngoài sinh sống được một thời gian chị đã thấy nhớ và lại quay về chung vai cùng đồng đội.

CAQ Ngũ Hành Sơn trang bị trang phục cho Đội Dân phòng cơ động nữ.

Không chỉ đối mặt với hiểm nguy bất cứ lúc nào, nhiều chị trong Đội còn phải đối mặt với cuộc sống vô cùng khó khăn khi phải chạy ăn từng bữa, vất vả sớm hôm để nuôi con ăn học. Chị Hồ Thị Giỏi là một trong số đó. Chồng mất sớm, một mình chị nuôi 4 người con, trong đó có một cháu mắc bệnh tim. Dù vậy, chị vẫn rất sốt sắng với công việc, không bỏ một ca tuần tra nào. Hay như chị Nguyễn Thị Tiến, chồng mất sớm, để lại 3 đứa con thơ trong đó có cháu bị liệt phải nằm một chỗ. Hằng ngày, chị phải đi phụ hồ kiếm tiền trang trải kinh tế gia đình. Dù mệt mỏi sau ngày làm việc nặng nhọc nhưng chị chưa vắng buổi tuần tra nào. Rồi trường hợp chị Trần Thị Mừng có đứa con nuôi chưa đầy 4 tuổi bị ung thư máu, vừa cùng chồng lo cho cháu, chị vừa lo tròn nhiệm vụ của một đội viên dân phòng.

Lợi thế lớn nhất của Đội DPCĐN là chị em đều là những hạt nhân năng nổ trong phong trào phụ nữ, dạn dày kinh nghiệm trong công tác dân vận, luôn biết cảm hóa người vi phạm, lầm lỡ bằng những lời động viên có lý có tình, theo kiểu "lạt mềm buộc chặt", lấy nhu thắng cương; lấy sự mềm dẻo trong lý lẽ để khắc chế những người ương ngạnh - điều mà những đồng đội nam chưa hẳn đã làm được.  Vậy nên, ngoài việc cùng các đồng đội nam tuần tra kiểm soát, các chị còn tham gia quản lý, giáo dục đối tượng lầm lỡ; khuyên các em học sinh bỏ học trở lại trường lớp hoặc xin học nghề để có cuộc sống tương lai. Các chị còn hòa giải thành công nhiều vụ mâu thuẫn, bạo lực gia đình, hàn gắn hạnh phúc của nhiều đôi vợ chồng đang bên bờ vực tan vỡ. Đơn cử như chuyện anh N. trước đây thường xuyên đánh vợ mỗi lúc say xỉn hay có chuyện bực mình. Vợ anh, chị B.L. nhiều lần cam chịu. Hàng xóm khuyên can mãi không được nên nhờ Đội DPCĐN đến giúp đỡ. Đội trưởng Nguyễn Thị Thanh Tâm kể lại: "Lúc tới nhà, N. chửi hăng lắm, còn dọa đánh ai dám can thiệp. Vậy nhưng, khi tỉnh rượu, N. nhận ra sai lầm, viết cam kết không tái phạm. Chúng tôi còn thường xuyên đến nhà, tỉ tê tâm sự, khuyên nhủ. Từ một người nát rượu, N. bây giờ đã chí thú làm ăn, thương yêu vợ con".

Trường hợp khác còn gay cấn hơn: ông N.V.D, đi nhậu về định nhậu tiếp, bị vợ con can ngăn liền kéo cả vợ lẫn con vào bếp khóa trái cửa lại rồi xịt bình gas định châm lửa đốt nhà. May là lúc đó lực lượng tuần tra của Đội DPCĐN đi qua, phát hiện sự việc nên kịp thời khuyên bảo, thuyết phục để giải cứu thành công cho ba mẹ con...

Từ đó, những người phụ nữ trong phường hay bị chồng bạo hành đã tìm đến với Đội DPCĐN. Tiếng cười đã trở lại trong nhiều gia đình thay cho những hành vi bạo hành.

Nhận xét về lực lượng DPCĐN, Thiếu tá Phan Thanh Ba- Trưởng CAP Khuê Mỹ khẳng định: "Cùng với các lực lượng khác, chị em Đội DPCĐN đã thật sự là lá chắn vững chắc, góp phần giữ gìn trật tự an toàn xã hội, giữ gìn hạnh phúc cho nhiều gia đình. Vốn tính thận trọng, tỉ mỉ, các chị luôn nắm thông tin chính xác. Trong nhiều vụ án mại dâm, đánh bạc, ma túy có đối tượng nữ, các chị là những trợ thủ đắc lực của CAP do có thể tiếp cận, khai thác thông tin, kiểm tra rà soát, lấy mẫu xét nghiệm các đối tượng vi phạm là nữ giới...".

Trong 5 năm qua, Đội DPCĐN Khuê Mỹ đã cùng các lực lượng chức năng tổ chức tuần tra được 2.010 lượt đêm, ngăn chặn 21 vụ gây rối TTCC; giải tán nhiều nhóm thanh thiếu niên ăn nhậu quá khuya tại nơi công cộng ảnh hưởng ANTT; phối hợp với CAP tổ chức mật phục chống trộm cắp xe máy, chống trộm đột nhập, giải quyết tệ nạn đánh bạc trên địa bàn được 50 lượt với 200 lượt chị tham gia, qua đó đã bắt và xử lý 15 vụ đánh bạc/58 đối tượng, 2 vụ mại dâm/4 đối tượng, 4 vụ trộm cắp tài sản bắt 5 đối tượng. Ghi nhận những thành tích nổi bật của các chị, Bộ Công an, CATP Đà Nẵng, CAQ Ngũ Hành Sơn, UBND Q. Ngũ Hành Sơn và UBND P. Khuê Mỹ nhiều lần khen thưởng...

Tuy "sinh sau đẻ muộn" (thành lập ngày 4-4-2013) nhưng sau 3 năm đi vào hoạt động, đến nay, Đội DPCĐN P. Hòa Hải cũng đã gặt hái nhiều thành quả đáng kể. Đội đã cung cấp cho CAP 127 nguồn tin có giá trị liên quan đến ANTT; tham gia tuần tra 780 lượt/1.560 lượt người; nhắc nhở 32 cặp nam nữ ngồi chuyện trò khuya nơi vắng người, 45 trường hợp vi phạm ATGT; tham gia hòa giải 36 vụ mâu thuẫn nội bộ gia đình; giải tán 45 vụ thanh niên tụ tập nhậu đêm làm mất TTCC; tham gia bảo vệ hiện trường 26 vụ TNGT. Sau một năm thực hiện Quyết định 8394/QĐ-UBND của UBND TP Đà Nẵng, Đội đã tham gia cùng CAP giải quyết được 23 vụ gây rối TTCC, 15 vụ đánh bạc trái phép, 3 vụ trộm cắp tài sản và 17 vụ bạo lực gia đình. Đội đang góp phần cùng cả hệ thống chính trị P. Hòa Hải thực hiện mô hình "Tuyến biển bình yên", xây dựng môi trường văn hóa - văn minh đô thị, chống nạn chèo kéo khách, để Non Nước Ngũ Hành Sơn ngày thêm tươi đẹp, mời gọi khách phương xa.

Khi bài báo này đến với bạn đọc thì một mùa xuân nữa - Xuân Đinh Dậu  2017 lại về với mọi miền đất nước. Hòa cùng đất trời vào xuân, trên dải đất Ngũ Hành Sơn giàu truyền thuyết, các chị DPCĐN lại tiếp tục kề vai sát cánh cùng đồng đội nam tuần tra kiểm soát, giữ yên vui cho cuộc sống muôn nhà, góp phần xây dựng Đà Nẵng là Thành phố "4 an".

Nguyễn Chính