Những bước chân không mỏi

Thứ năm, 12/07/2018 06:30

Khi nói đến đặc thù công tác của những cán bộ chiến sỹ (CBCS) an ninh, nhiều người biết đến đó là những việc làm hết sức thầm lặng. Nhưng đằng sau sự thầm lặng ấy là công sức, mồ hôi, trí tuệ, tâm huyết của những người luôn gần dân, hiểu dân, sống giữa lòng dân để bảo vệ bình yên cuộc sống của nhân dân.

BCH Chi đoàn Phòng An ninh xã hội CATP phối hợp Ngân hàng PVcom Bank chi nhánh Đà Nẵng và Nhóm Thiện Nguyện Đà Nẵng trao 50 suất quà (tổng trị giá 30 triệu đồng) cho hoàn cảnh khó khăn tại huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam.

Những CBCS "3 bám, 4 cùng" là cách gọi thân thương của mỗi người dân khi nhắc đến CBCS Phòng An ninh xã hội (CATP Đà Nẵng). Trên mặt trận không tiếng súng, các CBCS an ninh xã hội CATP đang ngày đêm kiên trì bám trụ cơ sở, đóng góp nhiều thành tích vào chiến công chung của lực lượng Công an nhân dân (CAND) trên trận tuyến bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn sự bình yên và hạnh phúc cho nhân dân.

Những năm qua, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Các thế lực thù địch, phản động và kẻ xấu ở nước ngoài vẫn không từ bỏ âm mưu, hoạt động chống phá, thực hiện âm mưu "diễn biến hòa bình", lợi dụng chiêu bài "dân chủ", "nhân quyền", "tự do tôn giáo" tăng cường móc nối để tìm cớ can thiệp vào công việc nội bộ của đất nước. Riêng tại Đà Nẵng, mặc dù tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản được giữ vững, nhưng đôi lúc, đôi khi và ở một số địa bàn trọng điểm vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Phát huy tinh thần "an ninh chủ động", CBCS Phòng An ninh xã hội luôn nắm vững mọi tình huống và triển khai hiệu quả các mặt công tác đảm bảo an ninh xã hội, không để xảy ra tình huống đột xuất, bất ngờ. 

Nổi bật nhất là tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, trong thời điểm đang bàn thảo thông qua dự Luật An ninh mạng, dự luật đơn vị Hành chính - Kinh tế đặc biệt, các thế lực thù địch và bọn phản động đã kích động số chống đối chính trị trong nước tiến hành các hoạt động biểu tình, tuần hành nhằm chống phá.

Ngày 10-6-2018, tại khu vực cầu Rồng xuất hiện một nhóm khoảng 30 người tụ tập mang theo băng rôn, khẩu hiệu với nội dung "phản đối đặc khu", "Phản đối Chính phủ lập đặc khu cho thuê" và di chuyển dọc trên vỉa hè đường Bạch Đằng hướng về trụ sở Thành ủy. Sự việc thu hút người dân hiếu kỳ tham gia cùng đoàn biểu tình với số lượng tăng dần lên khoảng 100 người. Phòng An ninh xã hội đã phối hợp với các đơn vị chức năng và CAQ Hải Châu tổ chức tuyên truyền, vận động số người hiếu kỳ không tham gia vào đám đông; đồng thời khống chế, vô hiệu hóa số đối tượng cốt cán, tích cực, tạm giữ 26 đối tượng, lập hồ sơ quản lý và xử lý theo quy định. Sau khi không thực hiện được ý đồ, nhóm đối tượng này tiếp tục chia sẻ nhiều bài viết, livetream (phát sóng trực tiếp) hình ảnh, âm thanh nhằm tạo ra nhiều dư luận trái chiều với mục đích kêu gọi người dân xuống đường biểu tình, tuần hành vào những ngày sau đó, tuy nhiên, do làm tốt công tác phòng ngừa, thủ đoạn của các đối tượng đã bị CBCS Phòng An ninh xã hội và CA các đơn vị, địa phương phát hiện và ngăn chặn từ trong "trứng nước". 

Hay như trước đó, vào cuối tháng 4, đầu tháng 5-2018, khi mà hoạt động của cái gọi là "Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ" diễn ra tại một số địa phương, trong đó Đà Nẵng cũng không ngoại lệ khiến cho nhiều gia đình tan cửa nát nhà, nhiều người bỏ học, bỏ làm để đi theo "tà đạo", tụ tập dụ dỗ, lôi kéo người khác, gây ảnh hưởng đến ANTT và làm những điều trái với thuần phong mỹ tục. Trước tình hình đó, Phòng An ninh xã hội đã phối hợp với CA các đơn vị, địa phương chủ động tham mưu cho Đảng ủy, Giám đốc CATP tiến hành các biện pháp nghiệp vụ, tuyên truyền, vận động người dân không tham gia, đi theo "tà đạo" này; đồng thời gọi hỏi, răn đe, giáo dục và có hình thức xử lý các đối tượng cầm đầu. Chỉ sau thời gian ngắn, "Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ" trên địa bàn Đà Nẵng cơ bản được khống chế. 

Đây chỉ là hai trong số nhiều vụ việc phức tạp, có nguy cơ gây mất ổn định ANTT trên địa bàn được lực lượng CATP nói chung, Phòng An ninh xã hội nói riêng nhanh chóng dập tắt. Thực tế vẫn còn đó rất nhiều vấn đề, vụ việc và phải mất rất nhiều thời gian, công sức của nhiều cấp, nhiều ngành và của toàn xã hội mới có thể giải quyết được. Riêng với các CBCS an ninh, làm thế nào để phòng ngừa, không để xảy ra bị động, bất ngờ mới là thước đo của sự thành công. "Do đặc thù của công tác an ninh xã hội là phải thường xuyên tiếp xúc, làm việc với những đối tượng có nhân thân đặc biệt, có trình độ và phương thức hoạt động tinh vi nên việc rèn luyện cho CBCS có phẩm chất chính trị vững vàng, nắm vững pháp luật, tinh thông nghiệp vụ là đặc biệt cần thiết. Đồng thời, quan tâm động viên CBCS khắc phục khó khăn, gian khổ, bám sát địa bàn, đối tượng, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng tôn giáo, địa bàn xảy ra tranh chấp, khiếu kiện phức tạp. Chính trong thực tiễn, CBCS tự rút ra cho mình những kỹ năng, chìa khoá của thành công", Thượng tá Mai Chiến Thắng- Trưởng phòng An ninh xã hội CATP nhìn nhận.

Cũng theo Thượng tá Mai Chiến Thắng, công việc của người chiến sĩ an ninh luôn thầm lặng, mặt trận ấy không có tiếng súng... nhưng cũng không kém phần nóng bỏng và gay go, phức tạp. Vì vậy, vũ khí của người chiến sĩ an ninh xã hội là kỹ năng vận động, tuyên truyền, là khả năng thuyết phục, định hướng. Qua thực tiễn công tác của CBCS Phòng An ninh xã hội, Thượng tá Thắng cho rằng, phương pháp đối thoại là giải pháp cơ bản nhất. Thông qua đối thoại, các chiến sĩ an ninh sẽ nắm và chuyển tải những chủ trương, chính sách, pháp luật, quy định của Đảng, Nhà nước tới nhân dân. Đồng thời, qua đối thoại, họ cũng nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của người dân, thấu hiểu những khó khăn, khúc mắc của họ để tham mưu, đề xuất những chính sách, giải pháp phù hợp nhằm tạo được tiếng nói chung. Nhờ phương pháp đối thoại, thời gian qua, đơn vị giải quyết thành công nhiều vụ việc phức tạp, góp phần xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng thế trận an ninh vững chắc.

D.HÙNG