Xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát:

Những cá nhân không bị xử lý hình sự trong “đại án” Vạn Thịnh Phát

Thứ ba, 12/03/2024 08:00
Ngày 11-3, HĐXX TAND TPHCM tiếp tục xét hỏiđối với 2 bị cáo: Trương Mỹ Lan và Nguyễn Cao Trí (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Capella).  Trong đó, bị cáo Trương Mỹ Lan bị truy tố về các tội: “Tham ô tài sản”, “Đưa hối lộ” và "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng"; còn bị cáo Nguyễn Cao Trí (Chủ tịch HĐQT Công ty Văn Lang và Công ty Capella) bị xét xử về tội: “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Các bị cáo trong vụ án Vạn Thịnh Phát tại phiên tòa.
Các bị cáo trong vụ án Vạn Thịnh Phát tại phiên tòa.

Tại phiên xét hỏi vào sáng 11-3, bị cáo Trương Mỹ Lan đã phủ nhận một số cáo buộc, như: nắm giữ 91% cổ phần Ngân hàng SCB; chiếm đoạt hơn 304.000 tỷ đồng của SCB; hối lộ bị cáo Đỗ Thị Nhàn 5,2 triệu USD để bưng bít sai phạm của SCB. Riêng bị cáo Nguyễn Cao Trí thừa nhận đã tìm cách chiếm đoạt của bị cáo Trương Mỹ Lan 1.000 tỷ đồng sau khi bà này bị bắt như cáo trạng truy tố là đúng.

Đến nay, ngoài 86 bị cáo đang bị xét xử, cơ quan điều tra đã xem xét không xử lý hình sự đối với 3 trường hợp giúp sức tích cực cho bị cáo Trương Mỹ Lan chiếm đoạt tiền của SCB do đã qua đời; hàng chục cá nhân là thành viên Tổ giám sát các giai đoạn 2012 đến tháng 1-2016 và từ 2016 đến tháng 9-2022.

Theo đó, 3 trường hợp giúp sức tích cực cho bị cáo Trương Mỹ Lan chiếm đoạt tiền của SCB không bị xử lý hình sự, gồm: Bà Nguyễn Phương H. (Phó Tổng giám đốc Ngân hàng SCB), Nguyễn Tiến T. (thành viên HĐQT Ngân hàng SCB) và ông Nguyễn Ngọc D. (Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Penunsula thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát). Cụ thể, bà Nguyễn Phương H. và ông Nguyễn Tiến T. đã tham gia xây dựng hồ sơ vay vốn, thực hiện việc xét duyệt, cấp tín dụng đối với các khoản vay của khách hàng thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát vay vốn trái quy định pháp luật của Ngân hàng SCB. Còn ông Nguyễn Ngọc D. đã tham gia vào quá trình chỉ đạo tìm kiếm, thuê người đứng tên các khoản vay, đứng tên pháp nhân, sở hữu cổ phần…; trực tiếp đứng tên hợp đồng vay vốn, hợp đồng thế chấp tài sản. Cơ quan tố tụng đã xác định, ông D. giúp sức tích cực cho bị cáo Trương Mỹ Lan thực hiện hành vi phạm tội.

Đối với hàng chục cá nhân là thành viên Tổ giám sát không bị xem xét trách nhiệm hình sự, cáo trạng nêu rõ, trong quá trình thực hiện công tác giám sát SCB từ năm 2016 đến tháng 9-2022, có 11 cá nhân là thành viên Tổ giám sát đã có trên 70 lượt văn bản báo cáo, đề xuất lãnh đạo các cấp về việc kiểm tra/thanh tra SCB, đưa SCB vào diện kiểm soát toàn diện, kiểm soát đặc biệt nhưng không được cấp trên (cụ thể các bị cáo: Nguyễn Văn Dũng, Võ Văn Thuần, Phan Tấn Trung và Nguyễn Tín) chấp thuận. Trong thời gian tham gia công tác giám sát, 10/11 thành viên nói trên được Ngân hàng SCB đưa quà vào các dịp lễ, tết với giá trị không lớn và đã tự nguyện giao nộp cho cơ quan điều tra nên không xem xét trách nhiệm hình sự đối với các cá nhân này mà kiến nghị xử lý nghiêm về Đảng và chính quyền.

Đối với 17 cá nhân là thành viên Tổ giám sát giai đoạn từ năm 2012 đến tháng 1-2016 và 4 cá nhân liên quan đến Đoàn thanh tra theo Quyết định số 81 ngày 8-6-2020 và Quyết định số 72 ngày 3-3-2022 của Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM gồm: Dương Thị Bạch Tuyết, Phạm Đức Quang, Hồ Thị Hương và Trương Duy Thanh cũng không đủ cơ sở xem xét trách nhiệm hình sự với những cá nhân này.

Ngoài ra, đối với Tô Duy Lâm (nguyên Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM), do không can thiệp, không tham gia chỉnh sửa, phê duyệt nội dung báo cáo của Tổ giám sát liên quan đến các hành vi sai phạm nêu trên, nên chưa đủ cơ sở để xem xét trách nhiệm hình sự, nhưng cần kiến nghị xử lý nghiêm về Đảng và chính quyền đối với cá nhân này về trách nhiệm của người đứng đầu đã để xảy ra sai phạm của cấp dưới.

Trong vụ án còn có 2 bị can: Lee George Lam, Henry Sun Ka Ziang có quốc tịch nước ngoài đã xuất cảnh khỏi Việt Nam và không rõ đang ở đâu. Do đó, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định tách vụ án hình sự, tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự và tạm đình chỉ điều tra bị can đối với 2 bị can trên.

Theo tài liệu điều tra, từ ngày 11-12-2012 đến ngày 28-11-2014, Lee George Lam với vai trò là Phó Chủ tịch thứ nhất, thành viên HĐQT Ngân hàng SCB đã ký 8 biên bản họp, phiếu biểu quyết của HĐQT đồng ý hợp thức cho 68 khoản vay của Trương Mỹ Lan, có tổng dư nợ đến ngày 17-10-2022 hơn 53.815 tỷ đồng. Tổng giá trị tài sản bảo đảm ở hiện tại của các khoản vay là hơn 34.083 tỷ đồng. Hành vi của Lee George Lam gây thiệt hại cho SCB số tiền hơn 19.733 tỷ đồng. Đối với Henry Sun Ka Ziang có vai trò là thành viên HĐQT Ngân hàng SCB đã ký 487 biên bản họp, phiếu biểu quyết của HĐQT đồng ý cho 356 khách hàng nhóm Trương Mỹ Lan vay 602 khoản vay tại SCB, có tổng dư nợ đến ngày 17-10-2022 hơn 577.629 tỷ đồng. Trong đó, tổng giá trị tài sản bảo đảm ở hiện tại của các khoản vay hơn 115.539 tỷ đồng. Hành vi của Henry Sun Ka Ziang gây thiệt hại cho SCB số tiền hơn 462.089 tỷ đồng.

T.H