Những cánh thư đầy xúc động của Anh hùng, Liệt sĩ Hoàng Kim Giao

Thứ sáu, 04/11/2022 11:01
Cách đây 54 năm, trong lúc làm nhiệm vụ phá dỡ bom trên cung đường 15A, chàng thiếu úy, kỹ sư Hoàng Kim Giao (1941), quê Đồ Sơn (Hải Phòng) đã anh dũng hy sinh khi mới 27 tuổi, khi những hoài bão về tương lai còn dang dở, khi niềm hạnh phúc vợ chồng chẳng tày gang. Hơn nửa thế kỷ qua, những cánh thư anh viết cho gia đình đã được người thân cất giữ cẩn thận và mới đây đã trao tặng cho Khu di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn, xã Mỹ Sơn, H.Đô Lương (Nghệ An) trưng bày, lưu giữ.
Nơi hy sinh và phần mộ của Anh hùng, Liệt sỹ Hoàng Kim Giao và Liệt sỹ Lương Trung Tín.
Phần mộ Anh hùng, Liệt sỹ Hoàng Kim Giao và Liệt sỹ Hoàng Trung Tín.

“Khắc tinh” của bom từ trường nổ chậm

Đến Khu di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn, chúng tôi được nghe giới thiệu về một địa điểm không kém phần xúc động và bi tráng. Đó là phần mộ của AHLLVTND, Liệt sỹ Hoàng Kim Giao và Liệt sỹ Lương Trung Tín. Phần mộ chung của hai anh được đặt cạnh Quốc lộ 15A (thuộc xã Nam Hưng, H.Nam Đàn), cách Khu di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn chưa đầy 1km. Quanh mộ phần các anh là dấu tích của một thời đề quốc Mỹ ném bom phá hoại miền Bắc với hàng loạt hố bom miệng rộng, sâu hoắm.

Sau khi vào quân đội, Hoàng Kim Giao được cấp trên cử đi đào tạo chuyên ngành vật lý rắn, Khoa Vật Lý tại trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, rồi tiếp tục học chương trình vô tuyến điện tử tại trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Với tư chất thông minh, ham học, mới 26 tuổi, Hoàng Kim Giao đã sở hữu 2 bằng đại học, thông thạo 4 ngoại ngữ. Tháng 3-1967, anh đến nhận công tác tại Phòng nghiên cứu điện tử thuộc Cục Nghiên cứu Kỹ thuật, Tổng cục Hậu Cần (nay là Phân viện Điện tử – Viễn thông, thuộc Viện kỹ thuật quân sự – Bộ Quốc phòng).

Thời điểm đó, Mỹ thực hiện chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không lực, các con đường giao thông huyết mạch phải hứng chịu hàng tấn bom đạn, trong đó có những loại vũ khí rất hiện đại như bom từ trường, thủy lôi nổ chậm... Cục Nghiên cứu kỹ thuật, Bộ Quốc Phòng có công trình nghiên cứu khoa học mang tính sống còn của ngành giao thông. Công việc nghiên cứu và phá bom được thực hiện ở nhiều nơi trong đó có chiến trường Khu 4. Tháng 9-1968, được sự phân công của tổ chức, anh là Trưởng đoàn công tác lên đường vào Quân Khu 4 để huấn luyện và trực tiếp tháo dỡ bom mìn, giải tỏa ách tắc giao thông ở một số trọng điểm. Là kỹ sư, Trưởng đoàn, anh luôn thể hiện tinh thần chiến đấu dũng cảm, gương mẫu, động viên đồng đội hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tại đây, kỹ sư Hoàng Kim Giao cùng đồng đội đã phá thành công 72 quả bom nổ chậm và 40 quả bom từ trường.

Cuối năm 1968, Mỹ ngừng ném bom trên toàn miền Bắc, đoàn công tác của anh nhận được lệnh trở về Hà Nội. Chiều 29-12, trên đường về, đoàn dừng chân ở xã Nam Hưng, H.Nam Đàn, chứng kiến người dân ở đây đang cần phá một số bom làm cản trở sản xuất, thiếu úy Giao quyết định cho đoàn dừng lại để giúp phá dỡ bom... Từng đối mặt với nhiều loại bom nhưng chưa lần nào anh và đồng đội gặp một quả bom khó phá đến vậy (bom MK42 chứa 300kg thuốc nổ)… Sáng 30-12-1968, không quản hiểm nguy, anh và đồng đội tiếp tục đến hiện trường xử lý quả bom từ trường này thì… quả bom phát nổ. Anh cùng chiến sỹ lái xe Lương Trung Tín (mới 18 tuổi, quê Thái Bình) đã anh dũng hy sinh... Với sức công phá vô cùng lớn, máu xương của hai anh đã hòa tan vào lòng đất. Đồng đội và nhân dân chỉ tìm thấy một phần nhỏ thi hài nên đã tổ chức an táng trong ngôi mộ chung bên sườn đồi.

Ghi nhận những công lao to lớn của Liệt sỹ Hoàng Kim Giao, Nhà nước đã trao tặng nhiều Huân, huy chương cao quý và truy tặng danh hiệu AHLLVTND vào năm 2009.

Ông Phan Trọng Lộc – Giám đốc Khu di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn đang lần giở những cánh thư do Liệt sỹ Hoàng Kim Giao viết.

Sống để yêu thương và dâng hiến

Không chỉ là một nhà nghiên cứu khoa học nổi tiếng để lại nhiều công trình mang tầm vĩ mô cho đất nước, Liệt sĩ Hoàng Kim Giao còn là con người sống rất tình cảm, quan tâm, yêu thương gia đình. Những lá thư anh viết trong khoảng thời gian học tập, làm nhiệm vụ sau này đã được in thành sách “Sống để yêu thương và dâng hiến”.

Suốt hơn nửa thế kỷ qua, những cánh thư còn sót lại về Liệt sỹ Hoàng Kim Giao đã được gia đình cất giữ cẩn thận. Mới đây, sau khi vô tình đọc được nguyện vọng của gia đình Liệt sỹ muốn trao tặng cho Viện Bảo tàng, ông Phan Trọng Lộc – Giám đốc Khu di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn đã thuyết phục gia đình trao tặng 95 bức thư cho Khu di tích để trưng bày, lưu giữ. Ông Phan Trọng Lộc cho biết: “Suốt thời gian qua, tôi luôn đau đáu, muốn làm một điều gì đó trước anh linh Liệt sỹ Hoàng Kim Giao. Khi biết được nguyện vọng của gia đình, tôi thuyết phục thân nhân Liệt sỹ Giao rằng “Truông Bồn là nơi anh Giao đã gửi thân xác, linh hồn ở đây nên những kỷ vật của anh xin được trưng bày ở Khu di tích. Đây là cơ hội để chúng tôi lưu giữ, tưởng nhớ về một người anh hùng, liệt sỹ đã cống hiến trí tuệ, sức lực, tuổi thanh xuân và xương máu của mình cho quê hương, đất nước. Và nguyện vọng này đã được gia đình đáp ứng. Chúng tôi đã bố trí một gian trưng bày riêng về Liệt sỹ Hoàng Kim Giao trong Khu di tích”.

Mỗi lá thư anh hùng, Liệt sỹ Kim Giao gửi cho cậu mợ (bố mẹ), vợ, em gái… đều chất chứa những nỗi niềm riêng. Vừa tái hiện cuộc chiến tranh khốc liệt, đau thương, vừa bày tỏ quan niệm sống với nhiều hoài bão, lý tưởng của tuổi trẻ. Dù khó khăn, gian khổ đến mấy, anh vẫn chịu đựng được, chỉ mong có một điểm tựa, sự cảm thông từ phía gia đình khi những trọng trách của người con, người anh, người chồng… chưa làm trọn.

Nơi hy sinh và phần mộ của Anh hùng, Liệt sỹ Hoàng Kim Giao và Liệt sỹ Lương Trung Tín.

Trong một lá thư gửi người vợ mới cưới Nguyễn Thị Lan, Liệt sỹ Hoàng Kim Giao viết: “Lan ơi! Trước kia anh đã nói với em và đến bây giờ anh vẫn nhắc lại lần nữa những điều mà trước kia ta đã hứa hẹn với nhau trong buổi đầu gặp gỡ. Anh quan niệm hạnh phúc của chúng ta sẽ to lớn, vững chắc nhất khi chúng ta đóng góp được nhiều nhất sức lực cho cách mạng. Hạnh phúc lớn lao đó sẽ bảo đảm hạnh phúc riêng tư của chúng ta…”.

Ở chiến trường ác liệt, bên cạnh những giây phút đối mặt với lằn ranh sinh – tử, phút thảnh thơi anh luôn hướng về gia đình và mong đến ngày đoàn tụ, hứa sẽ bù đắp lại cho người vợ mới cưới... Đặc biệt, trong lá thư cuối cùng viết cho cha mẹ trước lúc hy sinh, hiện thực về cuộc chiến tranh ác liệt đã được anh tái hiện qua những dòng kể xúc động đến ứa nước mắt: “Một tháng qua, con đã đi khá nhiều đường đất vất vả và cả đói nữa; nhưng cũng có nhiều điều đáng mừng. Con được đi tới những vùng ác liệt nhất của chiến trường khu 4. Ở đây có những quãng chỉ 2km phải chịu tới 5.000 quả bom... Cậu mợ ạ! Ở đây chuyện sống chết đặt ra không phải từng ngày mà từng giờ một. Có đồng chí vừa thăm con nửa tiếng sau đã hy sinh. Có lúc phải động viên sự hy sinh của từng người. Những lúc đó như mọi người con cũng nghĩ tới chuyện sống chết. Con nghĩ, nếu con hy sinh trước mắt sẽ không hoàn thành nhiệm vụ, không đầy đủ trách nhiệm với các đồng chí cùng đi…”.

Dương Hóa