Những cánh thư tình yêu thời hoa lửa
Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm nhưng những vết thương của cuộc chiến vẫn còn hiện hữu, nỗi đau của những gia đình có anh hùng, liệt sĩ ngã xuống vì nền độc lập cho nước nhà như vẫn còn vẹn nguyên. Ít ai biết rằng, kỷ vật thiêng liêng về chiến tranh, trong đó có những lá thư vẫn được những người hậu phương cất giữ một cách cẩn thận…
Chân dung liệt sĩ Phan Huy Chương. |
Câu chuyện mà chúng tôi nhắc đến là những cánh thư tình yêu của liệt sĩ Phan Huy Chương gửi về cho vợ là bà Phan Thị Bé. Liệt sĩ Phan Huy Chương (1933, quê ở xóm 1, xã Đức Sơn, H. Đức Thọ, Hà Tĩnh) vốn là chàng thanh niên thông minh, khỏe mạnh và đa tài. Năm 1949, khi vừa tròn 16 tuổi, Chương xung phong vào bộ đội đi đánh Pháp. Trong một lần ra TP Vinh, Chương may mắn được một người bạn giới thiệu và làm quen cô thôn nữ Phan Thị Bé (1933, quê H. Hưng Nguyên, Nghệ An). Sau cuộc gặp đó hai người thư từ qua lại rồi yêu nhau và quyết định đám cưới năm 1954 và 3 cô con gái Phan Thị Tố Lan, Phan Thị Thùy Anh và Phan Thị Bích Ngọc lần lượt ra đời. Năm 1966, Mỹ ném bom ác liệt miền Bắc, Thượng úy, chính trị viên Tiểu đoàn pháo cao xạ 16, Binh trạm 8 Phan Huy Chương được cử đi học nhưng anh đã viết đơn tình nguyện đi sâu vào chiến trường. Đơn vị anh cùng các đơn vị khác có nhiệm vụ bảo vệ an toàn thông suốt con đường giao thông huyết mạch dọc tuyến biên giới Việt - Lào, binh trạm nằm ở km 18 phía nam bến Phà Bạc thuộc tỉnh Sêkông – Lào.
Từ năm 1963-1967, chiến sĩ Phan Huy Chương đã biên về cho vợ mình hơn 30 bức thư, thấm đẫm tình yêu thương của một người chồng, người cha đang thực hiện nhiệm vụ chiến đấu ở chiến trường nhưng vẫn một lòng một dạ lo lắng cho vợ con ở quê nhà ấy đã được tác giả Cù Tiết Tuất tập hợp lại và in thành cuốn sách “Sống mãi với thời gian”. Từ những cánh thư động viện vợ phải học văn hóa, tập xe đạp... đến những cánh thư quan tâm đến sức khỏe của vợ và các con như chế độ ăn uống, cách thức dạy dỗ con vì ông nắm rất rõ tính cách của các cô con gái..., tất cả thể hiện ông Chương là một người đàn ông trụ cột chu toàn, lo lắng cho gia đình. Để động viên vợ cố gắng tập xe đạp, trong lá thư thứ 2 ông viết “Mang tiếng là con gái thành phố mà không biết đi xe đạp thì chán lắm em... Hôm nào anh về thấy em đi trên đường phố nhộn nhịp xe cộ đi lại, thế mà em vẫn băng băng lướt giữa những xe đạp khác đi vượt lên phía trước, anh sẽ hồi hộp và sung sướng lắm kia…”.
Bà Phan Thị Bé và con gái Phan Thị Tố Lan giở lại những bức thư của liệt sĩ Phan Huy Chương. |
Mỗi cánh thư là một thông điệp tình yêu ông gửi gắm về hậu phương. Ông dành tiền tiết kiệm mua được cái đài Liên Xô chạy bằng điện nhưng bị cháy mất cái biến thế, đem cuốn lại chắc cũng phải mất 30 đồng, cộng với 50 đồng tiền mua đài là 80 đồng “chỉ 80 đồng thôi, có cái đài nghe thỏa thích, sang trọng, các con mình nhất định sẽ biết thêm nhiều bài hát, gia đình ta sẽ vui lên...”. Những lá thư gửi về là cả một thời gian dài xen lẫn với máu từ chiến trường và những giọt nước mắt của hậu phương. Mặc dù phải lam lũ bươn chải lo cho cuộc sống gia đình nhưng đáp lại những cánh thư chan chứa yêu thương của chồng là những câu thơ đầy son sắt: “Trong em chỉ có một người/ Tim em chỉ có một lời sắt son/Dù cho biển cạn, núi mòn/ Lòng em vẫn giữ thủy chung trọn đời”. Thư của Chương gửi về cho vợ đều kể một vài chuyện nơi chiến trường và giãi bày tình yêu vợ và các con qua nỗi nhớ thương “Nhớ lắm em ơi tháng rưỡi rồi/ Sao nhiều xa cách thế em ơi!/ Sớm trông mặt đất thương xanh núi/ Chiều vọng chân mây tím ngắt trời”.
Trong lá thư thứ 25 ngày 6-3-1967, Phan Huy Chương viết: “Thế là anh đã sang đến đất bạn Lào mấy tháng rồi. Rừng ở đây không giống như rừng ở Việt Nam toàn là rừng khộp, tre nứa thôi, không có những thứ quả ăn được như khế, ổi, tram và dâu da như ở ta. Mùa khô không có nước, mùa mưa thì mưa thối đất, thối cát, chỉ có măng là nhiều vô kể...”. Và sau đó, gia đình không còn nhận được lá thư nào từ chiến trường cho đến ngày 24-11-1967 gia đình nhận được giấy báo tử gửi về…
Nội dung một lá thư được trưng bày tại Bảo tàng quân khu IV. |
Lúc ấy chị Phan Thị Bé mới chỉ ngoài 30 tuổi. Nỗi đau chiến tranh như đè nặng thêm lên đôi vai gầy của người đàn bà liễu yếu đào tơ. “Mất đi người chồng, người cha mà suốt ngày lo cho vợ con, cả thế giới dường như sụp đổ, tôi không nhớ lúc đó mình suy sụp thế nào. Chỉ biết phải dặn lòng phải nuôi nấng các con nên người, khi có điều kiện sẽ tìm mộ anh để các con báo công với ba nó”-bà Phan Thị Bé ngậm ngùi. Thời gian trôi qua, 3 cô gái bé bỏng của liệt sĩ Phan Huy Chương đã lần lượt trở thành những giáo viên và có gia đình riêng. Suốt 10 năm ròng rã vất vả đi tìm mộ liệt sĩ Chương nhưng không có kết quả, gia đình đã sang tận nước Lào nơi ông Chương hy sinh xin một nắm đất để lập bàn thờ hương khói cho người đã khuất. “Ba là một người đàn ông tuyệt vời, sống và chiến đấu một lòng son sắt với lí tưởng, hết mình với đồng đội, hết lòng với gia đình, vợ con”–chị Phan Thị Tố Lan chia sẻ.
Những cánh thư thấm đẫm tình yêu ấy đã được bà Bé cất giữ gần nửa thế kỷ trong hòm đạn và mới đây được gửi tặng cho Bảo tàng Quân khu IV lưu giữ như một kỷ vật thiêng liêng về tình yêu trong thời hoa lửa.
D. HÓA
Ngày 25-7, tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Quỹ mãi mãi Tuổi 20, hành trình “Mỗi nén hương, một tấm lòng” phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Những lá thư thời chiến với lịch sử, truyền thống và văn hóa dân tộc”. Hội thảo tổ chức trên cơ sở tuyển tập “Những lá thư thời chiến Việt Nam” do Đại tá, nhà văn Đặng Vương Hưng thực hiện từ năm 2005–2015 tập hợp hơn 300 lá thư của 127 tác giả thuộc đủ mọi lứa tuổi và tầng lớp xã hội: từ Chủ tịch Nước đến nông dân, công nhân, bộ đội, thanh niên xung phong... Họ giống nhau ở một điểm là đều trực tiếp đi qua chiến tranh. Đặc biệt, đa phần các tác giả, nhân vật trong thư được giới thiệu trong cuốn sách đều là Liệt sĩ, hoặc Thương binh và khi cuốn sách này ra đời thì hầu hết họ đều không còn nữa. Tại Hội thảo, ông Phạm Quang Nghị - nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội, Cựu chiến binh chiến trường B2 trong kháng chiến chống Mỹ, khẳng định: Công việc sưu tầm, biên soạn và xuất bản cuốn sách và tổ chức hội thảo “Những lá thư thời chiến” là quá trình biến những tài sản, kỷ niệm riêng của mỗi người, mỗi gia đình thành tài sản chung của đất nước của các thế hệ, để hiểu sâu sắc hơn về một thời quá khứ đầy đau thương, oanh liệt của đất nước. Tuyển tập Những lá thư thời chiến Việt Nam cùng những tham luận trình bày tại Hội thảo chỉ là bước đầu cho quá trình khám phá, lưu giữ, bảo tồn những giá trị to lớn trong lịch sử dân tộc. |