Những dấu ấn đậm nét của doanh nhân trẻ Đà Nẵng
Trước thềm Đại hội khóa VII (2021-2024), Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng Hà Đức Hùng đã chia sẻ với PV Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng về những dấu ấn nổi bật nhiệm kỳ qua cũng như định hướng trọng tâm của nhiệm kỳ tới.
Ông Hà Đức Hùng.
Sứ mệnh nâng tầm doanh nhân
P.V: Một trong ba mục tiêu trọng tâm Hội đặt ra trong nhiệm kỳ qua là Nâng tầm doanh nhân hiện đã thực hiện thế nào thưa ông?
Ông Hà Đức Hùng: Mục tiêu này được triển khai khá tốt thông qua các chương trình đào tạo, các buổi chia sẻ kinh nghiệm, lối đi, xu hướng của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam như doanh nhân Đặng Văn Thành- Chủ tịch tập đoàn Thành Thành Công, Mai Hữu Tín- Chủ tịch Unigroup, Nguyễn Đức Tài- Chủ tịch Thế giới di động. Ngoài ra, Hội dành nhiều thời gian để đào tạo, nâng cao năng lực cho chính các hội viên, nhất là năng lực quản trị doanh nghiệp. Bởi vì người đứng đầu doanh nghiệp nếu biết nâng tầm, có những chương trình đào tạo giỏi, bản thân họ giỏi lên thì họ sẽ tìm ra đường lối kinh doanh tốt hơn, nâng cao được doanh thu, hiệu quả của doanh nghiệp mình. Cụ thể có khoảng 20 chương trình đào tạo trong nhiệm kỳ. Kết quả là dịch bệnh xảy ra, các hội viên có bị ảnh hưởng tuy nhiên không lớn. Có thể khẳng định, chương trình nâng tầm doanh nhân rất thành công, hội viên thấy được giá trị, lợi ích khi tham gia Hội. Đây không không chỉ là nơi giao lưu, kết nối kinh doanh mà còn là nơi được trưởng thành, được nâng tầm, điều doanh nhân cần nhất.
Hội DNT Đà Nẵng đón nhận Huân chương Lao động Hạng Nhì của Chủ tịch nước.
Dấu ấn công tác xã hội
P.V: Theo ông đâu là dấu ấn nổi bật của Hội trong nhiệm kỳ qua?
Ông Hà Đức Hùng: Một trong những điểm nhấn của nhiệm kỳ này là việc doanh nhân trẻ chung tay với cộng đồng. Trong 3 năm của nhiệm kỳ thì hết 2 năm đại dịch, thành ra Hội xác định phải đồng hành mạnh mẽ cùng thành phố, người dân vượt qua khó khăn này. Từ đó, Hội đã triển khai nhiều chương trình thiết thực hướng về cộng đồng. Trong đó dấu ấn lớn là chương trình ATM gạo, ra đời đúng thời điểm dịch bệnh phức tạp, nhiều người rất khó khăn về lương thực. ATM gạo đã mang đến cho người dân khó khăn của Đà Nẵng 250 tấn gạo, được thành phố đánh giá cao.
Tiếp đến là chương trình đồng hành cùng ngành y tế để huy động tiền bạc mua trang thiết bị y tế cứu người bệnh bị CoVID. Chúng tôi hiểu được ngành y tế muốn mua sắm được thiết bị y tế phải qua quy trình thủ tục, tốn thời gian, tuy nhiên với doanh nhân cứ mua và tặng thì bệnh viện có thiết bị cứu người ngay. Việc cứu người là quan trọng. Ngoài ra, Hội cũng triển khai nhiều chương trình đồng hành với bà con khó khăn của Đà Nẵng thông qua các phiên chợ 0 đồng hay tổ chức các chuyến xe hàng giá gốc về tận khu dân cư trong những ngày thành phố căng mình chống dịch, “ai ở đâu ở yên đó”.
Có thể thấy, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn của đại dịch song các doanh nghiệp hội viên đã nỗ lực duy trì hoạt động, tạo việc làm cho khoảng 60 ngàn lao động, đồng thời tham gia tích cực vào các chương trình hướng về cộng đồng với tổng số tiền gần 20 tỷ đồng.
Hội DNT hỗ trợ thiết bị y tế cho Đà Nẵng chống dịch và triển khai trương trình ATM gạo miễn phí cho cộng đồng.
Hội phải thực sự là mái nhà gắn kết
P.V: Để hoạt động của Hội mạnh thì phải gắn kết tốt hội viên, ông có thể chia sẻ cách làm từ Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng?
Ông Hà Đức Hùng: Hầu như lãnh đạo Hội đều không chuyên trách, không dành nhiều thời gian cho công tác Hội. Tuy vậy, ở Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng đặc biệt xây dựng được khối Văn phòng Hội rất mạnh, với 4 nhân sự chuyên trách, có thời gian làm việc dài, năng động, chuyên nghiệp. Khi Hội đưa ra chương trình, các bạn lên kế hoạch chi tiết ngay, đưa ra nhiều phương án, đánh giá hiệu quả, lãnh đạo Hội chỉ việc ra quyết định lựa chọn phương án nào phù hợp nhất. Ngoài ra, nhân sự Văn phòng hội còn chia nhau đi nắm hội viên rất tốt (ai thuận lợi, khó khăn gì, cần hỗ trợ, kết nối gì). Từ đó, hội viên thấy Hội là nơi gần gũi, gắn bó. Đặc biệt, trong Hội thành lập được Ban tư vấn. Ban này đến từng doanh nghiệp để chia sẻ từng giải pháp mới, tư vấn cho doanh nghiệp để họ vượt qua khó khăn. Điều đó tạo sự kết nối lâu dài.
P.V: Thưa ông chương trình phản biện, góp ý về các chính sách của thành phố với doanh nghiệp được Hội thực hiện thời gian qua thế nào?
Ông Hà Đức Hùng: Nhiệm kỳ qua Hội góp ý khoảng 20 chính sách, từ đơn giá đất, hỗ trợ doanh nghiệp khoa học công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, chính sách dành cho doanh nghiệp muốn đầu tư về sở hữu trí tuệ… Điểm nổi bật nhiệm kỳ này là khi chính sách chuẩn bị ra đời thì Hội đã được tham gia góp ý chứ không đợi ra đời rồi, có trục trặc mới góp ý, lúc đó rất khó. Nhờ tham gia phản biện, góp ý ngay từ đầu nên các chính sách khi ban hành được doanh nghiệp hấp thụ ngay, mang lại hiệu quả rõ rệt, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tốt lên.
Chú trọng chuyển đổi số cho doanh nghiệp
P.V: Mục tiêu nổi bật của Hội trong thời gian tới là gì thưa ông?
Ông Hà Đức Hùng: Nhiệm kỳ tới Hội mong muốn doanh nhân trẻ giữ vai trò là cánh tay đắc lực để lãnh đạo thành phố giao các nhiệm vụ. Vừa qua, thành phố có nghị quyết về chuyển đổi số, Hội đã xung phong nhận trách nhiệm triển khai chuyển đổi số cho doanh nghiệp phù hợp với tình hình mới. Nhiều hội viên làm về mảng chuyển đổi số rất mạnh, đã chia sẻ cho hội viên khác về cách thức, con đường đi đến chuyển đổi số thành công. Thực tế, trong Hội đã có nhiều mô hình chuyển đổi số thành công, mang lại hiệu quả kinh doanh rõ rệt, như Dinco, Việt-Séc, Hà Giang- Phước Tường… Có thể nói, bên cạnh các chương trình về công tác xã hội, hỗ trợ khởi nghiệp, góp ý chính sách, thì mục tiêu trọng tâm nhiệm kỳ này Hội hướng tới là nâng cao quản trị, kinh doanh của doanh nghiệp từ chuyển đổi số. Doanh nhân trẻ phải đi đầu về chuyển đổi số.
P.V: Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.
HẢI QUỲNH (thực hiện)