Những dấu vết đầu tiên của cộng đồng cư dân cổ ở An Khê

Thứ bảy, 30/03/2019 10:00

Sau nhiều năm, dưới những lớp trầm tích đã được các nhà khoa học, khảo cổ phát hiện, xác lập một hệ thống các di tích sơ kỳ Đá cũ tại TX An Khê (Gia Lai), mang tên kỹ nghệ An Khê. Với việc phát hiện đó, kỹ nghệ Đá cũ An Khê đã và đang làm thay đổi nhận thức về lịch sử vùng đất và hé lộ về những dấu vết đầu tiên của cộng đồng cư dân cổ cách đây 800.000 năm. Đây được xem là mốc mở đầu cổ nhất hiện biết về sự xuất hiện của con người và di tồn văn hóa của họ trên lãnh thổ Việt Nam.

Các nhà khảo cổ Việt - Nga tại hố khảo cổ Rộc Tưng.

Những ngày này, UBND tỉnh Gia Lai, TX An Khê cùng Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội (KH-XH) Việt Nam và các cơ quan chức năng đang tích cực chuẩn bị cho Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ 2 với nội dung "Kỹ nghệ Đá cũ An Khê trong bối cảnh các kỹ nghệ ghè hai mặt ở Châu Á". Hội thảo lần này nhằm tiếp tục đánh giá, phản biện, củng cố các nhận định khoa học về một hệ thống di tích sơ kỳ Đá cũ tại TX An Khê mang tầm vóc quan trọng cả khu vực và thế giới. Đồng thời, thúc đẩy nghiên cứu mở rộng, chuyên sâu về sơ kỳ Đá cũ được phát hiện ở TX An Khê từ năm 2014 đến nay.

Từ những vết tích hé lộ đầu tiên với những di vật đá, năm 2014, Sở VH-TT&DL tỉnh Gia Lai chủ trì triển khai đề tài cấp tỉnh "Lịch sử Gia Lai từ nguồn gốc đến nay", bước đầu phát hiện một số di tích thời đại Đá cũ ở thượng lưu sông Ba. Đến tháng 6-2014, Viện Khảo cổ học thuộc Viện Hàn lâm KH-XH Việt Nam triển khai đề tài cấp bộ "Nghiên cứu hệ thống di tích thời đại Đá vùng thượng du sông Ba, tỉnh Gia Lai". Kết quả nghiên cứu và khai quật đã phát hiện 5 di tích thời đại Đá cũ ở TX An Khê gồm Gò Đá, Rộc Tưng, Rộc Hương, Rộc Giáo và Rộc Lớn. Cuối năm 2014, các di tích được thẩm định và chính thức đưa vào Chương trình hợp tác quốc tế nghiên cứu quá khứ xa xưa của Việt Nam giữa Viện Khảo cổ học Việt Nam và Viện Khảo cổ học - Dân tộc học Novosibirsk (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga) giai đoạn 2015-2019.

Những công cụ bằng đá tìm thấy tại TX An Khê xác định cách nay trên dưới 800.000 năm.

Cứ vào mỗi mùa khô, các nhà khảo cổ lại đến vùng đất An Khê nghiên cứu, khảo sát và phát hiện hơn 20 di chỉ sơ kỳ Đá cũ trong vùng đồi gò thung lũng An Khê. Đặc biệt tại khu vực Gò Đá, P. An Bình và Rộc Tưng, xã Xuân An đã khai quật tổ hợp công cụ đá với hàng nghìn hiện vật, bước đầu xác định niên đại cách ngày nay 800.000 năm. Đáng chú ý nhất là đã phát hiện 14 di tích Đá cũ nằm xung quanh khu vực Rộc Tưng, hợp thành một quần thể di tích tập trung trong thung lũng bồn địa xã Xuân An, TX An Khê. Việc phát hiện hệ thống các di tích sơ kỳ đá cũ ở An Khê là bằng chứng khẳng định vùng đồi gò An Khê ở thượng du sông Ba thuộc dạng hình chuyển tiếp từ cao nguyên xuống vùng đồng bằng, từ rất sớm có thể đã là địa bàn sinh sống của Người vượn đứng thẳng - Homo erecetus. Với những phát hiện mang tính thay đổi về lịch sử cũng như nhận thức mới về nghiên cứu sự phát triển của loài người, sự kiện này  được bình chọn là Top 10 sự kiện khoa học tiêu biểu năm 2016. Theo đánh giá của Tiến sĩ Nguyễn Gia Đối, Quyền Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam, đáng chú ý nhất trong các sưu tập công cụ đá ở đây là các công cụ ghè hai mặt (biface), đặc biệt là những chiếc rìu tay (handaxe) tuy không nhiều nhưng mang những đặc trưng của rìu tay giai đoạn tối cổ của nhân loại. "Khi phân tích so sánh về mặt hình thái và kỹ thuật sưu tập công cụ đá ở An Khê với một số di tích sơ kỳ khác ở Hàn Quốc, Ấn Độ và Trung Quốc, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, các chế phẩm tìm thấy ở An Khê còn có một số nét cổ xưa hơn. Niên đại của các di tích Đá cũ ở An Khê đã dần được khẳng định với các chứng cứ về mặt địa tầng, loại hình di vật và niên đại phân tích từ tectite (thiên thạch) gần đây. Khung niên đại cho các di tích Đá cũ An Khê cách đây khoảng trên dưới 800.000 năm là có thể chấp nhận được trong bối cảnh Đá cũ ở Đông Á, đặc biệt là ở Bắc Sắc (Quảng Tây, Trung Quốc)-nơi đã phát hiện kỹ nghệ Đá cũ gần tương tự kỹ nghệ An Khê", Tiến sĩ Nguyễn Quang Đối khẳng định. Tiến sĩ Aleksander Alekseevich Tsybankov, Viện Khảo cổ học và Dân tộc học Novosibirsk chung quan điểm: "Việc tồn tại một nhóm di tích của cư dân sơ kỳ thời đại đồ Đá cũ tại An Khê, Gia Lai là điều chắc chắn. Các di tích ở đây có niên đại rất sớm so với khu vực Châu Âu, tương đương niên đại so với vùng Bách Sắc của Trung Quốc. Đây là một trong những địa điểm để giúp chúng ta nhìn nhận lại sự phát hiển tiến hóa, di cư của những con người đầu tiên trên trái đất".

Theo đánh giá của các nhà khoa học, nhà khảo cổ, những phát hiện kỹ nghệ Đá cũ An Khê đã làm thay đổi nhận thức về lịch sử vùng đất và đời sống của tổ tiên hàng trăm nghìn năm trước. Lâu nay, chúng ta vẫn lấy thời điểm xuất hiện Người vượn đứng thẳng-Homo erectus ở Thẩm Khuyên và Thẩm Hai (Lạng Sơn) cách đây 500.000 năm làm mốc mở đầu cho lịch sử Việt Nam. Tuy nhiên, với việc phát hiện di tích Đá cũ An Khê, chúng ta có thêm cơ sở kéo dài lịch sử Việt Nam về phía trước. Không chỉ thế, từ những kết quả khảo cổ, nghiên cứu đã bổ sung thêm vào bản đồ kỹ nghệ sơ kỳ Đá cũ thế giới cũng như đóng góp những tư liệu quý báu cho việc tìm hiểu con đường hình thành văn hóa đầu tiên của nhân loại.

MINH TÂN