Những điểm nhấn trong việc thực hiện đột phá phát triển ngành du lịch

Thứ ba, 13/10/2020 11:12

Đồng chí TRƯƠNG THỊ HỒNG HẠNH

Giám đốc Sở Du lịch thành phố

 

Trong thời gian qua, du lịch Đà Nẵng đã có bước tăng trưởng ấn tượng, định vị được thương hiệu trên bản đồ du lịch thế giới như là điểm đến quốc tế an toàn, hấp dẫn và mến khách. Du lịch Đà Nẵng phát triển trong bối cảnh có nhiều thuận lợi, du lịch thế giới đang trên đà tăng trưởng mạnh cùng với xu hướng khách dịch chuyển đến các điểm đến châu Á, tình hình chính trị - xã hội của đất nước và thành phố ổn định, kinh tế phát triển và hội nhập quốc tế sâu rộng; nhiều chủ trương và chính sách lớn về du lịch được ban hành như Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời với sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch cùng sự hỗ trợ của các bộ ngành Trung ương; sự chỉ đạo sâu sát và kịp thời của Thành ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố với nhiều giải pháp và tư duy sáng tạo đột phá; sự phối hợp, hỗ trợ của các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp; sự đồng thuận của người dân và nỗ lực của toàn ngành, ngành du lịch thành phố thời gian qua đã thực sự thể hiện vai trò ngành kinh tế mũi nhọn, khẳng định vị trí, thương hiệu du lịch xứng tầm khu vực và quốc tế với nhiều giải thưởng, danh hiệu quốc tế như điểm đến hấp dẫn, điểm đến mới nổi ở Châu Á và thế giới, điểm đến sự kiện lễ hội hàng đầu Châu Á, đứng đầu trong Top 10 điểm đến toàn cầu năm 2020 do Google bình chọn. Du lịch còn có đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế chung của địa phương, làm thay đổi diện mạo đô thị trở nên khang trang, hiện đại, lan tỏa thúc đẩy tăng trưởng phát triển các ngành khác như vận tải, thương mại, ngân hàng, xây dựng, kinh doanh bất động sản, góp phần tăng nguồn thu ngân sách và giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Một số điểm nhấn hiệu quả đạt được qua việc thực hiện đột phá phát triển ngành du lịch trong 5 năm qua phải kể đến, đó là:

Quan điểm và sự chỉ đạo xuyên suốt quyết liệt từ Trung ương đến địa phương để thúc đẩy phát triển du lịch

Trên cơ sở quan điểm định hướng phát triển Đà Nẵng tại Nghị quyết 33-NQ/TW của Bộ Chính trị (VIII) về xây dựng và phát triển thành phố trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, liên tục từ hơn 15 năm qua, các cấp lãnh đạo thành phố đã có quyết tâm và tầm nhìn chiến lược cho sự phát triển du lịch thành phố gắn với tài nguyên, lợi thế của Đà Nẵng, đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại và đồng bộ; hỗ trợ, kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước đầu tư hình thành hệ thống cơ sở vật chất, điểm tham quan, vui chơi giải trí phục vụ du lịch nhằm đạt mục tiêu đưa du lịch trở thành  ngành kinh tế mũi nhọn, có thương hiệu, có khả năng cạnh tranh quốc tế. Điều này đã được khẳng định tại Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đặc biệt, những năm gần đây, với nhiều chủ trương và chính sách lớn về du lịch được ban hành như Nghị quyết số 08-NQ/TW và Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị, du lịch Đà Nẵng đã có thêm động lực và điều kiện mới để phát triển. Theo đó, quan điểm chỉ đạo của thành phố trong giai đoạn mới sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đạt được và phát triển Đà Nẵng theo hướng đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh, mang tầm quốc tế và có bản sắc riêng; phát triển kinh tế nhanh và bền vững; tập trung phát triển du lịch thành 1 trong 3 trụ cột chính của thành phố. Đồng thời có chính sách ưu tiên nguồn lực, chú trọng phát triển du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng.

Huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển du lịch

Năm năm qua, cùng với nguồn lực đầu tư công, thành phố đã có nhiều chủ trương linh hoạt, tạo điều kiện hỗ trợ thu hút đầu tư, thực tế đã phát huy hiệu quả với sự thay đổi và phát triển mạnh mẽ của hệ thống cơ sở vật chất, phương tiện, điểm tham quan vui chơi giải trí ...đưa vào khai thác phục vụ du lịch từ nguồn lực của các doanh nghiệp.Một số dự án du lịch lớn đưa vào hoạt động của các nhà đầu tư chiến lược như Tập đoàn Sun Group, DHC, BRG, AHT, Vin group..., góp phần quan trọng thay đổi diện mạo du lịch thành phố theo hướng chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của du khách trong nước và quốc tế. Ước tính nguồn vốn đầu tư công cho phát triển du lịch và cho cơ sở hạ tầng hỗ trợ phục vụ du lịch trong giai đoạn 2016-2020 đạt khoảng hơn 1.000 tỷ đồng; nguồn vốn doanh nghiệp đầu tư cho du lịch thành phố ước tính hơn 76 ngàn tỷ đồng (trong đó: đầu tư nhà ga hành khách quốc tế - Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng 3.500 tỷ đồng; cơ sở lưu trú du lịch, nhà hàng ước 65.000 tỷ đồng; khu điểm du lịch ước 10.000 tỷ đồng; tàu du lịch ước 123 tỷ đồng; đội xe vận chuyển khoảng trên 3.000 tỷ đồng và  cơ sở dịch vụ khác phục vụ du lịch...).

Tốc độ tăng trưởng du lịch ấn tượng trong giai đoạn 2016-2019

Thành phố Đà Nẵng nhận giải thưởng “Điểm đến sự kiện lễ hội hàng đầu Châu Á” tại World Travel Awards năm 2016.

Tốc độ tăng trưởng bình quân về khách du lịch đến Đà Nẵng trong giai đoạn này đạt 16,73%, tăng 3,67 điểm phần trăm so với chỉ tiêu đề ra tại Chương trình hành động số 06-CTr/TU ngày 16/5/2016 của Thành ủy Đà Nẵng thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội lần thứ XXI Đảng bộ thành phố (13,06%); trong đó tốc độ tăng trưởng khách quốc tế đạt 29,15%, tăng 15,51 điểm phần trăm. Năm 2016, Đà Nẵng đón 5,5 triệu lượt khách tham quan, du lịch với 1,6 triệu lượt khách quốc tế thì đến năm 2019 đã đón 8,6 triệu lượt khách tham quan, du lịch (tăng 1,56 lần so với năm 2016) với 3,5 triệu lượt khách quốc tế (tăng 2 lần so với năm 2016). Trong đó, năm 2018 ngành du lịch sớm hoàn thành chỉ tiêu về lượng khách quốc tế so với mục tiêu giai đoạn đề ra với 2,87 triệu lượt[1].

Tốc độ tăng trưởng bình quân về tổng thu du lịch giai đoạn 2016-2019 đạt 24,6%, tăng 5,5 điểm phần trăm (chỉ tiêu là 19,1%). Tổng thu du lịch năm 2016 đạt hơn 16 ngàn tỷ đồng, đến năm 2019 đã đạt hơn 30 ngàn tỷ đồng (tăng gấp 1,9 lần). Đóng góp của ngành du lịch vào GRDP thành phố hằng năm đều tăng và chiếm tỷ trọng lớn: năm 2016 là 23,72%; năm 2017 là 24,1%; năm 2018 là 26,35% và năm 2019 là 31,4% (trong đó đóng góp trực tiếp vào ngành du lịch là 13,7%, đóng góp lan tỏa vào các ngành, lĩnh vực khác là 17,7%). Ngành du lịch tạo ra nhiều việc làm, lao động với 35.921 lao động (năm 2016), đến năm 2019 con số này là 50.963 lao động, tăng gấp 1,4 lần so với năm 2016. Cơ cấu giá trị tăng thêm (VA) khu vực dịch vụ, du lịch năm 2019 trong quy mô nền kinh tế thành phố chiếm 64,35%.

Sản phẩm du lịch ngày càng được quan tâm đầu tư có chiều sâu, đa dạng, đảm bảo chất lượng dịch vụ đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của du khách, đạt nhiều danh hiệu, giải thưởng quốc tế, khẳng định vị thế của du lịch Đà Nẵng[2]

Tính đến tháng 8/2020, trên địa bàn thành phố có 398 đơn vị kinh doanh lữ hành[3], tăng 128 đơn vị so với năm 2016; 14 khu, điểm du lịch, tăng 05 khu, điểm so với thời điểm đầu năm 2016; 1.080 cơ sở lưu trú du lịch với 42.863 phòng, tăng 505 cơ sở và 21.539 phòng so với năm 2016[4]. Nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp với các thương hiệu nổi tiếng thế giới đã hội tụ tại Đà Nẵng như Intercontinental, Hyatt, Pullman, Sheraton, Marriott, Hilton, Novotel...các khu, điểm tham quan, du lịch đặc sắc như Khu du lịch Sun World Bà Nà Hill, Sun World Da Nang Wonders, Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Di tích quốc gia đặc biệt danh thắng Ngũ Hành Sơn, Bảo tàng Đà Nẵng, Công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài, Bảo tàng nghệ thuật tranh 3D Art Paradise, Bảo tàng Mỹ Thuật, Khu du lịch Yên Retreat (mô hình du lịch sinh thái mới); điểm du lịch cộng đồng người Cơtu tại Tà Lang - Giàn Bí, Hòa Vang (mô hình du lịch cộng đồng mới); Sân golf Bà Nà; Chợ đêm Sơn Trà; tour du ngoạn Đà Nẵng bằng trực thăng; tour du lịch đường thủy nội địa.... Đặc biệt, Cầu Vàng tại Khu du lịch Sun World Bà Nà Hills đã trở thành sản phẩm mới độc đáo thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến thành phố.

Cầu Vàng Đà Nẵng.

Bên cạnh đó, các lễ hội, sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch đặc sắc, quy mô được tổ chức tại Đà Nẵng những năm qua cũng là những sản phẩm giá trị, thực sự hấp dẫn du khách như Cuộc thi Marathon quốc tế, IRONMAN 70.3, show diễn “Charming Đà Nẵng”, Hồn Việt... và đặc biệt là Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng. Ngoài ra, nhiều sự kiện, hội nghị quốc tế với sự góp mặt của các chính khách, tỷ phú, nhà đầu tư trên thế giới như: Cuộc đua thuyền buồm quốc tế Clipper Race 2016, Đại hội Thể thao bãi biển Châu Á ABG5-2016, Hội chợ Du lịch quốc tế Đà Nẵng 2016, Đại hội du lịch Golf Châu Á 2017, Tuần lễ cấp cao APEC 2017… được tổ chức thành công cùng với các giải thưởng, danh hiệu điểm đến hấp dẫn do Tổ chức Du lịch Thế giới, Tạp chí du lịch và chuyên trang du lịch hàng đầu thế giới bình chọn trong những năm gần đây[5] đã giúp Đà Nẵng vượt qua nhiều tên tuổi lớn như Tokyo, Seoul hay Sao Paulo để vươn lên dẫn đầu trong top 10 danh sách các điểm đến toàn cầu năm 2020, tiếp tục định vị hình ảnh và khẳng định thương hiệu du lịch Đà Nẵng trên toàn cầu.

Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch có nhiều đổi mới, sáng tạo về phương thức và nội dung

Trong hành trình phát triển du lịch, ngoài những yếu tố như đầu tư sản phẩm phù hợp, chính sách hỗ trợ của nhà nước, việc ứng dụng công nghệ trong truyền thông du lịch đã được thành phố chú trọng đầu tư để bắt kịp với xu hướng công nghệ 4.0 của thế giới. Khẩu hiệu “Đà Nẵng FantastiCity” (Đà Nẵng thành phố tuyệt vời) ra đời cùng với bộ nhận diện chung cho du lịch Đà Nẵng gồm ấn phẩm, quà tặng, sự kiện, băng rôn, các hoạt động xúc tiến và gần đây nhất là mascot Danang FantastiCity cũng đã góp phần không nhỏ quảng bá và thúc đẩy sự phát triển vượt bậc của ngành du lịch. Vào tháng 12/2016, Đà Nẵng là nơi đầu tiên ở Việt Nam cho ra mắt ứng dụng du lịch chính thống hỗ trợ du khách,  tiếp đó vào tháng 11/2017, Đà Nẵng trở thành một trong những nơi đầu tiên tại Đông Nam Á triển khai chatbot giúp tương tác với du khách nhiều hơn. Bên cạnh Cổng thông tin du lịch Đà Nẵng (danangfantasticity.com) đã được triển khai với  05 ngôn ngữ[6]; Đà Nẵng cũng phát triển các trang mạng xã hội Facebook, Instagram, Youtube, Twitter, Tiktok, website danangticket.com, các trang mạng dành riêng cho từng thị trường Weibo (Trung Quốc) và Naver (Hàn Quốc)… và điểm nhấn gần đây nhất là video giới thiệu về du lịch Đà Nẵng trên kênh truyền hình BBC ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương - một trong những kênh truyền hình lớn nhất thế giới. Ngoài ra, du lịch Đà Nẵng đã mạnh dạn thí điểm lập đại diện du lịch Đà Nẵng tại Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản cùng với việc thành lập Quỹ Xúc tiến phát triển du lịch... đã giúp du lịch thành phố tiếp cận và bắt kịp nhanh nhất xu hướng du lịch thế giới, từ đó  mở ra những cơ hội lớn để đẩy mạnh thu hút khai thác các thị trường khách du lịch trong và ngoài nước đồng thời góp phần quan trọng trong mở rộng, tăng tần suất chuyến bay và mở thêm các đường bay quốc tế trực tiếp đến Đà Nẵng. Tính đến tháng 01/2020, có tổng cộng 37 đường bay quốc tế đến Đà Nẵng với tần suất 536 chuyến/tuần (tăng 17 đường bay so với năm 2016) và 9 đường bay nội địa với tần suất 697 chuyến/tuần[7] và đặc biệt việc khai trương đường bay Doha - Đà Nẵng đã góp phần đưa Đà Nẵng đến gần hơn với các thị trường xa như Châu Âu, Châu Mỹ, Trung Đông.

Đón đường bay Qatar - Đà Nẵng năm 2018.

Môi trường du lịch được tích cực đảm bảo

Với chủ trương đúng đắn của việc thực hiện Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015, năm 2016 và thành phố 4 an (an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm, an sinh xã hội) trong năm 2017, Đà Nẵng đã xây dựng  và giữ gìn thành công  hình ảnh thành phố xanh sạch đẹp, văn minh, đảm bảo an ninh trật tự tốt, qua đó tạo ra môi trường  du lịch an ninh an toàn được nhân dân và du khách đánh giá cao. Bên cạnh đó, các sở, ngành liên quan và ủy ban nhân dân các quận, huyện đã tích cực phối hợp triển khai các biện pháp  chấn chỉnh các hoạt động kinh doanh chưa đúng quy định, chèo kéo, đeo bám khách du lịch, chống thất thu thuế, quản lý người nước ngoài... Tổ phản ứng nhanh du lịch và Trung tâm hỗ trợ du khách tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động[8] trong cung cấp thông tin và hỗ trợ du khách. Hệ thống nhà vệ sinh công cộng được đầu tư hoàn thiện, dự án nhà vệ sinh cộng đồng “Thoải mái như ở nhà” (Comfort as home) tại các khu vực tập trung đông du khách được đánh giá cao; công tác tuyên truyền, phát động phong trào Ngày Chủ nhật Xanh - Sạch - Đẹp, chiến dịch Nói không với túi ni lông và rác thải nhựa, chiến dịch “Du lịch xanh - Go Green”, “Clean for Sơn Trà”, dự án “Cá bống ăn rác”, ra quân dọn vệ sinh, giữ gìn môi trường du lịch và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, văn hóa lịch sử, được quan tâm duy trì thực hiện; công tác cứu hộ cứu nạn tại các bãi biển du lịch được tích cực đảm bảo, triển khai tốt công tác quản lý khách tham quan, dã ngoại tại bán đảo Sơn Trà. Bên cạnh đó, cộng đồng người dân Đà Nẵng chân thành, hiền hoà, mến khách cũng thực sự góp phần quan trọng tạo ra sức hấp dẫn riêng thu hút khách đến Đà Nẵng.

Để phát huy những thành quả nêu trên và tiếp tục tăng tốc phát triển bền vững trong thời gian tới, du lịch Đà Nẵng nhận diện một số hạn chế, khó khăn, thách thức cần vượt qua, đó là: tác động của  biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh; sự cạnh tranh điểm đến “khốc liệt” trong và ngoài nước; sự thiếu bền vững về cơ cấu thị trường, chất lượng tăng trưởng, quy mô doanh nghiệp nhỏ, thiếu vững mạnh và năng lực cạnh tranh thấp, nguồn lực đầu tư công cho phát triển hạ tầng phục vụ du lịch còn hạn chế, thiếu cơ chế chính sách đặc thù cho phát triển du lịch từ TW đến địa phương. Thêm vào đó, đại dịch COVID-19 với nhiều diễn biến phức tạp trên toàn cầu đã và đang gây thiệt hại nghiêm trọng đến các ngành kinh tế, đặc biệt là du lịch, dịch vụ; trong năm 2020, ước thiệt hại tổng thu của cả ngành du lịch thành phố khoảng 26 ngàn tỷ đồng[9], lượng lao động trong ngành du lịch phải tạm ngừng việc, nghỉ việc từ đầu tháng 8/2020 đến nay ước khoảng 31.874 người/50.963 người; cả năm 2020, tổng khách tham quan, du lịch Đà Nẵng chỉ ước đạt hơn 2,7 triệu lượt, giảm 68,6% so cùng kỳ năm 2019, tổng thu du lịch ước đạt hơn 10 ngàn tỷ đồng, giảm 65,1% so với năm 2019; dự kiến ảnh hưởng của dịch bệnh sẽ còn kéo dài, đến năm 2022, du lịch mới phục hồi như năm 2019; tâm lý và thói quen du lịch của du khách do đó sẽ có nhiều thay đổi, đòi hỏi các sản phẩm, dịch vụ phải nhanh chóng điều chỉnh để đáp ứng. Du lịch phát triển nhanh cũng kéo theo nhiều vấn đề cần giải quyết như hoạt động du lịch và hướng dẫn viên trái phép, trốn thuế, “các chiêu thức lách luật”, sự quá tải về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông cùng với việc duy trì đảm bảo an ninh trật tự, môi trường du lịch an toàn, hỗ trợ khách du lịch … đã làm phát sinh khối lượng công việc nhiều, phức tạp, đòi hỏi nỗ lực rất lớn của các cấp lãnh đạo thành phố, các sở, ban, ngành và địa phương trong công tác quản lý nhà nước, quản lý địa bàn.

Trên cơ sở nhận định lại những kết quả của giai đoạn 2016-2020, dự báo xu hướng phát triển du lịch của thế giới và bối cảnh dịch bệnh COVID-19 trên toàn cầu chưa có dấu hiệu chấm dứt, ngành Du lịch đang thực hiện cơ cấu lại và định hướng phát triển du lịch cho giai đoạn 2021-2025 đảm bảo đạt mục tiêu đã được xác định là một trong năm lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của thành phố tại Nghị quyết 43-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị. Theo đó, Đà Nẵng định hướng phát triển du lịch bền vững theo chiều sâu, chuyên nghiệp và hiệu quả. Phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm và mang đặc trưng bản sắc riêng. Đa dạng hóa các sản phẩm/dịch vụ du lịch, chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch - dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng. Ưu tiên khai thác tiềm năng phát triển kinh tế ban đêm theo đặc thù riêng và tình hình thực tế của Đà Nẵng trên 4 lĩnh vực hoạt động/du lịch (văn hóa - vui chơi giải trí, ăn uống, mua sắm, tham quan - du lịch) nhằm tận dụng tối đa cơ hội mới cho phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân; đồng thời hạn chế những rủi ro, tác động tiêu cực đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và sinh hoạt bình thường của người dân. Hạn chế phụ thuộc vào một số thị trường và có kịch bản xử lý rủi ro, kịp thời ứng phó biến động thị trường,  kinh tế - xã hội, dịch bệnh, biến đổi khí hậu. Định hướng phát triển du lịch Đà Nẵng đến năm 2025 được xác định với các nội dung trọng tâm như sau:

Một là, định hướng quy hoạch và phát triển du lịch theo hướng bền vững. Phát triển du lịch bền vững về quy hoạch không gian, sản phẩm, thị trường, môi trường du lịch và nguồn nhân lực - chất lượng dịch vụ.

- Về quy hoạch không gian: Phát triển du lịch trên toàn thành phố với trọng tâm dọc theo bờ biển Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn (Bờ Đông), ven vịnh Đà Nẵng, khu vực đồi phía Tây và Bán đảo Sơn Trà để khai thác hiệu quả các tài nguyên mặt nước tự nhiên, di tích văn hóa lịch sử, cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học. Toàn bộ thành phố sẽ trở thành một điểm du lịch đặc sắc với 6 nút du lịch theo chuyên đề gồm nút du lịch đô thị tại trung tâm thành phố với điểm nhấn là thành phố cổ; nút du lịch sinh thái cộng đồng tại các vùng núi và hồ chứa phía Tây và Bán đảo Sơn Trà; nút du lịch tàu biển tại Cảng Tiên Sa; nút văn hóa, thể thao quanh các trung tâm thể thao văn hóa thành phố và khu danh thắng Ngũ Hành Sơn; nút du lịch ven bờ Đông và nút du lịch ven vịnh Đà Nẵng. Chú trọng phát triển kinh tế ban đêm, ưu tiên quy hoạch các khu tổ hợp giải trí ban đêm riêng biệt và xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích phát triển.

- Về sản phẩm: Ưu tiên phát triển theo 04 nhóm sản phẩm chủ lực là du lịch biển, nghỉ dưỡng cao cấp; du lịch mua sắm, vui chơi giải trí, golf, hội nghị hội thảo (MICE); du lịch văn hoá, lịch sử, tâm linh, cộng đồng, sinh thái (gắn với nông nghiệp công nghệ cao) và du lịch đô thị gắn với thành phố trung tâm của cả khu vực. Đặc biệt chú trọng phát triển sản phẩm, dịch vụ tham gia phát triển kinh tế ban đêm. Đa dạng hóa sản phẩm hỗ trợ: du lịch ẩm thực, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch cưới.

- Về thị trường: Trước mắt, triển khai đồng thời mục tiêu kép vừa thực hiện công tác phòng chống dịch vừa khôi phục hoạt động kinh doanh du lịch. Xây dựng và triển khai kế hoạch khôi phục và tổ chức hoạt động du lịch trong tình hình bình thường mới. Tăng tỷ lệ khách có khả năng chi trả cao. Đa dạng hóa các thị trường khách quốc tế, hạn chế phụ thuộc vào một số thị trường. Có kịch bản xử lý rủi ro, ứng phó biến động thị trường. Đối với thị trường nội địa: Tập trung quảng bá du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch giải trí, du lịch MICE, du lịch trải nghiệm điểm check-in mới... đối với thị trường lớn: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh phía Bắc, các tỉnh vùng Tây Nguyên; mở rộng khai thác các thị trường tiềm năng: Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa các tỉnh Tây Bắc và Tây Nam Bộ. Đối với thị trường quốc tế: Tiếp tục khai thác thị trường khách trọng điểm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đông Nam Á, Hồng Công, Đài Loan, trong đó tập trung vào phân khúc khách chất lượng cao và khách đi tự túc (FIT); mở rộng khai thác thị trường tiềm năng Ấn Độ, Nga, Úc, Châu Âu, Mỹ và Trung Đông. Cơ cấu lại thị trường khách quốc tế theo hướng tăng tỷ lệ khách từ các thị trường xa (Bắc Mỹ, Châu Âu và Châu Đại Dương) lên 20% và thị trường ASEAN (Thái Lan, Malaysia và Singapore) lên 20%, giảm tỷ lệ khách từ khu vực Đông Bắc Á xuống 55%, điều chỉnh tỷ lệ các thị trường khác ở mức là 5%.

Cuộc thi trình diễn Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng trở thành một trong những sản phẩm du lịch độc đáo của thành phố trong những năm qua.

- Về môi trường du lịch: Xây dựng và giữ gìn môi trường du lịch, chú trọng có các biện pháp hiệu quả và đồng bộ để giữ gìn môi trường biển, môi trường an ninh trật tự, an toàn tại các cơ sở dịch vụ phục vụ khách du lịch. Nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường du lịch trong cộng đồng; lấy cộng đồng dân cư là nhân tố trọng tâm, quan trọng trong phát triển du lịch, hướng đễn mỗi người dân là một người hướng dẫn du lịch để khẳng định thương hiệu điểm đến Đà Nẵng an toàn - hấp dẫn, mến khách.

- Về nguồn nhân lực - chất lượng dịch vụ: Tổ chức triển khai 10 bộ tiêu chí chuẩn chuyên nghiệp trong hoạt động du lịch và phục vụ khách du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ và ngoại ngữ hàng năm. Tổ chức các hội thi tay nghề giỏi, chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn. Phối hợp, liên kết chặt chẽ với các cơ sở đào tạo du lịch để đào tạo và đào tạo lại sinh viên, người lao động. Nghiên cứu đề xuất các chính sách thu hút chuyên gia giỏi, có tay nghề và kinh nghiệm trong và ngoài nước đến làm việc, phục vụ yêu cầu phát triển du lịch.

Hai là, ưu tiên nguồn lực đầu tư công cho phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch và hỗ trợ hình thành các sản phẩm/dịch vụ du lịch. Mở rộng, nâng cấp cơ sở vật chất tại Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, Cảng biển Tiên Sa, phấn đấu đến năm 2030 Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng đạt công suất 30 triệu lượt khách/năm. Xây dựng và triển khai Đề án phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ liên quan đến du thuyền trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Đầu tư và kêu gọi đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông đường thủy nội địa theo kế hoạch đến năm 2025. Tập trung kêu gọi đầu tư Cảng Sông Hàn, Cảng Sông Thu; các bến du thuyền được quy hoạch, các điểm dừng chân phục vụ du lịch đường thủy nội địa. Đầu tư, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đến các khu, điểm du lịch phía Tây thành phố; xây dựng các điểm trung chuyển, các bãi đỗ xe công cộng, trong đó ưu tiên đầu tư sớm các bãi đỗ xe quận Hải Châu, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, lối qua đường Võ Nguyên Giáp, Hoàng Sa, Trường Sa. Hình thành và kết nối tổ chức tuyến xe buýt du lịch liên kết 03 địa phương Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam. Hỗ trợ đưa vào hoạt động và khai thác hiệu quả dự án tàu du lịch đầu máy hơi nước giữa thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế. Tập trung đầu tư 03 dự án phát triển kinh tế ban đêm (Tuyến phố đi bộ Bạch Đằng - Nguyễn Văn Trỗi - Trần Hưng Đạo, Phố du lịch An Thượng, Khu vực bãi biển Phố du lịch An Thượng). Kêu gọi đầu tư hệ thống giao thông vận tải công cộng khối lượng lớn như dự án hệ thống xe điện bánh sắt Tramway; dự án tàu điện kết nối giữa thành phố Đà Nẵng và Hội An (Quảng Nam). Ưu tiên đầu tư công để nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế ban đêm như hệ thống điện chiếu sáng công cộng, chiếu sáng trang trí, cấp điện tổ chức sự kiện trên một số tuyến đường[10] và quảng trường khu vực trung tâm thành phố; đầu tư nâng cấp hạ tầng (điện, nước, đường giao thông...) tại bán đảo Sơn Trà. Vận động các khu điểm du lịch đầu tư nâng cấp nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn; kêu gọi đầu tư hệ thống nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn tại một số khu vực tập trung đông người. Đầu tư các tiện ích dọc biển và các lối xuống biển.

Ba là, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển du lịch. Nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ và kêu gọi doanh nghiệp đầu tư sản phẩm/dịch vụ phục vụ du lịch (về thủ tục đầu tư, nguồn lực đầu tư, lãi suất vay, quảng bá, nhân lực…). Nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ thu hút, tổ chức sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch quy mô quốc gia và quốc tế, chính sách phát triển du lịch MICE. Hoàn chỉnh chính sách khuyến khích phát triển kinh tế ban đêm. Nghiên cứu xây dựng chính sách thu hút các đường bay quốc tế trực tiếp đến Đà Nẵng.

Bốn là, tăng cường công tác nghiên cứu thị trường, xúc tiến, quảng bá du lịch. Đầu tư hàng năm cho công tác nghiên cứu, khảo sát nhu cầu thị trường và dự báo tình hình, định hướng phát triển du lịch, tổ chức điều tra dự báo xác định đóng góp của ngành du lịch Đà Nẵng. Phối hợp với các hãng hàng không, doanh nghiệp du lịch Đà Nẵng tổ chức các chương trình xúc tiến tại các thị trường quốc tế và nội địa; đón đoàn famtrip, presstrip, xúc tiến mở thêm các đường bay quốc tế mới từ Ấn Độ, Nga, Úc, Trung Đông và các tuyến tàu biển quốc tế mới đến Đà Nẵng. Quản lý, sử dụng hiệu quả đại diện du lịch Đà Nẵng, tiến tới thành lập các Văn phòng đại diện du lịch Đà Nẵng tại các thị trường nước ngoài tiềm năng. Nghiên cứu xây dựng bộ chỉ số đo lường, đánh giá hiệu quả của các chiến dịch truyền thông. Kết nối với các kênh truyền hình, cơ quan báo chí, đơn vị truyền thông, KOLs, blogger, người đại diện du lịch... trong nước và quốc tế từ các thị trường đã được định hướng để quảng bá. Phối hợp với Quỹ xúc tiến du lịch trong tổ chức và tham gia xúc tiến đường bay, các sự kiện quy mô lớn, có hiệu quả kết nối lan tỏa cao tại các thị trường quốc tế tiềm năng, thực hiện truyền thông quảng bá du lịch Đà Nẵng trên các kênh truyền thông nổi tiếng thế giới; tổ chức các sự kiện lớn thu hút khách; quảng bá trực quan hình ảnh Đà Nẵng tại các thị trường quốc tế trọng điểm.

Năm là, tập trung đầu tư phát triển sản phẩm du lịch, chú trọng phát triển các sản phẩm phục vụ phát triển kinh tế ban đêm với các loại hình sản phẩm du lịch sau:

(1) Sản phẩm du lịch biển, nghỉ dưỡng cao cấp: phát triển các hoạt động thể thao giải trí biển tiêu chuẩn quốc tế tại hai tuyến biển và Vịnh Đà Nẵng; kêu gọi đầu tư, hỗ trợ nhà đầu tư sớm triển khai hoàn thành các dự án Khu nghỉ dưỡng Mikazuki, Khu du lịch Làng Vân, Công viên Đại dương, Trung tâm thuyền buồm quốc tế tại Đà Nẵng.

(2) Sản phẩm du lịch mua sắm, vui chơi giải trí, hội nghị hội thảo MICE: đầu tư, nâng cấp chợ truyền thống phục vụ du lịch; nâng cấp các khu điểm du lịch hiện có; đẩy mạnh hoạt động văn hóa lễ hội hai bên bờ sông Hàn; mở rộng quy mô các sự kiện quốc tế; ưu tiên đầu tư các trung tâm thương mại, trung tâm hội nghị quy mô quốc tế, trung tâm thương mại miễn thuế, các công viên giải trí đẳng cấp quốc tế, khu trò chơi giải trí có thưởng dành cho người nước ngoài; xây dựng các show diễn nghệ thuật, show diễn thực cảnh đặc sắc; khuyến khích đầu tư các khách sạn tiêu chuẩn 4-5 sao có phòng hội nghị quy mô lớn và các dịch vụ phụ trợ phục vụ du lịch MICE.

(3) Sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh, sinh thái, cộng đồng: ưu tiên đầu tư bảo tồn, nâng cấp các di tích quốc gia, quy mô chất lượng các khu, điểm du lịch sinh thái hiện có; nâng tầm quy mô các lễ hội văn hóa dân gian; phát triển các hoạt động trải nghiệm, khám phá gắn với các chương trình giáo dục môi trường; nghiên cứu phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng gắn với du lịch nông nghiệp; thu hút nguồn lực xã hội, nhà đầu tư có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường để đầu tư các dự án du lịch sinh thái.

(4) Sản phẩm du lịch thủy nội địa: đầu tư hoàn thiện các sản phẩm, dịch vụ phục vụ khách du lịch tại điểm đến K20, CT15, Túy Loan, Thái Lai, Bãi Cát Vàng, khu vực sông Cu Đê - Trường Định, phát triển các tuyến Sông Hàn - Ngũ Hành Sơn, Sông Cổ Cò, tuyến sông Cẩm Lệ - Túy Loan - Thái Lai, quanh bán đảo Sơn Trà và Vịnh Đà Nẵng; thu hút nhà đầu tư đóng mới tàu du lịch, đầu tư tàu lưu trú qua đêm và các loại hình tàu nhà hàng dịch vụ; phối hợp với Thừa Thiên Huế đầu tư, khai thác bãi Sủng Cỏ, Mà Đa, Hòn Chảo và phối hợp với tỉnh Quảng Nam đầu tư, khai thác tuyến du lịch thủy nội địa Đà Nẵng - Hội An qua sông Cổ Cò.

(5) Sản phẩm du lịch đô thị: phát triển tuyến du lịch đi bộ tại trung tâm thành phố; đầu tư hình thành quảng trường trung tâm và thiết kế mô hình biểu tượng độc đáo, đặc trưng Đà Nẵng; nghiên cứu triển khai Bảo tàng sống kết hợp với các tuyến du lịch đi bộ để thu hút du khách tham quan; kêu gọi đầu tư, hỗ trợ nhà đầu tư sớm triển khai các dự án Mở rộng Công viên APEC; xây dựng chợ Nại Hiên thành Chợ lưu niệm phục vụ du lịch.

(6) Chú trọng phát triển sản phẩm du lịch ban đêm: Thí điểm 04 khu vực gồm: Phố du lịch An Thượng , Tuyến phố đi bộ Bạch Đằng - cầu Nguyễn Văn Trỗi - Trần Hưng Đạo và đường Như Nguyệt, Tuyến ven biển Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa, Tuyến ven biển Nguyễn Tất Thành (tại một số vị trí phù hợp) và một số khu, điểm tham quan, du lịch, cơ sở kinh doanh du lịch, dịch vụ trên địa bàn thành phố để đầu tư nâng cấp, hình thành các sản phẩm dịch vụ phục vụ phát triển kinh tế ban đêm. Tạo điều kiện thuận lợi để chuyển các tụ điểm vui chơi giải trí, khu mua sắm, ẩm thực, các buổi biểu diễn nghệ thuật về đêm... thành tổ hợp giải trí riêng biệt. Xây dựng các chương trình, tour du lịch vào ban đêm như tham quan các điểm văn hóa, di tích lịch sử, khám phá văn hóa bản địa, xem các buổi biểu diễn nghệ thuật... Thiết lập chuỗi sự kiện ban đêm xuyên suốt trong năm. Kéo dài thời gian hoạt động của một số dịch vụ văn hóa, vui chơi, giải trí, ẩm thực, mua sắm, tham quan và các dịch vụ ban đêm tại 1 số khu điểm du lịch và trung tâm mua sắm.

(7) Sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe: khuyến khích nâng cấp các sản phẩm, dịch vụ cao cấp tại Công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài, bán đảo Sơn Trà, các khu nghỉ dưỡng ven biển và khu du lịch sinh thái phía Tây thành phố; khuyến khích tổ chức các hoạt động thiền, yoga tại các bãi biển và bán đảo Sơn Trà; kêu gọi đầu tư hình thành hệ thống hạ tầng dịch vụ cơ sở y tế, chăm sóc sức khỏe đẳng cấp quốc tế tại các khu nghỉ dưỡng, bệnh viện, trung tâm y tế, viện dưỡng lão, thẩm mỹ viện, trung tâm dịch vụ nha khoa, nhà hàng ẩm thực dưỡng sinh; thu hút đầu tư mới khu suối nước khoáng nóng Phước Nhơn; xây dựng sản phẩm du lịch trải nghiệm dịch vụ và lưu trú tại Vinpearl gắn với khám chữa bệnh tại Vinmec; liên kết với các tổ chức y học cổ truyền xây dựng sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng kết hợp khám chữa bệnh theo y học dân tộc cổ truyền; nghiên cứu xây dựng sản phẩm nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc nha khoa, detox (thanh lọc cơ thể).

(8) Sản phẩm du lịch cưới: Khuyến khích đầu tư hình thành hệ thống cơ sở hạ tầng, dịch vụ phục vụ du lịch cưới tại các khách sạn/khu nghỉ dưỡng cao cấp như có không gian quy mô, nhà hàng tiêu chuẩn quốc tế, studio chụp ảnh cưới, dịch vụ tổ chức sự kiện, âm thanh ánh sáng...; khuyến khích doanh nghiệp xây dựng các sản phẩm du lịch cưới (kết hợp chụp ảnh cưới), honeymoon (trăng mật).

(9) Sản phẩm du lịch ẩm thực: tổ chức thường niên và nâng tầm quy mô Lễ hội ẩm thực quốc tế; nghiên cứu xây dựng Bản đồ công nghệ và tiêu chí đánh giá công nghệ cung cấp sản phẩm dịch vụ du lịch ẩm thực tại thành phố Đà Nẵng; hình thành  phố ẩm thực hải sản tại tuyến biển Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa, đường Nguyễn Văn Thoại và các phố chuyên doanh ẩm thực tại các quận, huyện; kêu gọi đầu tư, hỗ trợ nhà đầu tư sớm triển khai các dự án Làng ẩm thực quốc tế; du lịch trải nghiệm trồng hái rau, nấu ăn và thưởng thức ẩm thực tại làng rau La Hường, vườn rau Túy Loan; khuyến khích đầu tư nhà hàng theo thị trường khách, nhà hàng lớn có khung cảnh không gian đẹp và trình diễn nghệ thuật ẩm thực.

Sáu là, mở rộng quy mô ứng dụng khoa học, công nghệ trong các hoạt động quản lý và khai thác du lịch. Triển khai hiệu quả Kiến trúc ứng dụng Công nghệ thông tin ngành du lịch. Nâng cấp tính năng của các ứng dụng di động, website du lịch thành phố phù hợp với xu hướng và nhu cầu của khách. Nghiên cứu bổ sung dịch vụ du lịch “thực tế ảo” với ứng dụng công nghệ 3D/4D để nâng cao trải nghiệm của khách du lịch tại các khu điểm du lịch của thành phố. Nghiên cứu triển khai ứng dụng công nghệ thông minh vào việc quản lý khách tham quan, dã ngoại tại bán đảo Sơn Trà. Hình thành Hệ thống khảo sát và phân tích hành vi, trải nghiệm của khách du lịch nhằm định hướng thị trường du lịch được tốt hơn. Khuyến khích các cơ sở kinh doanh dịch vụ sử dụng các hình thức thanh toán điện tử, hướng tới giảm thiểu thanh toán bằng tiền mặt. Xây dựng hệ thống thuyết minh tự động đa ngôn ngữ tại các điểm tham quan du lịch để chuẩn hóa thông tin các điểm du lịch trên địa bàn thành phố. Xây dựng bản đồ mua sắm trực tuyến, cung cấp giải pháp tìm kiếm trực tuyến các địa điểm mua sắm, tiêu dùng, ẩm thực... nhằm hỗ trợ doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá sản phẩm, dịch vụ. Thiết lập nền tảng công nghệ thông tin phục vụ du lịch MICE với việc phát triển website để xây dựng cơ sở dữ liệu điểm đến cho khách hàng MICE thuận lợi tra cứu và liên hệ.

Bảy là, phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch và chất lượng dịch vụ, phục vụ khách du lịch. Triển khai Kế hoạch phát triển nguồn nhân lực du lịch giai đoạn 2021-2025. Triển khai, duy trì thực hiện các Bộ tiêu chí chuẩn chuyên nghiệp trong hoạt động, dịch vụ phục vụ du khách. Định kỳ 2 năm/lần tổ chức điều tra, phân loại trình độ nghiệp vụ lao động du lịch. Tạo điều kiện cho cán bộ nhân viên quản lý nhà nước du lịch nâng cao kỹ năng nghiệp vụ về du lịch, ngoại ngữ, đặc biệt là tại các quận, huyện… Tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn và kỹ năng mềm, chuẩn bị những phương án/kịch bản ứng phó với các ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh; định kỳ tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho cộng đồng dân cư tham gia kinh doanh du lịch. Hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở đào tạo xây dựng và sử dụng chuẩn ngoại ngữ quốc tế cho nguồn nhân lực du lịch; hợp tác xây dựng chương trình đào tạo và chuẩn đầu ra, liên kết đưa sinh viên đi thực tập tại các doanh nghiệp. Xây dựng và triển khai hiệu quả các chương trình nâng cao nhận thức về phát triển du lịch, đặc biệt là phát triển kinh tế ban đêm, lồng ghép vào các lớp tập huấn, sinh hoạt chuyên đề cho cán bộ và các tầng lớp nhân dân. Tổ chức đối thoại giữa các chuyên gia du lịch với lãnh đạo thành phố, các sở, ban, ngành, ủy ban nhân dân các quận huyện về phát triển du lịch. Xây dựng chương trình phát động mỗi người dân là một đại sứ du lịch. Tiếp tục phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về du lịch, Bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch theo nhiều hình thức; tuyên dương, nhân rộng các điển hình tốt về phát triển du lịch ở địa phương.

Tám là, liên kết, hợp tác trong và ngoài nước về phát triển du lịch. Đẩy mạnh hợp tác liên kết với 05 địa phương Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam - Quảng Bình và Hà Nội, mở rộng hợp tác với các tỉnh, thành khác như Cần Thơ, Hải Phòng, Đà Lạt, Quảng Ninh, Đắk Lắk, Buôn Mê Thuột… để kết nối phát triển sản phẩm, xúc tiến, quảng bá du lịch, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực du lịch, phối hợp quản lý nhà nước về du lịch… Phát huy năng lực hoạt động của Hiệp hội Du lịch, các Hội thành viên, các Câu lạc bộ để kết nối các chuỗi dịch vụ hình thành các sản phẩm chung, xây dựng các chương trình tour du lịch kết nối Đà Nẵng với các địa phương trong nước. Triển khai hiệu quả các nội dung đã ký kết trong biên bản ghi nhớ và hợp tác quốc tế. Liên kết với các địa phương có cửa khẩu quốc tế để thúc đẩy khai thác khách du lịch đường bộ (Lào, Thái Lan, Campuchia…). Tạo lập các mối quan hệ, hợp tác quốc tế với các tổ chức phát triển du lịch của EU, PUM, ExChange, TPO và Văn phòng đại diện du lịch các nước Thái Lan, Singapore, Malaysia, Hàn Quốc... tại Việt Nam. Thành lập mối liên kết hợp tác, hội nhập quốc tế, hợp tác với các thị trường tiềm năng như Châu Âu, Úc, Mỹ, Ấn Độ, Nga, Trung Đông… Tranh thủ nguồn lực và sự hỗ trợ của các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài và cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam; các Hội Việt kiều ở nước ngoài, hội du học sinh để tổ chức thực hiện các hoạt động xúc tiến du lịch, nghiên cứu thị trường.

Du thuyền 5 sao Genting Dream cập cảng Tiên Sa, Đà Nẵng năm 2016.

Chín là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về du lịch. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt việc phân cấp, ủy quyền quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, chú trọng nội dung quản lý du lịch và hỗ trợ phát triển du lịch phù hợp với từng địa phương. Xây dựng Quy chế Tổ chức hoạt động du lịch tại các bãi biển du lịch Đà Nẵng và Nội quy tham quan tại các bãi tắm du lịch Đà Nẵng. Triển khai hiệu quả Phương án quản lý các bãi biển du lịch trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Xây dựng kiện toàn nâng cấp bộ máy quản lý và khai thác phát triển du lịch tại bán đảo Sơn Trà. Tổ chức thực hiện hiệu quả công tác quản lý nhà nước về cơ sở lưu trú, quản lý lữ hành, hướng dẫn viên, khu điểm du lịch, phát triển tài nguyên du lịch. Nghiên cứu đề xuất tăng cường vai trò, quyền hạn của Sở Du lịch, đặc biệt là đối với các dự án đầu tư tạo sản phẩm du lịch và dịch vụ du lịch. Rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các chính sách hiện có, rút ngắn các thủ tục hành chính liên quan như thủ tục về đầu tư, thủ tục thẩm định và cấp phép triển khai dự án, xuất nhập cảnh, lao động nước ngoài, nhập khẩu trang thiết bị… để tạo điều kiện doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch. Nghiên cứu thành lập Hội đồng tư vấn phát triển du lịch thành phố gồm các chuyên gia, doanh nghiệp du lịch uy tín của Đà Nẵng cũng như Việt Nam.

Mười là, đảm bảo môi trường du lịch, phát triển bền vững, chủ động ứng phó kịp thời với những biến động, thiên tai, dịch bệnh và biến đổi khí hậu. Xây dựng, ban hành và triển khai Quy trình phòng chống dịch trong hoạt động du lịch đến các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch. Khuyến khích các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch sử dụng năng lượng sạch, tái tạo, sản phẩm tái chế, tái sử dụng, ứng dụng công nghệ sạch. Vận động hình thành hệ thống các cơ sở lưu trú, các điểm du lịch “nói không với túi ni lông và rác thải nhựa sử dụng 1 lần”. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án thu gom và xử lý nước thải quy mô lớn. Bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, cảnh quan thiên nhiên. Giữ vững an ninh, trật tự xã hội ở các khu điểm du lịch; đảm bảo tốt môi trường xã hội, chống đeo bám, chèo kéo khách, đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm cho du khách đến du lịch, đặc biệt là các khu vực phát triển kinh tế ban đêm. Nâng cao hiệu quả hoạt động Tổ phản ứng nhanh và Trung tâm hỗ trợ du khách. Xây dựng văn hóa đạo đức kinh doanh, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của du khách. Tăng cường thanh kiểm tra, xử lý nghiêm hoạt động kinh doanh du lịch trái pháp luật; triển khai giải pháp giám sát doanh thu, chống thất thu thuế trong hoạt động du lịch. Tăng cường kiểm tra khai báo khách nước ngoài tạm trú, người nước ngoài hoạt động du lịch và kiểm soát chặt chẽ lượng khách du lịch tại địa phương. Tổ chức gặp mặt, trao đổi, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp du lịch hoạt động kinh doanh bình đẳng và công bằng. Tuyên truyền cho người dân về thái độ ứng xử đối với khách du lịch: nụ cười thân thiện, nhường đường cho người đi bộ.

Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp có tính liên ngành, liên vùng cao. Để phát triển du lịch thành phố trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển bền vững, góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển du lịch Vùng duyên hải miền Trung, ngành du lịch rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo và hỗ trợ của Thành ủy, Hội đồng nhân dân thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố, của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch; sự ủng hộ, đồng thuận của người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Trong thời gian tới, Sở Du lịch sẽ tiếp tục phối hợp cùng các sở, ban, ngành liên quan và các địa phương tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các định hướng, chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ với tinh thần quyết tâm, sáng tạo đổi mới và nỗ lực cao nhất, phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển du lịch thành phố.

T.T.H.H

---------------------------------------------------

[1] Theo Đề án, đến năm 2020 đón 02 triệu lượt khách quốc tế.

[2] Biển Non Nước xếp vị trí thứ 10 trong Top 25 bãi biển đẹp nhất châu Á (Trip Advisor), Bà Nà Hills Golf Club đạt danh hiệu Sân gôn tốt nhất châu Á (World Golf Awards 2017), Nhà hàng La Maison 1888 đạt danh hiệu Nhà Hàng Fine Dining sang trọng nhất thế giới 2017 (Word Travel Awards), Fusion Maia Spa đạt danh hiệu Spa xuất sắc của năm 2017 (AsiaSpa), Cầu Vàng thuộc Khu du lịch Sun World Ba Na Hills đạt giải thưởng đặc biệt của năm 2018 (The Guide Awards)…

[3] Trong đó, có 122 công ty lữ hành nội địa, 189 công ty lữ hành quốc tế, 52 chi nhánh lữ hành quốc tế, 24 Văn phòng đại diện, 06 đại lý du lịch, 05 văn phòng đại diện nước ngoài

[4] Trong đó, cơ sở lưu trú du lịch 3-5 sao và tương đương là 213 cơ sở với 25.813 phòng, chiếm 60% tổng số phòng cơ sở lưu trú du lịch toàn thành phố.

[5] Điểm đến sự kiện và lễ hội hàng đầu châu Á 2016 (Tổ chức du lịch thế giới), Top 10 thành phố tổ chức hội họp hàng đầu châu Á năm 2017 (Tạp chí Smart Travel Asia), Top xu hướng về lựa chọn điểm đến năm 2018 (Trang web đặt phòng Airbnb), đứng thứ 15 trong top 52 điểm đến năm 2019 (Tạp chí New York Times).

[6] Tính đến hết năm 2019, lượt truy cập hàng năm trên Cổng thông tin Du lịch Đà Nẵng (Theo Google Analytics) đạt 388.219 người với tổng 1.210.815 bài viết được truy cập; trung bình mỗi người sẽ truy cập 2,41 bài viết/lần.

[7] Có 37 đường bay quốc tế, gồm: 23 đường thường kỳ (Singapore, Muan, Incheon, Busan, Deagu, Tokyo, Osaka, Hồng Công, Siêm Riệp, Quảng Châu, Hàng Châu, Macao, Đài Bắc, Cao Hùng, Bangkok, Chiang Mai, Kualalumpur, Trịnh Châu, Phnompenh, Doha, Thành Đô, Bắc Kinh, Thượng Hải); 14 đường thuê chuyến (Cheongju, Ân Thi, Nam Kinh, Thâm Quyến, Trường Sa, Trùng Khánh, Hợp Phì, Côn Minh, Tây An, Nam Ninh, Tế Nam, Thạch Gia Trang, Cáp Nhĩ Tân, Thường Châu). 9 đường bay nội địa: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Lạt, Nha Trang, Buôn Mê Thuột, Phú Quốc, Quảng Ninh.

[8] Tổ phản ứng nhanh du lịch từ năm 2016 đến nay đã tiếp nhận hơn 400 cuộc gọi phản ánh từ công dân và du khách, trong đó có khoảng 150 nội dung phản ánh liên quan đến hoạt động du lịch và khách du lịch. Năm 2019, Trung tâm hỗ trợ du khách tiếp nhận khoảng 55.000 lượt khách đến hỏi thông tin, tăng gấp 2 lần so với năm 2016; 02 quầy thông tin sân bay quốc tế và quốc nội tiếp nhận khoảng 150.000 lượt khách đến hỏi thông tin, tăng gấp 5 lần so với năm 2016, tiếp nhận qua email khoảng 1.200 lượt, tăng gấp 4 lần và qua hotline 02363.550.111 khoảng 7.200 lượt, tăng gấp 2,4 lần so với năm 2016.

[9] Ước thiệt hại trực tiếp tại các doanh nghiệp lữ hành khoảng 659 tỷ đồng, các cơ sở lưu trú du lịch khoảng 4.800 tỷ đồng, tại doanh nghiệp vận chuyển du lịch khoảng 518 tỷ đồng, các khu, điểm du lịch khoảng 827 tỷ đồng.

[10] Bạch Đằng, Như Nguyệt, Trần Hưng Đạo, Chương Dương, Nguyễn Tất Thành, Hoàng sa, Võ Nguyên Giáp.