Những điều chưa biết về những con tàu “chui”

Thứ bảy, 20/02/2016 12:50

(Cadn.com.vn) - Thời gian qua, tại các địa phương vùng hạ lưu sông Thu Bồn (Quảng Nam), như: H. Đại Lộc, H. Duy Xuyên và thị xã Điện Bàn đang rộ lên tình trạng đóng tàu sắt khai thác cát trái phép. Đầu năm Bính Thân, P.V Báo Công an TP Đà Nẵng đã có chuyến thực tế về Quảng Nam để tìm hiểu về “công nghệ” đóng tàu “chui” này...

 

CÓ TIỀN LÀ CÓ TÀU “CHUI” 

Theo hướng dẫn của người bạn, chúng tôi lân la ở các bãi cát ven sông Vĩnh Điện (thị xã Điện Bàn) thì được một công nhân mách: Muốn đóng tàu thì đến nhà ông M. ở khối phố 2, P. Vĩnh Điện (thị xã  Điện Bàn) hoặc vào bãi cát Điện Bình (P. Điện Minh, thị xã Điện Bàn).

Đến nhà ông M., khi nghe chúng tôi đặt vấn đề muốn đóng tàu mới, vỏ bằng sắt để hút cát trên sông, ông M. bảo: “Muốn đóng tàu loại gì cũng có thể đáp ứng, chủ yếu là vấn đề giá cả. Cụ thể, tàu có khối lượng từ 80m3 trở lên có giá từ 700- 900 triệu đồng/chiếc”. Nhìn quanh,  chúng tôi thắc mắc, tại sao đóng tàu không có bến bãi, triền đà..., ông M. trả lời: Ở đây, ai hành nghề này cũng vậy. Ngoài dụng cụ hành nghề, chỉ cần một bãi đất trống ven sông để tập kết vật liệu và tổ chức thi công là đủ, miễn là tàu khi đóng xong có thể hút, vận chuyển cát... Sợ chúng tôi chưa tin lời, ông M. nói thêm: Không tin, cứ đến các địa điểm khác, như: bến cát Điện Bình (P. Điện Minh), Ngọc Tam (P. Điện An) hoặc sang khối 4 (P. Vĩnh Điện) sẽ rõ.

Tại bến cát Điện Bình, chúng tôi được anh P., chủ bãi kiêm chủ cơ sở đóng tàu, cho hay: Đóng tàu sắt ở đây vừa rẻ, vừa tiện lợi vì nơi đây có sẵn bãi đất trống, nằm ngay mép sông, tàu vừa đóng xong có thể hạ thủy ngay, khỏi mất chi phí vận chuyển. Cũng theo anh P., cơ sở đóng tàu của anh “rất thoáng”, khách hàng có thể tự mua sắm vật tư, cơ sở chỉ thực hiện việc gia công theo giá thỏa thuận. Mỗi tàu loại vận chuyển 80m3 cát trở lên được gắn 2 loại máy xe ô-tô hiệu Hyundai hoặc Isuzu công suất từ 2,5 tấn trở lên. Gắn máy ô-tô có nhiều tiện lợi vì công suất lớn hơn máy thủy, có tính cơ động cao như đề nổ, tăng tốc nhanh, dễ chạy trốn khi bị các cơ quan chức năng truy đuổi... Ngoài các địa chỉ đóng tàu nêu trên tại TX Điện Bàn, các địa phương lân cận, như: Đại Lộc, Hội An có rất nhiều cơ sở hàn, gò sắt tổ chức đóng tàu hút, vận chuyển cát nhưng tất cả đều có một điểm chung là không có bất cứ loại giấy tờ gì liên quan đến hoạt động đóng, sửa tàu vỏ sắt và hành nghề theo hình thức lưu động. Ông Hùng, chủ tàu hút cát tại xã Điện Phương, cho biết: Đối với tàu dùng hút cát trên sông, việc chọn lựa những thợ thủ công đóng tàu sắt sẽ tiết kiệm được các khoản, như: chi phí thiết kế, các khoản thuế, phí đăng ký lưu hành, với số tiền hơn 50 triệu đồng/1 tàu và có thể chọn lựa loại vật liệu, trang bị máy móc tùy theo sở thích và nhất là tiêu chí rẻ, bền, hiệu quả.

Trước thực trạng “bùng nổ” của loại tàu “chui” chuyên hút cát trộm trên các sông Thu Bồn, Vụ Gia..., trong quý II năm 2015, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Nam đã tổ chức đợt tổng kiểm tra, đã phát hiện và bắt buộc 115 tàu “chui” phải làm thủ tục đăng kiểm... Thế nhưng, sau đợt tổng kiểm tra này nhiều người vẫn tiếp tục việc đầu tư, đóng mới tàu “chui” phục vụ việc khai thác cát trái phép trên các sông. Theo thống kê chưa đầy đủ của chúng tôi, hiện nay tại các địa phương, như: Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn... có hơn 100 tàu “chui” đang ngày đêm hút cát, gây ra tình trạng sạt lở ở các bãi ven sông.

Chiếc thuyền hút cát  vỏ gỗ này có khối lượng nhỏ, bị lỗi thời “đành” nằm yên trên bến vắng.

MỘNG LÀM GIÀU NHỜ TÀU “KHÔNG SỐ”

Đại tá Lê Văn Hồng, Trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế CA tỉnh Quảng Nam, cho biết: Trong tháng 10-2015 và tháng 12-2015, lực lượng của Phòng Cảnh sát Kinh tế đã tổ chức hóa trang tuần tra trên sông Thu Bồn, khu vực giáp ranh các xã Điện Phong và Điện Trung (TX Điện Bàn, Quảng Nam) đã phát hiện, bắt quả tang 23 tàu vỏ sắt (mỗi chiếc có sức chứa từ 30m3 đến 80m3) hút cát trái phép giữa lòng sông. Căn cứ vào quy định tại Nghị định 142 ngày 24-10-2014 của Chính phủ, các cơ quan chức năng đã quyết định tịch thu 5 chiếc và phạt mỗi tàu vi phạm 60 triệu đồng. Tuy nhiên, với mức phạt trên vẫn chưa đủ sức răn đe. Hiện tại, cùng với sự gia tăng các bãi cát trái phép tại các địa phương nơi có các dòng sông chảy qua, nhiều gia đình tại Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên... thi nhau đóng tàu. Nhiều gia đình còn thế chấp tài sản, nhà cửa cho ngân hàng lấy tiền đầu tư.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, do nhu cầu xây dựng tại Đà Nẵng và các khu đô thị khác tăng cao đã kéo theo tình trạng khan hiếm các loại vật liệu xây dựng (trong đó có cát). Giá cát trung bình được các bãi thu mua dao động từ 50.000 đồng đến 55.000 đồng/1m3 và có khả năng tăng giá trong thời gian tới. Bên cạnh đó, chi phí cho một tàu hút cát trộm lại rất thấp, cụ thể: 1 tàu 80m3 chỉ tốn 700.000 đồng tiền công cho 2 lao động/chuyến, 300.000 đồng tiền dầu/ chuyến. Như vậy, sau khi bán xong và trừ đi các khoản chi phí, mỗi chủ tàu thu về số tiền gần 3 triệu đồng/chuyến tàu. Cá biệt, có đêm mỗi tàu quay vòng từ 2 đến 3 lần thì thu nhập tăng lên rất nhiều lần. Theo ước tính của nhiều chủ tàu, chỉ cần “suôn sẻ” trong vài tháng là lấy đủ vốn, còn lại tha hồ ngồi không... hốt bạc. Với khoản lãi kếch sù như vậy, nên nhiều người đã bất chấp pháp luật, tính mạng con người và nỗi đau của đồng loại là những người nông dân bị mất đất để đóng tàu với mục đích... hút cát trộm.

Theo chúng tôi, xảy ra tình trạng đóng tàu “chui” tại Quảng Nam trong thời gian dài có nguyên nhân do buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng. Trước hết, là các địa phương không quản lý, nắm rõ những đối tượng hành nghề đóng tàu và quản lý số lượng tàu trên địa bàn. Ngoài ra, các cơ quan chức năng chưa có biện pháp xử lý nghiêm đối với các loại phương tiện chưa thực hiện việc đăng kiểm nhưng vẫn tổ chức lưu thông trên các tuyến đường thủy nội địa... Để chấn chỉnh tình trạng trên, đề nghị chính quyền các địa phương và các cơ quan chức năng tại Quảng Nam sớm vào cuộc nhằm ngăn chặn tình trạng ồ ạt đầu tư đóng tàu nhằm mục đích hút trộm cát nhằm lập lại trật tự kỷ cương trên lĩnh vực an toàn giao thông đường thủy và bảo vệ đất sản xuất của người dân.

M.T