Những điều chưa biết về vụ lừa đảo gây chấn động tại Quảng Nam

Thứ ba, 29/03/2016 10:15

* Kỳ 1: Kỳ công tạo vỏ bọc để chiếm đoạt tiền tỷ

(Cadn.com.vn) - Sau quá trình điều tra hơn 2 năm, mới đây, "siêu" lừa Trần Thị Quỳnh Nga (Nga Yumy, 1983, trú Mỹ Hạt, TT Nam Phước, Duy Xuyên, Quảng Nam) đã bị VKSND tỉnh Quảng Nam truy tố ra trước tòa để xét xử về hành vi lừa đảo chiếm đoạt hơn 35,910 tỷ đồng và 84 chỉ vàng của 15 cá nhân. Bản án thích đáng sẽ được dành cho Nga, nhưng điều đáng nói là hậu quả của hành vi lừa đảo này thật nặng nề, nhiều phận người, nhiều gia đình lâm cảnh đường cùng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, năm 2005, Trần Thị Quỳnh Nga lập gia đình cùng Dương Quốc Khánh (1980, trú Vĩnh Nam, Duy Vinh, Duy Xuyên) nhưng không có nghề nghiệp ổn định nên cả hai vào TPHCM làm ăn. Cuộc sống nơi đất khách quê người chẳng mấy thuận lợi nên năm 2010, vợ chồng Nga khăn gói trở về quê thuê, mở cửa hàng thời trang hiệu Yumy tại TT Nam Phước và đây cũng là mở đầu "hành trình" lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngay từ ngày đầu tiên mở cửa hàng, vợ chồng Nga chỉ có một ít tiền đủ lo việc làm biển hiệu, trang trí ngôi nhà vừa thuê, còn lại tất cả hàng hóa đều mua sắm từ nguồn tiền vay mượn của một số người thân trong gia đình nhà chồng tại thôn Vĩnh Nam, trả lãi 5-24%/tháng.

Quán cà-phê của vợ chồng Nga-Khánh trước đây.

Để có thể huy động vốn, vợ chồng Nga-Khánh tự dựng lên kịch bản là mình đang làm chủ một hệ thống tín dụng chuyên làm dịch vụ đáo hạn với các ngân hàng lớn như Sacombank, Agribank, Techcombank, ACB..., nếu ai góp vốn hoặc cho vợ chồng Nga vay tiền sẽ được hưởng lãi suất từ 5%/tháng trở lên. Tin lời, nhiều người đã rút tiền tiết kiệm, đi vay ngân hàng... giao cho Nga để lấy lãi. Ban đầu, vợ chồng Nga "làm ăn" khá uy tín, thanh toán vốn, lãi vay sòng phẳng, đúng kỳ hạn và sau đó tiếp tục huy động vốn với số lượng nhiều hơn trước gấp nhiều lần.

Bằng nguồn tiền vay, trong năm 2010 vợ chồng Nga-Khánh mua 1 ô-tô 4 chỗ và 2 ô-tô 16 chỗ. Xe 4 chỗ Nga dùng chở con đi học và gia đình đi chơi trong những ngày nghỉ, 2 xe 16 chỗ dùng kinh doanh dịch vụ du lịch. Tiếp tục, Nga còn tạo cho chồng một vỏ bọc mới, đó là biến Khánh từ một anh nông dân chân chất, không có nghề nghiệp, suốt ngày chỉ biết giữ con cho vợ trở thành một công tử con nhà giàu rành rẽ các món ăn chơi. Cụ thể, sắm cho Khánh một mô-tô 250cc cùng nhiều "con" xe Honda 67, 68 cổ với giá 70 đến hơn 100 triệu đồng/chiếc. Tất nhiên, mục đích của việc mua sắm này là để "lòe thiên hạ".

Thêm nữa, dù chẳng hiểu gì về cây cảnh, nghệ thuật bonsai nhưng Khánh-Nga vẫn bỏ ra hàng trăm triệu đồng mua những cây như sung, si, lộc vừng... đã được tạo dáng, thế đẹp về trồng trong vườn của gia đình ông Dương Nga (cha ruột Khánh) tại thôn Vĩnh Nam cùng những vật dụng đắt tiền khác cho ra vẻ... đại gia lắm tiền nhiều của. Vợ chồng Khánh "quyết định" đầu tư mở quán cà-phê vườn để kinh doanh cho ra vẻ. Dù mục đích chính là góp nhặt từng đồng tiền lẻ, nhưng Khánh luôn tỏ ra bất cần, xem đây chỉ là thú vui nhằm... giết thời gian. Bên cạnh việc "kinh doanh" áo quần thời trang, cà-phê, Nga cũng bỏ không ít tiền và thời gian cho những cuộc chơi với mục đích làm quen với nhiều người là vợ của những cán bộ lãnh đạo tại địa phương.

Tại những cuộc nhậu, píc-níc..., Nga "không quên" mang theo bên mình tập hồ sơ dày cộm có nội dung kế hoạch cho một số cá nhân vay tiền đáo hạn tại các ngân hàng từ Đà Nẵng đến TPHCM, miệng khoe khoang với mỗi "phi vụ" có thể thu lãi từ vài chục đến vài trăm triệu đồng và "không quên" đề nghị: "Chị nào muốn có tiền, hãy góp vốn cùng làm ăn". Vì vậy, khi nhìn bề ngoài từ quy mô kinh doanh, trả lãi suất cao, sòng phẳng và phong cách ăn chơi "thượng lưu", ai nấy đều cho rằng vợ chồng Khánh-Nga là doanh nhân thành đạt, giàu có nên không chút đắn đo, giao tiền để lấy lãi.

"Tiếng lành đồn xa", gửi tiền cho Nga Yumy vừa an toàn, vừa có lãi cao gấp nhiều lần ngân hàng nên nhiều người là CBCC, tiểu thương, nông dân... tham gia góp vốn, kẻ ít thì năm ba chỉ vàng, người nhiều từ vài trăm triệu lên đến hàng tỷ đồng. Cũng như những đối tượng lừa đảo khác, dù vay tiền của nhiều người, với số tiền lớn, nhưng tất cả những nạn nhân này đều không thể biết về nhau. Mọi người chỉ biết đến kỳ hạn, Nga chung chi tiền lãi đầy đủ, sòng phẳng. Ngoài ra, cùng một lúc Nga mở 4 tài khoản tại 4 ngân hàng khác nhau để tiện việc giao dịch và che giấu hành vi phạm tội. Và, trước khi tuyên bố vỡ nợ, bỏ trốn vào TPHCM, Nga đã "chuẩn bị" cho mình một cái bầu 3 tháng để đối phó với CQĐT.

Từ tháng 9-2010 đến tháng 9-2013, Trần Thị Quỳnh Nga đã lừa đảo, chiếm đoạt hơn 35,910 tỷ đồng và 84 chỉ vàng của 15 người là vợ chồng người chú ruột của Dương Quốc Khánh và bạn bè. Với số tiền chiếm đoạt, ngoài một số ít được sử dụng cho việc ăn chơi, mua sắm để tăng thêm sự hào nhoáng bên ngoài, thể hiện sự thành đạt trong kinh doanh, số còn lại (hơn 30 tỷ đồng) Nga đều chuyển cho Trần Thị Minh Khánh (1977, chị ruột Nga, trú Bà Điểm, Hóc Môn, TPHCM), giữ chức Phó Giám đốc Cty Xây dựng Thương mại Anh Quân để... "kinh doanh". Trần Thị Minh Khánh giữ vai trò gì trong vụ lừa đảo chấn động vùng quê nghèo Duy Xuyên này? CQĐT CA tỉnh Quảng Nam tiến hành xác minh và xác định Khánh đã bỏ đi khỏi nơi cư trú.

M.T
(còn nữa)