Những điều đặc biệt ở trường Hoàng Sa

Thứ ba, 27/09/2016 10:49

(Cadn.com.vn) - Trường THCS Hoàng Sa (Q. Sơn Trà, TP Đà Nẵng) thành lập vào cuối tháng 5-2016 với 35 cán bộ, giáo viên và hơn 300 em học sinh khối 7, 8, 9 được chuyển từ trường THCS Lý Tự Trọng (cùng địa bàn) về. Năm học đầu tiên này, trường tuyển hơn 150 em học sinh lớp 6 từ khu vực Mân Quang và Thọ An của P. Thọ Quang. Ngôi trường ấy đặc biệt không phải chỉ ở cái tên Hoàng Sa mà còn bởi có nhiều điều thú vị như có đến 2/3 cán bộ, giáo viên là vợ của bộ đội, nhiều nhất là lực lượng Hải quân, có phần lớn con em là ngư dân đang theo học...

Với cô giáo Nguyễn Thị Hằng thì "món quà" mà cô dành cho học trò khi giảng những bài giảng về lịch sử không chỉ là những câu chuyện về chủ quyền biển đảo mà còn là những thước phim về cuộc chiến Hoàng Sa, về nỗi mong muốn, khát khao của người Việt là đưa mảnh đất Hoàng Sa về với đất mẹ. "Thật sự các em còn chưa biết nhiều về chủ quyền biển đảo, về quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Bởi vậy, kể cho các em nghe cũng chính là nhắc các em nhớ những điều không thể quên. Đó chính là một phần lịch sử của dân tộc"-cô Hằng bộc bạch. Do không phải công tác nơi đảo xa nên anh Nguyễn Văn Trường, chồng cô Hằng thường hay có mặt ở nhà. Và trong những bữa cơm gia đình, anh chị thường trao đổi những câu chuyện thời sự về biển đảo. Để rồi, từng ngày đứng trên bục giảng, chị lại truyền cái cảm xúc, tình yêu biển đảo đến cho những cô cậu học trò để biết và để nhớ rằng Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Mang những câu chuyện về biển đảo sống động và chân thực từ chính người chồng là anh Ngô Hồng Tú đang công tác tại đảo Phú Quý đến cho học trò, cô giáo Nguyễn Trần Thu Hà luôn hãnh diện: "Những câu chuyện về những người lính, về nỗi nhớ nhà, về cuộc sống trên đảo... được kể vào những giờ ngoại khóa hoặc lồng ghép vào những bài giảng về lòng yêu nước khiến các em vô cùng thích thú". Những lời kể được lồng ghép một cách tự nhiên bằng tất cả tình yêu thương, nỗi nhớ mong của chính cô giáo dành cho người chồng đang công tác nơi đảo xa đã giúp các em học sinh hiểu hơn về biển đảo. Anh Tú, chồng cô Hà một năm chỉ về nhà vào dịp Tết. "Tôi thường hay đùa là bố lâu quá không về nên các con quên bố mất rồi. Nói vậy thôi chứ tụi nhỏ thương nhớ bố lắm. Ngày nào cũng điện thoại cho bố có khi chỉ là để kể chuyện trường chuyện lớp"-cô Hà nói. Cây bàng vuông được anh Tú mang về từ đảo được Hà nâng niu, chăm sóc và khá xanh tốt. Một mình lo cho hai con (một đứa học lớp 9, một đứa học lớp 2) nên nỗi vất vả của người vợ lính như cô Hà khó có thể đong đếm. Tất cả những buồn vui, nhung nhớ chị đều dồn cả vào lời giảng, truyền cho các em tình yêu văn chương và xa hơn là tình yêu đất nước, yêu những con người đang ngày đêm canh giữ biển trời.

Hầu hết học trò của Trường THCS Hoàng Sa đều là con em ngư dân, bộ đội tại địa phương.

"Em rất thích khi nghe những câu chuyện thời sự lồng ghép vào bài học văn, hay sử, địa. Đặc biệt, những câu chuyện về biển đảo, về những người lính được các cô kể rất sống động và hấp dẫn. Từ đó, chúng em cảm thấy yêu hơn những mảnh đất xa xôi là một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc" - em Ngô Minh Nhật, học sinh lớp 9 thổ lộ. Cô Nguyễn Thị Hồng Nga, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Sa cho biết, gần 2/3 cán bộ, giáo viên của trường là vợ của cán bộ, chiến sĩ trong quân đội, biên phòng, đặc biệt là lực lượng Hải quân. "Cái tên Hoàng Sa luôn ở trong tim mỗi người con đất Việt và với chúng tôi, đặc biệt là với những người vợ có chồng đang ngày đêm canh giữ đảo thì nó lại càng tha thiết hơn. Các chị cũng chính là hậu phương vững chắc giúp các anh an tâm hoàn thành nhiệm vụ" - cô Nga nói.

Mộc Miên