Những đổi thay trên vùng kinh tế mới Lâm Viên

Thứ bảy, 03/09/2022 13:20
“Đi kinh tế mới” là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước từ những năm đầu sau ngày đất nước thống nhất. Ở TP Đà Nẵng, thành công của người dân lên vùng kinh tế mới Lâm Viên (nay thuộc xã Hòa Phú, H. Hòa Vang) được ghi nhận, đánh giá cao. Từ chỗ không có gì, sau 45 năm, họ không chỉ thành công về kinh tế gia đình mà còn chung tay tạo nên một cộng đồng đoàn kết, góp công sức cùng các cấp chính quyền xây dựng địa phương ngày càng trù phú, phát triển.
Nghề ươm cây giống tái sinh rừng đã mang lại nhiều lợi nhuận cho người dân thôn kinh tế mới Hòa Hải (xã Hòa Phú).
Cơ sở hạ tầng vùng kinh tế mới Lâm Viên hoàn thiện, góp phần phát triển kinh tế- xã hội miền núi Hòa Phú.

Được biết, giai đoạn 1976-1978, gần 600 hộ dân các vùng nội thành Đà Nẵng đã tình nguyện lên rừng núi Lâm Viên khai hoang, lập nghiệp và thành lập 5 làng kinh tế mới.

Lúc bấy giờ, xã Hòa Phú có gần 800 hộ dân nhưng cơ sở hạ tầng chỉ là con số “không”. Ngoài tuyến đường độc đạo ĐH409 (nay là QL14G) nối liền miền núi với miền xuôi được cấp phối đá, các tuyến giao thông còn lại hoàn toàn là đường đất; làng xóm chỉ là những mái nhà tranh tre lụp xụp, cuộc sống người dân vô cùng khó khăn, kham khổ thiếu ăn, thiếu mặc triền miên.

Những người đi kinh tế mới đã cẩn trọng ghi dấu gốc gác của mình bằng cách lấy tên nơi ở cũ đặt cho nơi lập làng mới như Hòa Hải, Hòa Thọ, Hòa Phát, Hòa Xuân… Đó là những xã của H.Hòa Vang khi chưa chia tách địa giới hành chính, một phần để nhớ quê hương, một phần để thể hiện sự quây quần, đoàn kết ở nơi định cư mới. Cụ Nguyễn Văn Xuân (thôn Hòa Thọ) nhớ lại: Ngày ấy, khi lên đây, cuộc sống vô cùng khó khăn, đường đi lối lại toàn rừng rậm, lau lách. Song, với ý chí quyết tâm không quản ngại khó khăn, gian khổ, những người đi kinh tế mới đã cùng với người dân địa phương tập trung xây dựng phát triển kinh tế. Lúc đó, muốn xuống chợ Túy Loan trao đổi hàng hóa phải gồng gánh khoai sắn lội bộ luồn rừng. Từ sáng sớm đã ra khỏi nhà đến chạng vạng tối mới quay về. Vì thế, mỗi chuyến đi phải mua dự trữ mắm muối, cá khô cho gần cả tháng; có người đau ốm thì dân làng thay nhau cáng võng xuống trạm xá Hòa Phong điều trị. Nói chung, cái khổ thời ấy thì không sao kể hết.

Nghề ươm cây giống tái sinh rừng đã mang lại nhiều lợi nhuận cho người dân thôn kinh tế mới Hòa Hải (xã Hòa Phú).

Trước tình hình đó, các cấp chính quyền huy động máy móc, vận động người dân be bờ, đắp đập dẫn nước từ các khe suối về đồng ruộng trồng lúa nước mưu sinh. Người dân từng bước chủ động nguồn lương thực, thực phẩm dài ngày. Sau đó, các đập Hòn Dòng (thôn An Châu), Hố Cau (thôn Hòa Phát) được hình thành, tạo nguồn nước sản xuất để tăng năng suất cây trồng. Có nguồn nước, nhiều hộ dân còn đào thêm ao nuôi cá, chăn thả gia súc, phát triển rừng trồng. Cùng với đó, nhiều chương trình khuyến nông của TP, huyện được đưa đến tận nơi, người dân được tập huấn, hướng dẫn và biết cách áp dụng kỹ thuật mới để từng bước xóa bỏ hình thức sản xuất lạc hậu. Rồi điện, trạm Y tế, trường học, kênh mương nội đồng, nhà ở cứ dần dần kiên cố, khang trang lên; máy móc được đưa vào đồng ruộng làm thay sức người, người dân không còn ở nhà tạm… Lão nông Trần Khương (thôn Hòa Phát) trải lòng: “Lúc đó, cuộc sống xen ghép giữa người dân hai miền xuôi, ngược với những phong tục tập quán, canh tác, sinh hoạt có khác nhau đôi chút nhưng chúng tôi đều đồng thuận hỗ trợ, giúp nhau cùng vượt qua khó khăn để vươn lên thoát nghèo. Sau 45 năm từ vùng nội thành lên đây khai hoang, lập nghiệp, gia đình tôi với 3, 4 thế hệ nhưng cái ăn, cái mặc vẫn đủ đầy, cháu con đều được học hành đến nơi, đến chốn”.

Ông Võ Sơn- Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Hòa Hải chia sẻ: “Khi địa phương triển khai xây dựng nông thôn mới thì bộ mặt miền núi nơi đây bắt đầu khởi sắc. Từ chỗ toàn đường đất, đi lại khó khăn nay được thảm nhựa, bê-tông hóa, ô-tô lưu thông đến tận nơi vận chuyển hàng hóa”. Cũng theo ông Sơn, trước đây, làng kinh tế mới quê ông có gần 100 hộ dân nhưng không có nổi một ngôi nhà kiên cố, hộ nghèo chiếm 60-70%. Nay, hơn 80% hộ dân trong thôn gắn bó với kinh tế rừng, đặc biệt là nghề ươm cây giống tái sinh rừng sau khai thác phát triển mạnh, bình quân mỗi hộ thu lãi từ 80 đến 100 triệu đồng/năm; không chỉ đáp ứng đủ cây giống chất lượng cao tại chỗ mà còn xuất bán cây con cho nhiều địa phương ở Quảng Nam, Thừa Thiên- Huế. Ngoài tuyến QL14G đã được nâng cấp, mở rộng thì hiện nay với việc thi công xây dựng đường Vành đai phía Tây qua địa bàn xã sẽ tạo thêm động lực để địa phương phát triển mọi mặt.

Đến các làng kinh tế mới Lâm Viên hôm nay, chúng tôi cảm nhận sự đổi thay của vùng đất một thời được ví như “khỉ ho, cò gáy”. Hệ thống giao thông nông thôn, nội đồng không những được đầu tư bê-tông, thảm nhựa mà còn mở rộng thênh thang theo hướng đô thị; thu nhập bình quân đầu người đạt 48 triệu đồng/năm 2021. Bên cạnh đó, người dân cũng từng bước làm chủ được xu hướng sản xuất, duy trì các mô hình kinh tế hiệu quả, như trồng bưởi da xanh, cam đường, chuối thanh tiêu; nuôi cá nước ngọt, heo mọi…

“Có thể nói, ước mơ của bao thế hệ người dân miền núi đã trở thành hiện thực. Diện mạo nông thôn đổi mới, người dân rất phấn khởi, ngày càng tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước. Hòa Phú cũng là xã miền núi đầu tiên của huyện “cán đích” Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2011-2015); trong đó có phần đóng góp không nhỏ của người dân ở các làng kinh tế mới”- Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phú Huỳnh Tấn Sinh khẳng định.

Vy Hậu