Những đứa con trở về

Thứ hai, 24/10/2016 10:28

(Cadn.com.vn) - Làng phong Quy Hòa dưới chân Ghềnh Ráng – Quy Nhơn (Bình Định) gần trăm năm nay luôn cách biệt với thế giới bên ngoài. Ở đây không chỉ có cảnh đẹp thanh bình mà còn có tình người đong đầy được ví như “thung lũng của tình yêu”. Cũng từ đây, nhiều bệnh nhân phong khắp nơi tới điều trị, định cư, nên duyên vợ chồng. Những đứa trẻ làng phong ra đời, tuổi thơ chúng gắn với không gian chật hẹp, cách biệt. Những con chữ, bài học cũng trở nên khó khăn. Khi bệnh phong không còn đáng sợ, sự kỳ thị bớt đi cũng là lúc chúng vượt qua con đèo để học hành, hòa nhập với bên ngoài. Nhiều đứa trẻ học giỏi, thành đạt, tỏa đi bốn phương lập nghiệp, song cũng có những đứa trẻ nặng lòng với quê hương, quyết trở lại ngôi làng nhỏ bé của mình để cống hiến, dựng xây. Phạm Thanh Liêm (33 tuổi) là một người trong số đó.

 Liêm kể, khi bước ra từ làng phong để học hành bản thân luôn cảm thấy hụt hẫng bởi khoảng cách kiến thức chênh lệch quá lớn. Liêm phải nỗ lực rất nhiều mới có thể đuổi kịp bạn bè cùng lớp. Rồi Liêm bước qua ngưỡng cửa đại học, cậu lại học tiếp cao học để có bằng thạc sĩ Toán. Cầm tấm bằng thạc sĩ trên tay, cơ hội việc làm ở chốn đô thị mở ra với Liêm. Nhưng bất chợt một buổi trưa nọ, Liêm nhìn ra đường làng thấy những đứa trẻ đầu trần, nhễ nhãi mồ hôi cắp sách trở về nhà. Nhìn chúng, Liêm bỗng thấy tuổi thơ ùa về. Thương những đứa trẻ học trường làng, bước ra khỏi thung lũng Quy Hòa dường như kiến thức mất gốc, rất khó theo kịp bè bạn. Vậy là Liêm quyết định trở về làng, mở lớp dạy học cho bọn trẻ từ lớp 5 đến lớp 12. Phải dạy từ nhỏ vì theo Liêm kiến thức nền tảng ban đầu rất quan trọng. Từ năm 2014, lứa học trò đầu tiên theo học trong căn phòng nhỏ ở nhà Liêm bắt đầu thi đại học. Không phụ công thầy, 16 em đã đậu đại học. Năm kế tiếp, 17/17 em học trò trong lớp luyện thi của Liêm tiếp tục đậu đại học, tỏa đi bốn phương. Không chỉ một mình luyện thi môn toán, Liêm còn thuyết phục thêm một người bạn từ TP Quy Nhơn vào làng để dạy luyện thi môn hóa học. Hằng ngày, trong căn phòng nhỏ của gia đình, những đứa trẻ vẫn cặm cụi đèn sách trong sự hướng dẫn tỉ mỉ của người thầy nhiệt huyết, cũng là một người con của làng. Ở làng phong Quy Hòa phần lớn người dân không có việc làm, sống bằng tiền trợ cấp từ bệnh viện. Phải lo ăn cho những đứa trẻ đã khó, nói gì tới chuyện ra Quy Nhơn học tập hay luyện thi đại học. Vì thế, một người con sinh ra từ làng, được học hành bài bản, trở về để giúp đỡ cho thế hệ tương lai của làng càng đáng trân trọng.  Liêm chưa lập gia đình, nhưng cậu bảo sẽ gắn bó mãi với nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Cũng có nghĩa cô gái nào đó phải lòng Liêm, ắt hẳn phải có sự cảm thông chia sẻ lớn lắm.

Oanh nói, cần có thời gian nhiều hơn để thay đổi ngôi làng nhỏ bé của mình.

Dù đã lấy chồng, sống ở TP Quy Nhơn nhưng Trần Thị Hoàng Oanh (23 tuổi) vẫn quyết định trở về làng phong của mình để làm việc. Nắng cũng như mưa, mỗi ngày Oanh đều vượt qua con đèo quanh co để trở về Bệnh viện Qui Hòa làm  điều dưỡng ở khoa Khám bệnh. Oanh giải thích lý do từ chối cơ hội làm việc tại một bệnh viện trong thành phố để trở về Qui Hòa, bởi ở đó có cha mẹ mình, là nơi nuôi dưỡng tuổi thơ của mình, nơi những bà con làng phong với nỗi đau bệnh tật đang cần đến mình. Tuổi thơ của Oanh lớn lên với những câu chuyện kể nhuốm màu bi ai về sự kỳ thị dai dẳng. Thậm chí khi bước ra ngoài Qui Nhơn học, có bạn trong lớp lúc đầu rất vui vẻ, khi thấy Oanh nhận tiền trợ cấp dành cho con em làng phong, lúc đó biết chuyện đã tách ra, giữ khoảng cách nhất định. Và ngay cả chị gái của Oanh khi đi lấy chồng ở nơi khác cũng phải giấu chuyện là con của bệnh nhân phong. Hiểu rõ điều đó nên sau khi ra trường, Oanh quyết tâm trở về làng ngoài việc chăm sóc bệnh cho bà con, người thân, còn một sứ mệnh nữa là thay đổi cách nghĩ, giúp mọi người bớt tự ti, hòa nhập hơn với cuộc sống bên ngoài.

Cũng như Oanh, sau khi tốt nghiệp Đại học Y Huế, rồi tốt nghiệp cao học Nội khoa, Phạm Thị Thuyên (1987) quyết định trở về làng phong nơi có Bệnh viện Quy Hòa để làm việc. Thuyên bảo, mình yêu thích cuộc sống yên bình, hiền hòa nơi đây, nơi đã nuôi dưỡng tuổi thơ của Thuyên, nơi hữu duyên để ba mẹ Thuyên người Bình Thuận, người Quảng Ngãi gặp gỡ, gắn bó trọn đời. Hơn nữa Bệnh viện Quy Hòa là nơi đã giúp đỡ rất nhiều cho bệnh nhân phong, trong đó có ba mẹ Thuyên, trở về để chăm sóc cho người thân, hàng xóm, cho những người không may mắn mắc bệnh phong từ khắp nơi, đó cũng là việc nên làm. Được đào tạo bài bản, năng động nên dù còn trẻ Thuyên đã là phó trưởng khoa Nội của Bệnh viện.

Cho đến bây giờ, người làng phong đã hòa nhập với cuộc sống bên ngoài, nhưng không có nghĩa sự kỳ thị đã chấm dứt. Nhiều đứa trẻ từ làng đi ra học tập, làm việc, lập gia đình vẫn phải giấu đi quê hương của mình. Ngay như Liêm hay Thuyên, các em sẵn sàng chia sẻ về việc làm của mình, nhưng xin chụp một tấm hình đăng báo, các em đã từ chối với lý do mẹ của mình không muốn như thế. Người mẹ có đủ trải nghiệm để lo cho con mình. Và sự thay đổi có thể phải chờ đợi thêm thời gian, thêm nhiều những đứa con trở về.

Hải Hậu