Những giọt nước mắt trùng phùng sau 4 năm bị cướp biển bắt cóc
(Cadn.com.vn) - Chiều 26-10, 3 thuyền viên Nguyễn Văn Hạ (1981, trú xã Kỳ Khang), Nguyễn Văn Xuân (1981, trú xã Kỳ Trinh, TX. Kỳ Anh, Hà Tĩnh) và Phan Xuân Phương (1989, trú xóm Đông Hưng, xã Nghĩa Yên, H. Nghĩa Đàn, Nghệ An) đã trở về quê nhà trong niềm vui đoàn tụ của gia đình, người thân, bạn bè. Nụ cười xen lẫn với những giọt nước mắt sau 4 năm bị cướp biển Somalia bắt giữ vỡ òa, xúc động...
Mong ngóng từng ngày
Chúng tôi có mặt tại xã Nghĩa Yên, H. Nghĩa Đàn chiều 26- 10, chứng kiến cảnh làng xóm, người thân đón anh Phan Xuân Phương về đến quê nhà trong niềm vui khôn xiết. Từ khi nghe tin con trai bị cướp biển Somalia bắt cóc đến nay đã 4 năm, chưa đêm nào ông Phan Xuân Linh (1945) và bà Lê Thị Hòa (1957) được ngon giấc ngủ. Lo cho con, bà Hòa đổ bệnh rồi bị tai biến hiện phải nằm một chỗ. Cách đây mấy hôm, bất ngờ, Phương gọi điện về thông báo sắp được trở về nước, vợ chồng ông Linh bàng hoàng vì vui mừng. Ông Linh nhớ lại: tháng 2-2012, tàu cá FV Naham 3 của Đài Loan bị cướp biển Somalia bắt giữ tại quần đảo Seychelles (Ấn Độ Dương), ông nhận được tin con trai gọi điện về cho gia đình thông báo là bị cướp biển bắt cóc, thuyền trưởng đã bị giết hại, muốn chuộc người phải nộp 60.000 USD, nếu không chúng sẽ giết. Lúc đó, Phương mới đi được 11 tháng thì làm gì có nhiều tiền gửi về. Nhận tin như sét đánh ngang tai nhưng gia đình cũng đành bất lực. Sau đó ông Linh còn nhận được 2 cú điện thoại của Phương với nội dung cầu cứu rồi bặt tin đến nay. Sau khi con trai bị cướp biển bắt, ông Linh đã nhiều lần ra Hà Nội để tìm kiếm thông tin nhưng không có kết quả... "Hôm 21-10, gia đình tôi bất ngờ nhận được điện thoại của Phương gọi về mà không tin được, đến khi nghe đài, báo đưa tin mới hay đó là sự thật. Giờ con sống sót trở về, tôi không trông mong gì hơn là để Phương ổn định tâm lý rồi sau đó mới tính đến chuyện kiếm việc làm rồi lập gia đình. Không có gì vui sướng khi gia đình được đoàn tụ, còn người thì còn của mà"- bà Hòa xúc động.
Niềm vui của anh Phương khi gặp lại người thân. |
Anh Phương trong vòng tay người thân. |
Hơn 4 năm qua, chị Nguyễn Thị Quỳnh (vợ anh Nguyễn Văn Xuân) cùng ba đứa con thơ ngày đêm khắc khoải mong tin chồng, cha. Sau khi cưới nhau, vợ chồng anh Xuân được cha mẹ chia cho gần một sào ruộng. Cuộc sống khó khăn lại đông con nên sau mỗi mùa vụ vợ chồng phải gửi con để đi làm phụ hồ. Làm ăn quần quật nhưng gia đình vẫn luôn thiếu trước, hụt sau, anh Xuân bàn với vợ vay mượn bà con, bạn bè được 24 triệu đồng để đi xuất khẩu lao động sang Đài Loan. Những tưởng làm việc nơi xứ người sẽ giúp gia đình khấm khá nhưng trong lúc tiền nợ chưa trả hết, chị Quỳnh đột ngột nhận được điện thoại của chồng báo bị cướp biển Somalia bắt. Nhiều lần chị Quỳnh khăn gói ra Hà Nội cầu cứu nhưng phía công ty xuất khẩu lao động chỉ gửi thông báo "chủ tàu đang nỗ lực đàm phán để giải cứu thuyền viên ra...". Còn bà Nguyễn Thị Thủy (60 tuổi, mẹ của thuyền viên Nguyễn Văn Hạ) cho biết: "Sau hơn 4 năm mong đợi, ngày đoàn tụ cũng đã tới. Cảm ơn trời đất đã không cướp đi con trai tôi". Cũng vì hoàn cảnh quá khốn khó nên Hạ phải đi xuất khẩu lao động. Ngày đi, Hạ vay nóng được 14 triệu đồng đặt cọc cho công ty cung ứng lao động. Vậy mà, sang đó chưa được bao lâu thì ở nhà nhận được hung tin.
Vỡ òa hạnh phúc
Sau gần 1 ngày đi xe về quê, gương mặt anh Nguyễn Văn Xuân phờ phạc vì mệt nhưng vẫn cười tươi khi gặp lại người thân và bà con lối xóm. Anh Xuân cho biết: "Không ngờ được sẽ có những phút giây đoàn tụ như thế này, vì chúng tôi đã trải qua nhiều khó khăn, vất vả, hiểm nguy, thậm chí đe dọa đến tính mạng. Sống dưới tán cây giữa sa mạc nên cái gì cũng khan hiếm, từ nước ngọt đến lương thực đều thiếu thốn nên ai cũng phải cạo trọc đầu. Lúc nào chúng tôi cũng bị bọn cướp biển canh gác cẩn mật và thường xuyên phải di chuyển địa điểm. Thời gian đầu không hiểu ngôn ngữ nên rất khó giao tiếp, người ốm nặng mới được cấp thuốc uống. Nghĩ đến gia đình, vợ con, chúng tôi động viên nhau cố gắng vượt qua và hy vọng. Không ngờ, điều kỳ diệu đã xảy ra...". Nghe tin chồng trở về, chị Nguyễn Thị Quỳnh (1983, vợ anh Xuân) và hai con lặn lội từ Hà Tĩnh bắt xe ra Hà Nội đón chồng. Cả gia đình gặp nhau trong niềm vui vỡ òa. Chiều tối cùng ngày, tại ngôi nhà nhỏ của anh Nguyễn Văn Hạ tại xã Kỳ Khang, Kỳ Anh, rất đông người dân, người thân đến mừng anh trở về. Dù rất mệt, nhưng anh Hạ vẫn dành cho các phóng viên vài phút chia sẻ những gì trải qua trong hơn 4 năm qua. Anh kể: "Ban ngày thời tiết nắng nóng nhưng 26 người chỉ được 1 lít nước. Ban đêm lạnh cóng. Ở sa mạc không có nhà, chỉ có vài lùm cây nhỏ, chúng tôi dựng bạt tạm bợ, nằm trên cát. Ăn ngủ trước họng súng, thậm chí đi vệ sinh cũng bị giám sát. Chúng tôi phải tự kiếm thức ăn, kiếm củi, tự đi lấy nước uống. Thỉnh thoảng bọn cướp lại di chuyển chỗ ở để tránh bị phát hiện. Giữa sa mạc mênh mông mình muốn trốn cũng không biết trốn chỗ nào".
Anh Hạ rạng ngời bên con trai bé bỏng... |
...trong vòng tay người thân. |
Được biết, để hỗ trợ các thuyền viên, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã yêu cầu Vinamotor làm việc với công ty môi giới và chủ sử dụng thuyền viên phải thanh toán tiền lương, các chế độ bảo hiểm, chi phí hỗ trợ lao động trong thời gian thuyền viên bị hải tặc Somalia bắt giữ và chi phí đưa ba thuyền viên về nước. Bên cạnh đó, phải tổ chức đưa đón người lao động về quê, có cơ chế hỗ trợ thuyền viên gặp rủi ro khi đi làm việc ở nước ngoài.
Xuân Sơn-Dương Hóa
Tháng 2-2012, tàu cá FV Naham 3 của Đài Loan bị cướp biển Somalia bắt cóc. Trên tàu có các thuyền viên đến từ Trung Quốc, Philippines, Campuchia, Indonesia, Đài Loan và Việt Nam. Sau hơn 4 năm, ba thuyền viên Việt Nam trên tàu Naham 3 bị hải tặc Somali bắt giữ được thả và Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hiệp Quốc đã đưa các thuyền viên từ Somalia về Kenya. Đại sứ quán Việt Nam tại Tanzania lập tức cử người sang Kenya tiếp nhận và hỗ trợ các thủ tục liên quan để các thuyền viên hồi hương. |