Những gợi ý để vượt qua nỗi sợ
Năm 1969, học giả Nguyễn Hiến Lê (1912-1984) đã xuất bản cuốn Trút nỗi sợ đi (dịch của Lester Coleman). Là một bác sĩ, Lester Coleman chứng kiến rất nhiều căn bệnh sợ phát sinh ở một số thân chủ, mà nếu không trị ngay thì bệnh mỗi ngày mỗi tăng, có thể biến đổi tính tình, hủy hoại công việc làm ăn, sự nghiệp của họ, hạnh phúc của họ và gia đình. Ông nhận thấy rằng nỗi sợ là căn bệnh "dễ lây và lây nhanh hơn bệnh dịch hạch", là "một hệ thống báo động phức tạp", là "dấu hiệu báo ta phải phản ứng để giữ thăng bằng thể chất và tinh thần"... Tác giả kêu gọi, đừng che giấu nỗi sợ, bởi càng che đậy kỹ lưỡng, nỗi sợ càng chẳng tự dưng mất đi được. Đối với tác giả, nhận thức được nỗi sợ là một điều tốt, nhưng đối diện với chúng mới là điều đáng vui hơn...
Bìa sách "Vượt qua nỗi sợ - một quan niệm sống tích cực. |
Không hẹn mà gặp, 50 năm sau, một nhà báo vốn rất yêu thích các tác phẩm của Nguyễn Hiến Lê cũng viết một cuốn về nỗi sợ, mang tên Vượt qua nỗi sợ - một quan niệm sống tích cực (tác giả: Nguyễn Minh Hải, Nxb Tổng hợp TPHCM ấn hành tháng 9-2019). Nhà báo Nguyễn Minh Hải cho biết bản thân anh chưa đọc cuốn này và chỉ biết đến khi có người nói sách của anh có tên gần giống với một cuốn sách của Nguyễn Hiến Lê. Nhưng đọc cuốn Vượt qua nỗi sợ, chúng ta sẽ thấy góc nhìn của tác giả có phần khác với Nguyễn Hiến Lê, bởi anh nhìn nỗi sợ ở khía cạnh xã hội, chứ không chỉ về mặt sinh học, thể chất.
Trong Lời tựa, Nguyễn Minh Hải viết: "Ở nhà thì lo thức ăn không bảo đảm vệ sinh, lo con cái mải mê điện thoại, ipad mà bỏ bê việc học, ngại anh em cách biệt lẫn nhau... Ra đường thì nơm nớp tai nạn giao thông, sợ cướp giật, hành hung, ngại ngần trước không khí ô nhiễm, hoang mang trước cảnh ngập nước sau một trận mưa... Ta lo lắng về thu nhập, về chất lượng cuộc sống, về tương lai của gia đình và con cái, về các cuộc "chạy đua" cho bằng chị bằng em... Tất cả những điều đó đều là nỗi lo, nỗi sợ rất chính đáng"...
Cuốn sách được dẫn dắt bằng một câu chuyện có ý nghĩa sâu sắc: Người phương Tây có câu chuyện về một con quái vật sống bằng nỗi sợ của kẻ khác. Nếu đối thủ của nó càng sợ thì con quái vật đó ăn nỗi sợ và càng lớn thêm lên; ngược lại, nếu đối thủ không sợ nó thì nó sẽ nhỏ lại... Câu chuyện cho thấy, sự sợ hãi của chúng ta dĩ nhiên không làm đối thủ lớn thêm mà chính là chúng ta nhỏ lại, nhỏ với chính mình và với đối thủ, và ta càng nhỏ thì đối thủ càng như lớn thêm ra! Bởi vậy, chúng ta không nên mải lo sợ, bởi càng sợ thì khó khăn, thách thức với chúng ta lại càng lớn hơn, phức tạp hơn.
Thực tế trong cuốn sách này, Nguyễn Minh Hải còn nêu ra nhiều nỗi sợ khác, như: các tác động tiêu cực của Internet và mạng xã hội, các hành xử tội ác vốn xuất hiện ngày càng nhiều trong xã hội, về sự phân cực và phân tầng trong xã hội, về tác động của các hoạt động mang màu sắc tín ngưỡng, về lối sống chạy theo đồng tiền mà bất chấp tất cả, về sự xao lãng của việc giáo dục đạo đức trong nhà trường... Một số vấn đề tác giả đặt ra khá thú vị, như "Khi cái ác nhân danh tình yêu", "Về sự "đối chọi" trong xã hội...", "Một ngày nên có bao nhiêu giờ?", "Đôi lúc cần có người đi... bên trái!", "Đừng để cái ác lẩn khuất trong chúng ta!", "Đức lưu phương", quan niệm để đức cho đời sau"... Đó cũng là tiêu đề của một số bài viết nổi bật trong cuốn sách.
Tác giả đặt ra các câu hỏi: "Ta lo, ta sợ nhiều thứ như vậy nhưng bản thân mình đã có cách nào khắc phục không? Ta có truyền cái lo lắng, sợ hãi đó cho con cái, cho người thân không? Ta có tìm cách chỉ dẫn cho con em mình cách vượt qua các thử thách đó không? Ta có cảm thấy bất lực trước các thách thức vây quanh đó không? Hay ta vẫn cứ lo nhưng hoàn toàn không giải quyết được điều gì trong cái mớ bòng bong lo lắng đó?...". Và anh trả lời: "Chắc hẳn với mỗi người sẽ có những câu trả lời khác nhau, nhưng người nào thấy an lòng nhất chính là người đã tìm được cách vượt qua được nỗi lo đó! Còn người nào càng lo thì lại càng thấy hoang mang, càng sợ thì thấy mọi thứ thêm phức tạp. (...) Điều tích cực nhất có lẽ là tìm cách vượt qua nỗi sợ, đối mặt với cách thách thức bằng những cách thức, kỹ năng phù hợp".
Có quan điểm gần giống như các tác giả của cuốn Trút nỗi sợ đi, Nguyễn Minh Hải chia sẻ: "Điều duy nhất tác giả muốn người đọc đồng cảm là, thay vì sợ hãi, ta nên nghĩ đến khả năng lớn lao của bản thân mình có thể vượt qua nỗi sợ đó, thay vì nhìn cuộc sống bằng một lăng kính xám xịt thì hãy nghĩ đến những khoảng sáng đẹp đẽ nào đó. Vì khi nghĩ đến những điều đó thì ta sẽ thấy tự tin ở bản thân, sẽ thấy tin tưởng vào những điều tốt đẹp của cuộc sống. Và khi đó, ta sẽ vượt qua được nỗi sợ!".
Một số gợi ý cụ thể được tác giả nêu trong sách có thể gợi mở, khích lệ chúng ta tự tin hơn, mạnh dạn hơn, chủ động hơn, tích cực hơn... và nhờ đó có thể giúp chúng ta vượt qua được các nỗi sợ trong cuộc sống của mình.
Minh Tâm