Những hàng cây đã già

Thứ ba, 12/10/2021 16:33

Một đời cây có khi mấy trăm năm, nên gọi là cổ thụ. Một thành phố trở mình từ ngày thành lập cho đến nay, cũng trải bao năm, và luôn ôm trong mình những cây cổ thụ. Những cây cổ thụ ấy như nhân chứng cho bao thăng trầm. Cổ thụ không chỉ là một đời cây lớn lên theo thời gian, nó còn là vẻ đẹp hoàn mỹ khó cưỡng cho ai tìm đến. Ở đó, là kỷ niệm của những người sinh ra và lớn lên cùng thành phố từng bao mùa mưa nắng.

Cây ven bờ biển Nha Trang.

Thành phố Nha Trang được coi là thành phố trẻ, đến năm 2024 mới đủ tuổi trăm năm. Nhưng trước trăm năm đó, thành phố huyễn hoặc nằm ven biển, khởi đầu chỉ là một làng nhỏ, mà khi đó con đường biển chỉ là cát trắng, rau muống biển lô xô chen mọc nở tím cả đất trời, là những con dã tràng cứ lên bờ đào hang se cát. Và thành phố đó khi ấy chỉ có những con đường nhỏ, bởi ngựa xe đâu có nhiều để dập dìu, cả tiếng chuông Nhà thờ Đá nằm ngay ngã sáu khi ngân lên, trong thinh không như lan tỏa rất xa.

Một thành phố luôn cần có bóng cây xanh, bởi cây xanh che mát cho những ngôi nhà, để khách bộ hành đôi khi mệt mỏi ghé lại trong lúc mỏi chân. Và chính những cây cổ thụ trong lòng phố còn là nhân chứng cho cuộc biển dâu, mà người trồng cây có thể đã không còn trong cuộc đời này. Ngay cả những cây trồng hôm nay, đang vươn cành và tỏa bóng mát hoặc hẹn hò ra hoa kết trái theo chu kỳ sinh trưởng, vài chục năm hoặc trăm năm sau sẽ lại thành những câu chuyện kể.

Những câu chuyện kể đó chính là hàng cây dương liễu ở công viên biển đường Trần Phú. Khoảng 15 cây như thế đang lớn lên từng ngày, mà tính từ 50 năm trước, những cô cậu học trò Trường nữ Trung học và Võ Tánh vẫn thường tìm ra, leo lên cây gọi là tìm cảm giác, hay ngồi dưới những gốc cây chuyện trò, tầm mắt hướng ra ngoài biển nhìn những con sóng vỗ. Những cây dương này trồng vào khoảng năm 1910 hoặc 1920, nghĩa là tròn 100 năm tuổi. Đó là những cây dương trồng chắn cát, khi ấy con đường Trần Phú nhỏ, còn bãi biển chỉ là cát bồi chứ không đẹp như bây giờ. Cây lên cao, thế là những người quản lý cây xanh thời đó nghĩ ra việc cắt ngọn, tạo dáng cây thành những hình khối nhiều cạnh. Cứ cắt tỉa và cây cứ phát triển theo lẽ tự nhiên, đến nay những cây dương liễu cổ thụ này vượt tầm cao 8 mét.

Là bốn cây xà cừ còn sót lại trên đường Ngô Gia Tự. Ngày xưa, con đường Ngô Gia Tự có rất nhiều cây xà cừ, rồi mưa bão làm bật gốc, một phần phải đốn bỏ để mở đường, nên cây xà cừ này gần như là nhân chứng duy nhất của con đường. Con đường Đường Đệ vẫn còn giữ hàng xà cừ trăm tuổi, tạo duyên cho phố là hàng cổ thụ hiếm hoi, để nhớ ngày xưa con đường Lý Tự Trọng và Pasteur có hai hàng cổ thụ đẹp giống như trong các phim tình cảm lãng mạn, nay đã là quá khứ.

Theo lời kể, thì cái thuở Nha Trang bắt đầu hình thành vào năm 1924, người Pháp đã chọn cây xà cừ để trồng trong lòng phố, cũng không hiểu họ nghiên cứu thổ nhưỡng như thế nào. Công dụng của cây xà cừ là làm trong lành môi trường, tạo bóng mát, cải tạo được không khí xung quanh, giảm thiểu sức nóng của toàn cầu, và khói bụi của đường phố, xe cộ. Ngoài ra cây còn tạo vẻ đẹp cho không gian, môi trường xung quanh. Cây xà cừ vào mùa trái chín rụng, những trái bung ra bốn mảnh đưa hạt đi xa.

Bây giờ, những cây me già ở công viên Võ Văn Ký sau khi trải trăm năm và chịu tác động của môi trường, nay phát triển chậm lại. Nhưng đó là hàng cây thơ ấu của bao lứa tuổi. Hay những cây bàng già còn sót lại đâu đó trong những góc phố, qua mùa xuân chuyển màu lá đỏ vàng, mùa hè rụng trái đẹp như những bức tranh vẽ.

 Những cây cổ thụ trong phố ấy đã là một đời riêng, là khi tìm đến, như chạm gặp ở đó biết bao nhiêu câu chuyện. 

KHUÊ VIỆT TRƯỜNG