Những HLV số một...

Thứ sáu, 18/01/2008 00:00

(Cadn.com.vn) - Họ đang là những huấn luyện viên số một Việt Nam thời điểm hiện tại, ở hai môn được ví là vua (bóng đá) và nữ hoàng (điền kinh) của thể thao....

Một chữ tâm với nghề

(Cadn.com.vn) - Rất điềm tĩnh và từ tốn, đấy là tính cách của vị HLV số một Việt Nam năm 2007, Hồ Thị Từ Tâm, người dẫn dắt các học trò giành tới 7 HCV môn điền kinh qua 2 kỳ SEA Games liên tiếp. Những ai thân chị thì bảo, ở chị có nét điềm tĩnh, sâu lắng trong tính cách của người phụ nữ Huế... Vậy nhưng, trong chị luôn có ngọn lửa cháy bỏng đam mê, để rồi thổi bùng lên cho học trò niềm tin mãnh liệt.

“Không phải HLV có tài nào cũng đào tạo được những VĐV đoạt HCV. Làm nghề nào cũng phải có một chữ tâm” - HLV Hồ Thị Từ Tâm.

Sinh ở Huế, từng là VĐV điền kinh của tỉnh Bình Trị Thiên, bén duyên rồi theo chồng vào Bình Định... Cuộc đời lẫn sự nghiệp của chị có lẽ vẫn âm thầm trôi đi trong sự bình yên như thế nếu không có bước ngoặt “1998”: chị được điều động ra Đà Nẵng đảm trách đội tuyển điền kinh trẻ Việt Nam tại Trung tâm III. Nhưng phải 5 năm sau, sự nghiệp của chị mới bắt đầu cất cánh khi tháng 7-2003, chị được điều động vào tổ cự ly trung bình đội tuyển điền kinh Việt Nam để rồi dưới tay chị liên tiếp những Đỗ Thị Bông, Lê Văn Dương và giờ đây Trương Thanh Hằng, Nguyễn Đình Cương lần lượt... cất cánh góp phần đưa điền kinh Việt Nam trở thành một trong những ông trùm của Đông Nam Á tại 3 kỳ SEA Games liên tiếp....

HLV Hồ Thị Từ Tâm bên các học trò tại Sea Games 24

Trong làng điền kinh Việt Nam, chị được đánh giá cao không chỉ từ những tấm HCV luyện được mà còn ở nhân cách và tâm tính. Học trò của chị, người từ Bắc vào, đứa từ Nam ra... nhưng ai cũng coi chị như người mẹ thứ hai, người luôn sống và dạy dỗ họ bằng tình thương, sự điềm tĩnh và chính nhân cách của chị. Chị tâm sự, làm HLV không đơn thuần chỉ là chuyên môn, giáo án... mà người thầy còn phải biết làm sao để các em có niềm tin mãnh liệt, sống có mục tiêu và phải đạt được mục tiêu đó - đấy là nhiệm vụ của HLV. Như Đỗ Thị Bông, Trương Thanh Hằng hay Nguyễn Đình Cương... đều xuất thân từ gia đình khó khăn, với họ, thể thao không chỉ là cứu cánh cho bản thân mà còn cho cả gia đình, vì thế là HLV, chị phải hiểu và tìm mọi cách thổi bùng ngọn lửa đam mê, ý chí vượt khó trong họ. Chính tình thương, sự điềm tĩnh đến kỳ lạ của người phụ nữ nhỏ bé này đã thổi vào các học trò một niềm tin, một ý chí vượt khó mãnh liệt. Như khi Nguyễn Đình Cương bị tước HCV ở SEA Games 23, chị không nhảy bổ lên cãi lại như nhiều HLV khác hay giận dữ, trách mắng học trò mà ngược lại chị lặng lẽ ôm học trò vào lòng, an ủi, tỉ tê như một người mẹ. Sự điềm tĩnh và đằm thắm của chị khiến các học trò thấy thân thương, ấm cúng hơn để rồi từ đó, biến nỗi đau thành sức mạnh trong tập luyện và thi đấu. Lúc niềm vui chiến thắng tràn ngập trên khuôn mặt học trò, chị lặng lẽ ngồi trên khán đài với nụ cười rạng rỡ nhưng nhẹ nhàng, trong ánh mắt người thầy, người mẹ này sáng lên như vơi bớt đi một phần âu lo. Phải biết cân bằng giữa những trạng thái cảm xúc - đó là bản lĩnh của người HLV.

Chị tâm sự, cái nghề của mình như làm dâu trăm họ, ngặt nghèo và bạc bẽo. Chiến thắng thì vinh quang nhưng khi sẩy chân, tất cả chỉ là con số không tròn trĩnh. Không có bản lĩnh, không trụ được. Bây giờ mình có thành tích, ừ mừng đấy, vui đấy, nhưng cuộc đời có lúc trầm lúc thăng, cái nghiệp HLV thì vòng quay càng ngắn. Chị chẳng muốn nói nhiều về mình, chỉ muốn cố gắng làm việc, cống hiến hết mình cho Thể thao nước nhà, cho cái nghiệp chị đam mê đeo đuổi được xuôi chèo mát mái. Mấy chục năm lăn lộn với nghề, điều tâm đắc nhất chị rút ra được: làm nghề gì cũng phải có chữ tâm.

Chị không dám nhận mình có tài, bởi chị ý thức rằng cái nghề mình bạc lắm. Hôm nay thì vậy, nhưng khi sa cơ ai biết đâu... Thôi thì mình chưa tài, nhưng có cái tâm với nghề. Vậy thôi, nghề gì cũng vậy, trước hết có cái tâm đã là đủ!

Hải Hậu

Đời không “bạc”

(Cadn.com.vn) - Số phận dường như muốn thử thách lòng kiên nhẫn của con người này. Hào hoa, tài năng và đầy cá tính... nhưng mãi đến đoạn cuối sự nghiệp, thành công mới chịu đến với ông. Trong hơn 40 năm gắn bó với bóng đá, dù ở vị trí nào, dân trong nghề cũng đều phải nể phục tài năng của ông, nhưng cả đời mình, con người này mới chỉ 2 lần đứng trên đỉnh vinh quang...

“Đừng có nghĩ vô địch là HLV giỏi, bởi HLV chỉ là một phần thôi. Điều tôi tự hào nhất là giúp cho các cầu thủ được chơi, được cống hiến hết mình và hạnh phúc với công việc. Họ tôn trọng tôi và muốn chung sức với tôi trong mọi công việc. Đó mới là thứ đáng giá nhất của một người làm nghề” - HLV Lê Thụy Hải.

Nói về chiếc HCV đầu tiên trong sự nghiệp của mình, ông Lê Thụy Hải rất tự hào bởi theo ông, đó là chức vô địch “cực hay”. Năm 1980, Việt Nam lần đầu tiên tổ chức giải bóng đá vô địch quốc gia, tuy Thể Công, "ông trùm" phía Bắc, không tham dự nhưng vẫn còn CAHN, Cảng Sài Gòn, Hải quan, Sở Công nghiệp... những đội bóng mà theo cách gọi bây giờ là “đại gia”, với rất nhiều tham vọng đoạt chiếc Cúp vô địch đầu tiên của lịch sử bóng đá Việt Nam sau ngày thống nhất. Khi đó, đội Tổng cục Đường sắt (TCĐS) của Lê Thụy Hải chỉ là một đội bóng công nhân “nghèo rớt mùng tơi”, thậm chí suýt bị giải tán “nếu không có sự phản đối của công nhân ngành Đường sắt”. Vậy mà cuối cùng TCĐS là đội duy nhất không thua trận nào tại giải và đi một lèo đến chức vô địch. Trong lứa cầu thủ làm nên lịch sử ngày đó, nổi nhất chính là lão tướng Lê Thụy Hải, tiền vệ hào hoa số 1 đất Bắc những năm 70, khi đó đã bước sang tuổi 36. Đó cũng là danh hiệu vô địch duy nhất mà ĐSVN giành được trong suốt gần 40 năm tồn tại của mình. Vì thế, đến tận bây giờ, khi nhắc lại, Hải “lơ” vẫn tâm đắc tự hào về chiếc HCV đầu tiên và cũng là cuối cùng trong sự nghiệp cầu thủ gần 20 năm của tiền vệ này. Nói về tấm HCV ngày đó, giờ ông Hải vẫn không giấu niềm kiêu hãnh: “Một lần được đeo HCV còn hơn cả đời chỉ được đeo bạc hay đồng”.

Ngay sau chiếc HCV đầu tiên ấy, sự nghiệp Lê Thụy Hải rẽ sang một hướng khác và nó cũng gập ghềnh, chông gai y như hồi làm cầu thủ... Từ đất Thủ đô, ông lặn lội vào miền Trung với đội Phú Khánh, vừa đá bóng vừa kiêm luôn nhiệm vụ HLV ở tuổi 37. Ấy thế mà Phú Khánh năm đó trụ hạng thành công dù thực lực của họ khi đó rất yếu. Chiến tích ấy đã giúp Lê Thụy Hải làm bàn đạp “lang thang” khắp miền Nam những năm sau đó với những bản hợp đồng “trụ hạng”: hạng nhì, hạng nhất, làm trẻ, làm trợ lý rồi làm cả bóng đá nữ... Lê Thụy Hải đều kinh qua nhưng chẳng nơi nào, vị trí nào giúp ông “ấm chỗ”, cái tên Hải “du mục” ra đời từ đó. Luôn dịch chuyển, luôn đối diện với khó khăn nhưng có một điều kỳ lạ mà ông vẫn hay tự hào: Hải “lơ” mà cầm đội nào thì thành tích bao giờ cũng phải bằng hoặc cao hơn năm trước, không thể kém hơn. Chỉ có điều, cái tên Hải “lơ” tuy đã nổi như cồn, giới chuyên môn thừa nhận ông như một HLV hàng đầu Việt Nam nhưng cũng như khi còn là cầu thủ, Hải “lơ” không một lần lên được vị trí của nhà vô địch...

HLV Lê Thuỵ Hải

Nhưng đời không “bạc” với người tài mãi. Năm 2004, Đà Nẵng trải thảm mời ông về và đây được xem là bước ngoặt để Hải “lơ” từ chuyên gia trụ hạng trở thành... nhà vô địch. Dưới bàn tay Lê Thụy Hải, Đà Nẵng nhanh chóng đoạt ngôi Á quân V-League 2005. Nhưng tiếc cho Đà Nẵng và tiếc cho cả ông Hải khi scandal tiêu cực tại SEA Games 23 đã buộc ông phải rời cương vị thuyền trưởng Đà Nẵng khi mà vầng hào quang đã rất cận kề. Rời Đà Nẵng, ông đến Bình Dương để thực hiện ước mơ vô địch của “Chelsea Việt Nam”: về nhì tại V-League 2006 rồi 1 năm sau, rất ổn định, rất sắc sảo, chắc chắn, B-Bình Dương của Lê Thụy Hải đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác và cập bến vinh quang V-League 2007 trước 4 vòng đấu cùng hàng loạt kỷ lục mới của V-League. Song song đó, HLV Lê Thụy Hải còn được Hội đồng HLV Quốc gia bầu chọn là HLV xuất sắc nhất giải. Sau 26 năm theo nghiệp HLV, ông Hải mới có chức vô địch nhưng đấy là chức vô địch để thừa nhận tuyệt đối về tài năng của ông. Tấm HCV này, chắc chắn cũng cao giá như tấm HCV thời còn là cầu thủ. Nếu chức vô địch của năm 1980 giành được bằng mồ hôi và nước mắt thì chức vô địch của năm 2007 này, có mồ hôi và chất xám.

Rất lạ, mấy chục năm làm HLV, Bình Dương là mảnh đất đầu tiên ông Hải ở đến mùa thứ ba liên tiếp. Khi mà Hải “du mục” dừng bước, đó cũng là khi ông vô địch. Nhưng vô địch với Lê Thụy Hải chưa phải là cái đích cuối cùng...

Dương Anh