Những kho thóc dưới chân núi Ngọc Linh

Thứ ba, 19/03/2019 18:30

Bao đời nay, khi mùa màng thu hoạch xong, người Ca Dong, Xơ Đăng ở H. Nam Trà My (Quảng Nam) không đem thóc lúa và các loại lương thực khác về cất trong nhà mà họ đem trữ trong các kho nằm cách làng vài trăm mét. Những kho thóc của người dân cũng được quây quần thành một khu vực tập trung nằm nơi cao ráo. Điều đáng nói, kho thóc của nhà nào nhà ấy sử dụng, không bao giờ bị mất trộm mặc dù không hề được canh giữ. Những kho thóc này đã trở thành nét văn hóa không thể thiếu của cộng đồng làng dưới chân đỉnh núi Ngọc Linh.

Quần thể kho thóc tại thôn 2, xã Trà Linh.

Theo già làng Hồ Văn Du (thôn 2, xã Trà Linh), kho thóc là nguồn sống duy nhất của dân làng. Bởi tất cả lúa, sắn, bắp... đều được lưu giữ trong các kho này. Sở dĩ các hộ gia đình phải làm kho thóc xa làng là do trước đây, khi tập tục sinh sống trong nhà sàn có bếp lửa cháy quanh năm suốt tháng, vào mùa sản xuất, cả làng đi nương đi rẫy nên tình trạng lửa bùng phát cháy làng xảy ra liên tục. Hơn nữa, do nhà cửa đều làm bằng tre, nứa và nằm san sát nhau nên khi một nhà cháy thì cả làng sẽ bị thiêu rụi. Bên cạnh đó, nếu để lương thực trong làng sơ ý dễ bị heo, gà ăn hết. Do vậy, kho thóc được người dân dựng xa làng đề phòng chuyện bất trắc. Dù mỗi lần đi lấy thóc về giã gạo hơi xa nhưng tập tục xưa nay của bà con vẫn lưu giữ. "Nếu lỡ cháy nhà mà cháy luôn lúa, bắp thì lấy gì ăn. Vì thế, làm kho thóc xa làng chủ yếu để đề phòng nhà cửa có cháy thì còn có cái ăn, để gầy dựng lại cuộc sống, làng mạc"- già Du cho biết. Bên cạnh đó, trước đây làng mạc thường được dựng bên các dòng sông, suối để tiện sinh hoạt nên khi vào mùa mưa lũ, sạt lở, lũ quét luôn đe dọa đến cuộc sống dân làng. Cho nên tất cả các hộ gia đình phải làm kho thóc xa nhà để bảo vệ nguồn sống của mình. Không chỉ được dân làng dự trữ lương thực mà các kho thóc của người Xơ Đăng, Ca Dong còn chứa hạt giống phục vụ cho sản xuất nương rẫy. Vì vậy dân làng rất xem trọng và giữ gìn vệ sinh sạch sẽ kho thóc của làng.

Theo quan sát, những kho thóc thường được dựng ở trước cổng làng hoặc trên khu đất cao ráo, thoáng mát. Mỗi kho diện tích khoảng 6m2, cao chừng 4 m, trong đó phần kho chứa cao khoảng 2 m được dựng trên 4 chân trụ gỗ theo kiểu nhà sàn. Tất cả các kho thóc đều được làm bằng gỗ, mái lợp lá rừng hoặc tôn. Riêng dưới 4 chân trụ, dân làng thường dùng tấm gỗ hình tròn, đường kính khoảng 0,5 m chắn ngang để không cho chuột, thú rừng bò lên ăn thóc. Tùy theo điều kiện canh tác mà các gia đình làm nhiều hoặc ít kho thóc. Nhà nào càng làm nhiều thóc thì dựng nhiều kho mới chứa hết. Qua đó cũng cho thấy được sự trù phú, sung túc của mỗi làng.

Người dân Nam Trà My thường đặt bếp lửa trong nhà để nấu ăn, sưởi ấm nên dễ sinh ra hỏa hoạn.

Hằng năm, khi mùa màng thu hoạch xong, lúa thóc đưa về chất đầy kho, dân làng bắt đầu làm lễ cúng lúa kho tạ ơn thần linh ban cho vụ mùa bội thu và tổ chức hội ăn mừng một năm sản xuất thắng lợi. Trong các lễ hội lúa kho, người Ca Dong, Xơ Đăng tổ chức gói bánh sừng trâu, nấu rượu cần, cơm lam, mổ heo, gà cúng thần linh và chiêu đãi các hộ gia đình khác. Cứ thế hết nhà này đến nhà khác cùng tổ chức lễ cúng lúa kho. Một số nơi khá giả còn tổ chức đánh cồng chiêng để tạo thêm phần long trọng cho lễ hội. Điều đáng nói, tất cả các kho thóc của người dân nơi đây đều dựng cách xa làng, không có người canh giữ nhưng chưa hề xảy ra tình trạng mất cắp. "Kho thóc là gia tài của các hộ dân, là mồ hôi, công sức lao động cả năm mới có được. Cho nên ý thức giữ gìn của cộng đồng làng rất cao. Từ xa xưa, các làng, nóc cũng đã ban hành những tục lệ hết sức nghiêm khắc để bài trừ kẻ xấu. Trong đó, nếu phát hiện người trong làng có hành vi trộm cắp tài sản thì sẽ bị phạt nộp trâu, bò, heo..., tái phạm nhiều lần sẽ bị đuổi khỏi làng. Vì thế nên những kho thóc tuy đơn sơ nhưng vẫn đứng vững yên bình theo năm tháng. Hiện nay, ngoài những kho thóc cá nhân của từng hộ gia đình, nhiều làng cũng đã thành lập kho thóc cộng đồng. Đến mùa thu hoạch, mỗi hộ dân trong làng đều đóng góp thóc dự trữ để khi cần giúp đỡ những hộ gặp khó khăn, hoạn nạn"- già làng Hồ Văn Diếu (thôn 3, xã Trà Linh) tâm sự.

...Những kho thóc đơn sơ, nhỏ bé nhưng hằn sâu vào tâm khảm dân làng nơi đây, trở thành nét văn hóa không thể thiếu của cộng đồng làng. Những kho thóc này đã khắc họa được sự linh hoạt của dân làng miền núi để chống chọi lại thiên nhiên, thú dữ và cũng là biểu tượng thể hiện sự giàu có, sung túc  của mỗi bản, làng.

B.B - H.T