Những khuất tất tại dự án xây dựng chợ Vân

Thứ ba, 27/10/2015 11:31

* BÀI 1: HÀNG LOẠT KHUẤT TẤT, SAI PHẠM

(Cadn.com.vn) - Như thông tin chúng tôi đã đưa trong số báo ra ngày 25-10, vào ngày 22-10, ông Lê Xuân Sinh - Phó Chủ tịch HĐND xã Quỳnh Văn, H. Quỳnh Lưu (Nghệ An) bị một nhóm người lạ mặt mang hung khí gồm gậy, đao, mã tấu... xông vào nhà hành hung. Điều đáng nói là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc bị hành hung này là do ông Sinh đã tham gia tố cáo một số sai phạm tại công trình xây dựng chợ Vân thuộc xã Quỳnh Văn đã được khai trương vào năm 2014. Ngoài ra, ông Triều Dương, P.V Báo Bảo vệ pháp luật, người thực hiện loạt bài điều tra: “Nghệ An - Chính quyền xã câu kết với nhà thầu dối trên, lừa dưới, làm trái chỉ đạo cấp trên”, phản ánh những khuất tất, mờ ám, sai phạm tại công trình xây dựng chợ Vân cũng bị côn đồ đánh thương tích.

Vậy, những khuất tất trong việc xây dựng chợ Vân như thế nào? P.V Báo Công an TP Đà Nẵng vào cuộc điều tra và chuyển đến bạn đọc.

Chợ Vân mới, nơi xảy ra hàng loạt sai phạm.

Làm trái sự chỉ đạo của Thủ tướng

Chợ Vân cũ nằm trên di chỉ khảo cổ học Cồn Điệp, thuộc xóm 6, xã Quỳnh Văn (H. Quỳnh Lưu, Nghệ An). Năm 2009, chợ xuống cấp, nhỏ hẹp không đáp ứng được nhu cầu buôn bán ngày một đông đúc của người dân. Nhưng do khu chợ nằm trên di chỉ khảo cổ học Cồn Điệp - thuộc di chỉ khảo cổ học Quốc Gia nên không được phép cơi nới, xây dựng thêm.

Đứng trước tình hình đó, ngày 20-12-2009, UBND xã Quỳnh Văn có Tờ trình số 185/TTr-UBND gửi các cơ quan có thẩm quyền  cho phép khảo sát lựa chọn địa điểm quy hoạch chợ Vân mới. Ngày 17-9-2010, Thủ tướng Chính phủ có Công văn số 1667/TTr-KTN cho phép UBND tỉnh Nghệ An chuyển đổi mục đích 10.000m2 đất hai lúa (2 vụ lúa/năm) tại xóm 8, xã Quỳnh Văn, Quỳnh Lưu quy hoạch làm chợ Vân mới. Ngày 24-1-2011, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An - Hồ Đức Phớc có Quyết định số 223/QĐ.UBND về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng chợ Vân, xã Quỳnh Văn và Chủ đầu tư là UBND xã Quỳnh Văn. Vị trí chợ đặt tại xóm 8, quy mô diện tích đất quy hoạch là 9.978,21m2. Công trình bao gồm 3 giai đoạn với các hạng mục chính như nhà ban quản lý chợ, đình chợ chính cao 2 tầng (diện tích 2.683,80m2), khu chợ ngoài trời (2.160m2), ki-ốt bán hàng, cổng chính, cổng phụ, nhà bảo vệ, điểm thu gom rác, gara, nhà vệ sinh, bể nước chữa cháy, sinh hoạt… với tổng mức đầu tư 26,665 tỷ đồng.

Mặc dù mới được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, chưa được cơ quan thẩm quyền giao đất nhưng đầu năm 2011, lãnh đạo UBND xã Quỳnh Văn đã giao cho Cty Cổ phần Xây dựng Văn Sơn (không thông qua đấu thầu) tiến hành san lấp, giải phóng mặt bằng. Trong khi các cấp chỉ cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng là 10.000m2 đất hai lúa để xây dựng chợ mới thì UBND xã Quỳnh Văn đã tự ý cắm mốc, giải phóng 14.000m2 (tăng 4.000m2 so với diện tích cho phép).

Tờ trình số 10 của UBND xã Quỳnh Văn gửi UBND H. Quỳnh Lưu,
UBND Nghệ An nhằm chuyển chủ đầu tư cho Cty Văn Sơn.

Lập “biên bản họp dân” giả

Sau gần 3 năm tiến hành xây dựng, chợ Vân mới cơ bản đã hoàn thiện, chuẩn bị đưa vào sử dụng thì bất ngờ ngày 16-12-2013, UBND xã Quỳnh Văn làm một “biên bản họp dân” về việc “thực hiện đầu tư xây dựng và khai thác kinh doanh tại chợ Vân”. Trong biên bản này ghi rõ: “Hôm nay, lúc 14 giờ 30 ngày 16-12-2013, tại hội trường UBND xã Quỳnh Văn; UBND xã, Ban quản lý chợ Vân, 219 hộ tiểu thương và Cty CPXD Văn Sơn tổ chức cuộc họp bàn về việc để Cty Văn Sơn thực hiện đầu tư xây dựng và khai thác kinh doanh chợ Vân”. Thành phần dự họp gồm ông Nguyễn Hữu Quế - Chủ tịch HĐND xã kiêm Bí thư Đảng ủy; ông Lê Đôn Hóa - Chủ tịch UBND xã - chủ trì cuộc họp; ông Nguyễn Thế Ổn - Phó Bí thư; ông Lê Văn Ba - Phó Chủ tịch; ông Lê Văn Huề - Chủ tịch UBMTTQ xã; ông Lê Văn Thành - Trưởng CAX và một số thành phần khác.

Mặc dù chợ Vân sau gần 3 năm xây dựng đã cơ bản hoàn thiện, chuẩn bị khánh thành đưa vào sử dụng nhưng trong “biên bản họp dân” lại ghi: “Trước tình hình thực trạng tại chợ Vân, xã Quỳnh Văn hiện tại mới chỉ có mặt bằng san nền, người dân buôn bán, sinh hoạt trong điều kiện ngoài trời, chịu ảnh hưởng mưa nắng, lầy lội, không bảo đảm các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, điều kiện ngân sách Nhà nước rất khó khăn, không đủ nguồn vốn để đầu tư xây dựng chợ. Vì vậy, UBND xã Quỳnh Văn cùng các hộ tiểu thương thống nhất việc để Cty CPXD Văn Sơn bỏ vốn đầu tư xây dựng mới toàn bộ cơ sở hạ tầng chợ theo đúng quy mô đã được duyệt và thực hiện kinh doanh, khai thác chợ sau khi hoàn thành”. “Biên bản họp dân” này được 5 cán bộ đứng đầu HĐND, Đảng ủy, UBND, UBMTTQ, CAX ký tên và đóng dấu.

Tuy nhiên “biên bản họp dân” này là giả mạo bởi vì vào hồi 14 giờ 30 ngày 16-12-2013, ông Lê Đôn Hóa - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Văn đang chủ trì phiên họp chuyển đổi đất theo Chỉ thị 08 của tỉnh Nghệ An với bí thư chi bộ và thôn trưởng thôn 4, không thể chủ trì buổi họp dân về khai thác và xây dựng chợ Vân như biên bản đã nêu. Bên cạnh đó, thành phần cuộc họp được liệt kê là 10 người nhưng có 4 người tự nhận là không có mặt, chỉ ký và đóng dấu khi “có người” đưa biên bản tới. Thực chất "biên bản họp dân" này do Cty Văn Sơn soạn thảo rồi đưa cho từng cán bộ ký tên, đóng dấu chứ không có bất kỳ cuộc họp nào. Trong Thông báo số 208 ngày 27-4-2015 của Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Quỳnh Lưu do chủ nhiệm Lê Văn Lương ký đã chứng minh điều này: “Việc UBND xã Quỳnh Văn không tổ chức họp với các hộ tiểu thương kinh doanh tại chợ Vân nhưng vẫn lập biên bản họp ngày 16-12-2013 là đúng thực tế”.

Biên bản họp dân giả mạo với 5 chữ ký, 5 con dấu của các cán bộ đứng đầu xã Quỳnh Văn.

"Cho doanh nghiệp kinh doanh, thu lợi 50 năm"

Sau khi có “biên bản họp dân” với 5 chữ ký, 5 con dấu, ngày 21-1-2014, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Văn - Lê Đôn Hóa đã làm Tờ trình số 10 gửi UBND H. Quỳnh Lưu, UBND Nghệ An với đề nghị: “Cho phép Nhà thầu thi công là Cty Văn Sơn bỏ vốn xây dựng 100% theo đúng quy mô được duyệt, và thực hiện kinh doanh, khai thác 50 năm sau khi chợ hoàn thành”.

Ông Nguyễn Bá Đợi - Trưởng ban Thanh tra nhân dân xã Quỳnh Văn bức xúc: “Hơn ai hết, đồng chí Lê Đôn Hóa biết “biên bản họp dân” là văn bản giả mạo, không có tính pháp lý, vi phạm pháp luật nhưng lại dùng nó để làm căn cứ lập tờ trình gửi UBND H. Quỳnh Lưu, UBND tỉnh Nghệ An cho phép chuyển quyền chủ đầu tư nhằm có lợi cho doanh nghiệp Văn Sơn. Việc làm của ông Lê Đôn Hóa là lừa gạt cấp trên, có dấu hiệu bè phái, phục vụ lợi ích nhóm”. Ông Nguyễn Bá Đợi phân tích thêm: “Cái giá trị lớn nhất của chợ Vân mới là 10.000m2 đất hai lúa nằm ở vị trí đắc địa (giáp QL1A và tuyến đường Văn - Bảng) được Chính phủ và UBND tỉnh Nghệ An cấp cho xã Quỳnh Văn xây chợ mới. Bên cạnh đó, nguồn vốn hỗ trợ của cấp trên, ngân sách địa phương và tiền đấu thầu lều, ki-ốt của hàng trăm tiểu thương đã lên đến cả chục tỷ đồng. Như vậy, Cty Văn Sơn chỉ là một nhà thầu thi công, không bỏ ra đồng nào nhưng lại được các cán bộ chủ chốt trao cho cái quyền “Chủ đầu tư” và được kinh doanh, khai thác chợ trong vòng 50 năm.

Tổ phóng viên điều tra
(còn nữa)