Những khuất tất trong việc tiêu hủy lợn dịch

Thứ năm, 13/06/2019 12:03

Ngày 29 và 31- 5, hai hộ dân là ông Mai Văn Minh và ông Bùi Văn Nhi (thôn Trung Sơn, xã Hồng Lộc, H.Lộc Hà, Hà Tĩnh) phát hiện đàn lợn có triệu chứng sốt cao, bỏ ăn, nằm li bì, phân táo và sau đó lăn ra chết. Nhận được tin báo, cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh, H.Lộc Hà đã tiến hành lấy mẫu gửi đi xét nghiệm. Kết quả các mẫu bệnh phẩm này đã dương tính với virus dịch tả lợn châu Phi (DTLCP). Ngay sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với DTLCP, H.Lộc Hà đã chỉ đạo xã Hồng Lộc tổ chức tiêu hủy 12 con lợn nói trên. Đồng thời tiến hành tiêu độc, khử trùng và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch.

Chính quyền và cơ quan chức năng mang lợn dịch tại hộ ông Mai Văn Minh đi tiêu hủy.

Tuy nhiên, công tác tiêu hủy lợn dịch này có nhiều khuất tất, khiến dư luận hết sức bức xúc. Theo tìm hiểu của P.V, số lợn dịch này được cơ quan chức năng H.Lộc Hà và UBND xã Hồng Lộc mang tới chôn tại nghĩa trang Tùng Sơn, thuộc địa bàn xã Tùng Lộc, H.Can Lộc. Do quá trình tiêu hủy không đúng quy trình kỹ thuật nên số lợn dịch bị trương phình,  bốc mùi hôi thối. Phát hiện sự việc, người dân đã trình báo với chính quyền xã Tùng Lộc. Ông Đặng Thọ Liễu- Chủ tịch UBND xã Tùng Lộc cho biết: "Khi bốc mùi hôi thối thì người dân phát hiện, phản ánh với chính quyền địa phương. Chúng tôi cho kiểm tra, thấy không đảm bảo nên báo cáo với xã Hồng Lộc để di dời đi nơi khác".

Để làm rõ vấn đề này, P.V có mặt tại Trụ sở UBND xã Hồng Lộc. Khi đặt vấn đề tìm hiểu về quá trình tổ chức tiêu hủy số lợn bị tả châu Phi, ông Lê Viết Bình- Chủ tịch UBND xã Hồng Lộc, tỏ ra bất hợp tác: "Nhiệm vụ phát ngôn với báo chí là của Phó Chủ tịch UBND huyện hoặc Giám đốc Sở, còn xã thì không được phép phát ngôn. Liên quan đến công tác chuyên môn thì các anh lên Trung tâm chuyển giao, hoặc gặp trực tiếp đồng chí Nhàn, Phó Chủ tịch UBND huyện".

Trước sự né tránh báo chí của vị Chủ tịch UBND xã Hồng Lộc, P.V tiếp tục nêu câu hỏi: Sự việc xảy ra trên địa bàn, chủ tịch là người chịu trách nhiệm, tại sao lại hỏi huyện? Ông Bình khăng khăng: "Vừa rồi, tại cuộc họp trực tuyến, đồng chí Đặng Ngọc Sơn- Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã giao việc phát ngôn cho Phó Chủ tịch UBND huyện". Khi được đề nghị xem văn bản chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh thì ông Bình lại nói: "Tôi nghe như vậy. Các bác, các anh dặn hạn chế phóng viên báo chí tiếp xúc các ổ dịch". Đem những thắc mắc của người dân về việc chính quyền xã Hồng Lộc tổ chức tiêu hủy lợn dịch tại nghĩa trang Tùng Sơn thuộc địa bàn xã Tùng Lộc, H.Can Lộc, ông Bình phủ nhận: "Chúng tôi không chôn đất Tùng Lộc, mà chỉ chôn chỗ giáp ranh giữa Tùng Lộc và Hồng Lộc. Nhưng thấy địa bàn nhạy cảm nên dời đi chỗ khác".

Trước sự bất hợp tác của Chủ tịch UBND xã Hồng Lộc, P.V liên hệ làm việc với Phó Chủ tịch UBND H.Lộc Hà, ông Nhàn cho biết: "Tôi đang bận đi cơ sở. Cái đó không phải dân kêu, sau khi tổ chức tiêu hủy, chúng tôi tiến hành đi kiểm tra tất cả các điểm chôn và điểm chốt, thì phát hiện ra chỗ đó không đảm bảo quy trình kỹ thuật nên bắt làm lại từ 2 giờ chiều đến 3 giờ sáng hôm sau mới xong. Hiện tại, tất cả các điểm đều đảm bảo đúng quy trình. Bây giờ có tiêu hủy ở đâu thì đồng chí Trưởng phòng TN&MT phải xuống trực tiếp chỉ đạo, không để xảy ra chuyện như thế nữa". P.V đặt câu hỏi, trong lần tiêu hủy không đảm bảo quy trình kỹ thuật đó, các cơ quan chuyên môn của huyện có tham gia hay không? Vị lãnh đạo này cho biết: "Có sự tham gia của Trung tâm chuyển giao, Phòng Nông nghiệp, sau đó xử lý rồi, sai thì sửa rồi". Đem sự thắc mắc là tại sao có sự tham gia của các cơ quan chuyên môn mà lại tiêu hủy không đảm bảo quy trình kỹ thuật?, ông Nhàn phân trần: "Lần đầu nên anh em làm cũng không được đúng quy trình lắm. Khi tôi đi kiểm tra thì đã cho xử lý rồi. Giờ tất cả mọi cái đã đúng quy trình và quy định rồi".

Để có cuộc làm việc chính thống, P.V liên hệ với Chánh Văn phòng UBND H.Lộc Hà, ông Thạch đưa bản đăng ký làm việc với Báo chí để P.V đăng ký làm việc với ông Bình- Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện. Tuy nhiên, vị trưởng phòng này cũng từ chối với lý do: Người phát ngôn của huyện là Phó Chủ tịch huyện, giờ tôi đang đi cơ sở, anh thông cảm.

Được biết, H.Lộc Hà đã thành lập các tổ công tác phụ trách các xã để xử lý khi có dịch xảy ra. Các kịch bản xử lý lợn bị mắc dịch bệnh cũng đã được xây dựng bài bản, chặt chẽ. Một câu hỏi được đặt ra, tại sao đã có kịch bản tiêu hủy, các cơ quan chuyên môn tham gia tiêu hủy nhưng lại sai quy trình? Mang lợn dịch sang tiêu hủy địa bàn khác như vậy vô tình phát tán dịch bệnh sang địa phương khác. Khi sự việc bị phát hiện lại lén lút nửa đêm đào lên mang đi tiêu hủy lần 2?

X.S