Những ký ức không thể nào quên

Thứ năm, 12/03/2020 16:06

Chiến tranh dù đã lùi xa 45 năm nhưng với các cựu binh Đại đội 2 - Khu II Hòa Vang, tỉnh Quảng Đà (nay là TP Đà Nẵng) thì từng trận đánh, từng mảnh đất mà họ đã đi qua đã trở thành những ký ức không thể nào quên.

Ban liên lạc Đại đội 2 - Khu II Hòa Vang đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND do Chủ tịch nước trao tặng năm 2018. 

Ông Lê Phú Tháo - nguyên Chính trị viên Đại đội 2 chia sẻ, những ký ức về một thời bom đạn luôn gợi nhớ trong chúng tôi, chiến công và sự đau thương mất mát cùng song hành hơn ngàn ngày đánh Mỹ và cho đến tận bây giờ. Có nhiều người lính năm 1961, khi đó mới tuổi 15-16, quần đùi, áo lót, súng mang trên vai còn chấm đất vẫn dũng cảm hành quân ra trận trong tiếng gầm rú của đạn bom. Với nhiều năm ròng rã trụ bám trên chiến trường ác liệt, từ trận đầu bắt sống Mỹ ở thôn Nam Thành (xã Hòa Bình cũ) năm 1962, đến trận đánh cuối cùng chiếm quận lỵ Hòa Vang ngày 28-3-1975, góp phần giải phóng Đà Nẵng. Gắn liền với những chiến công đó, gần 300 cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị đã nằm lại với đất Mẹ, cùng với hàng trăm đồng đội khác hiện vẫn còn mang trên mình vết tích của chiến tranh... Ký ức những năm tháng gian khổ mà hào hùng mãi ghi dấu ấn sâu đậm trong tâm khảm mỗi người lính. Họ nhớ những năm đánh Mỹ với bom, đạn và gian khổ trên từng tấc đất, cung đường; những ngày “ở không nhà, đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng” khi tham gia các trận đánh với địch càn quét hoặc công đồn...

Ông Trần Chiến Chinh - nguyên Đại đội trưởng Đại đội 2 nhớ lại, không có chiến thắng nào mà không đổi bằng những hy sinh mất mát. Chúng tôi vẫn nhớ đinh ninh ngày thi hành Hiệp định Paris 28-1-1973, trong lúc bộ đội và nhân dân Hòa Vang đồng loạt cắm cờ giữ đất thì tại xóm An Dương vẫn còn xảy ra cuộc chiến quyết liệt giữa Trung đội nữ Lê Thị Hồng Gấm với địch, 3 đồng chí Nguyễn Thị Xuân Mai, Hồ Thị Hồng Vân, Ông Thị Minh Nguyệt đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Trận đánh “Cắm cờ giữ đất” của Trung đội nữ Lê Thị Hồng Gấm đã gây được tiếng vang trên các mặt trận. Bộ Tư lệnh Mặt trận 4 Quảng Đà đánh giá cao chiến công này và tặng danh hiệu “Tổ chiến đấu anh dũng Nguyễn Thị Xuân Mai”.

Bà Nguyễn Thị Phẩm (trú thôn An Tân, xã Hòa Phong) ngậm ngùi nhắc lại, ngày đó, khi xảy ra trận đánh nơi đây còn là cánh đồng heo hút với hơn 10 hộ dân. Đây là vùng giáp ranh giữa hai thôn An Tân và Dương Lâm nên dân làng ghép hai địa danh này thành xóm An Dương. Sau ngày đất nước thống nhất, hằng năm đến ngày 23 tháng Chạp là bà con trong xóm sắm hương hoa, trà quả để thắp nén hương tưởng niệm 3 nữ chiến sĩ hy sinh trong chiến dịch ở căn hầm cuối cùng mà các chị trú ẩn, chiến đấu và cùng nhiều người dân vô tội khác tử nạn vì bom đạn chiến tranh.

Các cựu binh Đại đội 2 tưởng niệm các đồng đội đã hy sinh trong Chiến dịch “Cắm cờ giữ đất” tại xóm An Dương.

45 năm sau, những người lính Đại đội 2 với tất cả nhiệt huyết tuổi thanh xuân ngày nào, giờ cũng đã lên chức “ông, bà”. Không chỉ riêng những người trực tiếp cầm súng, mà hầu như ai đã từng đi qua một thời bom đạn đó cũng đều có cảm giác hân hoan, tự hào đã góp phần tô thắm truyền thống anh hùng, bất khuất của đất và người Hòa Vang. Và như một duyên nợ, mỗi lần gặp mặt là họ lại được sống với những kỷ niệm thời hoa lửa, vì hơn ai hết họ hiểu cái giá để có được hòa bình hôm nay. “Tôi không nhớ mình đã làm bao nhiêu cuộc đồng hành cùng đồng đội tìm về quá khứ, cứ mỗi lần như vậy trong tôi lại trào dâng những cảm xúc dạt dào. Nhiều lần tôi tự nhủ, phải chăng vùng đất nơi đây đã từng chịu nhiều đau thương mất mát vẫn còn tiềm ẩn biết bao câu chuyện thấm đẫm tình người”, cựu binh Nguyễn Ngọc Tám (trú xã Điện Tiến) trải lòng.

Ai đã nói rằng “giữa dòng chảy vô tận của thời gian chỉ có tình người luôn là bờ bến”. Đúng là chỉ có tình người luôn đọng mãi cho dù cuộc sống có đổi thay. Con người sống với nhau vẫn cần sự thủy chung, vẹn nghĩa, vẹn tình; nhất là đối với những người trong gian khó đã trọn tình, trọn nghĩa với quê hương, đất nước. Và, không biết bao lần nhìn mái tóc pha sương của các cựu binh Đại đội 2 - Khu II  Hòa Vang trong hành trình “Thăm lại chiến trường xưa”, lòng chúng tôi lại trào dâng niềm tự hào về lớp lớp cha anh đã có một thời hoa lửa để độc lập tự do được kết trái trên Tổ quốc thân yêu.

VY HẬU