Những kỳ vọng về quan hệ Nhật - Hàn dưới thời chính quyền mới

Thứ năm, 01/10/2020 13:53

Một số nhà quan sát kỳ vọng tân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga sẽ có hướng tiếp cận mới so với cựu Thủ tướng Shinzo Abe nhưng đa số lại cho rằng ông Suga sẽ giữ nguyên chính sách của người tiền nhiệm.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và tân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga có cuộc điện đàm hôm 24-9.    Ảnh: Reuters

Quốc gia láng giềng quan trọng

Ngay sau khi nhậm chức, tân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in để trao đổi các vấn đề trong quan hệ song phương và các vấn đề quốc tế cùng quan tâm. Đây là cuộc điện đàm đầu tiên của ông Suga với Tổng thống Hàn Quốc trong tư cách là Thủ tướng Nhật Bản và cũng là cuộc nói chuyện đầu tiên giữa lãnh đạo 2 nước láng giềng kể từ khi Tổng thống Moon và ông Abe Shinzo, người tiền nhiệm của Thủ tướng Suga, gặp nhau tại TP Thành Đô - Trung Quốc tháng 12-2019.

Trong cuộc điện đàm kéo dài 20 phút, hai nhà lãnh đạo đã xác nhận vai trò của hai nước là những quốc gia láng giềng quan trọng của nhau, do vậy, sự hợp tác giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng như  giữa Nhật-Mỹ-Hàn trong một số vấn đề quốc tế bao gồm vấn đề Triều Tiên là vô cùng quan trọng. Phát biểu với giới truyền thông sau cuộc điện đàm, ông Suga cho biết đã nói với Tổng thống Moon rằng hai nước không thể để quan hệ song phương ở “tình huống rất khó khăn” như hiện nay. “Sự hợp tác giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng như giữa Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết vấn đề Triều Tiên và những vấn đề khác”, ông Suga nhận định.

Thủ tướng Suga cho biết, ông đã bày tỏ mong muốn với Tổng thống Moon Jae-in rằng hai nước sẽ cùng nhau nỗ lực giải quyết nhiều vấn đề, trong đó có việc đối phó với dịch Covid-19. Tân Thủ tướng Nhật Bản cũng đã đề cập vấn đề cưỡng bức lao động, một nguyên nhân khiến quan hệ hai nước căng thẳng trong thời gian qua, và đề nghị Chính phủ Hàn Quốc có ứng xử phù hợp để quan hệ hai nước không căng thẳng kéo dài hơn nữa. 

Trong buổi họp báo thường kỳ cùng ngày, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Katsunobu Kato cũng khẳng định Hàn Quốc là quốc gia láng giềng quan trọng đối với Nhật Bản. Người phát ngôn hàng đầu của Chính phủ Nhật Bản nhấn mạnh Tokyo luôn nhận thức rằng sự hợp tác Nhật - Hàn và Nhật - Mỹ - Hàn là không thể thiếu được để ổn định tình hình khu vực. Tuy nhiên, thực tế cho thấy hai nước đang có nhiều bất đồng, trong đó có vấn đề cưỡng bức lao động thời chiến, do vậy Tokyo sẽ có các biện pháp xử lý vấn đề một cách thích hợp dựa trên lập trường nhất quán trong các vấn đề này. 

Trong khi đó, theo người phát ngôn Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc, ông Moon nhấn mạnh Seoul và Tokyo không chỉ chia sẻ các giá trị cơ bản, lợi ích chiến lược mà còn là đối tác trong việc tạo lập hòa bình, thịnh vượng ở Đông Bắc Á và thế giới. Vì thế, nhà lãnh đạo này bày tỏ hy vọng hai nước sẽ thăm dò một giải pháp “tối ưu” về vấn đề lao động cưỡng bức thời chiến sao cho được cả hai chính phủ và mọi bên liên quan chấp nhận. Trước mắt, theo hãng tin Yonhap, cả hai ông Moon và Suga nhất trí làm việc cùng nhau để vượt qua cuộc khủng hoảng Covid-19 và hợp tác chặt chẽ hơn về tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.

Kỳ vọng về quan hệ Nhật - Hàn

Quan hệ Tokyo - Seoul trở nên căng thẳng hơn vì một loạt tranh cãi về lịch sử và thương mại, nhất là sau khi Tòa án Tối cao Hàn Quốc vào tháng 10-2018 yêu cầu các Cty Nhật Bản bồi thường cho những nạn nhân bị cưỡng bức lao động trong thời gian Nhật Bản đô hộ Bán đảo Triều Tiên từ năm 1910 đến năm 1945. Căng thẳng tiếp tục bị đẩy lên cao sau khi Nhật Bản hạn chế xuất khẩu sang Hàn Quốc 3 loại vật liệu công nghệ cao dùng trong sản xuất chíp điện tử và màn hình - các lĩnh vực mũi nhọn của Hàn Quốc - và loại Hàn Quốc ra khỏi “Danh sách Trắng” gồm các nước được hưởng quy chế ưu đãi thương mại. Đáp lại, Hàn Quốc đe dọa sẽ không gia hạn Thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo (GSOMIA) được Chính phủ Nhật Bản và Hàn Quốc ký năm 2016. Mặc dù Hàn Quốc đã tạm đình chỉ thông báo hủy bỏ GSOMIA vào hôm 24-8 vừa qua nhưng giới chức nước này cảnh báo Seoul có thể chấm dứt hiệp định này bất cứ lúc nào.

Vấn đề đáng quan ngại nhất hiện nay là sự trả đũa lẫn nhau của cả hai nước được chứng minh không mang lại lợi ích nào cho cả Seoul và Tokyo. Tuy nhiên, Thủ tướng Suga được biết đến là người có khuynh hướng theo chủ nghĩa thực dụng. Vì vậy, nếu lập trường của giới lãnh đạo hai nước Hàn-Nhật mềm dẻo hơn thì sẽ không khó tìm ra được một bước đột phá cho quan hệ song phương. Trong điện mừng gửi tân Thủ tướng Suga, Tổng thống Moon Jae-in bày tỏ kỳ vọng hai bên sẽ khắc phục được các mâu thuẫn lịch sử, tăng cường hợp tác thực chất, đôi bên cùng có lợi và hướng tới tương lai ở nhiều lĩnh vực như kinh tế, văn hóa, giao lưu nhân sự.

AN BÌNH