Những lớp học "Hoàng Sa, Trường Sa"

Thứ hai, 06/01/2020 13:16

Mặc dù chưa một lần được đến thăm hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa nhưng những kiến thức cơ bản về hai quần đảo này và các đảo nhỏ luôn luôn được các thầy cô và học sinh Trường THCS Kim Liên (H. Nam Đàn, Nghệ An) trang bị đầy đủ. Điều đó, nhắc nhở thế hệ trẻ hôm nay luôn yêu quê hương, đất nước, biển đảo, từ đó sẽ tăng thêm niềm đam mê, yêu thích các môn học.

Cán bộ ở hải đảo trò chuyện với học sinh của trường.

16 lớp học mang tên các hòn đảo

Trường THCS Kim Liên (H. Nam Đàn, Nghệ An) chỉ cách quê ngoại Bác Hồ chừng vài trăm mét. Ngôi trường khang trang với nhiều loại cây xanh, hoa lá, tạo nên sự thân thiện với môi trường. Giữa sân trường là cột mốc mang tên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, được xây dựng từ năm 2016 từ số tiền quyên góp của các thầy cô, học sinh, phụ huynh trong trường và một số đơn vị.

 "Mong muốn của nhà trường là ngoài trang bị kiến thức về văn hóa cho các em học sinh thì cần phải giáo dục đạo đức, nhân cách, lý tưởng cho thế hệ trẻ hôm nay luôn nhắc nhớ về tình yêu quê hương, đất nước, biển đảo... Bởi theo tôi, khi học sinh biết yêu tổ quốc, yêu quê hương,... thì các em sẽ học tập một cách tự giác, có sự đam mê. Chính vì vậy, Trường THCS Kim Liên xây dựng mô hình cột mốc chủ quyền mang tên quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và đặt tên 16 lớp học mang tên các đảo nhỏ ví dụ như: An Bang, Tiền Tiêu, Sơn Ca, Sinh Tồn, Tốc Tan, Cô Lin, Gạc Ma,Trường Sa Đông, Trường Sa Tây" - Thầy Nguyễn Vương Linh, Hiệu trưởng Trường THCS Kim Liên cho biết.

Xuất phát từ ý tưởng đặc biệt này, thầy Linh xin ý kiến của chính quyền các cấp và nhận được sự đồng tình ủng hộ. Ban giám hiệu nhà trường đã vận động quyên góp từ giáo viên, cựu học sinh toàn trường, các doanh nghiệp, tổ chức để xây dựng mô hình cột mốc chủ quyền Trường Sa trong khuôn viên nhà trường. "Trước hết để làm được điều này, chúng tôi phải vận động, động viên sự tham gia, đóng góp của các thầy cô giáo trong trường, mỗi người đóng góp vài trăm nghìn đồng. Tiếp đến là vận động các em học sinh bớt tiền ăn sáng 5.000-10.000 đồng rồi vận động phụ huynh, các doanh nghiệp trên địa bàn cũng tham gia hưởng ứng. Sau khi huy động được 40 triệu đồng, trường đã tham khảo ý kiến của một kỹ sư tại địa phương phác họa và xây dựng cột mốc. Vậy là Cột mốc chủ quyền Trường Sa cao 4,9m; có hình trụ 4 cạnh (mỗi cạnh 70 cm) gắn sao vàng, có hình trống đồng, ghi rõ kinh độ và vĩ độ đã được xây dựng", thầy Nguyễn Vương Linh chia sẻ.

Cô Nguyễn Thị Kim Thương, giáo viên dạy môn Lịch sử của trường cho biết, từ khi mô hình chủ quyền biển đảo được xây dựng, các thế hệ học sinh trong trường cảm thấy thích thú và hưởng ứng nhiệt tình. Em Hà Thị Thanh Liêm, học sinh chi đội Sinh Tồn của Trường THCS Kim Liên chia sẻ: "Em rất hứng thú về các giờ học ngoại khóa về biển đảo. Nghe các anh bộ đội kể về cuộc sống ở ngoài đảo, những hy sinh cao cả, những khó khăn, những trận chiến, chúng em hiểu sâu hơn về chủ quyền biển đảo. Từ đó, chúng em thêm yêu Tổ quốc và quê hương mình". 

Ngoài việc giao cho các lớp phải tìm hiểu kỹ về hòn đảo được đặt tên cho lớp của mình, các em còn có thể trao đổi và tìm hiểu về các hòn đảo khác thông qua các buổi học ngoại khóa. Thông qua những hoạt động trên, học sinh đã có thể nắm khá vững các kiến thức cơ bản về biển đảo, giúp các em yêu thích môn lịch sử, hào hứng với những bài giảng trên lớp của các thầy cô. Có thể nói, đề án này đã đưa lại những hiệu quả bước đầu, lan tỏa tình yêu quê hương, đất nước và biển đảo.

DƯƠNG HÓA