Những món hàng bí ẩn sau vụ đắm tàu Titanic

Thứ bảy, 19/11/2011 00:00

(Cadn.com.vn) - Cách đây gần 100 năm, tháng 4-1912, con tàu nổi tiếng Titanic bị đắm trong vụ tai nạn kinh hoàng nhất trong lịch sử hàng hải nhân loại. Hơn 1.500 người đã vĩnh viễn nằm lại ở vùng nước mênh mông ấy. Cùng với đó là hàng loạt món hàng có giá trị cũng bị chôn vùi dưới đáy đại dương. Trong số này có những món hàng giá trị mà người ta không biết nay ở đâu, vốn đã làm bùng nổ hàng loạt các cuộc điều tra kiện tụng, giả thuyết ly kỳ trong suốt thế kỷ qua.

Tàu Titanic bị chìm đến nay đã gần 100 năm. 

Lô hàng Coney Skin

Coney Skin là lô hàng gồm 3 kiện lớn da thỏ dùng để gia công áo khoác mùa đông được chuyển đến Ngân hàng The Broadway Trust Company (BTC) ở Camden, bang New Jersey của Mỹ (BTC là một nhà ngân hàng lớn của Mỹ, làm ăn phát đạt nhưng bị phá sản trước cuộc đại khủng hoảng những năm 1930). Vụ liên quan đến lô hàng nói trên còn kéo theo nhiều sự kiện tụng, giết người đau lòng mà đến nay vẫn còn nhiều tranh cãi, đặc biệt, liên quan đến một người đưa tin có tên là David S. Paul của BTC. Vào ngày 5-10-1920, David S. Paul đã đột nhiên biến mất một cách bí ẩn kèm theo một khoản tiền lớn, hàng trăm nghìn USD Mỹ và trái phiếu. Ngày 16-10-1920, người ta tìm thấy xác của Paul ở gần Tabernacle, bang New Jersey. Sau khi điều tra, cảnh sát phát hiện thấy Paul bị hai người quen là Frank J. James và Raymond Schuck bắt cóc, lột sạch tiền sau đó thủ tiêu bởi đây là món tiền liên quan đến việc thanh toán đền bù cho lô hàng đã bị mất theo tàu Titanic. Hai kẻ giết người này sau đó đều nhận án tử hình.

Ma túy

Ngoài những mặt hàng thông thường, trên tàu Titanic còn chở 4 thùng hàng ma túy khổng lồ. Người áp tải lô hàng này là John Jaccob Artor IV, cháu trai của John Jaccob Astor, một ông trùm ma túy giàu có. Cả John lẫn lô hàng nói trên không bao giờ cập cảng New York được bởi sự cố bất ngờ của Titanic. Trước khi Titanic gặp nạn 7 năm, Mỹ đã ban hành lệnh cấm sử dụng ma túy, nhưng vì “một vốn bốn lời”, việc kinh doanh mặt hàng này vẫn sôi động, núp dưới danh nghĩa dùng cho mục đích y học chữa bệnh. Đây là lô hàng được xem là có giá trị rất lớn, đáng tiếc, người ta lại không phát hiện thấy nó trong khoang chứa hàng nên đã có nhiều giả thiết đưa ra, kể cả giả thiết cho rằng có ai đó đã bí mật lấy cắp.

 John Jaccob

Bức ảnh Garibaldi

Một trong những hành khách may mắn trong thảm họa Titanic là ông Emilio Portaluppi nhờ phao cứu sinh số 4. Sau khi được cứu sống, Portaluppi đã đệ đơn lên cơ quan bảo hiểm yêu cầu bồi thường bức ảnh của Giuseppe Garibaldi (1807-1882), nhà cách mạng nổi tiếng người Italia, người anh hùng dân tộc hay “anh hùng của hai thế giới”, về những đóng góp của ông cho cuộc cách mạng ở cả Châu Âu lẫn Nam Mỹ. Bức ảnh này còn có cả chữ ký của Giuseppe. Mức giá Portaluppi yêu cầu bồi thường lên tới 3.000 USD, nếu tính theo thời giá hiện nay thì rất lớn.

Garibaldi 

Máy làm mứt kem

Thời Titanic gặp nạn, chiếc máy làm mứt kem của hành khách Edwina Trout mua tại Châu Âu mang về Mỹ chính là một loại công cụ cơ khí được xem là hiếm hoi và quý giá. Tuy là sản phẩm rất mới và hiện đại song bà Trout cũng không yêu cầu mức bảo hiểm quá cao (chỉ có hơn 8 bảng Anh), bởi theo bà thì con người còn quý hơn nhiều nên bà không muốn đề cập quá nhiều về bản thân. Sự sống sót của bà Edwina Trout, lúc đó mới 27 tuổi đã được sách báo nhắc đến nhiều. Khi tàu gặp sự cố đâm vào tảng băng, bà đã bình tĩnh và nhanh trí cùng một người bạn mặc áo để chống giá lạnh và nhanh chóng thoát khỏi tàu. Cuối cùng, bà Edwina Trout đã được cứu sống nhờ phao cứu sinh số 16 cùng với con trai.

Thùng phim câm

Một trong những lô hàng được xem là giá trị về mặt nghệ thuật là thùng phim câm nguyên bản của hãng New York Motion Picture (NMC) từ Châu Âu chuyển về Mỹ. Trong thùng này chứa nhiều thiết bị giá trị như máy quay phim, chụp ảnh, máy quay đĩa, máy chiếu phim..., những thiết bị cần cho ngành sản xuất phim ảnh những năm đầu thế kỷ trước. Thùng phim bị mất trong vụ chìm tàu Titanic là phim câm đầu tiên của NMC được sản xuất từ Châu Âu được dùng cho truyền hình, nhưng sau đó người ta không thấy NMC có đơn xin bồi thường, vì hãng này chỉ tồn tại đến đầu năm 1914.

Duy Hùng
(Theo LV)