Những mùa hạ đã xa...
(Cadn.com.vn) - Mùa hạ ở đâu đó bất ngờ sáng nay hiện diện bằng thảng thốt những tiếng ve không báo trước. Những âm thanh mùa hạ vang lên phía hàng cây ở cuối con đường có những bông hoa bằng lăng tím ngát. Hai tiếng mùa hạ nghe vang vang trong tôi niềm nhớ, những tiếc nuối ngẩn ngơ và cả những nỗi đau lặng lẽ đã chìm vào hư không.
Còn ai nhớ, một mùa hạ nơi cổng trường phổ thông quê nhà ngày tạm biệt bạn bè, thầy cô, trường lớp. Những dãy hành lang dài hun hút buồn tênh. Đâu nơi lắng lại giọng hát, tiếng nói thân quen của người con gái, khi biết tim mình lần đầu rung động. Trang nhật ký của em không phải ép bằng những bông hoa phượng mà là những bông hoa tràm vàng như sắc nắng. Cây phượng đơn côi duy nhất góc trường cháy hết mình cho một mùa ly biệt. Ôi thương sao những câu thơ lưu bút học trò: “Có một ngày phượng rực rỡ ban mai/Cô bé cười khẽ xin dòng lưu bút/ Thơ đi đâu bỗng vụng về ngắn ngủn/ Băn khoăn hoài (có nên chép hay không)”. Riêng tôi, ký ức về mùa hạ còn có những vùng trời ướt nhòa nước mắt. Những vết đau qua mau nhưng lại không tan biến đi trên vùng lặng lẽ...
Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng... |
“Bao mùa hoa phượng nở / Sân trường đầy chia xa/ Những bàn chân ly biệt/ Giẫm vào chiều nhớ nhung”. Và ngày ấy tôi đi mang nỗi buồn chưa biết đặt tên về một mùa hạ không hề có những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng như lời bài hát “Phượng Hồng” mà các bạn tôi vẫn hát. Những mùa hạ thời sinh viên, không có tiếng ve trong veo xé đôi hồ nước (thơ Hoàng Nhuận Cầm), nhưng những cánh phượng treo phía đầu cầu Tràng Tiền mỗi ngày tôi qua cứ rưng rức báo điềm chia xa. Con đường phượng bay thành nội hoa phượng rơi trong hoa nắng thật buồn. Nhớ mãi những hẹn hò nhưng người không bao giờ đến nữa. “Nhớ lại buổi trường tan/Theo em không là Ngọ/Giữa Huế nhiều hoang mang/Rong rêu như thành quách”...
Em đã giã biệt cả thành phố này để ra đi khi tiếng hát Khánh Ly thủy chung với những bản Trịnh ca chạy đến tận vùng biên của những đêm mất ngủ, những cơn say rượu trắng với củ kiệu vỉa hè khách sạn Morin. Tôi ngồi lại để nghe tất cả những thanh âm miền sông Hương núi Ngự. Lại thêm những mùa hạ thật buồn nơi giảng đường đại học!
Trong cơn mơ tôi thấy chân mình giẫm lên những xác phượng buồn đi về phía thành phố mù sương. Đi về phía tiếng những hồi còi tàu vọng ra khỏi các cửa ô văn khoa, bay lên không gian u tịch mấy ngàn đời xứ thần kinh sương khói... Lại sực tỉnh bởi tiếng ve ở hàng cây trước mặt. Ôi hoa phượng đâu chỉ dành cho mùa hạ mà là loài hoa gắn bó với những kỷ niệm tuổi thần tiên yêu dấu, những mùa thi, những lối ngõ vào đời. “Tôi đã có một khoảng trời hoa phượng/ bàn chân đi sao bước cứ ngập ngừng”... Đi ngang qua đường Hùng Vương phía cổng Trường Đại học Quảng Nam tôi phát hiện có cây phượng chen lẫn hàng cây xanh hè phố.
Điều khác lạ mà tôi cắt nghĩa về loài hoa chỉ dành cho tuổi áo trắng sân trường là bởi chỉ có những cành phượng ngã vào sân trường mới có hoa nở, phân nửa những cành phượng ngã ra phía ngoài đường ồn ào xe cộ (nó không thuộc về không gian tuổi áo trắng sân trường?) nên không hề có hoa. Điều này làm tôi liên tưởng đến những cành hoa sim tím. Cái màu tím mong manh, chung thủy, đợi chờ sao đẹp lạ lùng khi ta bắt gặp ở một chiều biên giới. Phải chăng hoa cũng như thấu hiểu lòng người, thấu hiểu những mùa đi qua không trở lại nên biết mình phải là chứng nhân của khung trời nơi miền biên viễn.
Lòng chợt bâng khuâng khi nhớ đến những câu nói của ai đó: “Có những mùa yêu chưa xa đã nhớ, có những mùa chở thương nhớ vội quá chẳng kịp về”. Đẹp quá tuổi áo trắng sân trường, một chiều nào có người lặng ngắm cánh bằng lăng tím dấu buồn e ấp, cánh phượng hồng buồn che nắng đứng ngẩn ngơ. Thời gian vội vã trôi chẳng giữ cho ai, và cũng chẳng đợi ai để rồi ai đó nước mắt nhòe mi trong những tiết học cuối cùng... Phố Tam Kỳ tôi sống bây giờ hoa nhiều lắm. Phượng hồng, sưa vàng, bằng lăng tím. Những ngôi trường, những con đường tôi vẫn thường qua... Hạ sang, nhìn cánh phượng cháy mình sao nhiều tâm tư quá!
Võ Văn Trường