Những nẻo đường “sa tặc” (Kỳ 1: “Nóng” trên từng dòng sông)
Thời gian qua, với sự ra quân quyết liệt của các lực lượng chức năng, tình hình khai thác cát, sỏi trái phép trên các tuyến sông ở địa bàn tỉnh Quảng Nam đã tạm lắng xuống. Tuy nhiên, trong những ngày đầu năm 2018, hoạt động khai thác cát trái phép lại có những diễn biến phức tạp. Trước tình hình này, UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các ngành có biện pháp phòng chống...
Một bến tập kết cát chưa có giấy phép tại H. Duy Xuyên. |
Đêm 12-1, Đội Cảnh sát Giao thông (CSGT) Đường thủy (Phòng CSGT CA tỉnh Quảng Nam) tổ chức tuần tra trên tuyến sông Thu Bồn đoạn qua thị xã Điện Bàn. Mới 19 giờ, nhưng trên đoạn sông qua xã Điện Minh đã có khoảng 40 tàu đều được gắn thiết bị chuyên dụng hút cát đang tập kết trên sông (không nằm trong khu vực mỏ được cấp phép khai thác) chờ cơ hội hoạt động. Tổ chức mật phục, 1 giờ sáng ngày 13-1, lực lượng CSGT Đường thủy đã bắt giữ được 5 tàu hút cát trộm. Theo lời khai ban đầu của các lái tàu, phần lớn những người có mặt trên tàu là lực lượng đi hút thuê cho các chủ bãi hoặc hút trộm về bán lại cho các bãi tập kết với giá 60 ngàn đồng/1m3. Cụ thể, số cát của 5 tàu vừa bị bắt giữ được bán cho bãi tập kết cát ông Mẫn ở khối phố Viêm Đông, P. Điện Ngọc và bãi tập kết cát Phú Thủy tại xã Điện Minh.
Cũng trong những ngày đầu tháng 1-2018, CA thị xã Điện Bàn đã bắt quả tang 5 tàu sắt đang thực hiện hành vi khai thác, vận chuyển cát trái phép trên sông Thu Bồn thuộc địa bàn xã Điện Thọ và Điện Phong và xử phạt 25 triệu đồng/1 phương tiện. Tuy nhiên, theo nhiều người đấy chỉ là phần “nổi” của tảng băng “chìm”, bởi tình hình khai thác cát không phép vẫn rất “nóng” trên các địa bàn. Ông Lê Lai- Chủ tịch UBND xã Điện Phong trao đổi: Dù xã và thị xã tổ chức lực lượng chốt chặn ngay đầu vàm sông Câu Nhí nhưng vào khoảng 16 giờ hàng ngày “sa tặc” vẫn tổ chức lực lượng cảnh giới, đưa gần 40 thuyền đến địa bàn tổ chức ăn nhậu, chờ đêm xuống thực hiện việc khai thác. Năm 2017, lực lượng CAX đã bắt, xử lý 40 trường hợp nhưng nạn khai thác cát trái phép vẫn không “hạ nhiệt”, gây nên hệ lụy là mùa lũ vừa qua toàn xã bị sông “ngoạm” mất gần 20ha đất nà ven sông và gần như địa phương nào của Quảng Nam có dòng sông chảy qua đều bị sạt lở. Ngoài ra, trong năm 2017 lực lượng CSGT Đường thủy, Cảnh sát Môi trường, Cảnh sát Kinh tế CA tỉnh Quảng Nam và các cơ quan chức năng đã bắt, xử lý hàng trăm trường hợp khai thác cát trái phép trên sông Thu Bồn, Vu Gia, sông Yên... Đại úy Lê Phan Minh Mẫn- Đội trưởng Đội CSGT Đường thủy cho biết: Ngoài những điểm “nóng” trên sông Vu Gia, Thu Bồn, sông Yên cũng được xem là “điểm nóng” về khai thác cát trái phép trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Các đối tượng tổ chức hút cát trái phép hoạt động tinh vi, thường tổ chức người cảnh giới. Phát hiện bất kỳ động tĩnh nào, các đối tượng cảnh giới ra hiệu để tàu hút cát trái phép kịp thời di tản. Đặc biệt, khi bị bắt quả tang, họ tỏ ra liều lĩnh, manh động sẵn sàng đánh chìm tàu, tẩu thoát hoặc lợi dụng địa bàn giáp ranh với xã Hòa Khương, Hòa Vang (TP Đà Nẵng) điều khiển phương tiện về phía bên kia sông thuộc địa bàn Đà Nẵng đã gây nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng.
Cảnh sát Môi trường và CSGT đường thủy CA tỉnh Quảng Nam bắt quả tang các đối tượng hút cát trái phép trên sông Thu Bồn. |
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài hành vi lén lút khai thác, tại H. Đại Lộc còn xảy ra tình trạng chủ bến cát bỏ tiền ra mua đất nà ven sông sau đó giao cho người dân địa phương canh tác đặng dễ bề khai thác cát trái phép và không bị khiếu kiện khi sạt lở xảy ra. Cũng tại Đại Lộc có một số bãi tập kết cát được cấp phép nằm trong giới hạn an toàn giao thông đường bộ, gây mất an toàn cho người tham gia giao thông. Theo nhận định của các cơ quan chuyên môn, một trong những nguyên nhân khiến tình hình “sa tặc” vẫn “nóng” trên các dòng sông tại Quảng Nam là do nhu cầu cát xây dựng, san lấp lớn. Hơn nữa, giá cát đang dao động ở mức cao dẫn đến tình trạng khai thác cát trái phép có nhiều diễn biến phức tạp. Ngoài ra, theo thống kê cho thấy trung bình hằng năm, nhu cầu cát xây dựng trên địa bàn Quảng Nam vào khoảng 3 triệu m3/năm, trong khi tổng trữ lượng các mỏ cát được cấp phép trên địa bàn tỉnh chỉ đáp ứng được khoảng 1,6 triệu m3. Đáng lưu ý, tại Quảng Nam có nhiều đơn vị không có mỏ khai thác vẫn được cấp phép thành lập bến, bãi tập kết vật liệu xây dựng đã tạo ra kẽ hở, biến các bến, bãi này trở thành điểm tiêu thụ cát bất hợp pháp. Theo báo cáo của Sở Xây dựng Quảng Nam, toàn tỉnh hiện có 35 mỏ khai thác cát, sỏi được cấp phép và 48 bến bãi đang hoạt động. Tuy nhiên, trên thực tế số lượng bến bãi hoạt động lớn hơn con số báo cáo rất nhiều. Cụ thể, trường hợp của Cty TNHH MTV Cử Minh Khoa (Duy Phước, H. Duy Xuyên) thuê lại bến bãi của Cty Phú Quang hoặc có trường hợp đang trong quá trình hoàn tất các thủ tục vẫn đưa bến, bãi đi vào hoạt động...
Như vậy, tình hình khai thác cát trái phép tại Quảng Nam vẫn rất “nóng” và dự báo sẽ “nóng” hơn khi mùa xây dựng đang chuẩn bị sôi động trở lại.
M.T (còn nữa)