Những ngày nghỉ lễ, xe quá tải tăng vọt
(Cadn.com.vn) - Ngày 1 và 2-1, nhiều người dân thôn Vinh Sơn, xã Lộc Sơn, H. Phú Lộc (TT-Huế) phản ánh, lợi dụng các ngày nghỉ Tết Dương lịch, xe chở gỗ dăm chất "thành núi" chạy rầm rập từ Khu công nghiệp La Sơn ra ngã ba La Sơn, rồi theo QL1A về cảng Chân Mây (H. Phú Lộc) làm cho đường sá ngày càng hư hỏng, xuống cấp.
Xe chở gỗ dăm chất "thành núi" từ KCN La Sơn theo QL1A về cảng Chân Mây. |
Chiều 1-1, có mặt tại khu vực ngã ba La Sơn giao với QL1A qua địa phận xã Lộc Sơn, chỉ trong vòng 1 giờ đồng hồ, P.V ghi nhận có đến hơn 50 lượt xe xuất phát từ phía Nhà máy chế biến dăm gỗ Hào Hưng (đóng tại KCN La Sơn) theo QL1A về cảng Chân Mây. Các xe này hầu hết đều cơi nới kích thước thùng hàng và chở hàng cao ngất ngưởng. Trung bình, mỗi xe cho phép chở từ 15 đến 20 tấn nhưng ghi nhận thực tế, số lượng chở cao hơn nhiều mức cho phép. Đồng thời, do những ngày qua trời mưa nên lượng dăm thấm nước, nặng hơn nhiều. Được biết, đoàn xe này là của các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn TT-Huế. Trên "cung đường" chưa đầy 3 km của tỉnh lộ 14B đang "oằn" mình gánh chịu xe chở dăm gỗ, xuất hiện hàng chục "ổ voi". Chị Thúy, một người dân địa phương cho biết, đoạn đường này ban đêm không có điện, đường lại xuống cấp, nhiều đoạn lởm chởm nên đã có nhiều vụ ngã xe xảy ra khiến người tham gia giao thông bất an. Ông P.T.L. (một người dân sống ở ngã ba La Sơn) bức xúc: "Mấy lần trước, trời nắng, xe chở dăm gỗ chất cao như núi, khi chạy ngang qua bụi mù mịt, dù che bạt nhưng dăm gỗ vẫn rơi vãi khắp đường". Có nhiều đoạn đường hẹp, khi xe chở dăm gỗ đi qua làm tắc đường, cản trở giao thông.
1 xe chở dăm "khủng" gây tắc đường. |
Theo chân hàng chục xe chở gỗ dăm từ ngã ba La Sơn về cảng Chân Mây, các phương tiện này không hề bị lực lượng nào "hỏi thăm". Bởi, hiện trạm cân lưu động duy nhất ở TT-Huế ngày 1-1 được đặt tại Trạm thu phí Phú Bài cũ ở TX Hương Thủy. Vì vậy, quãng đường hàng chục ki-lô-mét mà hàng loạt xe chở dăm gỗ chạy theo hướng Nam không hề "dính" trạm cân. Nhiều người cho rằng, do biết trước được trạm cân đặt tại khu vực phía trên nên các phương tiện này cố tình vi phạm tải trọng. Một doanh nghiệp tham gia vận chuyển gỗ dăm cũng thừa nhận, do phải chở hàng gấp theo yêu cầu đặt hàng nên xe có chở quá tải trọng, tuy nhiên số lượng vượt tải trọng ở mức thấp. Tuy nhiên, để biết chính xác, số lượng xe đó chở quá tải trọng bao nhiêu thì lực lượng chức năng TT-Huế cần phải tiến hành cân xách tay hoặc có thể di dời trạm cân lưu động đến gần khu vực này.
Đường sá xuống cấp, hư hỏng một phần do xe chở gỗ dăm trọng lượng lớn. |
Ông Ngô Đức Tình, Chủ tịch UBND xã Lộc Sơn xác nhận, người dân có phản ánh đến xã, tình trạng xe chở gỗ dăm từ KCN La Sơn về cảng Chân Mây do chất cao nên rơi vãi gây ra bụi bẩn, ô nhiễm môi trường. Theo ông Tình, khoảng 3-4 tuần thì xe chở dăm gỗ lại lưu thông liên tục 1 tuần. Có ngày cao điểm, có đến gần trăm lượt xe chạy qua đoạn đường này.
Tăng mức xử phạt đối với xe quá tải Để đấu tranh đẩy lùi "vấn nạn" xe quá tải, Nghị định 107/2014/NĐ-CP của Chính phủ mới ban hành, có hiệu lực từ 1-1-2015 tiếp tục tăng mức xử phạt đối với hành vi chở quá tải. Nếu mức xử phạt tại Nghị định số 171/2013/NĐ-CP quy định phạt 4 triệu đồng đối với cá nhân và 8 triệu đồng đối với tổ chức về hành vi vi phạm chở quá tải thì Nghị định 107, bổ sung các điều khoản, tăng nặng mức phạt theo tỷ lệ tương ứng với mức vi phạm vượt trọng tải cho phép cụ thể như sau: Tăng lên xử phạt 12-14 triệu đồng đối với cá nhân và 24-28 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe để vi phạm trọng tải phương tiện vượt trên 40% đến 60% quy định; Tăng lên xử phạt 14-16 triệu đồng đối với cá nhân và 28-32 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe để vi phạm trọng tải phương tiện vượt trên 60% đến 100% (vượt tải trọng cầu đường trên 50% đến 100%) quy định. Tăng lên xử phạt 16-18 triệu đồng đối với cá nhân và 32-36 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe để vi phạm trọng tải phương tiện vượt trên 100% (vượt tải trọng cầu đường trên 100%) quy định. Vân Anh |