Những người biến tảo thành “vàng”

Thứ sáu, 26/10/2012 00:00

(Cadn.com.vn) - Chiều 19-10, tại Hà Nội, Giải thưởng khoa học và chương trình học bổng L’Oreal – UNESCO “Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học” cấp quốc gia năm 2012 đã được trao cho 2 nhà khoa học nữ Hà Nội và nhóm 2 nữ Tiến sĩ đến từ Đà Nẵng. Trong đó, đề tài “Nghiên cứu mô hình nuôi trồng vi tảo tạo nguồn sinh khối ứng dụng trong sản xuất nhiên liệu sinh học” của nhóm Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Xuân và Đặng Kim Hoàng (Đại học Bách khoa Đà Nẵng) có ý nghĩa thực tiễn rất lớn trong việc xử lý nguồn nước thải ô nhiễm, làm nguồn nguyên liệu để sản xuất khí bio diesel trong điều kiện khí hậu đang ngày càng ô nhiễm và cạn kiệt nguồn tài nguyên ở Việt Nam và thế giới.

Đại diện cho nhóm, nữ Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Xuân chia sẻ đến bạn đọc thông tin về đề tài khoa học này.

P.V: Tiến sĩ có thể nói rõ hơn về đề tài “Nghiên cứu mô hình nuôi trồng vi tảo tạo nguồn sinh khối ứng dụng trong sản xuất nhiên liệu sinh học”?

Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Xuân: Đề tài này do chúng tôi nghiên cứu cách đây hơn một năm, nhưng ý tưởng và quá trình tìm tòi có điểm xuất phát từ những ngày còn là sinh viên đại học. Khi nghiên cứu, chúng tôi hướng đến khả năng thích nghi của các loại tảo đối với môi trường, và nhận thấy Tảo lục là loại có khả năng sống trong môi trường có nguồn nước bị ô nhiễm cao. Sau khi đi sâu vào nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy nó vừa làm giảm thiểu mức độ ô nhiễm vừa mang lại giá trị kinh tế cao. Việc trồng tảo ở nguồn nước ô nhiễm còn giúp chúng tôi giảm kinh phí nuôi dưỡng. Đặc biệt, ngoài mục đích làm sạch nguồn nước ô nhiễm hữu cơ, hút khí thải CO2, chúng tôi đã phát hiện ra đây chính là nguồn nhiên liệu sinh học thân thiện cho môi trường sống. Từ đó, chúng tôi đã tận dụng hàm lượng lipit cao có trong loại Tảo lục này để chiết xuất thành dầu bio diesel sinh học. Riêng phần xác của tảo sẽ được dùng làm khí hóa hoặc nhiệt phân cho ra bio oil (dùng trong đốt dầu công nghiệp). Theo tính toán của chúng tôi, 4kg tảo khô sẽ chiết xuất được 1 lít dầu bio diesel, 3kg xác tảo sẽ thu được khoảng 3 lít bio oil.

 Hai nhà nghiên cứu Thanh Xuân (áo blouse trắng) và Kim Hoàng
giới thiệu về công trình nghiên cứu của mình.

P.V: Vậy thưa Tiến sĩ, loại tảo này có thể phát triển tại Đà Nẵng không? Và nếu đề tài này được đem ứng dụng đại trà sẽ mang lại hiệu quả ra sao, đặc biệt là trong vấn đề môi trường?

Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Xuân: Loại Tảo lục này sống được trong môi trường nước ngọt, lợ, mặn. Sống trong môi trường có nhiệt độ thích hợp nhất là 20 -28oC. Cụ thể, tốc độ phát triển của tảo trong ao hồ theo nghiên cứu sẽ có kết quả: nếu thả vào 0,1 OD (mức độ tăng trưởng của tảo) thì sau 15 ngày tăng gấp 30 lần, và cứ 1 lít dung dịch nước thải ta cho vào 100ml dung dịch tảo sau 21 ngày là có thể thu hoạch được 4 gram tảo khô. Hiện tại, loại tảo chúng tôi đang nghiên cứu được lấy mẫu từ Viện sinh học. Tuy nhiên, theo kết quả nghiên cứu, ở các ao hồ Đà Nẵng loại tảo này có thể sinh trưởng, phát triển, tuy nhiên số lượng vẫn còn ít.

Như vậy, nếu tảo này được nuôi trồng ở môi trường tự nhiên nó sẽ đảm bảo xử lý ô nhiễm đối với nguồn nước ô nhiễm hữu cơ (các cơ sở chế biến gia súc gia cầm, thủy hải sản...); đối với môi trường không khí, tảo sẽ hấp thu khí CO2 với mức cao, giảm phát khí thải nhà kính. Và đặc biệt là loại tảo này sẽ tạo ra nguồn nguyên liệu, năng lượng sạch, mang lại giá trị kinh tế cao.

Chương trình học bổng khoa học quốc gia L’Oréal - UNESCO “Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học” bắt đầu từ năm 2009 với mục đích ươm mầm tài năng khoa học nữ Việt Nam. Đến nay đã có 12 nữ Tiến sĩ được trao tặng học bổng với tổng giá trị 1,8 tỷ đồng. Chương trình cũng đang tìm kiếm các Tiến sĩ trẻ dưới 35 tuổi tham gia vào chương trình học bổng quốc tế 40.000 USD, thời gian nghiên cứu tối đa là 2 năm.
P.V: Ngoài đề tài về tảo lục này,Tiến sĩ và đồng nghiệp đang nghiên cứu thêm về đề tài nào nữa?

Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Xuân: Hiện chúng tôi vẫn đang tiếp tục thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu về loại tảo này để đảm bảo xử lý được khí CO2 trong các hầm bioga. Ngoài ra, chúng tôi đang tiến hành nghiên cứu nâng cấp xác tảo nhằm thu bio oil và chuyển thành bio diesel theo hướng phát triển năng lượng xanh và sạch. Tuy nhiên, hiện tại chúng tôi đang thiếu nguồn kinh phí để nghiên cứu và phát triển thêm dự án chuyên sâu.

P.V: Xin cảm ơn Tiến sĩ!

Lê Anh Tuấn