Những người "đánh chặn" thực phẩm bẩn

Thứ tư, 25/05/2016 10:27

(Cadn.com.vn) - Lấy đêm làm ngày, gọi đâu có đó, những kiểm dịch viên thú y, cán bộ làm công tác xét nghiệm mẫu nông lâm thủy sản có vai trò như những người "đánh chặn" trong cuộc chiến chống thực phẩm bẩn.

Tự tạo nhịp sinh học riêng!

Ra trường năm 1987, tính đến nay, bác sỹ thú y Nguyễn Thị Bích Nguyệt là người gắn bó lâu nhất nhì với nghề kiểm dịch của Chi cục Chăn nuôi và thú y thành phố Đà Nẵng. Gần 30 năm công tác, chị Nguyệt đã kinh qua hết tất cả mọi công việc từ kiểm soát giết mổ, kiểm dịch, phòng chống dịch bệnh cũng như quản lý thuốc thú y. Ngày 20-5 vừa qua, "người chị cả" của lực lượng kiểm dịch viên này đã  đứng test nhanh để kiểm tra chất tạo nạc của đàn heo tại Trung tâm Giết mổ gia súc gia cầm vào lúc 3 giờ sáng trước yêu cầu đột xuất của Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ. Nhưng khi trò chuyện với chúng tôi, chị nói, nghề này chẳng có gì là đột xuất, vì bản thân nó đã như lực lượng phản ứng nhanh, công việc gọi người bất cứ lúc nào. Nhiều cán bộ trẻ thời gian đầu bơ phờ vì chuyện lấy đêm làm ngày nhưng lâu dần họ cũng rèn được kỹ năng "chắp nối giấc ngủ", tự tạo cho mình nhịp sinh học riêng để thích nghi với đặc trưng công việc. "Hồi chưa có lò mổ tập trung, có tháng chúng tôi đi làm liên tục 15 đêm mà vẫn phải đảm bảo chế độ làm việc ban ngày tại cơ quan. Vào những ngày tết người cứ rạc ra, nhu cầu về thực phẩm tăng cao, gia súc gia cầm nhập về nhiều để phục vụ nhu cầu người dân nên cán bộ kiểm dịch gần như thức trắng", chị Nguyệt kể.

Kỹ sư Lê Hữu Phận lấy mẫu cá nục đi xét nghiệm. Ảnh: Công Khanh

Chúng tôi gặp Kỹ sư Chăn nuôi thú y Trần Quốc Anh khi anh đang thực hiện nhiệm vụ kiểm dịch, kiểm soát giết mổ tại P. Hòa Thọ Tây, Q. Cẩm Lệ. Trong cái nắng hầm hập, anh cùng các đồng nghiệp vẫn miệt mài, tỉ mẩn với công việc. "Làm nghề này không có giờ hành chính, không kể nắng mưa anh ơi. Ai cũng được đào tạo chuyên môn nhưng đi làm cũng phải mất thời gian thích nghi, học hỏi các đồng nghiệp đi trước. Hồi mới đi làm, thức trắng đêm, hôm sau thèm giấc ngủ mà không sao ngủ được. Nhưng riết rồi cũng quen, giờ họ ngủ mình thức, họ thức mình ngủ, rồi dậy đi làm bất cứ khi nào cũng được", Anh tâm sự.

Trong chuyến "vi hành" bất ngờ vào rạng sáng 20-5, sau khi động viên, hỏi thăm cộng đồng ngư dân tại âu thuyền Thọ Quang, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ bất ngờ yêu cầu lực lượng chức năng lấy mẫu cá chủa và cá nục tươi rói mới đánh bắt từ Hoàng Sa về để xét nghiệm. Lập tức kỹ sư trẻ Lê Hữu Phận với đôi ủng và đôi bao tay đặc chủng nhảy xuống tàu "nhanh như chớp" khiến đoàn kiểm tra tròn mắt. Theo kỹ sư Phận, từ trước tới nay, cán bộ Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản thường xuyên đảm bảo chế độ giám sát lấy mẫu ngẫu nhiên bất cứ thời điểm nào, bất cứ tàu nào. Thời gian gần đây, với việc kiểm soát chặt nguồn gốc hải sản của các tàu đánh bắt xa bờ cập cảng Thọ Quang, khi các chủ tàu, chủ cơ sở thu mua hải sản có nhu cầu kiểm định, xét nghiệm thì lực lượng chuyên môn cũng thường xuyên có mặt. "Với mẫu hải sản thì không thử test nhanh được như rau củ quả, phải gửi qua Trung tâm Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản vùng 2 mới thực hiện được. Nhưng công việc lấy mẫu ban đầu cũng rất quan trọng", kỹ sư Phận cho hay.

Cán bộ Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tiến hành lấy mẫu test nhanh tồn dư chất bảo vệ thực vật trong rau củ quả nhập về trong đêm tại chợ Đầu Mối. Ảnh: Công Khanh

Mềm dẻo, kiên nhẫn để làm tròn trách nhiệm

Ông Nguyễn Tứ - Chi cục Trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản thành phố cho hay, vấn đề an toàn thực phẩm ngày một nóng, cán bộ làm nghề này lắm lúc cũng phải đối mặt với những tình huống phải "cắn răng" cho được việc, cho tròn trách nhiệm của mình. Nhiều người hiểu biết, thông cảm thì sẵn sàng hợp tác, nhưng lắm người cũng thể hiện sự khó chịu, thậm chí thiếu tôn trọng đối với lực lượng làm nhiệm vụ. "Không hợp tác đã đành, lắm lúc họ còn xúc phạm. Những lúc như vậy phải mềm mỏng, nhún nhường, vừa làm việc của mình đồng thời lựa thời điểm tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho họ. Chứ nhiều nơi mình cương quá, nguyên tắc quá cũng không được", ông Tứ chia sẻ.

Trong khi đó, gắn bó với lĩnh vực chăn nuôi và thú y lâu năm, chị Nguyễn Thị Bích Nguyệt nhớ lại, đã từng có cán bộ thú y bị công nhân giết mổ hành hung, còn chuyện dằn mặt, hù dọa thì không hiếm. Ở một nơi "nóng"  như Trung tâm giết mổ gia súc, gia cầm, lực lượng chức năng khi thực thi nhiệm vụ cũng phải có phương pháp làm việc riêng để phù hợp với các đối tượng tiếp xúc khác nhau. Chị nói: "Thời gian đầu, cũng có người lo lắng, ngại đụng chạm nhưng dần rồi quen, nhiều cán bộ trẻ hồ hởi đi làm để khẳng định năng lực của mình. Chẳng ai thích ngồi bàn giấy cả".  Khi được hỏi mong muốn gì trong nghề, thật lạ, tất cả những kỹ sư, thạc sĩ, những cán bộ lâu năm cũng như người trẻ mới vào nghề đều không nói gì đến chuyện vất vả, mà tất cả đều mong có một điều: sự hợp tác. Họ giải thích rằng, việc đảm bảo chất lượng bữa ăn cho người dân thì có nhiều nhiệm vụ, trong đó kiểm soát chất lượng nguồn thực phẩm từ khâu lấy mẫu, xét nghiệm là những việc làm âm thầm nhưng lại vô cùng quan trọng. Lấy một mẫu rau, một củ khoai, một con cá, thậm chí là một cốc nước tiểu của con heo có lúc cũng gây ra sự khó chịu. Nhưng với nhiệm vụ góp phần canh bữa ăn cho người dân, họ rất cần sự cảm thông, chia sẻ và hợp tác. Ông Trần Tới - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tâm sự: "Có lẽ ngày 20-5 vừa qua là lần đầu tiên lãnh đạo thành phố "vi hành" trong đêm để kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm. Điều đó chứng tỏ họ rất quan tâm đến bữa ăn của người dân. Trách nhiệm của chúng tôi là cùng thực hiện nhiệm vụ đó".

Công Khanh