Những người gieo hạt giống trên mặt trận tư tưởng - văn hóa

Thứ sáu, 30/07/2010 00:00

(Cadn.com.vn) - Đà Nẵng là nơi ra đời Đảng bộ Quảng Nam và Đà Nẵng, sớm nhất Trung kỳ, nơi Thị ủy Tourane cho lưu hành nhiều tờ báo Đảng và in ấn nhiều tờ báo phục vụ cho công tác tuyên truyền. Vì thế những đường lối của Đảng nhanh chóng đến với nhân dân. Nhân kỷ niệm 80 năm ngành Tuyên giáo, chúng tôi xin ghi lại câu chuyện một thời của những người chiến đấu trên mặt trận tư tưởng văn hóa, những người gieo hạt “giống đỏ” cho đến ngày nay.

Trong hồi ký của ông Phan Văn Định – Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam đầu tiên sau này nhớ lại: “Sau khi ra đời, Tỉnh ĐảNG bộ Quảng Nam chủ trương phát hành tờ báo Lưỡi Cày với số lượng nhiều hơn, đối tượng tuyên truyền cũng rộng rãi hơn. Tờ báo Lưỡi Cày ra đời từ tháng 6- 1929, mỗi tháng một số gồm 4 trang do đồng chí Trần Đại Quả chủ trì và đồng chí Trần Kim Bảng là người soạn bài.

Để đảm bảo việc in ấn được nhanh và bí mật, chúng tôi thường dời địa điểm đến nhiều nơi khác nhau, có lúc in ở cơ quan Tỉnh ủy, có lúc đưa về chỗ tôi. Tờ báo Lưỡi Cày có tác dụng giáo dục quần chúng ý thức kháng Pháp, chống phong kiến tay sai tại Quảng Nam rất rõ rệt!”. Thời đó, đọc báo tiến bộ, nhất là báo Đảng là một cái tội vì thế bắt gặp ai đọc báo Đảng thì bọn cò Tây bắt bỏ tù ngay lập tức.

Trong báo cáo của mật thám Pháp tại Đà Nẵng còn lưu lại những vụ bắt bớ như thế: “Bắt tên Nguyễn Văn Vân, tại phủ Điện Bàn (Quảng Nam) vì đã tham gia tổ chức “Bạn đọc sách báo”. Bắt tên Nguyễn Viên ở xã Vân Trai, phủ Tam Kỳ (Quảng Nam) thu hàng trăm tờ báo, trong đó có tờ “Còi nhà máy”... Chính vì vậy, trên tay ai có một tờ báo Đảng cũng đủ giới thiệu về mình.

Những năm đầu thế kỷ XX, có rất nhiều tờ báo Đảng ra đời góp phần vào công cuộc tuyên truyền cách mạng. Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Đảng bộ Quảng Nam - Đà Nẵng tiếp tục phát hành nhiều tờ báo như: Cứu Quốc, Chiến Thắng (thời chống Pháp), Giải Phóng, Cờ Giải Phóng. Kể về những ngày đầu làm báo, ông Hồ Sỹ Thiều - nguyên Bí thư Thị ủy Tourane (Đà Nẵng) vẫn nhớ như in những ngày làm báo “Còi nhà máy” - tờ báo tiền thân của BÁO Đà Nẵng hiện nay.

Thắp hương tưởng niệm các liệt sĩ ngành Tuyên huấn hy sinh tại Hòn Tàu. 

Ông kể: “Hồi đó, ngày thì đi làm, đêm về mình phải in truyền đơn và báo “Bẻ xiềng xích” của Xứ ủy Trung kỳ cung cấp cho anh em Tourane. Thấy tờ báo “Bẻ xiềng xích” rất hay, phục vụ đắc lực cho việc vận động anh em công nhân nên tôi dựa vào đó để lập ra tờ “Còi nhà máy” cho Đà Nẵng. Tờ báo này chúng tôi chuyền tay đến anh em công nhân, thợ thuyền Đà Nẵng, được mọi người rất hưởng ứng”.

Quảng Nam, Đà Nẵng là quê hương ra đời của báo chí Việt Nam; cũng là nơi sản sinh ra những nhà báo tài danh. Ở một vùng đất như thế, báo Đảng Quảng Nam - Đà Nẵng trước đây cũng như hiện nay xuất hiện nhiều cây viết sắc sảo và bản lĩnh là điều dễ hiểu. Người đọc từng say với câu văn mượt mà của Huỳnh Thị Bảo Hòa, hay ngưỡng mộ văn chương sắc sảo Lê Văn Hiến, sự chất phác của nhà báo Nguyễn Đình An hay những bút ký chân dung “đặc chất Quảng” của Hồ Duy Lệ.

Tất cả họ đã trở thành những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa. Trong lễ tưởng niệm các liệt sĩ ngành Tuyên giáo, được Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng tổ chức mới đây, nhà báo Nguyễn Đình An bùi ngùi kể lại những ngày mà ông cùng đồng đội làm báo ở Hòn Tàu: “Tờ báo là sự hiện diện của cách mạng, thể hiện sức sống của Mặt trận dân tộc giải phóng, với nhận thức đó chúng tôi luôn cố gắng để báo ra đều kỳ.

Những đại biểu ngành Tuyên huấn về dự Hội nghị liên khu tháng 5-1951. 

Hồi Mậu Thân, Đặc khu ủy Quảng Đà có 2 tờ báo gồm: Cờ giải phóng của Mặt trận dân tộc giải phóng TP Đà Nẵng và Giải phóng của tỉnh Quảng Đà. Trong Mậu Thân, nhà in của tỉnh từ căn cứ được chuyển về Gò Nổi để kịp in báo, tài liệu tuyên truyền. Tôi vẫn còn nhớ mãi cái đêm 21-5-1972, hôm ấy là hội nghị ngành Tuyên huấn của tỉnh Quảng Đà, mọi người xem phim nhưng thấy B52 xuất hiện thì dừng lại ngay, sau đó mỗi người đều móc võng lên cây mà ngủ, số khác thì ngủ trong hang.

Không ngờ, B52 kéo đến thả bom rải thảm, làm chết 10 người, có 5 đồng chí ngủ trong hang bị một tảng đá lớp sập lấp cửa hang, trong đó có phóng viên báo Cờ Giải Phóng (tức Báo Đà Nẵng). Sau này, chúng tôi có ý định dùng mìn phá dỡ tảng đá hoặc dùng cần cẩu lớn để tìm đồng đội nhưng đều vô vọng! Một câu hỏi luôn ám ảnh tôi là liệu sau mấy chục năm, trong hang đá ấy có còn gì không?”. Ông An đã khóc khi kể lại sự hy sinh của những người lính tuyên huấn ở Hòn Tàu. Và chúng tôi biết rằng, có nhiều và rất nhiều người lính trên mặt trận tư tưởng văn hóa đã hy sinh anh dũng trong hai cuộc trường kỳ kháng chiến của dân tộc.

Có thể nói, trải qua 80 năm thăng trầm lịch sử, công tác tư tưởng, nhất là sự tuyên truyền cách mạng của Đảng bộ Đà Nẵng qua báo chí và lực lượng làm công tác báo chí đã được rèn luyện thử thách của khói lửa chiến tranh, trong các phong trào cách mạng của quần chúng. Họ xứng đáng là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận văn hóa, tư tưởng; một nhiệm vụ mà Đảng đã tin tưởng giao phó. Họ rất đáng được ngưỡng mộ và vinh danh.

Ghi chép: Lưu Hoàng Anh