Những người góp phần giữ "hồn" Nhã nhạc Huế
Nhã nhạc Huế sau khi được tôn vinh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, theo khuyến nghị của UNESCO, Cục Di sản Văn hóa - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế tổ chức lớp tập huấn giới thiệu những nghệ nhân là "báu vật nhân văn sống" của Huế, tiến tới thiết lập một hệ thống "báu vật nhân văn sống" của Việt Nam. Sự đóng góp của những nghệ nhân ấy thời gian qua đã góp phần làm giàu giá trị di sản văn hóa Huế.
Cụ Lữ Hữu Thi bên cây đàn nhị. |
Đặc điểm của Nhã nhạc Huế (hay còn gọi là Nhã nhạc cung đình Huế) là truyền nghề, trong khi những "Báu vật nhân văn sống" đều đã lớn tuổi. Năm 2010, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã mời anh em cụ Lữ Hữu Thi và Lữ Hữu Cử (thời điểm đó cụ Thi 92 tuổi và cụ Cử 86 tuổi - nay cả hai cụ đã mất) là hai người cuối cùng tham gia trong đội nhạc Hòa Thanh của triều Nguyễn cùng phục dựng lại vốn âm nhạc cung đình. Dưới Triều Nguyễn, đội nhạc Hòa Thanh trong cung đình (còn gọi là tiểu nhạc) có 10 người, gồm những người chơi nhạc cự phách: Lê Văn Hòa đánh trống bảng, Đinh Đó đàn tỳ, Trần Lư đàn tam, Nguyễn Thiện đàn nguyệt, Đinh Khai đàn nhị, hai anh em Lữ Hữu Thi và Lữ Hữu Cử... Khác với người anh đứng tên trong đội nhạc Hòa Thanh từ rất sớm, cụ Cử đến với đội nhạc như một cơ duyên. Năm 14 tuổi, cụ tham gia Lễ khánh thành Hội Phật học tại Đà Nẵng, có lúc đăng đàn thổi một mình. Cụ chơi được nhiều loại nhạc cụ như: kèn, sáo (địch), đàn nhị... Năm 17 tuổi, trong một lần đến chơi phục vụ nội thân nhà vua ở cung An Định, tiếng đàn, tiếng sáo của cụ qua các vở Tam Quốc, Lưu Bình Dương Lễ... đã thu phục được lòng người, đồng thời chính thức đưa cụ đến với đội nhạc Hòa Thanh và gắn bó với đội nhạc cung đình cho đến ngày Bảo Đại thoái vị.
Đội nhạc Hòa Thanh có các nhạc cụ dân tộc như đàn tỳ, tam, nguyệt, nhị, kèn, sáo và các bộ gõ như trống, bảng... chỉ phục vụ nhà vua trong các dịp đăng quang, vạn thọ, triệu miếu, chúc tuổi đức từ cung (mẹ vua Bảo Đại)... Cụ Cử là người đa tài, vì thế dưới thời Bảo Đại, khi văn hóa phương Tây bắt đầu xâm nhập vào nước ta, cụ là người thổi được kèn Tây (Saxophone, Clarinet, Sáo bạc Flute) nên được triều đình rất trọng dụng. Còn cụ Lữ Hữu Thi nổi bật với cây đàn nhị và chiếc kèn bóp. Tiếng đàn của cụ khi réo rắt, ai oán, có lúc lại bay bổng... Gia đình cụ còn có mấy đời tự làm lấy các nhạc cụ truyền thống như đàn nhị, kèn bóp, tiếng vang mà dịu... Trước khi mất, trong mấy năm qua, nhất là sau khi Nhã nhạc Huế (Nhạc cung đình Việt Nam) được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, những nhạc công cuối cùng trong đội nhạc triều Nguyễn đã nỗ lực giúp Nhà hát Duyệt Thị Đường (Đại Nội - Huế) phục dựng, bảo tồn các giá trị truyền thống của loại âm nhạc cung đình. Cụ Cử hơi nặng tai, do vậy, việc truyền dạy nghề của cụ có phần hạn chế. Cụ Thi, hàng tuần vào các ngày chẵn cụ nhờ con cháu chở vào nhà hát truyền nghề cho các diễn viên, nhạc công của Nhà hát Duyệt Thị Đường thuộc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế.
Cụ Lữ Hữu Thi còn nhớ và biểu diễn thành thạo tới 20 bài nhạc lễ cung đình. Ai từng có dịp gặp cụ Thi, được nghe, xem cụ đàn ca, mới thấy hết ngọn lửa đam mê nghệ thuật vẫn cháy trong tâm hồn người nhạc công cuối cùng của triều Nguyễn. Nhà cụ nghèo thế nhưng khi cụ còn sống, chúng tôi đến thăm, hỏi cụ về suy nghĩ của mình, cụ chỉ ước muốn Nhà hát tạo điều kiện để cụ sớm truyền lại bài "Ngũ lôi nữ nhạc", đây là bài ứng tiếp mà triều đình thường dùng khi có khách quý, được như vậy khi nhắm mắt, cụ cũng mãn nguyện. Cụ lý giải "Đã mang lấy kiếp cầm ca thì mấy ai màng đến sang hèn" - có lẽ, cái khí phách ấy đã giúp cụ sống thanh thản suốt cuộc đời.
Ông Trương Tuấn Hải, Đạo diễn sân khấu, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật cung đình Huế (Nhà hát Duyệt Thị Đường) cho biết, cụ Cử và cụ Thi vừa góp công bảo tồn, phục dựng thành công các bài "thài" như Trầm Hương (An thần) một trong 8 bài nhạc lễ trong Lễ tế đàn Nam Giao, trong đó có đoạn ca từ sang trọng và rất khó như: Long nghi cáo bị/Nhạc chương đại thần/Tư văn dĩ phước/Minh đức duy hinh... Hiện nay, Nhà hát Nghệ thuật cung đình Huế đã xây dựng được đội ngũ gồm 90 diễn viên và nhạc công, tổ chức biểu diễn liên tục mỗi ngày 4 suất phục vụ khách tham quan, du lịch. Kết quả này có sự đóng góp rất lớn của hai nhạc công cuối cùng trong đội nhạc cung đình triều Nguyễn còn lại trên đất Cố đô.
Nghệ nhân Trần Kích vừa qua đời (thọ 96 tuổi) là người từng rất đam mê với nghệ thuật Nhã nhạc. Cụ đam mê loại nhạc này, một phần do ảnh hưởng rất lớn từ cụ thân sinh ông và điều đặc biệt đến khi đi học, tiếng đàn, sáo của cụ Ưng Thiều, một đốc học của trường làng lúc bấy giờ đã cuốn hút cụ. Rồi như một định mệnh, tiếng đàn, tiếng sáo ấy theo cụ cho đến tận cuối đời. Những năm đầu, học nhạc đối với ông là thú vui để chơi, sau là một nghề để mưu sinh. Những gia đình khá giả quanh vùng đã từng thuê cụ về dạy cho con cái trong nhà. Lúc cụ đi dạy ở Hà Trừ (Phú Vang), lúc về dạy ở Truồi (Phú Lộc). Sau này, cụ từng tham gia Đội nhạc cung đình Huế, vào biểu diễn Nhã nhạc trong Đại Nội phục vụ cung đình. Nghệ nhân Trần Kích chơi thành thạo 7 loại nhạc cụ, gồm nhị, nguyệt, tỳ, bầu, sáo... Với cụ, âm thanh réo rắt của cây đàn Huế có sức thu hút mãnh liệt, thể hiện được nét sâu lắng của giai điệu nhạc Huế. Cụ tham gia chơi nhạc cho cả đại nhạc, tiểu nhạc, nhạc tuồng Huế, nhạc Phật, nhạc múa cung đình, nhạc đệm cho ca Huế. Cụ còn tự làm những cây kèn, cây đàn nhị độc đáo của Huế, để sử dụng và cung cấp cho học trò. Cây đàn nhị ở Huế khác với các nơi khác ở chỗ lấy cung bậc mang âm sắc riêng biệt. Ngón đàn của cụ, nhất là đàn nhị, đàn bầu và hơi kèn trau chuốt, sang trọng đã mê hoặc bao người.
Ngay từ năm 1962, khi Trường nhạc Huế được thành lập, nghệ nhân Trần Kích đã có tên trong danh sách những người dạy nhạc cho trường. Qua hai chế độ, liên tục cho đến năm 1988, tức 13 năm sau ngày giải phóng, cụ mới xin nghỉ hưu và sau này vẫn tiếp tục dạy theo hợp đồng cho Trường Nhạc Huế. Nhiều thế hệ học trò từng được cụ truyền dạy nghề, nay thành danh không kể hết. Nhiều người trong số họ trở thành các nhà quản lý các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, như các anh Đại Dũng, Tiến Dũng (Đoàn Nghệ thuật truyền thống Huế) hay Trọng Nghĩa, Hữu Lai ở các đoàn ca kịch Đà Lạt, Quy Nhơn.
Nhã nhạc có yếu tố truyền khẩu là chủ yếu do đó muốn lưu giữ được loại hình nghệ thuật này các nghệ nhân cao tuổi phải vừa hướng dẫn vừa chỉnh đốn vừa từng bước truyền nghề cho các thế hệ. Cụ Trần Kích đã nghiên cứu cách ký âm và ứng dụng vào việc ghi chép các bài bản ca nhạc cung đình Huế. Cụ đã ký âm hoàn chỉnh, góp phần ghi lại được 30 bài bản về Đại nhạc và Tiểu nhạc. Khác với các nghệ nhân cùng thời, cụ Kích không chỉ dạy học trò bằng cách truyền ngón nghề, kỹ thuật nhấn nhá, rung, vỗ, luyến láy mà còn sử dụng bài bản ký âm để bảo tồn, lưu giữ và dạy nhạc truyền thống Huế. Hiện người con trai duy nhất của cụ là nhạc sĩ Trần Thảo đã nối nghiệp cha chơi được các loại sáo, kèn, nguyệt, nhị, bầu, trống... và trở thành giảng viên của Trường Đại học Nghệ thuật Huế...
Có thể nói những nghệ nhân như cụ Cử, cụ Thi, cụ Kích là "Những báu vật nhân văn", những người góp phần giữ "hồn" cho Nhã nhạc Huế...
Q.V