Những người lính đi K
(Cadn.com.vn) - Kỷ niệm 35 năm ngày truyền thống Sư đoàn 307, Quân khu 5 (30-7-2013), hơn 500 cựu chiến binh (CCB) Sư đoàn đã có cuộc gặp mặt cảm động tại Nhà văn hóa Quân khu. Hội trường như vỡ òa trong niềm hạnh phúc lớn lao khi những người lính từng vào sinh ra tử ở chiến trường K (Campuchia) nay sống lại một thời tuổi trẻ.
Các CCB đã đến từ rất sớm. Đông nhất có lẽ là địa bàn Quảng Nam. Chi hội Đại Lộc ra dự 100 người trong số 300 CCB của huyện, rồi Duy Xuyên, Quế Sơn... Những người nông dân lam lũ trên cánh đồng, gương mặt đen cháy... sáng lên niềm hân hoan bên đồng đội. Mọi người giãn ra khi anh Ngọc, Đà Nẵng cõng anh Sơn vào hội trường. Anh Dũng bị mù và cụt hai tay ở Đà Nẵng, anh Tuấn ở Bình Định vừa cụt hai tay vừa bị thương ở chân cũng được bạn dìu đến... Nhiều nước mắt nhất là những người phụ nữ. Họ là vợ, là người thân của các liệt sĩ hay của chỉ huy Sư đoàn đã mất. Thoáng rụt rè nhưng rồi tình cảm của những người lính làm họ hòa nhập rất nhanh. Chị Tuyết, em của liệt sĩ Lê Khắc Đông tâm sự: “Mọi năm mẹ tôi đi. Năm nay mẹ ốm. Nghe các anh mời ra gặp mặt, sắp tới sẽ làm nhà tình nghĩa nữa. Cả nhà ai cũng vui lắm”.
Thiếu tướng Nguyễn Trọng Huy, Phó Tư lệnh Quân khu 5, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 5 của Sư đoàn đến cùng vợ. Nhiều năm nay, chị Kim Hải luôn sát cánh bên chồng trong các cuộc tri ân. Chủ một cửa hàng dược lớn ở Đà Nẵng, có điều kiện về kinh tế, chị là “Mạnh Thường Quân” của các hoạt động tình nghĩa.
Theo báo cáo của Ban liên lạc, gia đình Thiếu tướng Nguyễn Trọng Huy đã tài trợ hơn 700 triệu đồng, xây 7 căn nhà cho CCB Sư đoàn 307, rồi giúp bò, ti-vi, công cụ sản xuất... Những người được vợ chồng Thiếu tướng Huy tặng nhà như CCB Trần Ngọc Hảo ở xã Đại Minh (Đại Lộc) hôm nay cũng có mặt. Anh nói: “Không nhờ đồng đội, tôi không được như bây giờ”. Rồi anh kể, Ban liên lạc biết được anh Khảm ở Đại Nghĩa sức khỏe đã yếu, gia cảnh khó khăn nên đã cấp tốc làm nhà tình nghĩa. Anh đã sống được 3 tháng trong căn nhà mới rồi từ trần...”.
![]() |
Niềm vui ngày gặp mặt. |
Đại tá Nguyễn Đình Tiến, Phó Tham mưu trưởng Quân khu 5, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 307 sau khi về nước, lại giúp theo cách của anh. Anh tài trợ cho con của đồng đội được học đại học, cao đẳng, chữa bệnh cho các cháu khi bị bệnh hiểm nghèo. Con của “bố Tiến” lên đến hàng chục đứa. Có cháu ra trường, có việc làm, trở lại giúp đỡ các em sau.
“Ôn cố tri tân”, cuộc gặp truyền thống nào cũng thế, nhưng với Sư đoàn 307, có lẽ đặc biệt hơn cả bởi ngày 30-7-1978 ngày thành lập Sư đoàn cũng là ngày đơn vị khẩn trương hành quân vào đất chùa Tháp theo yêu cầu của bạn. Sư đoàn "vừa chạy, vừa xếp hàng”, vừa đánh vừa ổn định tổ chức, quân số đơn vị mới còn ở trên giấy, nhiều trung đoàn còn trên đường di chuyển.
Suốt 10 năm ròng rã, tên tuổi “Ba Lẻ Bảy” đã gắn với những chiến công vẻ vang qua hàng ngàn trận chiến đấu lớn nhỏ. Có thời điểm cực kỳ cam go, ác liệt, cả đơn vị đủ quân chỉ còn 42 tay súng nhưng không ai nao núng, quyết chiến đấu đến cùng góp phần bảo vệ vững chắc biên giới Tổ quốc và giúp bạn thoát khỏi nạn diệt chủng. Mùa xuân năm 1979, bước chân thần tốc người lính “Ba Lẻ Bảy” đã vượt qua Bung Lung, Ta Keo, Rattanakiri, Strungtreng…, chiến thắng ở “cửa tử 547” trong vòng 17 ngày để có mặt ở đền Prêtvihia lịch sử vào ngày 17-1-1979, giải phóng tuyến phòng thủ cuối cùng của đông bắc Campuchia. Sư đoàn cùng 16 đơn vị trực thuộc và 1 cá nhân đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng LLVTND.
Đại tá Trần Đức Kháng, nguyên Chủ nhiệm Chính trị đầu tiên của Sư đoàn tuổi đã 85 vẫn minh mẫn khi nhắc về những ngày gian khó. Người lính lúc đó chỉ dùng của bạn 3 thứ: không khí, nước và củi để nấu ăn. Có những thời điểm, đơn vị tiếp quản một kho đầy gạo của địch trong khi CBCS đã 2 ngày liên tiếp nhịn đói vì lương thực chưa kịp đưa sang, vậy mà chẳng ai đụng đến một hạt gạo "chiến lợi phẩm" kia. Cá dưới sông, trái cây trên đầu, rau xanh quanh vườn trong khi cả tháng trời bộ đội chỉ có cá muối, thịt muối nhưng ai nấy đều nghiêm khắc với chính mình, không “tơ hào”.
Đại tá Thái Thanh Hùng, Chủ tịch Hội CCB thành phố Đà Nẵng khi trao bằng khen của Hội cho Trưởng ban liên lạc Hoàng Ngọc Thắng đã nói rằng, trong số hơn 100 Ban liên lạc hoạt động ở thành phố này, Sư đoàn 307 là một trong những Ban hoạt động hiệu quả nhất. Với 1,2 tỷ đồng từ đóng góp của những người lính Sư đoàn, Ban đã giúp đỡ nhiều CCB vượt qua khó khăn. Ngay trong ngày hội ngộ này, Ban liên lạc đã trao số tiền 180 triệu đồng cho 5 gia đình để góp phần xây nhà, tặng hàng chục suất quà trị giá hàng chục triệu đồng cho các gia đình liệt sĩ, thương binh, CCB neo đơn, bệnh tật.
Dòng chảy truyền thống qua bao năm tháng vẫn không ngưng nghỉ để Sư đoàn 307 anh hùng bất tử cùng đất nước.
Bài, ảnh: Hồng Vân