Những người nuôi hồn Nhã nhạc

Thứ ba, 06/04/2010 00:00

(Cadn.com.vn) - Nhã nhạc cung đình nhà Nguyễn được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới, là “Kiệt tác phi vật thể và truyền khẩu nhân loại, nhưng có lẽ ít người biết về thế hệ những người đã thay nhau trình tấu, gìn giữ Nhã nhạc 100 năm qua. Mới đây, tôi may mắn được mời về làng Dã Lê Chánh, xã Thủy Vân, Hương Thủy (TT-Huế) dự lễ kỷ niệm 130 năm ngày sinh của cụ Nguyễn Đắc Tiếu, Chánh đội Nhã nhạc triều vua Khải Định và Bảo Đại. Nhờ vậy tôi đã hiểu biết thêm nhiều điều rất tâm đắc và thú vị về những người lính Nhã nhạc Nam triều. Bài viết này xin kể đôi điều về những người nuôi hồn Nhã nhạc ấy...

Tôi quen biết nhà văn Nguyễn Đắc Xuân mấy chục năm nay, rất cảm phục anh là người cầm bút tâm huyết viết đến gần 50 cuốn sách về văn hóa, lịch sử triều Nguyễn, về thời niên thiếu của Bác Hồ, về Quang Trung–Nguyễn Huệ, người luôn lên tiếng đấu tranh cho những lẽ công bằng trong ngôn luận. Nhưng, tôi thật bất ngờ và xúc động khi biết Chánh đội Nhã nhạc Nam triều Nguyễn Đắc Tiếu là ông nội của anh và cụ cố nội của anh là Nguyễn Đắc Đạo (tự Viễn) cũng là một người lính trong đội Nhã nhạc Nam triều. Chính cụ cố Đạo đã đưa con trai Nguyễn Đắc Tiếu mới lên 10 tuổi vào Đại Nội để học nhạc cung đình.

Từ đó cụ Nguyễn Đắc Tiếu đã là nhạc công triều đình 45 năm phục vụ 4 đời vua: Thành Thái, Duy Tân, Khải Định, Bảo Đại cho đến khi hồi hưu (tháng 12-1934). Từ cụ Nguyễn Đắc Đạo, Nguyễn Đắc Tiếu, nhiều con cháu người làng Dã Lê Chánh và học trò của cụ Tiếu ở Huế đã trở thành nhạc công danh tiếng của Nhã nhạc triều Nguyễn. Đó là ông Đội Thị đàn nguyệt (Nguyễn Đình Thị, cháu gọi cụ Tiếu bằng cậu), Nguyễn Đắc Vong đàn nhị (gọi cụ Tiếu bằng chú), ông Đội Hòa thổi sáo (Lê Văn Hòa) cũng được thăng Đội trưởng ĐộI nhạc triều đình.

Năm 1956, ông Hòa được mời sang Philippines dự thi âm nhạc quốc tế và giành được huy chương vàng về thổi sáo. Giành được giải về nước, ông Đội Hòa đã về Dã Lê Chánh bái tạ cụ Tiếu và thổi lại bài sáo được giải cho cụ Nguyễn Đắc Tiếu nghe. Còn ông Bát Tiếp thổi kèn (Lê Nhữ Tiếp, hàm Bát phẩm, nên gọi là Bát Tiếp). Ông Bát Tiếp là thế hệ đàn anh của thế hệ cuối cùng của Đội nhạc triều Nguyễn.

Ông Đội Thị vừa đánh thổi Nhã nhạc, vừa là người chơi violon đầu tiên ở Kinh đô Huế với trình độ của một bậc thầy. Ông cũng được phong Chánh đội Nhã nhạc dưới thời vua Bảo Đại. Còn các ông Trần Kích, Nguyễn Kế, Lữ Hữu Thị năm nay đã gần 100 tuổi là thế hệ học trò cuối cùng của cụ Nguyễn Đắc Tiếu. Đó là những người trong nhiều năm qua dù tuổi già sức yếu vẫn góp phần không nhỏ trong việc nuôi hồn Nhã nhạc bằng cách truyền bá, đào tạo nên những thế hệ nhạc công Nhã nhạc cung đình của Đoàn nghệ thuật Cung đình Huế hôm nay.

Cụ Lữ Hữu Thị chỉ còn 3 tháng nữa đầy 100 tuổi vẫn đi đứng, nói năng mạch lạc lắm. Cụ từ Huế về Dã Lê Chánh, nghiêm trang áo nhiễu dài màu đỏ, khăn đóng cùng các học trò trước bàn thờ sụp lạy sư thầy Nguyễn Đắc Tiếu. Cụ là người nhạc công cuối cùng trong ban nhạc Cung đình của triều Nguyễn. Trong sân từ đường Nguyễn Đắc Tiếu, cánh nhà báo chúng tôi xin hỏi chuyện cụ về Nhã nhạc và về người thầy Đội Tiếu. Cụ cười móm mém bảo: “Xin gì, việc chung ấy mà, các anh hỏi, tui biết đến mô kể đến nấy! Nhưng các anh phải nói to vì tai tôi “hết nhạy” rồi!”. 

Cụ Lữ Hữu Thị   

Cụ bảo ĐộI Tiếu dạy trò khắt khe lắm. Đánh thổi hoài cụ vẫn chưa ưng. Cụ cho biết, Đội Nhã nhạc cung đình thời Bảo Đại, gọi là Đội Hòa Thanh, có 10 người, một đội trưởng, còn 9 nhạc công gồm: 1 trống bản, 1 tỳ bà, 1 nguyệt, 1 nhị, 2 địch (sáo), 1 tam âm, 1 phách tiền... Trong Đội Hòa Thanh đó có  người em trai ruột của cụ tên là Lữ Hữu Cử, sử dụng địch (tức sáo) là hai người cuối cùng trong ĐộI nhạc Hòa Thanh còn lại đến hôm nay! Cụ Thị người làng Lại Thế, cách làng Dã Lê Chánh một đoạn đường. Cụ Lữ Hữu Cử là một trong những người Việt Nam đầu tiên biết thổi kèn Tây. Cụ sử dụng thành thạo các loại kèn clarinet, saxophone, nên được tuyển vào đội nhạc ở Cung An Định phục vụ cho Hoàng gia Khải Định và Bảo Đại.

Tôi hỏi vui cụ làm trong đội Nhã nhạc lương có cao không, cụ bảo: “Làm nghề ni răng mà giàu được. Nhưng cũng có nhiều lúc sang trọng lắm. Đó là những lúc được đi đây đi đó, ra cả nước ngoài để giới thiệu âm nhạc cung đình, quốc hồn quốc túy, được  người các nước hoan hô nhiệt liệt. Coi như là mình ăn theo linh hồn dân tộc!”. Năm 1942, cụ Lữ Hữu Thị cùng Đội nhạc Hòa Thanh tham gia Lễ tế Nam Giao cuối cùng của triều Nguyễn. Bây giờ cụ có đứa con trai  “nối dõi tông đường”  là Lữ Hữu Viên Minh và hai người cháu nội đã theo nghề cha ông ở trong đội nhạc của Đoàn Nghệ thuật Cung đình Huế. Ấy là tam đại đồng đường Nhã nhạc Huế! Kể rồi, cụ hát cho chúng tôi nghe bản Nam Bình, nghe sao da diết, ngậm ngùi:

Năm canh hồ điệp không an, dậy ngồi than

Tướng tình phu tướng, dòng lệ chan chan

Canh tàn giấc mộng mơ màng

Nhớ thương thêm nát lá gan...

Ngày kỷ niệm 130 năm ngày sinh của cụ Tiếu tất cả họ đều về Dã Lê Chánh “đánh thổi” trước vong linh của người thầy tài ba của mình. Giữ gìn được âm nhạc dân tộc là giữ được cái hồn của nước. Chính họ, thế hệ này qua thế hệ khác đã góp phần giữ hồn cho Nhã nhạc, nuôi dưỡng tinh thần cho vua chúa, triều thần và trăm họ, giữ sự liên lạc  giữa đất và trời, giữa người sống và người đã khuất. 

Trước bàn thờ ông nội, nhà văn Nguyễn Đắc Xuân đã đọc lời kính cáo rằng: “Chúng con rất tự hào mình là con cháu trong gia đình có nhiều đời phục vụ Nhã nhạc trong cung đình Nguyễn”. Nhà văn còn báo cáo ông nội tin vui là đã tìm được tấm hình ông Đội Tiếu đứng giữa Ban nhạc cung đình đăng trong Tập san Đô thành hiếu cổ (BAVH) năm 1919.

Đặc biệt con cháu đã sưu tầm được đĩa nhạc do GS-TS Trần Văn Khê và Nhạc sư Nguyễn Hữu Ba tổ chức thu băng, viết lời bình gửi UNESCO năm 1962 mang tựa đề A Musical Antology of The Orient, Vietnam I (Tuyển tập âm nhạc phương Đông, Việt Nam I). Băng nhạc gồm các bài: Mã Vũ, Phựng Vũ,  Đăng Đàn, Thập Thủ hay mười bản Ngự, Đào Điên, Ngũ Lôi (trogons), Tụng Kinh Lăng nghiêm, Tán, biểu diễn đàn độc huyền, Phú lục chậm, Tứ Đại Cảnh. Tại buổi lễ, nhà văn Nguyễn Đắc Xuân đã tặng Nhà hát Duyệt Thị Đường một bản sao CD Việt Nam I. Đây là món quà quý mà lâu nay các nhạc công ở Đoàn nghệ thuật Cung đình Huế đang ao ước được nghe.

Kể lại chuyện 4 thế hệ những người giữ hồn Nhã nhạc con cháu họ Nguyễn Đắc ở Dã Lê Chánh và họ Lữ Hữu ở làng Lại Thế và các học trò ông Đội Tiếu, lòng tôi cứ xốn xang một điều: Nhã nhạc cung đình Nguyễn là hồn Việt, âm vang Việt. Đã có những người làng Dã Lê Chánh suốt đời sống cho Nhã nhạc. Đất nước mình mấy ngàn năm tồn tại, trải ngàn năm đô hộ ngoại bang vẫn không bị đồng hóa là nhờ giữ được cái hồn, cái gốc văn hóa đó. Nên  bảo tồn và truyền bá Nhã nhạc là  truyền bá cái gốc sức mạnh ấy...

Ngô Minh