Những người “tàn nhưng không phế”

Thứ năm, 04/05/2023 08:14
Sinh ra, lớn lên cũng như bao con người bình thường khác, nhưng chỉ sau một “biến cố” nào đó, trong phút chốc họ bỗng trở thành người khuyết tật. Thời gian điều trị trên giường bệnh là thời gian giúp họ chiêm nghiệm, để đứng dậy, vượt lên số phận...
Anh Phạm Văn Mịch, Nguyễn Tấn Hiền, Hồ Viết Phương - là những người biết vượt lên số phận, khẳng định “tàn” nhưng không phế.
Anh Phạm Văn Mịch, Nguyễn Tấn Hiền, Hồ Viết Phương - là những người biết vượt lên số phận, khẳng định “tàn” nhưng không phế.

Nhớ lại biến cố xảy ra cuộc đời mình, anh Phạm Văn Mịch (1961), trú xã Hòa Phong, Hòa Vang (Đà Nẵng), không khỏi ngậm ngùi. Năm 2006, cơn bão Xangsane đổ bộ vào Đà Nẵng gây ra cảnh tượng tan hoang. Trong số những gia đình bị thiệt hại nặng nề do cơn bão này gây ra, có gia đình anh Mịch. Không những bị thiệt hại về tài sản, trận bão kinh hoàng đó còn khiến anh Mịch trở thành người khuyết tật. Nguyên nhân, do đòn tay ngôi nhà bị sập đè lên người anh Mịch làm gãy cột sống thắt lưng, gây liệt 2 chân. 4 tháng điều trị tại Bệnh viện Phục hồi chức năng TP Đà Nẵng là những ngày dài đằng đẵng đối với anh… Không thể dựa hoàn toàn vào người thân, bằng ý chí “đừng bao giờ bỏ cuộc”, anh tự luyện tập theo sự hướng dẫn của các y, bác sĩ. Hơn 1 năm kiên trì, anh đã tự đi lại với khung trợ giúp. Trở lại với cuộc sống đời thường, anh Mịch đối mặt với cuộc mưu sinh không hề dễ dàng khi giờ đây không còn lành lặn, mạnh khỏe như trước kia. Được sự giúp đỡ của cộng đồng, anh mở một cửa hàng nhỏ thu mua phế liệu để mưu sinh, trang trải cuộc sống cho bản thân và gia đình. Tuy nhiên công việc thu mua phế liệu gặp nhiều khó khăn với một người phải ngồi xe lăn nên anh đã đổi qua nhiều nghề khác như: mở quán kinh doanh bi-da, bóng bàn, bán cà-phê, cho thuê giàn giáo, học nghề pha chế đồ uống,... Hiện tại, với quán cà-phê mở tại nhà do tự mình pha chế, anh Mịch đã có thu nhập ổn định, nuôi 3 con ăn học đến nơi, đến chốn...

Một trường hợp khác cũng thể hiện ý chí vượt qua bệnh tật, vươn lên tự làm chủ cuộc sống đáng khâm phục là anh Nguyễn Tấn Hiền (1977), trú Đắk Lắk. Năm 2002, khi đang là sinh viên năm thứ 2 một trường Sư phạm, trong một lần điều khiển phương tiện đến lớp, anh chẳng may gặp tai nạn giao thông. Hậu quả của vụ tai nạn này đã làm Hiền bị chấn thương gãy cột sống cổ, liệt tứ chi. Phải mất một thời gian khá dài để Hiền chấp nhận thực tế đau lòng của mình. Thời gian nằm điều trị tại bệnh viện từ 2005-2010, anh nhận được sự ủng hộ về tinh thần từ các nhân viên y tế, bệnh nhân, các tình nguyện viên nơi đây. Năm 2008, Hiền bắt đầu tự học vẽ để thi vào trường cao đẳng Mỹ thuật. Tuy nhiên, do cơ sở vật chất của nhà trường không thuận lợi cho người khuyết tật nặng nên không nhận anh vào học. Từ bỏ ước mơ tới trường, Hiền tiếp tục mày mò tự học dưới sự giúp đỡ nhiệt tình của 1 tình nguyện viên người Mỹ. Ban đầu, anh nhận vẽ bưu thiếp, vẽ tranh… Với tinh thần ham học hỏi, ý chí tự vươn lên, chẳng mấy chốc tranh của anh được nhiều người biết đến…. Và anh trở thành hội viên Hội Mỹ thuật TP Đà Nẵng. Thời gian qua, anh đã tham gia triển lãm tranh ở Nha Trang, Huế, Hà Nội, Đài Loan... Cảm phục trước nghị lực sống mãnh liệt, không ngừng vươn lên của chàng trai mang tên Nguyễn Tấn Hiền, một cô gái trẻ đã đem lòng yêu thương. Năm 2010, họ nên duyên vợ chồng. Đôi vợ chồng trẻ hiện có 1 cuộc sống hạnh phúc cùng 2 con nhỏ…

Một tấm gương khác khiến nhiều người khi biết chuyện đều cảm phục, đó là trường hợp Hồ Viết Phương (1982), trú P. Mỹ An, Q. Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng). Năm Phương học lớp 5, gia đình phát hiện anh bị bệnh u tủy cổ khởi phát, dẫn đến việc đi lại gặp khó khăn. Điều trị một thời gian, bệnh tình Phương có thuyên giảm. Những tưởng tai ương đã qua. Nào ngờ, khi anh đang là sinh viên năm 2 trường Đại học Kiến trúc tại TP Hồ Chí Minh thì bệnh khởi phát trở lại. Hậu quả, Phương bị liệt 2 chân và tay trái. Cánh cửa giảng đường Đại học cùng biết bao ước mơ, hoài bão tưởng như đã đóng lại với chàng trai trẻ. Tuy nhiên, với tinh thần mạnh mẽ, anh nhanh chóng vượt qua giai đoạn trầm cảm và xây dựng cho mình mục tiêu mới cho cuộc đời: “Giúp đỡ cho những người đồng cảnh ngộ vượt qua trầm cảm, chấp nhận thực tại và hướng tới tương lai”. Sau thời gian điều trị tại bệnh viện để cải thiện chức năng sinh hoạt, di chuyển độc lập với xe lăn, anh trở về gia đình nhận dạy kèm Toán, Lý, Hóa cho các em nhỏ và sáng tác tranh. Ngoài ra, anh cùng nhóm chấn thương cột sống miền Trung Tây Nguyên tổ chức và vận động nhóm chấn thương cột sống tổ chức các hoạt động giúp đỡ những bạn khuyết tật vượt qua rào cản về tâm lý, định kiến xã hội, chiến thắng bản thân...

Theo Bác sĩ Bùi Văn Anh-Bác sĩ Bệnh viện Phục hồi chức năng Đà Nẵng, đang là người bình thường, lại ở độ tuổi lao động bỗng chốc trở thành người khuyết tật sẽ khiến cho rất nhiều người mặc cảm, tự ti. Bởi họ nghĩ rằng, giờ đây mình trở thành gánh nặng của gia đình...Vì thế, những con người biết đứng dậy, vượt lên số phận như các anh Phạm Văn Mịch, Nguyễn Tấn Hiền, Hồ Viết Phương… là tấm gương để những người khuyết tật khác học hỏi, để biết cách thích nghi với thực tại, tìm lại niềm vui trong cuộc sống.

M.T