Những nhịp cầu vui

Thứ tư, 01/01/2014 10:24

(Cadn.com.vn) - Tương truyền, Đà Nẵng được sinh ra bởi một quả trứng rồng, vỏ trứng rồng tách ra thành năm ngọn Ngũ Hành Sơn. Còn Giao Long con nở ra đã tìm đường xuống biển, tạo nên dòng sông Hàn huyền thoại. Có phải từ truyền thuyết khởi phát ấy, người Đà Nẵng luôn ấp ủ khát vọng “hóa rồng”, thể hiện rõ nhất trong thiết kế, xây dựng những chiếc cầu?

Rất nhiều cây cầu bắc qua sông Hàn, tạo đà phát triển cho Đà Nẵng.

Hơn 15 năm trở thành đơn vị hành chính trực thuộc T.Ư, trong quá trình phát triển đô thị, Đà Nẵng chú trọng xây dựng nhiều chiếc cầu bắc qua sông Hàn. Mỗi một chiếc cầu được ví như một “con rồng nhỏ”, tạo ra những điểm nhấn kiến trúc mang dấu ấn riêng của thành phố ven sông này. Từ năm 1997, ngay sau khi trở thành TP trực thuộc T.Ư, Đà Nẵng chính thức phát lệnh khởi công xây dựng cầu quay Sông Hàn. 3 năm sau, cầu được đưa vào sử dụng, trở thành biểu tượng của Đà Nẵng, đánh dấu bước đột phá đầu tiên về quy hoạch của TP trên con đường phát triển.

Năm 2001, thực hiện Nghị quyết HĐND khóa VI về định hướng phát triển KT-XH, giao thương với các vùng lân cận, các cây cầu Cẩm Lệ, Hòa Xuân, Tuyên Sơn... nối đôi bờ sông Hàn cũng lần lượt ra đời. Cách đây 4 năm, ngày 29-3-2009, cầu Thuận Phước - cây cầu treo dây võng dài nhất Việt Nam bắc qua eo biển Tiên Sa cũng đã được đưa vào sử dụng. Cây cầu trở thành “cánh tay” nối dài từ đường Nguyễn Tất Thành đến Đại lộ Hoàng Sa, Trường Sa, làm đòn bẩy đánh thức con “Giao Long” vươn mình ra biển cả. Chưa dừng lại ở đó, ngay trong ngày khánh thành cầu Thuận Phước, Đà Nẵng tiếp tục khởi công cầu Rồng với mức dự toán lên đến 1.500 tỷ đồng nối trung tâm TP sang tuyến biển Sơn Trà.

Được xem là điểm nhấn kiến trúc của TP, cầu được thiết kế giống hình ảnh một con rồng, đầu ngẩng cao kiêu hãnh, thân hình uốn lượn đang “bay” trên sông. Hai bên được bố trí các đài phun nước cùng hiệu ứng từ hệ thống đèn chiếu sáng, làm cho cây cầu có một vẻ đẹp lộng lẫy và hình ảnh con rồng luôn ẩn hiện để ngắm nhìn sự đổi thay của TP. Cũng trong ngày khánh thành cầu Rồng (29-3-2013), một kiến trúc cầu độc đáo khác cũng được đưa vào sử dụng trước niềm vui bất tận của nhân dân TP - cầu Trần Thị Lý. Như một cánh buồm căng gió đang vươn ra biển, cây cầu không chỉ lạ, đẹp với dây văng trụ nghiêng độc đáo nhất Việt Nam mà sự hình thành cây cầu còn là đòn bẩy kích thích sự phát triển của TP đang phát triển năng động...

Mỗi cây cầu hình thành trên Hàn giang đều là những nhịp cầu vui, trở thành điểm tham, quan của du khách gần xa, xua đi những xóm nhà tạm bợ, đổi màu những vùng đất còn chưa được khai thác hết tiềm năng... Những khu dân cư, vệt biệt thự, khu nghỉ dưỡng, resort cao cấp đua nhau mọc lên, biến bờ đông sông và các bãi biển Sơn Trà- Non Nước thành những khu dân cư đáng sống, muốn sống... Trong đó phải kể đến dự án “vệt đường Bạch Đằng Đông”, khu đô thị Nam cầu Trần Thị Lý, dự án Đô thị sinh Thái Hòa Xuân... với tổng số vốn hàng nghìn tỷ đồng được chính quyền TP thực hiện đã xóa đi sự khác biệt giữa các khu vực trong TP, đưa người ngư dân nhà chồ lên đất liền, biến các vùng ngoại thành thành những đô thị vệ tinh hiện đại, trong lành...

15 năm không thể nói là nhiều, nhưng hàng trăm khu dân cư khang trang mọc lên, hàng chục khu chung cư đi liền với cơ sở hạ tầng, hệ thống điện chiếu sáng, thông tin liên lạc, cấp thoát nước... đầy đủ, tiện ích. Có được những điều này phải kể đến những chiếc cầu.

Đặc biệt, với mỗi người dân Sơn Trà, ai cũng tự hào bởi sự ra đời của những cây cầu đã giúp Sơn Trà dần dần trở mình thành “một nàng tiên cá đang ngoi mình lên mặt nước”. Ở đó, có những con đường rộng mở thênh thang, vắt vẻo qua những vách núi được những ánh sáng cuối cùng trong ngày soi bóng làm cho Sơn Trà quyến rũ đến nao lòng. Đó là những con đường được đặt tên Trường Sa, Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp... chạy xuyên qua khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, qua một trong những bãi biển đẹp nhất hành tinh, đi qua danh thắng Ngũ Hành Sơn, nối với người anh em Quảng Nam thân thương. Tính đến nay, chỉ riêng tuyến đường Hoàng Sa huyết mạch đã có hơn 50 dự án du lịch ven biển mọc lên, khiến nơi đây càng trở nên sầm uất. Những ruộng cằn, cồn cát, trảng dương liễu hoang vu năm xưa đã hóa thành “vàng miếng” với những khu resort triệu đô, khu nhà cao tầng mọc lên san sát...

Nhiều du khách nhận xét rằng, Đà Nẵng có quá nhiều... cầu. Nhưng cũng chính những du khách khác, lại tìm ra lời giải đáp, phản biện khi chứng kiến dòng người đông đúc qua lại mỗi sáng, trưa, chiều, tối; khi hàng loạt cao ốc, khu phố hiện đại mọc lên ngay trước, trong thời điểm cầu đang thi công. Và chắc hẳn, không ít hộ dân hai bên bờ sông Hàn, dù nhà chỉ cách các cây cầu hiện có đôi ba cây số, vẫn khao khát, thầm mong có những cây cầu khác bắc qua sông...

Công Hạnh