Những sinh viên từ bỏ giảng đường (2)
Bài cuối: Phải nhìn thẳng để hành động
(Cadn.com.vn) - Toàn TP Đà Nẵng hiện có 190.000 học sinh, sinh viên (HSSV) đang theo học tại 38 trường ĐH, CĐ, trung học chuyên nghiệp, Viện Khoa học xã hội và Viện ĐH mở Hà Nội. Bên cạnh nỗ lực trong công tác đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, những năm gần đây, tình hình gây mất ANTT, dẫn đến phát sinh các TNXH, tội phạm trong và ngoài trường học liên quan đến HSSV đang là nỗi lo của các cơ sở giáo dục cùng các ngành chức năng và giải pháp nào để quản lý HSSV đang là vấn đề nan giải.
Đánh giá của CATP Đà Nẵng cho thấy, hầu hết các loại tội phạm trong HSSV đều xuất phát từ tệ nạn cờ bạc, rượu chè, cá độ, ảnh hưởng phim đồi trụy, bạo lực mà ra. Chỉ trong 3 năm (từ 2009 đến nay), qua thực hiện Thông tư Liên tịch số 34/2009/TTLT/BGDĐT-BCA của Bộ GD-ĐT và Bộ CA về công tác phối hợp đảm bảo ANTT trong các trường ĐH, CĐ,THCC, đã có 959 vụ vi phạm pháp luật xảy ra, liên quan đến 979 HSSV thuộc các cơ sở giáo dục. Trong số đó, 107 vụ với 127 HSSV bị khởi tố ra trước pháp luật, 852 vụ (852 HSSV) bị xử phạt hành chính. Đại tá Nguyễn Ngọc Dương - Trưởng phòng An ninh Chính trị nội bộ CATP cho hay: Ngoài các hành vi trộm cắp tài sản, gây rối TTCC, phạm tội ma túy, các TNXH khác, cũng có một số HSSV cá biệt bị tha hóa về đạo đức lối sống, thường xuyên khai thác các tài liệu phản động, phim ảnh đồi trụy trên mạng, lập Blog cá nhân nói xấu thầy cô hoặc thành lập các hội, nhóm hoạt động gây mất ANCT. Minh chứng là từ năm 2009 đến nay, CA các đơn vị, địa phương đã kiểm tra và phát hiện, xử lý 6 vụ với 50 trường hợp tụ tập sinh hoạt, tuyên truyền đạo trái phép. Từ các hoạt động trên, HSSV đã bị các phần tử xấu, cơ hội chính trị, các tổ chức phản động lợi dụng kích động, lôi kéo vào các hoạt động mang nội dung chính trị, dễ dẫn đến con đường vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, có 10 vụ với hàng trăm trường hợp HSSV tụ tập, sinh hoạt trái phép tại các khu vực công cộng cũng đã bị lực lượng CA phát hiện, cảnh cáo. Rồi tình trạng thi thuê, thi hộ, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả cũng còn tồn tại, ảnh hưởng lớn đến môi trường giáo dục.
Lãnh đạo CATP Đà Nẵng đóng góp ý kiến tại Hội nghị sơ kết “Công tác phối hợp đảm bảo ANTT |
Thiếu tá Hồ Hải - Trưởng CAP Hòa Quý (Q. Ngũ Hành Sơn) nhận định: “Hiện nay tình hình HS sa vào TNXH, vi phạm pháp luật có biểu hiện ngày càng gia tăng. Bởi, SV hiện nay dễ bị tác động bởi các trò đỏ đen như số đề, cá độ bóng đá và thích đua đòi, ăn chơi nhưng tiền bạc gia đình chu cấp lại có hạn. Chính vì vậy, để có tiền phục vụ cho những “thú vui” nguy hiểm đó, một số SV đã trộm cắp tài sản bán lấy tiền. Điều đó không chỉ gây nhức nhối cho nhà trường, gia đình mà nó đã làm cho tình hình ANTT trở nên phức tạp. Ngoài những trường hợp SV vi phạm pháp luật bị CAP bắt giữ, xử lý thời gian gần đây thì trước đó không lâu, CAP Hòa Quý đã bắt Trần Bình Đà (1990, quê Quảng Bình, SV Trường Việt - Hàn) do chơi cá độ bóng đá, nợ nần chồng chất đã trộm 4 máy chiếu của trường, trị giá 60 triệu đồng”.
Về chuyện HSSV vi phạm pháp luật, riêng chúng tôi, các cơ quan thông tấn báo chí cũng đã phản ánh nhiều, từ hành vi trộm cắp, cướp giật, đến cờ bạc, rượu chè và các TNXH khác. Điển hình, ở những điểm ghi số đề, cá độ đá bóng, sòng bài, thậm chí bar, vũ trường... có sự xuất hiện của HSSV không phải là hiếm.
Tại một hội nghị sơ kết công tác phối hợp giữa ngành CA và Giáo dục tổ chức cuối tháng 4-2012, lãnh đạo các trường ĐH cũng đã thẳng thắn nhìn nhận khi đưa ra đánh giá trong tham luận của mình rằng, khi bước vào môi trường ĐH, CĐ, THCN, HSSV ít có sự quản lý giám sát từ gia đình, nên tình trạng HSSV bỏ giờ học, chơi game, làm việc riêng vi phạm quy chế, nội quy của trường xuất hiện nhiều. Nhiều HSSV có biểu hiện của lối sống hưởng thụ, đua đòi như tham gia chơi bài ăn tiền, cá độ, uống rượu bia say, mê tín dị đoan... Theo ý kiến của lãnh đạo các trường học cũng như CA các cấp thì để giảm thiểu, tiến tới ngăn chặn triệt để những hành vi vi phạm pháp luật do HSSV gây ra, bài toán hữu ích nhất vẫn là hình thức tuyên truyền pháp luật và làm tốt công tác phòng ngừa. Đại tá Nguyễn Ngọc Dương cho rằng, nếu các đơn vị không đi sâu, làm tốt công tác phòng ngừa, tuyên truyền, giáo dục cho HSSV thì các em rất dễ sa ngã. Ngoài công tác chuyên môn, các cơ sở giáo dục phải quan tâm hơn nữa đến việc phối hợp với lực lượng CA, các tổ chức chính trị - xã hội để quản lý, định hướng hoạt động cho HSSV. Kiện toàn các tổ chức đảm bảo ANTT, tăng cường quản lý, giải quyết tốt các tình huống phức tạp có liên quan đến HSSV nhằm răn đe, ngăn chặn biểu hiện gây mất ANTT.
Các cơ sở giáo dục cần đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao tạo sân chơi lành mạnh cho HSSV. |
Chung quan điểm, TS Lê Công Toàn - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng khẳng định: “Tuyên truyền pháp luật, xây dựng các mô hình cam kết từ sự phối hợp giữa nhà trường và cơ quan CA, chính quyền địa phương rất quan trọng trong việc giáo dục HSSV hiện nay. Bởi các em có thấy, có nghe được những sự việc, tệ nạn của xã hội và hình thức xử lý của pháp luật từ những buổi, đợt tuyên truyền của cơ quan CA, mới lấy đó làm gương, có ý thức tránh xa”.
Để thực hiện tốt công tác phối hợp này, những năm qua, Trường ĐHKT cũng đã cùng địa phương và ngành CA phối hợp tổ chức hàng chục buổi tuyên truyền pháp luật cho HSSV. Thông qua các buổi tuyên truyền, nhiều mô hình đã được triển khai thực hiện. Mới đây nhất, cuối tháng 4-2012, sau khi được lãnh đạo CATP trực tiếp tuyên truyền pháp luật, thông báo tình hình hoạt động của các loại tội phạm, hơn 300 SV của trường ĐHKT đã ký cam kết thực hiện phong trào “hai không”: không để mất tài sản và không vi phạm pháp luật, là một cách làm hay mà đơn vị cùng với CATP, CAP phối hợp thực hiện. Và tới đây, theo Tiến sĩ Toàn, trường sẽ triển khai cho toàn trường với khoảng 9.000 SV tham gia ký cam kết thực hiện phong trào này.
Giữ vững ANCT, TTATXH nói chung, đảm bảo ANTT trong trường học, cơ sở giáo dục nói riêng muốn đạt kết quả cao hơn nữa trong thời gian đến, Đại tá Nguyễn Ngọc Dương thẳng thắn: Trước mắt, các cơ sở GD-ĐT cần quan tâm hơn nữa việc quán triệt cho HSSV về công tác đảm bảo ANTT trong nhà trường. Bên cạnh đó, nên chú trọng xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, tăng cường cho HSSV tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao lành mạnh, bổ ích. Với lực lượng CA các cấp, đại tá Dương đề nghị, bên cạnh phối hợp cùng cơ sở giáo dục thực hiện các mô hình hoạt động tuyên truyền pháp luật cũng cần tăng cường công tác quản lý HSSV ngoại trú, nội trú, nhằm hạn chế những tác động tiêu cực và phát sinh TNXH trong HSSV, nhất là các hoạt động, vấn đề có liên quan đến ANTT dễ lôi kéo HSSV sa ngã tại các khu vực gần trường học, khu dân cư.
Kết thúc bài viết này, chúng tôi muốn nhấn mạnh một điều rằng, mỗi HSSV phải tự nâng cao ý thức về PCTP và tự bảo vệ mình trước những cám dỗ, chú tâm học tập trở thành những người có ích cho xã hội.
Nhóm P.V