Những thách thức chờ đợi tân tư lệnh quân đội Indonesia

Thứ bảy, 20/01/2018 10:53

Tướng Hadi Tjahjanto đối mặt với nhiều thách thức về chính trị và an ninh khi Indonesia chuẩn bị cho các cuộc bầu cử sắp tới.

Tân Tư lệnh Các Lực lượng Vũ trang Indonesia Hadi Tjahjanto (trái) và người tiền nhiệm Gatot Nurmantyo trong lễ nhậm chức tại dinh tổng thống.   Ảnh: Diplomat

Việc bổ nhiệm Tư lệnh Không quân Hadi Tjahjanto làm chỉ huy thứ 20 của Các Lực lượng Vũ trang Indonesia (TNI) gây ra nhiều tranh cãi. Vị tướng này từ lâu được dự đoán sẽ nắm giữ vị trí cao trong quân đội nhờ mối quan hệ lâu đời với Tổng thống Indonesia Joko "Jokowi" Widodo. Ông Jokowi đã có quan hệ chặt chẽ với ông Tjahjanto khi ông còn là chỉ huy cơ sở của căn cứ không quân tại thành phố Solo trên đảo Java, và là thị trưởng của thành phố hồi năm 2011.

Tăng cường sức mạnh chính trị

Một số nhà phân tích cho rằng, với việc bổ nhiệm ông Tjahjanto, ông Jokowi muốn đưa một sĩ quan mà ông tin tưởng lên nắm quyền kiểm soát quân đội, qua đó tăng cường sức mạnh chính trị, đặc biệt là trước cuộc bầu cử khu vực trong năm nay và cuộc bầu cử tổng thống năm 2019. Ông Jokowi sẽ cần nắm giữ tất cả vốn chính trị mà ông có thể có được. Khát vọng chính trị của một số tướng cấp cao như Gatot Nurmantyo và Edy Rahmayadi với những tuyên bố và hành động gây tranh cãi của họ tạo ra hình ảnh phản tác dụng đối với chính quyền Tổng thống Jokowi trước cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới.

Với sự trỗi dậy của chủ nghĩa cực đoan tôn giáo trên toàn quốc, đặc biệt ở Java, ông Jokowi phải đối phó với sự gia tăng của các nhóm Hồi giáo bảo thủ, có thể huy động hàng trăm ngàn người và nhận được sự chú ý của công chúng. Đồng thời, ông phải tạo ra một liên minh chính trị trong toàn xã hội, bao gồm cả quân đội. Bởi vì ông Jokowi thiếu cơ sở quyền lực mạnh mẽ dưới hình thức một đảng chính trị hoặc các tổ chức quần chúng để chống lại sự nổi lên của chủ nghĩa cực đoan tôn giáo, ông phải đầu tư thêm nhiều lợi ích chính trị để củng cố chính phủ trong 2 năm còn lại của nhiệm kỳ tổng thống. Khi đối phó với những khát vọng chính trị của các tướng lĩnh quân sự mà không có sự kiểm soát chính trị quân sự mạnh mẽ, lựa chọn hợp lý là một sĩ quan cao cấp để lãnh đạo TNI, như ông Jokowi đã chọn người bạn lâu năm Tjahjanto.

Sự lựa chọn này mang lại kết quả trong việc kiểm soát chính trị quân sự mạnh mẽ, đặc biệt hữu ích trong việc duy trì sự trung lập của TNI trước cuộc bầu cử địa phương trên toàn quốc trong năm nay, và quan trọng nhất là cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới. Ngoài ra, với việc ông Tjahjanto nắm giữ vị trí chỉ huy TNI, ông Jokowi có thể giám sát các nguyện vọng chính trị tiềm năng của các sĩ quan cao cấp trong quá trình hiện đại hóa quân đội Indonesia với các kế hoạch chiến lược và quốc phòng.

Tuy nhiên, lựa chọn được mô tả dựa trên sở thích cá nhân này có thể tạo ra các phe phái trong TNI. Câu hỏi đặt ra là liệu ông Tjahjanto, vốn chỉ là tư lệnh Không quân, có thể lãnh đạo cả ba chi nhánh của quân đội hay không, đặc biệt là lục quân, vốn đã thống trị quân đội Indonesia trong nhiều năm qua.

Nhiệm vụ lớn lao

Trong bối cảnh chính trị này, ông Tjahjanto sẽ phải dẫn dắt chương trình chiến lược và quốc phòng của Indonesia cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2020.

Với những lo ngại về TNI, ưu tiên của ông Tjahjanto trong 2 năm đầu là những vấn đề an ninh nội bộ, như hợp nhất quân sự và phe trung lập của quân đội trước và trong các chiến dịch bầu cử khu vực và tổng thống. Một số nhà phân tích chỉ ra vấn đề giáo dục, đào tạo, quản lý nhân sự và hệ thống xúc tiến là những vấn đề cơ bản khác cần được cải tổ với các hướng dẫn rõ ràng. Vấn đề quan trọng khác là mà ông Tjahjanto phải làm là hiện đại hóa quân đội Indonesia, đưa nước này trở thành cường quốc khu vực tiềm năng ở Châu Á. Ông Tjahjanto phải đưa kế hoạch phòng thủ quân sự MEF 2024 trở lại đúng lộ trình trong bối cảnh những thay đổi trong khu vực cũng như chính sách lớn của chính quyền hiện nay. Với mối quan hệ gần gũi với Tổng thống Jokowi, ông Tjahjanto có thể can thiệp vào kế hoạch của tổng thống về Trung tâm Hàng hải Toàn cầu, nhằm kết nối hiệu quả hoạt động biển của quốc gia và khu vực.

TNI đã thiết lập chính sách quốc phòng theo MEF 2024 từ năm 2004 nhằm nâng cao khả năng của mình trong việc giải quyết các mối đe dọa hiện tại và tương lai đối với sự toàn vẹn lãnh thổ của Indonesia. Tuy nhiên, chỉ huy TNI trước đó, Tướng Nurmantyo, tỏ ra ít quan tâm đến việc đánh giá sâu sắc mức độ mà TNI có thể đạt được tham vọng trở thành một cường quốc khu vực.

AN BÌNH (Theo Diplomat)