Những thách thức đối với tiến trình hòa bình và chính trị ở Afghanistan

Thứ bảy, 06/02/2021 12:35

12 tháng qua đã chứng kiến những tiến triển trong tiến trình hòa bình và chính trị tiềm năng ở Afghanistan. Tuy nhiên, tiến trình này phụ thuộc vào những diễn tiến tiếp theo vào năm 2021 và thái độ từ lạc quan thận trọng đến bi quan hoàn toàn của các bên liên quan Afghanistan và quốc tế.

Binh sĩ Mỹ tại Kabul, Afghanistan.

“Trò chơi” kết thúc ở Afghanistan là một thỏa thuận chính trị lâu dài được cả Taliban và “phe Afghanistan”, gồm chính phủ và các đại diện khác của Afghanistan chấp nhận, được hình thành một phần để tránh việc Taliban từ chối công nhận và đàm phán với chính phủ. Sự dàn xếp đó phụ thuộc với một dàn xếp hòa bình đồng thời nhằm chấm dứt cuộc nội chiến gay gắt đã kéo dài 19 năm, một cuộc xung đột kéo dài suốt cuộc đời của khoảng một nửa dân số 37 triệu người của Afghanistan.

3 cột mốc chính 

3 cột mốc chính trong năm 2020 đã khởi đầu và định hình phần lớn các tiến trình này là thỏa thuận hòa bình Mỹ-Taliban (Thỏa thuận mang lại hòa bình cho Afghanistan) được ký kết tại Doha vào ngày 27-2, bắt đầu sau đó là các cuộc đàm phán nội bộ Afghanistan vào ngày 12-9, và hội nghị các nhà tài trợ Afghanistan được tổ chức tại Geneva (Thụy Sĩ) vào ngày 23 và 24-11. Tất cả đều có quan hệ với nhau nhưng cũng có tính chất điều kiện.

Việc bắt đầu các cuộc đàm phán nội bộ Afghanistan, ban đầu được đề xuất vào ngày 10-3, là một trong những điều kiện trong thỏa thuận giữa Mỹ và Taliban. Tuy nhiên, thỏa thuận đó, được nhiều người coi là thiếu sót do có lợi cho Taliban, đã bị hủy bỏ mà không có sự tham gia hoặc tham vấn của chính phủ Afghanistan. Các nỗ lực hướng tới hòa giải càng trở nên phức tạp hơn bởi cuộc hoán đổi tù nhân của Taliban và chính phủ Afghanistan, gây ra tranh cãi đáng kể và khiến việc bắt đầu các cuộc đàm phán nội bộ Afghanistan bị trì hoãn cho đến tháng 9. Sau đó, các bên phải mất 3 tháng để thống nhất các thủ tục đàm phán. Sự đồng thuận về một chương trình nghị sự, hiện đang được đàm phán, cũng có thể mất hàng tháng, cho thấy, việc đạt thỏa thuận chính trị tiềm năng khó có thể sớm xảy ra.

Đạt được bất kỳ thỏa thuận chính trị lâu dài nào sẽ là thách thức lớn do kỳ vọng về cơ bản của mỗi bên là khác nhau. Phía Kabul nhấn mạnh họ mong đợi giữ được bản chất của những thành tựu đạt được kể từ năm 2001 - hiến pháp, các cuộc bầu cử dân chủ và bảo vệ quyền của phụ nữ, thanh niên và người thiểu số. Kỳ vọng của họ được củng cố bởi các tuyên bố được đưa ra vào ngày 24-11 trong thông cáo hội nghị của các nhà tài trợ Afghanistan, tuyên bố bổ sung của Ủy ban EU và một tuyên bố riêng biệt của 13 nhà tài trợ hàng đầu, bao gồm Australia, Mỹ, Canada, Nhật Bản và EU. 

Những tuyên bố này ghi rõ ràng về các điều kiện mà cả chính phủ và Taliban phải đáp ứng làm cơ sở để tiếp tục viện trợ nước ngoài như an toàn đi lại, giảm bạo lực và phòng chống khủng bố...

Có thể thực sự thỏa hiệp?

Taliban có thể sẽ thực hiện các thỏa hiệp ngắn hạn để hợp pháp hóa vai trò của họ trong chính phủ, nhưng không ảnh hưởng đến mục tiêu dài hạn là tái lập một Tiểu vương quốc Hồi giáo. 

Ban đầu, họ có thể đồng ý, hoặc thậm chí thúc đẩy việc bổ nhiệm các chính phủ lâm thời ở cấp quốc gia, tỉnh và huyện, theo đó sẽ đảm nhận vai trò điều hành chính thức ở các huyện và tỉnh mà họ đã kiểm soát. Nhiều kịch bản khác nhau tồn tại về cách họ có thể tìm cách củng cố và mở rộng quyền kiểm soát hơn nữa, bao gồm thông qua việc khai thác bất kỳ quy trình bầu cử nào. Taliban là những nhà đàm phán có kinh nghiệm và cứng rắn. Phía chính phủ Afghanistan nhận thức rõ điều này và biết các chiến thuật của họ, theo họ, sẽ bao gồm các nỗ lực tận dụng thời gian và bạo lực để có lợi cho họ. Đó là lý do mà theo giới phân tích, Taliban vẫn liên tục thực hiện các vụ đánh bom tấn công trong suốt thời gian qua. 

Một giải pháp hòa bình lâu dài có khả thi?

Những tiến triển theo con đường này cho đến nay là không đáng kể. 

Cốt lõi của thỏa thuận Mỹ-Taliban là về việc giảm bạo lực trong và ngoài nước, chủ yếu là nổi dậy và khủng bố. Cụ thể, Wahsington yêu cầu Taliban đảm bảo và thực hiện “các biện pháp thực thi nhằm ngăn chặn việc sử dụng đất của Afghanistan bởi bất kỳ nhóm hoặc cá nhân nào (bao gồm cả Taliban, Al-Qaeda, IS-K và những người khác) chống lại an ninh của Mỹ và các đồng minh”. Sự bù đắp chính của Mỹ là mốc thời gian cho việc rút toàn bộ lực lượng của Mỹ và đồng minh (bao gồm cả Australia) vào tháng 5- 2021.

Thỏa thuận này có lợi nghiêng về phía Taliban do Tổng thống Trump đã vội vàng kết thúc, hoặc ít nhất là bắt đầu kết thúc “cuộc chiến bất tận” này trước cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11-2020. Taliban phù hợp với yêu cầu của  ông Trump, với cam kết duy nhất có thể định lượng được của họ là không tấn công các lực lượng của Mỹ hoặc đồng minh. Trước sự thất vọng của nhiều bên liên quan, thỏa thuận bỏ qua bất kỳ lệnh ngừng bắn hoặc điều kiện toàn cầu nào yêu cầu giảm mức độ bạo lực cao của Taliban nhằm vào các mục tiêu ở Afghanistan, Lực lượng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Afghanistan (ANDSF), các quan chức chính phủ hoặc các mục tiêu dân sự. 

Trong khi nghĩa vụ chính của Mỹ theo thỏa thuận chỉ yêu cầu một lần giảm biên chế lực lượng Mỹ tạm thời, từ 12.600 xuống 8.600 vào tháng 7-2020, trước khi rút toàn bộ vào tháng 5 này - tất cả đều có điều kiện để Taliban đáp ứng các nghĩa vụ của họ - ông Trump đã đơn phương rút lực lượng Mỹ xuống còn 4.500 vào tháng 11 và đến 2.500 vào giữa tháng trước. Việc rút quân sau đó xảy ra bất chấp quan ngại của quân đội Mỹ rằng, Taliban đã vi phạm nghĩa vụ của họ. Theo báo cáo quý III năm 2020 của Tổng Thanh tra Đặc biệt Mỹ về Tái thiết Afghanistan (SIGAR), bạo lực của Taliban “không phù hợp với thỏa thuận với Mỹ và phá hoại các cuộc đàm phán hòa bình Afghanistan đang diễn ra”.

Taliban đã không tấn công các lực lượng của Mỹ hoặc đồng minh kể từ khi ký thỏa thuận vào tháng 2, và do đó, bác bỏ các cáo buộc về bất kỳ vi phạm nào. Nhưng họ đã liên tục gia tăng mức độ bạo lực chống lại các mục tiêu Afghanistan. Mặc dù có rất ít số liệu thống kê được công bố công khai, nhưng SIGAR trích lời Tổng thống Ashraf Ghani tuyên bố vào tháng 8-2020 cho biết, 12.279 lực lượng an ninh Afghanistan và dân thường đã bị Taliban giết hoặc bị thương kể từ tháng 2, một con số cao hơn đáng kể so với năm trước. Cũng trong tháng 8, Tổng thanh tra Chiến dịch Freedoms Sentinel 1 (IGOFS) báo cáo, “Taliban tiếp tục hỗ trợ Al-Qaeda và tổ chức các cuộc tấn công chung với các thành viên Al Qaeda chống lại ANDSF” - một sự vi phạm trắng trợn thỏa thuận. 

Có hai câu hỏi chính khi nếu tất cả các lực lượng Mỹ và đồng minh rút lui vào tháng 5. Điều đầu tiên là liệu khi rút quân, Taliban có tăng cường nội chiến để mở rộng tầm kiểm soát và ảnh hưởng ở Afghanisntan hay không. Thứ hai là liệu ANDSF hiện có khả năng chống lại một chiến dịch mạnh mẽ của Taliban hay không nếu như không có sự hỗ trợ của lực lượng Mỹ.

KHẢ ANH