Những thành quả đáng ghi nhận trong công tác xây dựng xã, phường không có tệ nạn ma túy ở TP Đà Nẵng

Thứ năm, 20/09/2018 11:05

Thành phố Đà Nẵng có diện tích tự nhiên 1.283,42km2 gồm 6 quận, 2 huyện, 45 phường, 11 xã; là địa phương nằm ở trung độ của cả nước về đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không; là cửa ngõ quan trọng trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây giao thương với các nước Đông Nam Á. Dân số hiện có 195.150 hộ với hơn 1 triệu nhân khẩu, trong đó 86,20% sống ở đô thị, 13,80% sống ở nông thôn. Cơ chế đặc thù của đô thị loại I cấp quốc gia và là TP trực thuộc Trung ương đã tạo cho Đà Nẵng vị thế và điều kiện thuận lợi để phát triển thành vùng kinh tế trọng điểm của khu vực Miền Trung- Tây Nguyên; thu hút hàng triệu nhà đầu tư, người lao động, học sinh, sinh viên đến sinh sống, làm việc, học tập…; trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch trong và ngoài nước. Mặt khác, tội phạm và tệ nạn ma túy cũng đã lợi dụng các đặc điểm này để hoạt động, làm cho tình hình trật tự xã hội trên địa bàn TP diễn biến phức tạp. Chính vì thế, công tác xây dựng xã phường không có ma túy luôn được cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đặt lên hàng đầu.

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh trao thưởng cho lực lượng khám phá chuyên án ma túy lớn.

Theo số liệu thống kê trong 10 năm (từ 2008 đến ngày 30-7-2018), trên địa bàn Đà Nẵng có 3.941 người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy có hồ sơ quản lý; trong đó, người nghiện: 2.049 (52%) và người sử dụng trái phép chất ma túy là 1.892 (48%), chưa kể số tiềm ẩn trong xã hội. Đây là nguồn cầu lớn kích thích tội phạm và tệ nạn ma túy phát sinh.

Trước diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy, Công an TP Đà Nẵng đã tích cực tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch phòng, chống ma túy trên địa bàn, đặc biệt là thường xuyên bám sát các nhiệm vụ công tác trọng tâm được nêu ra trong Chỉ thị 21-CT/TW ngày 26-3-2008 của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới, Chỉ thị số 37/CT-TU ngày 20-8-2014 của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống, kiểm soát tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn thành phố.  Trước những bất cập trong quá trình triển khai thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính và các nghị định liên quan trong công tác xử lý người nghiện, Công an TP đã kịp thời tham mưu UBND TP có Quyết định số 28/QĐ-UBND ngày 06-9-2014 về việc ban hành "Quy chế phối hợp lập hồ sơ và tổ chức cai nghiện ma túy trên địa bàn thành phố Đà Nẵng", từng bước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác xử lý người nghiện. Ngoài ra, Công an TP cũng đã tham mưu cho lãnh đạo TP tổ chức gặp mặt, nói chuyện với thanh thiếu niên sử dụng trái phép chất ma túy, qua đó nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và giúp đỡ các em cai nghiện, sớm hòa nhập cộng đồng.

Đại tá Lê Quốc Dân.

Công an phối hợp chặt chẽ với Ủy ban MTTQ Việt Nam, các ban, ngành, đoàn thể từ thành phố đến phường, xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, triển khai nhiều hoạt động và các giải pháp nhằm ngăn chặn tệ nạn ma túy trên địa bàn TP. Từ năm 2015 đến nay đã xây dựng mới nhiều mô hình điểm về xã, phường, khu dân cư không có tệ nạn ma túy. Có thể kể đến các mô hình thực sự phát huy hiệu quả như mô hình "Vùng giáo 3 không", "3 không, 4 có", "Hội viên Hội Nông dân đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy", "Câu lạc bộ Quản lý sau cai tại gia đình, cộng đồng", "Cà phê an ninh", "Câu lạc bộ Vươn lên"… và nhiều mô hình thí điểm khác đang phát huy hiệu quả.

Công tác tuyên truyền phòng chống ma túy cũng được hết sức chú trọng. Chỉ tính riêng trong hai năm 2016 - 2017, Công an TP đã phối hợp với Sở Thông tin - Truyền thông tổ chức 2 lượt tập huấn nghiệp vụ truyền thông phòng chống ma túy cho 180 cán bộ Phòng Văn hóa thông tin, Đài Truyền thanh quận, huyện, phường xã, phóng viên báo địa phương. Phối hợp Đài Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng (VTV8), Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), Đài Truyền hình kỹ thuật số (VCTV), Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng, Chương trình Truyền hình an ninh (ANTV), quốc phòng (QPVN) xây dựng các phóng sự: "Gương điển hình trong phòng, chống ma túy", "Lá chắn thép", "Tỏa sáng giữa đời thường"… Tổ chức 9 buổi tọa đàm với chủ đề "Học sinh sinh viên phòng, chống ma túy", "Sinh viên Đại học Đà Nẵng nói không với ma túy" , "Hãy bảo vệ thế hệ trẻ khỏi hiểm họa ma túy", Chuyên mục "Góc nhìn pháp luật" và "Đẩy lùi tội phạm ma túy trong thanh thiếu niên"; xây dựng 2 phim ngắn, 7 phim phóng sự tuyên truyền phòng, chống ma túy phát sóng trên kênh Đà Nẵng TV. Ngoài việc chỉ đạo Báo Công an TP Đà Nẵng, Chuyên mục An ninh Đà Nẵng tăng cường công tác tuyên truyền, Công an TP còn phối hợp với các báo: Đà Nẵng, Công an nhân dân, Pháp luật… xây dựng hàng trăm phóng sự, tin, bài nhằm nâng cao kiến thức phòng, chống ma túy rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân.

Công an các phường, xã còn chú trọng công tác tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền địa phương củng cố lực lượng nòng cốt đảm bảo ANTT ở cơ sở; thực hiện công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ người nghiện tái hòa nhập cộng đồng, đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, vận động quần chúng nhân dân tích cực giúp đỡ Công an làm tốt công tác nắm tình hình, nhất là tại các địa bàn trọng điểm và tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm dễ phát sinh tội phạm; đã có hàng trăm lượt quần chúng tốt được tặng giấy khen về thành tích xuất sắc góp phần thực hiện chương trình "Không có người nghiện ma túy không được kiểm soát trong cộng đồng".

Trường Đại học Thể dục Thể thao Đà Nẵng tổ chức Hội thi Phòng chống ma túy, HIV/AIDS, giáo dục giới tính cho sinh viên.

Bên cạnh đó, để kiểm soát tình hình, kiềm chế sự gia tăng người nghiện ma túy trên địa bàn thành phố, Công an TP chỉ đạo lực lượng Công an phường, xã tham mưu cấp ủy, chính quyền cùng cấp chỉ đạo các ngành liên quan phối hợp thường xuyên rà soát người nghiện theo phương châm ''phát hiện đến đâu xử lý đến đó'' đảm bảo tiêu chí mọi người nghiện, người sử dụng trái phép ma túy khi bị phát hiện đều được xử lý bằng biện pháp phù hợp, đều có hồ sơ quản lý theo dõi trên toàn thành phố; không để tình trạng sử dụng trái phép chất ma túy diễn ra công khai hay tồn tại điểm nóng về ma túy.

Ngoài ra, Công an TP thường xuyên triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, triển khai liên tục các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm ma túy. Từ tháng 6-2008 đến 6-2018, các lực lượng chức năng trên địa bàn TP đã phát hiện, điều tra, xử lý 1.006 vụ/1.468 đối tượng liên quan đến tội phạm ma túy (lực lượng Công an bắt 882 vụ/1.317 đối tượng, BĐBP bắt: 124 vụ/151 đối tượng). Trong đó, khởi tố 990 vụ/1.387 đối tượng; xử lý hành chính: 16 vụ/81 đối tượng; thu giữ 1.893 gram heroin, 10.667 gram cần sa; 5.880 gram MDMA; 13.093 gram MA, 855 gram ketamine, 43.967 gram "Cỏ Mỹ", thu giữ hơn 5 tỷ đồng tiền mặt.

Nhìn chung, qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW, cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành đã vào cuộc với tinh thần quyết liệt, nghiêm túc trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện, đảm bảo mục tiêu, yêu cầu đề ra. Công tác lãnh đạo, điều hành phòng chống và kiểm soát ma túy trên địa bàn TP đã huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân thành phố tham gia. Nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về tội phạm và tệ nạn ma túy đã có những chuyển biến tích cực, vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng trong công tác phòng chống ma túy ngày càng được nâng cao. Tình hình hoạt động của tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn TP được kiểm soát, không để xảy ra "điểm nóng" về ma túy. Số người sử dụng trái phép chất ma túy bị phát hiện lần đầu được chọn lọc đưa vào diện cảm hóa, giáo dục hoặc tham gia sinh hoạt câu lạc bộ theo mô hình "Can thiệp sớm, dự phòng nghiện ma túy" có nhiều tiến bộ. Số người nghiện đã phát hiện đều được tổ chức cai nghiện; việc cai nghiện theo mô hình thân thiện, bước đầu đã có chuyển biến tích cực.

Đảng bộ và nhân dân TP Đà Nẵng đã và đang tập trung thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội lần thứ XXI của Đảng bộ TP, phấn đấu vì mục tiêu xây dựng TP Đà Nẵng "Giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại", xây dựng "Thành phố 5 không, 3 có", "Thành phố 4 an". Cùng với nhiều nhiệm vụ khác trong công tác đảm bảo ANTT, để góp phần nâng cao hiệu quả công tác xây dựng xã, phường không có tệ nạn ma túy trên địa bàn Đà Nẵng, trong thời gian tới, lực lượng Công an TP Đà Nẵng sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ then chốt sau:

Một là, phải tiếp tục tham mưu cho các cấp ủy, chính quyền cùng cấp huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị vào cuộc đấu tranh quyết liệt với tội phạm và tệ nạn ma túy. Thường xuyên rà soát củng cố, kiện toàn thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm, HIV/AIDS, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc từ TP đến xã, phường đảm bảo đủ về số lượng, có chất lượng để lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện mọi mặt công tác trong đó có công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và tệ nạn ma túy.

 Hai là, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về phòng chống tội phạm và tệ nạn ma túy, đặc biệt là tác hại của ma túy đến với mọi tầng lớp nhân dân thông qua hội nghị, diễn đàn, sinh hoạt… ở các tổ dân phố, khu dân cư, các cơ quan, doanh nghiệp, trường học, đặc biệt là các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm; thanh thiếu niên có nguy cơ cao vi phạm pháp luật, người sau cai nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy đang được quản lý tại cộng đồng bằng các hình thức đa dạng, phong phú.

Ba là, tiếp tục nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến đang phát huy hiệu quả cao, mang tính phổ biến trong phòng chống tội phạm nói chung và phòng chống tội phạm và tệ nạn ma túy nói riêng.

Bốn là, Công an phường, xã tiếp tục tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền cùng cấp phối hợp với các ngành của thành phố thường xuyên tổ chức các đợt tư vấn giới thiệu việc làm, tư vấn nghề nghiệp cho các đối tượng ma túy có việc làm ổn định, gắn với huy động các nguồn lực xã hội, nguồn vốn vay để giúp đỡ tạo điều kiện để đối tượng hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng, vươn lên trong cuộc sống trở thành người có ích cho xã hội.

Năm là, các lực lượng chuyên trách đẩy mạnh các biện pháp nghiệp vụ; thường xuyên rà soát, kiểm danh, kiểm diện các đối tượng có biểu hiện hoạt động phạm tội về ma túy, sử dụng trái phép chất ma túy, nghiện ma túy, nhất là số đối tượng nghiện, sử dụng trái phép chất ma túy có tiền án, tiền sự, các đối tượng có biểu hiện loạn thần… không để số đối tượng này có điều kiện gây án.

Với những kết quả đạt được qua 10 năm thực hiện Chỉ thị 21-CT/TW ngày 26-3-2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới, thiết nghĩ, một khi cả hệ thống chính trị của thành phố vào cuộc với một quyết tâm cao; các biện pháp tuyên truyền, vận động, giáo dục, thuyết phục, điều tra, xử lý tội phạm và tệ nạn ma túy được tiến hành đồng bộ thì chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng công tác xây dựng xã, phường không có ma túy ở Đà Nẵng trong thời gian tới sẽ đạt được những thành quả mới, to lớn hơn nữa.

Đại tá LÊ QUỐC DÂN -  Phó Giám đốc CATP Đà Nẵng