Những thí sinh đặc biệt

Thứ năm, 27/06/2019 12:32

Ở cụm thi TT-Huế, tại hội đồng thi Trường THPT chuyên Quốc Học, có một nam thí sinh (TS) khuyết tật phải làm bài thi trên xe lăn. Tại hội đồng thi Trường THPT Nguyễn Huệ (TP Huế) có một nữ TS bị bệnh mắt làm bài thi với bộ đề thi in trên khổ giấy A3 thay vì khổ A4 dành cho tất cả các TS khác. Câu chuyện trong phòng thi của 2 TS này khiến nhiều người xúc động...

TS Nguyễn Thiên Phú đến phòng thi và làm bài thi trên xe lăn.

Dự thi trên chiếc xe lăn điện

TS Nguyễn Thiên Phú, chuyên Anh Trường THPT chuyên Quốc Học (TP Huế) đến dự thi kỳ thi THPT Quốc gia 2019 tại Hội đồng thi Trường THPT Quốc Học Huế trên chiếc xe lăn điện. Thiên Phú là học sinh giỏi nhiều năm liền và được giải khuyến khích môn Anh văn học sinh giỏi quốc gia. Do bị khuyết tật về chân từ nhỏ nên em được gia đình trang bị một chiếc xe lăn điện có thể tự di chuyển qua điều khiển.

Có mặt tại điểm thi từ sơm, Phú cho biết em dự thi vào Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Huế) và sẽ cố gắng vượt vũ môn thành công, và trở thành người có ích cho xã hội sau này. Một giáo viên dạy Phú nhiều năm cho biết, dù sinh ra gặp số phận không may mắn như bao người khác, bị khuyết tật ở chân từ nhỏ, nhưng Nguyễn Thiên Phú vẫn nỗ lực học hành, là học sinh giỏi nhiều năm liền và từng được giải Khuyến khích môn Anh văn trong kỳ thi Học sinh giỏi quốc gia. Do điều kiện đặc biệt nên Phú được Ban tổ chức đặc cách ngồi làm bài trên xe lăn điện ở trong phòng thi. "Bàn thi" của Phú gắn luôn trên chiếc xe lăn là một tấm gỗ vừa đủ diện tích để làm bài.

Chứng kiến Phú ngồi xe lăn thi THPT quốc gia, nhiều người không khỏi thán phục trước nỗ lực vượt lên chính mình của cậu học trò khuyết tật học giỏi và cầu mong cho em có một kỳ thi với kết quả làm bài tốt nhất.

Thí sinh với bộ đề thi đặc biệt

Em Huỳnh Ngân Giang với đề thi môn Ngữ văn được in trên khổ giấy A3.

Khác với hàng ngàn TS khác ở nhiều hội đồng thi trên toàn tỉnh, tại hội đồng thi Trường THPT Nguyễn Huệ (TP Huế), nữ TS Huỳnh Ngân Giang được làm bài trên bộ đề thi in trên khổ giấy A3 chứ không phải khổ A4 dành cho các TS thông thường. Trò chuyện trước giờ thi, Giang nhớ lại, một buổi sáng năm 14 tuổi, khi thức giấc em giật mình với những cơn đau khó chịu, mắt sưng đỏ. Mọi thứ trước mặt không còn rõ ràng, thay vào đó như có một màn sương mờ trắng đục cứ thế bủa vây. Gia đình Giang dù nỗ lực chạy chữa nhưng bệnh tình em vẫn không thuyên giảm. Từ đó, Giang không còn đọc được chữ in trong sách giáo khoa, và chữ in trên khổ giấy A4 cũng không thấy rõ. "Ngày đó với em như rơi vào ngõ cụt. Mọi thứ tưởng chừng như tuyệt vọng. Sau này mình sẽ ra sao, rồi sẽ về đâu?" Sau những đêm dài thức trắng, Giang đã cố gắng đứng dậy, vượt qua nghịch cảnh. Và mọi nỗ lực của em đã được đền đáp xứng đáng. Trong 3 năm cấp 3, Giang đều đạt học sinh giỏi toàn diện, đạt giải Nhì môn Văn cấp tỉnh TT-Huế năm học 2018- 2019.

Trước khi diễn ra kỳ thi, Sở GD&ĐT tỉnh TT-Huế đã gửi hồ sơ bệnh án của em Huỳnh Ngân Giang ra Bộ GD&ĐT và xin ý kiến làm riêng một bộ đề đặc biệt cho em. Đề thi các môn của Giang thay vì được in trên giấy A4 thì nay được in trên khổ giấy A3 với kích cỡ chữ to hơn để em có thể nhìn, đọc rõ. Ông Thân Nguyên Khánh- Chánh Văn phòng Sở GD- ĐT tỉnh TT-Huế cho biết, sau khi nhận được hồ sơ xin ý kiến về trường hợp của Giang, Bộ GD- ĐT đã đồng ý ngay. "Chúng tôi cố gắng để hỗ trợ mọi TS tối đa trong kỳ thi này. Đặc biệt những TS có hoàn cảnh đặc biệt, khiếm thị như trường hợp của em Giang", ông Khánh nói. Được biết, tại kỳ thi THPT quốc gia năm nay, Giang nói sẽ cố gắng để đậu vào Khoa Du lịch, ĐH Huế với ước mơ sau này sẽ trở thành hướng dẫn viên du lịch, được đi nhiều nơi.

Thí sinh U40

37 tuổi, TS Hồ Văn Nhuận lần đầu dự thi tốt nghiệp THPT.

Tại kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2019, TS Hồ Văn Nhuận (37 tuổi, trú TT A Lưới, H. A Lưới, TT-Huế) hiện là Kiểm lâm Khu Bảo tồn Sao La thuộc Chi cục Kiểm lâm TT-Huế là một trong những TS lớn tuổi. Trước đây, do điều kiện gia đình khó khăn, anh Nhuận không hoàn thành chương trình lớp 12 nên không thể thi tốt nghiệp THPT. Năm 2008, anh đăng ký đi học Trung cấp Kiểm lâm tại Cao đẳng Nông lâm Đông Bắc ở tỉnh Quảng Ninh. Sau khi tốt nghiệp, anh Nhuận làm ở Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên tại Huế, rồi chuyển sang làm Kiểm lâm Khu Bảo tồn Sao La. Với quyết tâm có được tấm bằng tốt nghiệp cấp 3, gần 1 năm qua, vào thứ bảy, chủ nhật hàng tuần, anh Nhuận lại băng rừng vượt núi hàng chục ki-lô-mét từ chòi canh rừng ra Trường THCS A Roàng (H. A Lưới) học bổ túc lớp 12. "Mình hiện có 1 con trai đang học lớp 11. Mình đi thi để sang năm, con cái noi theo. Lần này, mình ôn bài rất kỹ, hy vọng sẽ đậu tốt nghiệp để học tiếp đại học từ xa ngành Kiểm lâm", anh Nhuận thổ lộ.

H.L