Những vấn đề cần lưu ý khi ký kết hợp đồng với người lao động kể từ ngày 1-1-2021

Thứ hai, 28/12/2020 10:03

Bộ luật Lao động 2019 (BLLĐ 2019) chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1-1-2021. Để tránh các trường hợp vi phạm pháp luật, kể từ ngày 1-1-2021, người sử dụng lao động (NSDLĐ) cần lưu ý một số vấn đề sau khi ký kết hợp đồng lao động (HĐLĐ) với người lao động (NLĐ). Thứ nhất: Về tên gọi HĐLĐ, mặc dù, hai bên thỏa thuận giao kết với nhau bằng một tên gọi khác không phải HĐLĐ nhưng nếu có đầy đủ các đặc điểm: làm việc trên cơ sở thỏa thuận; có trả lương; có sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là HĐLĐ. Theo đó, người làm việc sẽ được hưởng đầy đủ các chế độ như NLĐ, bao gồm: chế độ BHXH; lương, thưởng; ngày nghỉ, lễ; chế độ làm thêm giờ và các chế độ, chính sách khác theo quy định của pháp luật. Thứ hai: Về hình thức giao kết HĐLĐ, ngoài hình thức giao kết bằng văn bản và lời nói, HĐLĐ còn có thể được giao kết thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu (email,...) và giao dịch điện tử này có giá trị như HĐLĐ bằng văn bản.

Ngoài ra, hai bên chỉ có thể giao kết HĐLĐ bằng lời nói đối với HĐ có thời hạn dưới 1 tháng. Thứ ba: Về loại HĐLĐ, hai bên sẽ chỉ được giao kết một trong hai loại HĐLĐ là HĐ xác định thời hạn và HĐ không xác định thời hạn, sẽ không còn HĐ thời vụ hoặc HĐ theo một công việc nhất định. Do vậy, NSDLĐ cần lưu ý các khoản trích nộp từ tiền lương, tiền công theo đúng quy định. Thứ tư: Về thời gian thử việc, ngoài việc giữ nguyên các quy định về thời gian thử việc đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ trung cấp, cao đẳng,... trở lên, BLLĐ 2019 bổ sung thêm: thời gian thử việc đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, cụ thể không quá 180 ngày. Ngoài ra, sẽ không được áp dụng thử việc đối với HĐLĐ có thời hạn dưới 1 tháng. Thứ năm: Về quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ không cần báo trước của NLĐ, BLLĐ 2019 quy định bổ sung thêm các trường hợp NLĐ có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ mà không cần báo trước như: không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận; không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn; bị NSDLĐ ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động; bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc và các trường hợp khác theo quy định tại Khoản 2 Điều 35 BLLĐ 2019. Ngoài những lưu ý trên, BLLĐ 2019 còn có nhiều thay đổi khác gây ảnh hưởng trực tiếp đến quan hệ lao động mà NSDLĐ cũng như NLĐ cần nắm rõ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Luật sư NGUYỄN THỊ SÁU HẠNH

Chuyên mục này có sự cộng tác về chuyên môn của Chi nhánh Công ty Luật TNHH Phạm và Liên danh tại TP Đà Nẵng. Đường dây nóng hỗ trợ tư vấn: 02363572456, 0903573138.