Những vấn đề cốt lõi còn tồn tại khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018
Ngày 10-4, tại khóa tập huấn bồi dưỡng nâng cao năng lực thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT) 2018 cho giảng viên các cơ sở giáo dục đại học (CSGDĐH) có đào tạo giáo viên do Trường Đại học Sư phạm (ĐHSP) Hà Nội tổ chức, GS.TSKH Đỗ Đức Thái (Khoa Toán - Tin, Trường ĐHSP Hà Nội) - Chủ biên môn Toán CTGDPT đã chia sẻ những vấn đề lý luận và thực tiễn trong quá trình triển khai CTGDPT 2018. Từ đó, ông đề xuất một số giải pháp để quá trình dạy học, kiểm tra đánh giá, thi cử đi đúng hướng, với mục tiêu hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh, vận dụng các tri thức được trang bị vào giải quyết những vấn đề thực tiễn.
Sớm ban hành chuẩn hóa chương trình một số môn học
Từ thực tiễn triển khai CTGDPT 2018 ở các địa phương những năm qua, GS.TSKH Đỗ Đức Thái cho rằng, việc chậm trễ nghiên cứu, ban hành bộ chuẩn hóa các môn học, hoạt động giáo dục trong CTGDPT 2018 đã gây ra nhiều khó khăn, bất cập cho cả hệ thống giáo dục; đặc biệt trong công tác tổ chức thi cử, đánh giá giáo dục, dạy học môn Khoa học tự nhiên (KHTN) ở THCS.
Theo GS Đức Thái, học sinh THCS cần được nhận thức thế giới tự nhiên trong “tính toàn vẹn, thống nhất” của nó (trước khi chia cắt thành từng mảng kiến thức để đi sâu tìm hiểu). Đây chính là sự thay đổi quan trọng về triết lý giáo dục trong bối cảnh khoa học, kỹ thuật ngày càng tích hợp, thống nhất với nhau tạo nên những liên ngành ngày càng lớn. Giáo dục STEM (hay STEAM) ra đời, phát triển mạnh mẽ trong bối cảnh này. Đa số nền giáo dục trên thế giới đi theo con đường đó. Vì vậy, Việt Nam không thể là ngoại lệ.
Môn KHTN với những triết lý, tư tưởng, mục tiêu rõ ràng, không phải là ba môn Vật lý, Hóa học, Sinh học cộng lại. Vì vậy, việc xây dựng, sớm ban hành bộ chuẩn hóa chương trình môn KHTN ở THCS, cũng như bộ chuẩn hóa giáo viên dạy môn này sẽ góp phần giải quyết tận gốc câu hỏi: Môn KHTN do một hay ba giáo viên dạy? Bố trí lịch dạy học thế nào? Kiểm tra đánh giá ra sao?.
Về vấn đề đổi mới phương pháp dạy học, GS Đỗ Đức Thái cho rằng, đa số giáo viên đã nắm được nội dung chương trình, tinh thần đổi mới phương pháp dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) hỗ trợ đổi mới phương pháp dạy học và đổi mới kiểm tra, đánh giá. Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ giáo viên (cả cán bộ quản lý) vẫn giữ lối dạy học truyền thụ nội dung, còn nặng về trang bị kiến thức, kỹ năng làm bài tập theo yêu cầu thi cử.
Từ những phân tích trên, GS-TSKH Đỗ Đức Thái đề xuất một số giải pháp khắc phục. Trước hết, cần xây dựng, ban hành chuẩn hóa chương trình của một số môn học trong CTGDPT 2018. Theo GS Đỗ Đức Thái, đây là công việc khó khăn, ngay cả với những nền giáo dục hàng đầu thế giới. Chúng ta có thể tập trung triển khai ở một vài môn có điều kiện thuận lợi, ảnh hưởng lớn nhất đến toàn bộ chương trình. Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cần lựa chọn, tập hợp được đội ngũ chuyên gia, nhà giáo có năng lực nhất của đất nước để giải quyết nhiệm vụ này.
Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh tập huấn, bồi dưỡng giáo viên về đổi mới phương pháp dạy học, đưa công tác này vào thực chất theo phương châm “cầm tay chỉ việc” cho đội ngũ. Thực tiễn cho thấy, việc tập huấn cho giáo viên cốt cán, rồi những giáo viên đó tập huấn, lan tỏa lại cho các đồng nghiệp tỏ ra không hiệu quả. Bằng cách sử dụng sáng tạo nhiều giải pháp khác nhau như khai thác sức mạnh của CNTT, truyền thông, cần tập huấn trực tiếp đến từng giáo viên theo các mạch kiến thức trong chương trình, sách giáo khoa môn học.
“Học gì thi nấy” thay vì “thi gì học nấy”
Những năm gần đây, trong các kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học xuất hiện vấn đề giảm sút số lượng học sinh lớp 12 đăng ký theo khối ngành liên quan đến KHTNS và Công nghệ. GS Đỗ Đức Thái nhận định, tình hình sẽ trầm trọng hơn khi chúng ta triển khai hoàn chỉnh CTGDPT 2018 ở cả 12 lớp, kết hợp với phương án thi tốt nghiệp THPT đã thay đổi từ năm 2025. Vì theo CTGDPT 2018, học sinh vào lớp 10 ngoài môn bắt buộc phải chọn 4 môn tự chọn và hầu như chỉ thi tốt nghiệp theo 2 trong 4 môn tự chọn đó. Công tác định hướng nghề nghiệp cho học sinh giờ đây chủ yếu được tiến hành ở cấp THCS. Tuy vậy, công tác hướng nghiệp tại phần lớn trường THCS công lập còn hạn chế. Những bất cập trong chọn môn học, môn thi ở THPT khó giải quyết nếu việc hướng nghiệp sớm cho học sinh từ THCS không cải thiện.
Đối với vấn đề thi cử, đánh giá giáo dục, theo GS Đỗ Đức Thái, đây là khâu cuối nhưng có tác động lớn đến việc thực hiện chương trình. Hiện nay, có ba loại kỳ thi chính ở GDPT: Thi tuyển sinh vào lớp 10; thi tốt nghiệp THPT; kỳ thi tuyển sinh do một số CSGDĐH tổ chức. Trong đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT đã được Bộ GD-ĐT giải quyết rốt ráo về cả phương thức thi, dạng thức thi từng môn học với hệ thống các đề tham khảo. Tuy nhiên, các kỳ thi tuyển sinh đại học do một số cơ sở đào tạo tổ chức đang làm nảy sinh những vấn đề bức xúc. Nội dung một số câu hỏi thi trong những kỳ thi đó vượt quá yêu cầu cần đạt của CTGDPT 2018, gây hoang mang cho giáo viên, học sinh.
GS Đỗ Đức Thái cho rằng, vì lợi ích chung của đất nước và của nền giáo dục, các kỳ thi tuyển sinh này cần đảm bảo đi cùng hướng, tác động trở lại nhằm thực hiện tốt CTGDPT 2018. Nếu không cùng hướng sẽ nguy hiểm vì không chỉ cổ xúy việc dạy học lệch mà cả việc dạy thêm, học thêm. Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 cũng cần thay đổi quyết liệt. Ở hầu hết địa phương, kỳ thi này chỉ xoay quanh ba môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh. Để cạnh tranh một suất vào lớp 10, ngay từ đầu cấp THCS, cả gia đình, nhà trường và thầy trò đều dồn sức “học gạo” 3 môn này và bỏ qua những môn học khác, trong đó có các môn KHTN như: Vật lý, Hóa học, Sinh học... Đây cũng là lý do ít học sinh chọn tổ hợp tự nhiên khi vào THPT, dẫn đến ít chọn các môn KHTN trong kỳ thi tốt nghiệp.
Theo GS Đỗ Đức Thái, điều này là nguyên nhân trực tiếp gây mất cân bằng trong cơ cấu đào tạo ngành nghề ở đại học. Do đó, cơ cấu nguồn nhân lực và các ngành kinh tế của đất nước cũng mất cân đối, thiếu hụt nguồn nhân lực phục vụ chủ trương đẩy mạnh mũi nhọn về khoa học, công nghệ, chuyển đổi số. Không có quốc gia nào với dân số quy mô 100 triệu dân lại có thể trở thành nước phát triển nếu chỉ tập trung vào các lĩnh vực dịch vụ, phi công nghệ.
Đổi mới căn bản, toàn diện phương thức, nội dung thi cử là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu, được GS Đỗ Đức Thái đề cập. Theo đó, từ lớp 1 đến lớp 9 là giai đoạn giáo dục bắt buộc, chỉ có “học gì thi nấy” thì học sinh mới học đầy đủ, đảm bảo chất lượng đúng yêu cầu của chương trình. Vì vậy, ngoài Toán, Ngữ văn, cần thêm một bài thi tổng hợp có nội dung của tất cả môn học đánh giá bằng điểm số ở THCS. Khi học sinh học đủ và trải qua kỳ thi chuyển cấp, các em mới có đủ trải nghiệm để biết rõ sở trường, sở thích, mong muốn của mình và lựa chọn nhóm môn học phù hợp khi vào lớp 10. Áp dụng cách làm đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD-ĐT có thể công bố đề tham khảo, ma trận của đề thi với môn tổng hợp. Sau đó, tổ chức tập huấn cho các Sở GD-ĐT để triển khai theo hoàn cảnh thực tiễn địa phương.
Việt Hà