Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin về đề xuất học 2 buổi/ngày

Thứ ba, 08/04/2025 11:16

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 6-4, Thứ trưởng Thường trực Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng đã trao đổi thông tin về đề xuất "học sinh cấp THCS, THPT sẽ học 2 buổi/ngày".

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng trả lời câu hỏi của phóng viên các cơ quan báo chí.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng trả lời câu hỏi của phóng viên các cơ quan báo chí.

Trước những đề xuất học sinh trung học sẽ học 2 buổi/ngày, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng khẳng định: "Cho đến thời điểm này, Bộ GD-ĐT chưa có chủ trương bắt buộc. Việc tổ chức buổi học thứ 2 phải trên tinh thần tự nguyện và dựa vào điều kiện cụ thể của từng nơi". Bộ GD-ĐT đang rà soát lại toàn bộ mô hình dạy học 2 buổi/ngày, với dự kiến ban hành văn bản hướng dẫn mới thay thế quy định cũ đã tồn tại từ năm 2010. "Chúng tôi đang rà soát và sẽ có hướng dẫn mới phù hợp hơn, đảm bảo chất lượng, giảm áp lực, phát triển toàn diện và sát với nhu cầu thực tế của học sinh, phụ huynh"- Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết.

Trong bối cảnh giáo dục cần thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của xã hội và công nghệ, việc học 2 buổi/ngày, nếu được làm đúng, có thể là cơ hội để học sinh phát triển sâu hơn về năng lực cá nhân. Nhưng nếu làm sai cách, sai thời điểm, thì sẽ chỉ tạo thêm gánh nặng – Thứ trưởng phân tích.

Cũng theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, việc học 2 buổi/ngày không phải là hoạt động mới trong giáo dục. Với nhiều nước trên thế giới, khi có đủ điều kiện thì đều tổ chức học 2 buổi/ngày.

Việt Nam cũng có những điều kiện như vậy, riêng đối với lứa tuổi Tiểu học đã tổ chức học 2 buổi/ngày từ rất lâu. Đặc biệt là chương trình giáo dục phổ thông 2018 quy định rõ việc dạy học 2 buổi/ngày bắt buộc ở cấp Tiểu học; cấp THCS, THPT chương trình được thiết kế dạy học 1 buổi/ngày. Từ thực tế cho thấy dạy 2 buổi/ngày với học sinh Tiểu học thuận lợi hơn rất nhiều. Các cháu nhỏ học bán trú và được tổ chức chương trình học rất phù hợp.

Thứ trưởng cho biết thêm, từ năm 2010, Bộ đã có hướng dẫn dạy học 2 buổi/ngày với THPT và THCS theo hướng nơi nào có điều kiện thì khuyến khích. "Muốn tổ chức dạy học 2 buổi/ngày tốt, ít nhất phải có 3 điều kiện: Cơ sở vật chất, đủ giáo viên và chương trình phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi" – Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết.

Thực tế, nhiều trường trung học hiện nay vẫn thiếu phòng học, thiếu nhà vệ sinh, thiếu sân chơi. Giáo viên quá tải, lớp học phải xoay vòng theo ca. Trong khi đó, buổi học thứ 2 ở nhiều nơi chỉ là hình thức phụ đạo, hoặc nhắc lại kiến thức buổi sáng, khiến học sinh mệt mỏi, phụ huynh lo lắng, giáo viên áp lực.

Tinh thần cốt lõi của chương trình giáo dục mới là phát triển học sinh toàn diện, từ kiến thức, kỹ năng, đến thể chất và giá trị sống. "Buổi học thứ 2 không chỉ để học thêm kiến thức. Đó phải là khoảng thời gian để các em rèn luyện thể chất, phát triển kỹ năng, tiếp cận công nghệ, học ngoại ngữ…"- Thứ trưởng chia sẻ thêm.

Quan điểm của Bộ GD-ĐT vẫn là nâng cao chất lượng học tập, đảm bảo giảm áp lực cho trẻ nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả. Bộ cũng mong muốn học sinh được phát triển phẩm chất, năng lực toàn diện về thể chất, tâm hồn, được phát triển kỹ năng về công dân số, ngoại ngữ, trí tuệ nhân tạo chứ không đơn giản là chỉ học kiến thức phổ thông.

Đại diện Bộ GD-ĐT khẳng định kế hoạch triển khai học 2 buổi/ngày phải dựa trên tinh thần tự nguyện của học sinh và cha mẹ học sinh. Bởi vì khi lên THCS, THPT, học sinh đã có những nhu cầu riêng, định hướng nghề nghiệp cũng đã bắt đầu hình thành.

Xuân Tùng

Trường đại học thu phí giáo dục quốc phòng gần 23 triệu đồng, sinh viên phản ứng

Nhiều sinh viên Trường đại học Luật TPHCM phản ánh mức thu học phí môn giáo dục quốc phòng và an ninh của trường gần 23 triệu đồng.

Chuẩn bị tốt các điều kiện cho Kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2025

Đó là một trong những nội dung được Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh tại Hội nghị - Tập huấn Quy chế và nghiệp vụ tổ chức Kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2025 do Bộ GD-ĐT ngày 3-4 tại TP Hồ Chí Minh.

Kinh tế Đà Nẵng khởi sắc, tăng trưởng 2 con số

Chiều 1-4, Thường trực Hội đồng nhân dân TP Đà Nẵng tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 3-2025, xem xét, cho ý kiến một số nội dung quan trọng về phát triển kinh tế, xã hội, phòng chống dịch bệnh, quản lý dạy thêm học thêm... Theo đó, UBND TP đã báo cáo tình hình triển khai Đề án phát triển về du lịch trên địa bàn thành phố; công tác đầu tư, chuẩn bị đầu tư dự án