Những vần thơ… để lại

Thứ hai, 10/07/2023 08:00
Thời còn là sinh viên học ở Huế, chúng tôi vẫn truyền cho nhau những trang thơ chép tay của một hồn thơ giàu nữ tính, da diết với tình yêu và cuộc đời: Lâm Thị Mỹ Dạ. "Anh đừng khen em" là một thi phẩm hay, được nữ sĩ sáng tác năm 1973; gây ấn tượng nhiều nhất với những sinh viên nữ đang bước vào ngưỡng cửa của tình yêu như chúng tôi. Sau 40 năm đọc lại, bài thơ vẫn còn tươi nguyên giá trị như kỷ niệm của những ngày còn xanh, dù người viết đã bay về miền mây trắng ở tuổi 75 rạng sáng ngày 6-7-2023.
Nữ thi Lâm Thị Mỹ Dạ (ảnh Hội VHNT Thừa Thiên-Huế).
Nữ thi Lâm Thị Mỹ Dạ (ảnh Hội VHNT Thừa Thiên-Huế).

Nhắc đến nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ, không thể không nhắc đến "Khoảng trời- hố bom" được sáng tác năm 1972 trong một lần nhà thơ đi thực tế trên tuyến đường Trường Sơn rực lửa. Bài thơ viết về những cô thanh niên xung phong không tên, không tuổi hy sinh để cứu con đường cho đoàn xe kịp giờ ra trận: "Em nằm dưới đất sâu/Như khoảng trời đã nằm yên trong đất/Đêm đêm tâm hồn em tỏa sáng/Những vì sao ngời chói lung linh". Song mảng thơ viết về tình yêu của chị cũng được nhiều độc giả quan tâm, yêu thích. Trong đó có "Anh đừng khen em".

"Anh đừng khen em" chỉ vỏn vẹn 31 câu lục ngôn, thông qua một câu chuyện về lời khen trong tình yêu, người thơ gửi gắm bài học về cách nhìn và cuộc đời. Thông thường, tình yêu dễ làm cho con tim đôi khi mất quán tính nhưng cô gái đang yêu trong bài thơ vừa say đắm nồng nàn trong mật ngọt của tình yêu nhưng cũng hết sức tỉnh táo và đầy lí trí. "Lần đầu khi mới làm quen/ Anh khen cái nhìn em đẹp/ Trời mưa òa cơn nắng đến/ Anh khen đôi má em hồng". Câu chuyện tình yêu được nhà thơ hình dung lại từ lúc mới gặp nhau, cái phút ban đầu đầy lưu luyến chính cái nhìn, đôi má của em đã làm trái tim anh rung động, nghĩa là hình thức bên ngoài của em đã cuốn hút anh, khiến anh bật ra lời khen: "cái nhìn em đẹp, đôi má em hồng". Rõ ràng, nhan sắc của em đã tác động vào trái tim anh trước, theo ngày tháng anh còn nhận ra nhiều điều từ em: "Gặp người tàn tật em khóc/ Anh khen em nhạy cảm thông/ Thấy em sợ sét né giông/ Anh khen sao mà hiền thế!/ Thấy em nâng niu con trẻ/ Anh khen em thật dịu dàng". Những câu thơ đầu mới đọc, ta cứ nghĩ, nhân vật anh trong bài thơ để tán tỉnh cô gái nên buông những lời khen có cánh; mà có người phụ nữ nào không thích khen bởi "âm thanh ngọt ngào nhất là lời khen ngợi", và nhất là lời khen từ miệng của người yêu mình. Ban đầu, anh khen nét đẹp bên ngoài nhưng càng tiếp xúc với em, anh càng nhận ra nét đẹp bên trong của một tâm hồn hiền hậu bao dung và nhạy cảm nên tiếp tục ban tặng những lời khen đến em; bởi người đang yêu chỉ nhìn thấy đối phương của mình toàn điều tốt đẹp từ hình thức đến nội dung, từ dáng vẻ bên ngoài đến cốt cách bên trong: "Khi hôn lên câu thơ hay/ Ép trang sách vào mái ngực/ Em nghe tim mình thổn thức/ Thương người làm thơ đã mất/ Trái tim giờ ở nơi đâu?/ Khi đọc một cuộc đời buồn/ Lòng em xót xa ấm ức/ Anh khen em giàu cảm xúc/ Và bao điều nữa...?-Anh khen". Nhưng thật lạ, dù nhận được cơn mưa lời khen từ người yêu, cô gái không hề bằng lòng với chính mình, không hề vui mà lại buồn- một cảm xúc thật trái ngược thậm chí phi lý nhưng hoàn toàn có lý: Em sợ lời khen của anh/ Như sợ chiều về, hắt lối /Nhiều khi ngồi buồn một mình/ Trách anh sao mà nông nỗi /Hãy chỉ cho em cái kém /Ðể em nên người tốt lành/ Hãy chỉ cho em cái xấu/ Ðể em chăm chút đời anh. Em sợ hãi những lời khen của anh "như sợ chiều về, hắt lối"… Đọc câu thơ này tôi liên tưởng đến câu danh ngôn: "Đừng sợ những kẻ thù tấn công bạn. Hãy sợ những người bạn tâng bốc bạn". Bởi khi chúng ta quen nghe những lời tâng bốc dễ dẫn đến thỏa hiệp rồi mãi dậm chân tại chỗ, thiếu ý thức cầu tiến để vươn lên hoàn thiện bản thân.

Đọc lại lời trần tình của "em" trong đoạn thơ cuối ta hiểu thêm nguyên nhân nỗi buồn của cô gái là do người yêu mình nông nỗi, chỉ quen nhìn một phía, chỉ thấy toàn ưu điểm ở người yêu mình không nhìn thấy nét hạn chế, mà đã là con người ai không có những thiếu sót. Cuộc đời luôn có những mặt đối ngược, trong bát cơm ngon đôi khi vẫn còn lẫn một hạt sạn; bên cạnh cái hoàn hảo vẫn còn điều chưa hoàn thiện. Làm người, cần có cái nhìn sâu sát, phát hiện được những góc khuất, nét tiềm ẩn bên trong. Điệp ngữ: "Hãy chỉ cho em... Để em" vừa bày tỏ khát vọng vừa bộc lộ lối suy nghĩ thấu đáo, tâm hồn già dặn và cái nhìn sâu sắc của cô gái. Bài thơ khép lại bằng lời trách yêu cũng là lời dặn dò tha thiết: "Anh ơi, anh có biết không/ Vì anh em buồn biết mấy/ Tình yêu khắt khe thế đấy/ Anh ơi anh đừng khen em".

Nửa thế kỷ trôi qua kể từ khi "Anh đừng khen em" ra đời, nhưng bài thơ vẫn tồn tại trong lòng độc giả bởi đằng sau câu chuyện về lời khen là những nhắn gửi thầm kín của Lâm Thị Mỹ Dạ về tình yêu và khát vọng cuộc đời. Tình yêu cần nhất sự chân thành, biết vượt lên hoàn thiện mình để cùng chung tay xây dựng mối quan hệ ngày càng bền chặt hơn. Và người thơ luôn nuôi giữ một khao khát: "Làm sao anh đủ sâu/ Cho em soi hết bóng/ Làm sao anh đủ rộng/ Che mát cho đời em..." (Nhỏ bé tựa búp bê).

Đôi lời thay nén tâm nhang tiễn biệt nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ về miền mây trắng. Nữ thi sĩ ra đi nhưng thơ của bà thì còn mãi với thời gian…

Nguyễn Thị Thu Thủy