Những vị tướng trên chiến trường Khu 5

Thứ tư, 14/10/2015 10:25

(Cadn.com.vn) - Nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Lực lượng vũ trang Quân khu 5 (16-10-1945 - 16-10-2015), chúng tôi đến thăm những người thân thiết với các tướng lĩnh Quân khu. Dù đã mất hoặc đã già yếu nhưng trong ký ức của đồng đội, những vị tướng ấy luôn ngời sáng, đồng hành cùng với sự trưởng thành không ngừng của  Lực lượng vũ trang Quân khu.

"Báu vật" theo suốt 12 năm ở chiến trường

Đại tướng Chu Huy Mân, quê Nghệ An, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, từng có 12 năm gắn bó với Khu 5 và chiến trường Tây Nguyên (từ 1964-1976) trên các cương vị Tư lệnh kiêm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Mặt trận B3 - Tây Nguyên, Tư lệnh Quân khu 5, Phó bí thư Đảng ủy Quân khu, Chính ủy chiến dịch Huế- Đà Nẵng; Chính ủy kiêm Tư lệnh, Bí thư Đảng ủy Quân khu 5. Ông mất năm 2006 tại Hà Nội. Theo Đại tá Trần Ngọc Quế, nguyên Trưởng phòng Khoa học quân sự Quân khu 5, từng là thư ký riêng của Đại tướng Chu Huy Mân, đồng chí Chu Huy Mân là một nhà lãnh đạo và chỉ huy quân sự tài ba, rất nguyên tắc nhưng cũng luôn coi trọng thực tiễn, có tác phong sâu sát, cụ thể, giỏi khêu gợi sáng tạo của bộ đội. Vì thế nhiều vấn đề tưởng như bí bách nhưng đều được giải quyết thấu đáo, thành công.

Có kỷ niệm mà Đại tá Trần Ngọc Quế nhớ mãi: "Đầu năm 1964, tôi làm thư ký cho Đoàn trưởng Chu Huy Mân từ Hà Nội vào kiểm tra và đánh giá chiến trường Khu 5. Hôm đó trời còn rất sớm, xe đang bon bon trên đường rời Hà Nội được khoảng mươi ki-lô-mét thì có xe của Bộ Tổng tham mưu vượt lên ra hiệu đoàn dừng lại và mời đồng chí Chu Huy Mân về Tổng hành dinh. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang đứng chờ ở bậc tam cấp điện Kính Thiên, vừa nắm chặt tay đồng chí Chu Huy Mân vừa nói rất gọn: "Không được xao nhãng việc xây dựng quân chủ lực trên chiến trường đủ mạnh để đánh tiêu diệt ngày càng lớn từng đơn vị quân chủ lực địch". Nội dung buổi dặn dò 5 phút trước lúc lên đường như một "báu vật" theo cùng đồng chí Chu Huy Mân suốt chiến trường miền Trung, Tây Nguyên. Trận đánh Kỳ Sanh (Quảng Nam), năm 1964, ông trực tiếp giao nhiệm vụ cho Tiểu đoàn 90, Trung đoàn 1 bằng mọi cách tiêu diệt và bắt sống xe bọc thép M113, đánh bại chiến thuật "thiết xa vận" của địch. Bằng cây gậy gỗ được vót nhọn, ông thực hành cách đào đất, nhằm giúp bộ đội có công sự, xây dựng trận địa. Hình ảnh đó đã cổ  vũ quyết tâm của cán bộ, chiến sĩ".

 Sau chiến thắng trận Kỳ Sanh, tư tưởng về "đánh tiêu diệt" của đồng chí Chu Huy Mân càng được thể hiện rõ trong chỉ đạo LLVTQK5. Từ "đánh tiêu diệt" đến xây dựng "vành đai diệt Mỹ", đồng chí Chu Huy Mân đã đóng góp rất lớn trong phát triển LLVT ba thứ quân, đặc biệt là các đơn vị chủ lực ở Khu 5, tiến tới giành thế chủ động trên các chiến trường, chuyển hóa thế và lực có lợi cho phong trào cách mạng miền Nam.

Vị tướng trong vai chiến sĩ

Đại tướng Đoàn Khuê (áo trắng, thứ ba trái sang) cùng lãnh đạo Bộ Tư lệnh Quân khu 5 (1984). Ảnh: T.L

Đại tướng Đoàn Khuê, quê Quảng Trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 5, mất năm 1997. Tên ông được đặt cho nhiều con đường ở Kon Tum, Đắc Lắc, Đà Nẵng và Quảng Trị. Ông gắn bó với Khu 5 gần một phần ba thế kỷ từ thời làm Chính trị viên trường Lục quân Quảng Ngãi rồi làm Chính ủy nhiều trung đoàn và khi kết thúc kháng chiến chống Pháp là Phó Chính ủy Sư đoàn 305. Năm 1963, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta bước vào thời kỳ quyết liệt, ông được cử trở lại chiến trường với cương vị Phó Chính ủy Quân khu. Ông đã cùng Bộ Tư lệnh Quân khu do tướng Chu Huy Mân đứng đầu thành lập các sư đoàn chủ lực Quân khu 5. Khu 5 trở thành địa phương "đi đầu diệt Mỹ" với những trận đánh, chiến dịch nổi tiếng.

Đại tá Huỳnh Phương Bá, nguyên Phó Cục trưởng về Chính trị, Bí thư Đảng ủy Cục Kinh tế Quân khu kể về kỷ niệm với Đại tướng khi ở chiến trường Quảng Ngãi năm 1963. Để tìm hiểu thực tế chiến trường, đồng chí Đoàn Khuê xuống công tác dài ngày tại Tỉnh đội Quảng Ngãi. Ông về Hành Tín, một xã giáp ranh của H. Nghĩa Hành, nơi diễn ra cuộc đấu tranh quyết liệt giữa ta và địch. Để bảo đảm cho chuyến đi an toàn, đồng chí đóng vai chiến sĩ mang khẩu các bin. Các đồng chí khác mang súng ngắn và tiểu liên như bình thường. Khi gần gũi với bà con, ông chỉ lắng nghe rồi trao đổi riêng với anh em vì nói chuyện sẽ lộ giọng Quảng Trị, đồng bào sẽ chú ý. Chuyến đi đã để lại cho ông nhiều suy tư, nhất là khi chứng kiến vườn tược hoang tàn, nhà cửa bị địch đốt phá, dân bị dồn về nơi khác. Hơn nửa năm sau, cơ quan chính trị Tỉnh đội về lại Hành Tín ăn Tết với đồng bào. Trong câu chuyện vui, bà con tiết lộ một tin mật: "Trước đây mấy tháng có một ông to lắm cũng về đây công tác". Khi được hỏi vì sao biết là cán bộ to, mấy cụ già cười vẻ đắc thắng: "Ông đó khuôn mặt chữ điền, đôi mắt sáng, dáng dấp đạo mạo, phong thái đẹp đẽ, làm sao qua mắt chúng tôi được. Có điều dân ở đây một lòng với cách mạng, không ai xì xào lọt ra ngoài, càng thêm tự hào làng mình đón một vị tướng về thăm".

Trả lại xe Von-ga để đi bộ

Trung tướng Nguyễn Đôn (thứ 2 phải sang) cùng đại biểu
về dự lễ kỷ niệm 65 năm khởi nghĩa Ba Tơ (2010).

Trung tướng AHLLVTND Nguyễn Đôn, nguyên Ủy viên dự khuyết BCHTƯ Đảng Lao động Việt Nam khóa III, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Tổng tham mưu trưởng QĐNDVN, Phó ban Thanh tra Chính phủ; nguyên Tư lệnh Quân khu 5, nay tuổi 97. Nói năng khó nhọc, đôi chân đã yếu, từ lâu không đi xa được, vậy mà đầu năm 2015, ông đã làm nên kỳ tích khi về dự lễ kỷ niệm 70 năm khởi nghĩa Ba Tơ...19 tuổi, ông vào Đảng Cộng sản Đông Dương, bị Pháp bắt nhốt lao tù rồi bị đày lên căng an trí Ba Tơ. Tại đây ông góp phần quan trọng xây dựng Ba Tơ thành khu căn cứ của đội du kích và là phên giậu vững vàng phía Tây Quảng Ngãi. Là bậc "công thần khai quốc" nhưng ở Trung tướng Nguyễn Đôn lúc nào cũng toát lên sự giản dị, gần gũi, chí tình, chí nghĩa. Ông có sức thu hút rất lớn với người xung quanh. Đại tá Nguyễn Kim Hồ, nguyên Chủ nhiệm Phòng không Quân khu cũng là cháu của ông, kể lại:

Những năm ông thôi chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng để làm Trưởng ban Công tác miền Tây của Trung ương Đảng, đồng chí Kaysone Phomvihane, nguyên Tổng Bí thư Đảng nhân dân cách mạng Lào coi ông như người thân thiết, thường xuyên đến thăm ông ở căn nhà 30 Lý Nam Đế, Hà Nội. Chuyện ông được Bộ Quốc phòng tặng chiếc xe Von-ga, một tài sản rất lớn lúc đó khi rời quân ngũ, nhưng ông đã tặng lại cho Quân khu 5 vẫn được nhiều người nhắc tới. Hạn hữu lắm ông mới yêu cầu xe đón rước. Những nơi gần ông thường đi bộ. Có khi ông chống ba-toong đến thăm Bộ Tư lệnh Quân khu. Hiện ông sống giản dị trong căn nhà đã cũ ở kiệt 32-Phan Đình Phùng, Đà Nẵng. Có nhiều người không tin rằng, một vị tướng trường chinh với các cuộc kháng chiến lại có cơ ngơi bình thường như vậy. Nhưng ông tự cho rằng như vậy là đủ và thường nói với con cháu không bao giờ đòi hỏi gì cả. Ông luôn dành nhiều thời gian thăm đồng đội, thăm các miền quê đã cưu mang ông trong chiến tranh. Ông đau đáu việc tìm hài cốt liệt sĩ ở nghĩa trang đầu tiên của Liên khu 5 tại Quy Nhơn, Bình Định mà thời đó ông trực tiếp chỉ đạo xây dựng, nay đã bị di dời. Những ai ở bên khi ông làm Tham mưu trưởng Liên khu 5 trong chống Pháp hay Tư lệnh Quân khu 5 sau này đều hết mực kính trọng ông, xem ông là tấm gương sáng ngời của chủ nghĩa yêu nước và đạo đức cao đẹp của người cộng sản...

Còn nhiều Tư lệnh, Chính ủy Quân khu 5 đã để lại kỷ niệm sâu nặng trong lòng đồng đội. Họ đều giống nhau ở lý tưởng cách mạng cháy bỏng, dấn thân vì độc lập tự do của Tổ quốc, có nhân cách cao đẹp, thực sự là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ hôm nay noi theo.

Hồng Vân