Những vụ cướp kinh hoàng trên vịnh Aden
![]() |
Lực lượng cảnh sát đặc nhiệm của Malaysia |
(Cadn.com.vn) - Xung đột sắc tộc, tôn giáo, đảng phái và chiến tranh biên giới kéo dài nhiều năm qua đã đẩy Somalia rơi vào cảnh tình hình chính trị bất an, kinh tế kiệt quệ, hàng triệu người dân bị đói nghèo, bệnh tật cướp đi sinh mạng hoặc đang de dọa nghiêm trọng.
Trong bài phát biểu trước các đại biểu Quốc hội Somalia tại Nairobi (Kenya), ngày 17-11, Tổng thống Somalia Abdullahi Yusuf nói rằng, Chính phủ Somalia chỉ còn có mặt tại thủ đô Mogadishu và tại Baidoa trong tình cảnh “người dân bị giết hằng ngày, lực lượng Hồi giáo cực đoan chiếm đóng hầu như khắp mọi nơi”. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó là luộc tranh chấp nội bộ gần đây giữa Tổng thống Somalia Abdullahi Yusuf và Thủ tướng nước này Nur Hassan Hussein đã thất bại trong việc thành lập nội các mới, trong khi các lực lượng vũ trang Hồi giáo đã nhanh chóng kiểm soát nhiều khu vực và đang tiến về Mogadishu. Al-Shabaab, nhóm những người Hồi giáo nổi dậy, hôm 15-11 đã chiếm giữ được Elasha, chỉ cách thủ đô Mogadishu chưa tới 10km. Những chiến binh Al-Shabaab cũng đã chiếm những thành phố cảng có vị trí chiến lược là Merka và Barawe mà không tốn một viên đạn nào. Ngoài Al-Shabaab, phong trào Jabhad al-Islamiya được cho là có liên quan đến Hassan Dahir Aweys và tổ chức Liên minh vì sự tái giải phóng Somalia (ARS) cũng đã chiếm giữ nhiều vùng lãnh thổ.
Do sự bất ổn của nền chính trị, các cuộc xung đột vũ trang triền miên, nền kinh tế yếu kém, các nhóm vũ trang Hồi giáo đã lựa chọn một giải pháp “cướp biển” để có tiền chi cho các cuộc xung đột vũ trang và làm giàu cho các ông trùm băng đảng. Những năm qua, trên vùng biển Somalia và ở Vịnh Eden liên tục xảy ra các vụ cướp biển, gây nên nỗi kinh hoàng cho cho tàu thuyền đi qua khu vực này. Các hãng tàu cũng ngày càng quan ngại khi mở các tuyến vận tải đi qua khu vực này. Ngày 19-11, phát ngôn viên của Hạm đội 5 Mỹ đóng lại Baranh, bà Jane Campbell, cho biết tàu “Delight” treo cờ Hồng Kông do một Cty Iran quản lý chở 36.000 tấn lúa mì bị hải tặc Somalia bắt cóc trên Vịnh Aden hôm 18-11. Cùng ngày chiếc tàu của Thái Lan cắm cờ Kiribati, một quốc đảo ở Đại Tây Dương do Thái Lan quản lý, cũng bị bọn hải tặc Somalia bắt cóc cùng với 16 thủy thủ đoàn. Trước đó, ngày 17-11, hải tặc Somalia đã tấn công và giành kiểm soát tàu chở dầu thô khổng lồ Sirius Star với 100.000 tấn dầu trị giá hơn 100 triệu USD, thuộc sở hữu của tập đoàn dầu mỏ hàng đầu thế giới của Saudi Arabia Aramco, tại địa điểm cách thành phố Mombasa của Kenya 450 hải lý về phía đông nam. Bọn hải tặc đã dẫn giải và cho neo đậu chiếc tàu chở dầu về bờ biển Somalia, khiến người dân tại các làng đánh cá phải sửng sốt về kích thước khổng lồ của chiếc tàu chở dầu dài tới 329m này.
![]() |
Tàu Sirius Star chở dầu của Saudi Arabia bị hải tặc Somalia bắt giữ. Ảnh: Reuters |
Các vụ hải tặc tấn công tàu thuyền ngoài khơi bờ biển Somalia đã tăng vọt trong thời gian gần đây, bất chấp sự hiện diện của các tàu chiến hiện đại của NATO, Mỹ và Nga được phái tới để ngăn chặn hành động cướp biển tại một trong những tuyến vận tải biển nhộn nhịp nhất thế giới này. Chỉ trong vòng chưa đầy 12 ngày qua của tháng 11 này, bọn hải tặc Somalia đã bắt cóc tới 8 con tàu các loại. Nếu tính từ đầu năm 2008 đến nay, hải tặc Somalia đã gây ra 95 vụ cướp biển thì có 39 vụ trót lọt. Yêu sách mà chúng đưa ra là tiền chuộc có khi cả trăm triệu USD cho mỗi con tàu. Hiện nay, có hàng chục con tàu của các nước đang bị bọn hải tặc Somalia giam giữ do chưa đạt được thỏa thuận tiền chuộc. Với không nhiều lựa chọn, trước đây chủ các tàu bị bắt cóc đã trả tiền chuộc để giải phóng tàu nhanh, bảo vệ an toàn tính mạng cho các thủy thủ. Nhưng gần đây, theo ông Rob Lomas, Tổng Thư ký Intercargo - nhóm công nghiệp đại diện cho các chủ tàu chở hàng khô - thì ngày càng có nhiều hãng vận tải biển lớn trên thế giới âm thầm cho tàu chạy vòng qua Mũi Hảo Vọng để tránh hải tặc trên Vịnh Aden.
LHQ ra Nghị quyết kêu gọi các nước tăng cường đấu tranh ngăn chặn nạn cướp biển ở Vịnh Aden do hải tặc Somalia thực hiện. Nga, Ấn Độ và khối NATO đã phái tàu chiến và lực lượng tới khu vực này để chống hải tặc. Ngày 19-11, phát ngôn viên hải quân Ấn Độ Nirad Sinha cho hay tàu hộ tống INS Tabar của Ấn Độ được triển khai làm nhiệm vụ chống hải tặc ở Vịnh Aden đã đụng độ với "chiếc tàu có hình dạng như chiếc "tàu mẹ" được nói đến trong các bản tin về hải tặc. Tàu INS Tabar đã bị tàu hải tặc tấn công nên đáp trả và đã bắn chìm tàu của bọn hải tặc chiều 18-11. Mỹ cũng đưa cả Hạm đội 5 tới vùng Vịnh Aden tham gia chống hải tặc và sử dụng cả tàu khu trục USS Howard trang bị tên lửa hạm đối không, tên lửa hành trình Tomahawk để truy bắt và giải thoát con tàu của Ukraine chở vũ khí trong đó có xe tăng T-72 đang bị bọn hải tặc bắt đòi 20 triệu USD tiền chuộc. Gần đây, Nhật Bản cũng tính toán để hành động như các nước.
Ngày 18-11, Thủ tướng Nhật Bản Taro Aso khẳng định sẽ xem xét đề xuất dự luật cho phép triển khai binh sĩ thuộc Lực lượng phòng vệ trên biển (MSDF) tới các vùng biển ngoài khơi Somalia nhằm đối phó với hải tặc. Trong cuộc gặp các nghị sĩ và các nhà lãnh đạo tổ chức liên quan tới biển, Thủ tướng Aso nhấn mạnh: “Chúng ta cần sớm nghiên cứu các biện pháp. Sẽ là quá muộn nếu tàu Nhật Bản bị hải tặc tấn công hoặc các thủy thủ bị bắt làm con tin”. Trước đó, Thủ tướng Aso cũng tuyên bố sẵn sàng tạo dựng một khuôn khổ pháp lý cho phép triển khai binh sĩ MSDF tới khu vực trên nhằm giúp đối phó với nạn hải tặc. Cùng ngày, người đứng đầu Lực lượng bảo vệ biển Nhật Bản Teiji Iwasaki đã công bố kế hoạch cử một sĩ quan thuộc lực lượng này tới Yemen và một sĩ quan tới Oman vào tháng 12 tới để thu thập thông tin về khả năng của hai nước này trong việc trấn áp hải tặc. Lực lượng bảo vệ biển cũng sẽ xem xét việc cử nhân viên tới những nước trên nhằm giúp nâng cao kỹ thuật để ngăn chặn các vụ tấn công của hải tặc một cách hiệu quả hơn.