Nhường đất cho thủy điện, dân khốn khổ

Thứ bảy, 14/11/2015 10:38

(Cadn.com.vn) - Từ khi các dự án thủy điện (DATĐ) lớn như: Bình Điền, Hương Điền, A Lưới trên địa bàn tỉnh TT-Huế triển khai, đi vào hoạt động thì đồng nghĩa hàng trăm hộ dân buộc phải nhường đất cho DA. Thế nhưng, hầu hết các hộ dân khi đến tái định cư (TĐC) ở vùng đất mới đều có cuộc sống khó khăn, phần vì thiếu đất sản xuất; phần thì được cấp đất nhưng không sản xuất được do quá cằn cỗi.

Thiếu đất sản xuất

Năm 2006, DATĐ Bình Điền triển khai xây dựng; 46 hộ dân, với 225 khẩu, của xã Hương Nguyên (H. A Lưới) được chuyển đến khu TĐC Bồ Hòn ở xã Bình Thành (TX. Hương Trà). Đến nay số hộ dân đã tăng lên gần 60 hộ, với 252 khẩu. Theo quy định, người dân khi được chuyển về khu TĐC sẽ được cấp đất đền bù ngang bằng với số đất đã nhường cho dự án thủy điện. Tuy nhiên, đã gần 10 năm trôi qua, nhưng người dân Bồ Hòn vẫn còn thiếu đất sản xuất. Ông Nguyễn Trung Nhân, Phó Chủ tịch UBND X. Bình Thành cho biết, đối với những hộ dân liên quan đến DATĐ Bình Điền khi đến TĐC tại địa phương do thiếu quỹ đất nên 1 hộ chỉ được bố trí 0,5 ha. Chừng đó vừa đủ xây nhà, vườn tược; còn đất sản xuất thì không có. Bà Lê Thị Kham (60 tuổi), một trong những hộ dân nhường đất cho TĐ Bình Điền nói: “Trước đây ở nơi ở cũ, người dân ai cũng có trồng vài ba héc ta rừng, quanh năm đều có việc làm. Nhưng chừ đến nơi ở mới, đất không có để trồng rừng, sản xuất, người dân không biết làm chi để mưu sinh”.

Theo ông Nguyễn Trung Nhân, trong số 46 hộ được chuyển đến Bình Thành, đến nay đã lên đến hơn 60 hộ nhưng họ không thể tách ra riêng được vì quỹ đất không có. Không có đất sản xuất, từ khi đến nơi ở mới, vợ chồng anh Nguyễn Văn Yêm hàng ngày phải gửi con nhỏ, ngược xuôi kiếm việc làm thuê. “Mà đi làm thuê, ngày có việc ngày không. Có khi cả tuần ngồi không chẳng ai thuê mướn gì”. Tương tự, vợ chồng anh Hồ Văn Trăng dù có sức khỏe, còn trẻ nhưng không có đất nên không thể tự canh tác, nuôi trồng mà phải đi làm thuê làm mướn khiến  cuộc sống rất bấp bênh. “Người dân trong thôn đang mỏi mòn mong chờ được cấp đất sản xuất để làm ăn ổn định cuộc sống. Dân lao động mà không có đất để làm ăn thì cái đói bám cả đời...”. Cũng tại xã Bình Điền, sau khi TĐ Bình Điền đi vào hoạt động, nhiều hộ dân mất đất sản xuất. Vì vậy, không ít hộ bám vào rừng để khai thác lâm sản trái phép gây khó khăn trong công tác quản lý.

Nhường đất cho TĐ Bình Điền, nhiều hộ dân đến TĐC ở xã Bình Thành phải đi làm thuê
vì thiếu đất sản xuất.

Nhận đất rồi… bỏ hoang

Nếu hàng chục hộ dân nhường đất để xây dựng TĐ Bình Điền đang “khát” đất sản xuất trầm trọng thì khoảng 100 hộ dân nhường đất cho DATĐ A Lưới chuyển đến khu TĐC Kăn Tôm (X. Hồng Thượng, H. A Lưới) được cấp đất nhưng không thể sản xuất được do đất cằn cỗi. Ngoài đất ở thì 750 ha đất ở khu tái định canh, định cư Kăn Tôm còn là nơi cấp đất sản xuất cho những hộ dân khác mất đất bởi DA. Tuy nhiên, từ đất trồng rừng, đất vườn cho đến đất ruộng ở đây toàn là “đất chết”, sỏi đá nhiều hơn đất nên cây trồng rất khó phát triển. Theo ông A Viết Huy- Trưởng thôn Kăn Tôm, ngoài đất rừng và đất vườn rất khó cải tạo để sản xuất, hiện mới chỉ có khoảng ½ ha đất được quy hoạch làm đất ruộng ở đây được cải tạo, còn lại đều bỏ hoang. “Những diện tích ruộng được cải tạo cây lúa rất khó phát triển vì quá bạc màu. Ngoài ra, về mùa khô, còn thiếu nước tưới trầm trọng nên bà con chỉ còn cách bỏ hoang”- ông Huy cho biết.

Từ khi chuyển đến khu TĐC Kăn Tôm nhường đất cho TĐ A Lưới,
người dân rất khó phát triển sản xuất vì đất đai cằn cỗi.

Sau gần 5 năm di dời đến khu tái định canh, định cư Kăn Tôm để nhường đất cho DATĐ A Lưới, kinh tế gia đình anh Hồ Văn Ngập ngày càng tụt dốc. Với phương châm “đất đổi đất”, tại khu tái định canh, định cư, gia đình anh Ngập được cấp 2 ha đất trồng rừng, hơn 3 sào đất vườn và 3 sào đất ruộng. Tuy nhiên, do đất được cấp quá cằn cỗi nên gia đình anh Ngập rất khó phát triển sản xuất. “Đất trồng rừng, đất vườn được cấp toàn là sỏi đá, nên rất khó cải tạo. Đất ruộng cũng sỏi đá nhiều hơn đất, lại không có nước tưới nên không thể canh tác. 4 năm nay vợ chồng tui phải làm thuê làm mướn kiếm cái ăn qua ngày”- anh Ngập nói.

Cuối tháng 10 vừa qua, tại diễn đàn “Thủy điện miền Trung, quan tâm của người dân và trách nhiệm của các bên liên quan” được tổ chức tại TP Huế, bà Lâm Thị Thu Sửu, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển xã hội, Ban Điều hành mạng lưới sông ngòi Việt Nam cho rằng: Phát triển TĐ để phục vụ lợi ích quốc gia là đúng đắn, tuy nhiên các cộng đồng bị tác động cần được quan tâm và đối xử công bằng hơn. Theo bà Sửu, đa số các DATĐ của nước ta khi thực hiện chỉ đánh giá tác động về môi trường chứ chưa đánh giá tác động xã hội, trong khi đó tác động xã hội rất lớn: Hiện nay, khó khăn nhất là phần sinh kế cho người dân các khu TĐC. Họ là những người phải hy sinh mảnh đất của mình cho điện lưới quốc gia nhưng mà đến nơi ở mới họ phải chịu thiệt thòi nhất về mặt sinh kế. Họ không được cấp đất một cách đầy đủ như đất ruộng và đất rừng hoặc chất lượng đất rất là xấu.

Hải Lan

UBND tỉnh TT-Huế đã có văn bản yêu cầu chủ đầu tư các DATĐ trên địa bàn tỉnh nghiêm túc thực hiện trồng rừng thay thế. Đối với những DATĐ đã xây dựng xong và đi vào vận hành thì cuối năm 2015 phải hoàn thành việc trồng rừng thay thế hoặc trả bằng tiền để tỉnh trồng rừng cấp bù. Những DA đang triển khai xây dựng (đã giải phóng mặt bằng) thì đến hết năm 2016 phải hoàn thành việc trồng rừng thay thế.

“Nếu chủ đầu tư các dự án thủy điện cố tình trì hoãn kéo dài việc trồng rừng thay thế thì UBND tỉnh sẽ có những biện pháp mạnh để xử lý, như xử phạt vi phạm hành chính, xem xét đình chỉ hoạt động”-ông Đinh Khắc Đính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế nói.

Theo UBND tỉnh, tổng diện tích phải trồng rừng thay thế trên địa bàn nay do chuyển sang làm thủy điện là 965 ha; tuy nhiên, từ năm 2006 đến 2014 các DATĐ chỉ trồng thay thế được 106 ha, đạt 11% diệc tích cần trồng. Nguyên nhân do quỹ đất để các Cty thủy điện trồng lại rừng khó khăn; các chủ đầu tư DATĐ chưa nghiêm túc trong việc chấp hành quy định trồng rừng thay thế. Cụ thể, TĐ Bình Điền phải trồng thay thế 454 ha rừng, mới chỉ trồng 134 ha; TĐ Hương Điền phải trồng mới 364 ha nhưng chỉ mới trồng được 36 ha; TĐ A Lưới phải trồng 144 ha rừng thay thế nhưng vẫn chưa trồng được diện tích nào.