ĐẠI HỘI HỘI NHÀ BÁO TP ĐÀ NẴNG LẦN THỨ VIII:

Niềm tin và sứ mệnh

Thứ ba, 16/06/2015 09:09

(Cadn.com.vn) - Người làm báo mang sứ mệnh vẻ vang nhưng điều đó chỉ được bồi đắp bởi lòng trung thực và trách nhiệm với mỗi tác phẩm của mình. Không phải ngẫu nhiên khi lòng tin của bạn đọc với nhiều ấn phẩm đã giảm đi bởi những thông tin thiếu khách quan, những khuynh hướng thương mại hóa, điều này cũng tác động không nhỏ tới những người làm báo chân chính.

Các nhà báo tác nghiệp tại Hoàng Sa giữa lúc biển Đông đầy sóng gió.

LUÔN ĐỒNG HÀNH CÙNG THÀNH PHỐ

Gần 500 người làm việc trong lĩnh vực báo chí, gần 100 cơ quan báo chí và văn phòng đại diện, Đà Nẵng đang là thành phố có hoạt động báo chí lớn mạnh của cả nước. Tất nhiên, mỗi người làm báo, mỗi cơ quan báo chí đều có những tôn chỉ, mục đích riêng của mình, song điểm chung đều có đóng góp thiết thực vào sự phát triển của TP. Điều ghi nhận đáng kể trước tiên chính là sự đồng hành với TP trong quảng bá hình ảnh Đà Nẵng trong nước, quốc tế, trong quá trình chỉnh trang đô thị, xây dựng kết cấu hạ tầng để trở thành nơi sống tốt của cả nước. Bằng các tác phẩm tâm huyết, báo chí đã tuyên truyền liên tục về hình ảnh độc đáo của Đà Nẵng, tạo ra sức hút du lịch, cải thiện môi trường đầu tư của TP.

Phó Chủ tịch Hội nhà báo Đà Nẵng Nguyễn Văn Lưỡng đánh giá, tất cả các sự kiện lớn của TP đều được báo chí phản ánh kịp thời, chính xác. Trong đó có những sự kiện đánh dấu sự phát triển, cách làm năng động của TP song cũng có cả những sai trái đâu đó được báo chí nhanh chóng lên tiếng, thể hiện rõ vai trò phản biện xã hội. Chính việc tuyên truyền bền bỉ các chủ trương lớn của TP như “5 không, 3 có”, “Năm Doanh nghiệp”, “Năm Văn hóa, văn minh đô thị”... thông qua các ấn phẩm báo chí đã góp phần tạo sự đồng thuận tích cực trong nhân dân. Bên cạnh đó, việc phê phán kịp thời các hiện tượng tiêu cực trong bảo vệ kỷ cương, quản lý xã hội đã góp phần định hướng thông tin, ổn định tư tưởng, niềm tin của người dân. Đặc biệt, báo chí TP đã thực hiện rất tốt việc tuyên truyền Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về Học tập theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Theo đánh giá của Hội nhà báo Đà Nẵng, các cơ quan báo chí của TP và văn phòng đại diện các cơ quan báo chí của trung ương và các thành phố lớn tại Đà Nẵng đã đóng góp rất quan trọng vào sự phát triển của TP. Điển hình là việc tuyên truyền về các sự kiện lớn, nhất là một số chủ trương, cách làm năng động của Đà Nẵng. Nhờ đó, đông đảo người dân cả nước biết đến “thương hiệu” Đà Nẵng như một nơi phát triển năng động với cách làm độc đáo. Cũng từ đó, cả nước yêu mến và thích đến Đà Nẵng, thế giới ấn tượng về Đà Nẵng.

SỨ MỆNH VÀ TRÁCH NHIỆM

Hoạt động báo chí ở miền Trung khá đặc thù. Hình ảnh những nhà báo dầm mình trong nước lũ, cùng lăn lộn với người dân ở những vùng rừng núi heo hút, cùng trăn trở với những số phận bất hạnh hay theo những chuyến tàu cùng ngư dân vượt sóng dữ ra trùng khơi luôn để lại nhiều cảm xúc. Trên hết, đó là sứ mệnh khi đã chọn nghề báo, là trách nhiệm với chính bài viết của mình. Không đặt trách nhiệm phải đến tận nơi, nhìn tận mắt, không cùng trăn trở với những số phận bất hạnh thì làm sao có những bài viết lay động lòng người. Và có thể chính từ những bài viết ấy sẽ thay đổi  số phận kia? Có những lúc, sứ mệnh người làm báo trở nên thiêng liêng lạ thường.

Hãy nhớ lại những ngày đầu tháng 5-2014, khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển chủ quyền nước ta. Khi đó, những nhà báo bước chân lên tàu ra Hoàng Sa không chỉ với sứ mệnh của người cầm bút mà còn bởi tinh thần yêu nước và trách nhiệm công dân. Tới một nơi nguy hiểm, nhưng với mỗi nhà báo đều háo hức, chộn rộn, bởi họ biết trong cuộc đời làm báo của mình dễ gì có may mắn được một lần “xông pha” trên tuyến đầu, một “điểm nóng” hơn bất cứ “điểm nóng” nào mà các nhà báo đã trải qua.

Từ đất liền, người dân chăm chú theo dõi mỗi thông tin gửi về từ Hoàng Sa, một ngày nào đó thiếu tin Hoàng Sa, nhiều độc giả đã phải gọi điện tới các cơ quan báo chỉ để hỏi lý do vì sao? Chưa bao giờ, người làm báo thấy tự hào về sứ mệnh của mình hơn khi đó. Cũng vì thế, những nhà báo chân chính luôn đặt trách nhiệm của mình lên mỗi tác phẩm, điều cốt lõi thông tin trong đó phải trung thực và dù thế nào cũng đừng để người dân mất sự tin cậy vào báo chí. Đó là sứ mệnh, song cũng là trách nhiệm.

Sự lo lắng không phải thiếu cơ sở khi báo chí chạy theo thương mại, khi những thông tin không được thẩm định, thiếu độ tin cậy, thậm chí bị làm méo mó vì mục đích nào đó. Sản phẩm của người cầm bút trong điều kiện truyền thông mở hiện nay có tác động sâu sắc đến xã hội. Với bất cứ lý do nào, khi báo chí mất đi lòng tin của độc giả, thì sứ mệnh vẻ vang của người làm báo cũng không còn. Bởi vậy, trong tâm khảm của người làm báo bao giờ cũng khắc ghi và tuân thủ các chuẩn mực nghề nghiệp, có như vậy, ngòi bút cũng như những tác phẩm báo chí của họ mới thực sự góp phần xứng đáng để thúc đẩy cuộc sống đi lên, hướng đến chân - thiện - mỹ.

Quỳnh Nam