Niềm vui ngày gặp mặt!
(Cadn.com.vn) - Tóc ai nấy đều đã bạc trắng, chân bước không còn nhanh nhẹn như xưa, nhưng phút giây trùng phùng, họ ôm chầm lấy nhau, tay bắt, mặt mừng, hỏi thăm tình hình sức khỏe của nhau. Đó là những hình ảnh xúc động mà tôi bắt gặp tại lễ gặp mặt, mừng thọ 11/19 cụ bà từ 80 đến 95 tuổi, do Ban liên lạc Cán bộ Phụ nữ kháng chiến TP Đà Nẵng phối hợp Hội LHPN TP tổ chức sáng qua (24-4) nhân kỷ niệm 40 năm đất nước thống nhất...
Không hiểu sao khi chứng kiến những hình ảnh xúc động tại buổi gặp mặt ấy, tôi chợt nhớ đến lời của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường rằng, đời người ai cũng như ai, cũng đi qua những buồn vui của cuộc đời, chỉ khác nhau một chữ thôi. Đó là chữ hoài. Và các mẹ, các chị có quyền tự hào về “chữ Hoài” của cuộc đời mình...
Nhớ lại thời kỳ làm công tác binh địch vận trong lòng địch, bà Võ Thị Cương (81 tuổi) - cô chủ tiệm may Kim Cương tại khu vực Cầu Vồng ngày nào- bồi hồi: “Tui tham gia cách mạng (CM) từ năm 1954, mở tiệm may Kim Cương tại chân Cầu Vồng vừa nuôi 5 người con, vừa làm công tác binh địch vận, giao liên, cơ sở nuôi giấu CM trong nội thành. Kể làm sao cho hết những gian nan, nguy hiểm khi hoạt động trong lòng địch với tâm trạng luôn căng như dây đàn. Chỉ cần không khéo, để lộ là bị địch bắt ngay. Năm 1969, trên đường vận chuyển vũ khí, tui bị địch bắt quả tang tại trạm cảnh sát chợ Cồn. Khi ra tòa án binh, bọn địch định đày tui ra Côn Đảo. May người nhà tìm cách đưa đứa út mới 5 tuổi vào phòng xử án khóc đòi mẹ, luật sư bào chữa vin vào cớ đó nên tui mới không bị đày ra Côn Đảo, bị nhốt vào Trại giam Kho Đạn. 3 năm sau, tui được địch thả ra và tiếp tục hoạt động cho đến ngày thống nhất”...
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy mừng thọ cho các mẹ, các chị có tuổi đời từ 80 đến 95 tuổi. Ảnh: P.T |
Cũng trong niềm xúc cảm khó diễn đạt thành lời ấy, bà Nguyễn Thị Lễ (1952) quê Điện Bàn (Quảng Nam)- nữ giao liên hoạt động nội thành thời kháng chiến chống Mỹ- kể cho tôi nghe giây phút được lãnh đạo giao trọng trách gửi tối hậu thư cho trung tá Huỳnh Nhụy- phụ trách kho tiếp vụ chế độ cũ: “12 tuổi cô đã tham gia CM, làm giao liên cho du kích xã Điện Thọ (Điện Bàn), Quảng Nam). Năm 1965, theo sự phân công của cô Mười Nhạn, cô được đưa ra Đà Nẵng làm thuê cho một chủ tiệm vải ở chợ Cồn để hoạt động giao liên trong nội thành. Hằng ngày, cô ra chợ dọn vải, phụ giúp bà chủ bán vải. Khi có việc đi giao liên, cô nói dối với bà chủ là đi đến các cửa hàng bán vải sỉ trên đường Hùng Vương để xem có vải mới về hay không để nhân tiện đó đến những hộp thư mật nhận chỉ thị, đưa tin cho tổ chức.
Đầu tháng 3-1975, cô lấy cớ về quê học nghề để xin bà chủ nghỉ việc rồi về Điện Bàn nhận nhiệm vụ mới. Ngày 25-3-1975, cô Mười Nhạn nói cô lên gặp chú Hồng Quang -Trưởng Ban Mặt trận giải phóng TPĐN. Tại đây, cô được chú Hồng Quang giao nhiệm vụ đem tối hậu thư giao tận tay cho trung tá Huỳnh Nhụy ở đường Khải Định (nay là đường Ông Ích Khiêm), yêu cầu ông vận động binh lính buông súng đầu hàng, bảo vệ an toàn cho kho tiếp vụ. Ông Huỳnh Nhụy là em rể của bà chủ tiệm vải nơi cô từng làm thuê, nên ông ấy biết cô. Trên đường đi, cô run lắm, không biết tình hình sẽ ra sao. Liệu ổng có nghe mình nói không hay sẽ bấm cò tiêu diệt? Dù vậy, việc tổ chức giao phó, cô phải cố gắng hoàn thành. Rất may là sau khi nghe cô tuyên truyền, vận động, ông Huỳnh Nhụy không làm gì cả, nhận tối hậu thư và trả lời: “Được rồi!”...
Tại buổi gặp mặt, tôi lặng đi vì xúc động khi nghe Ban liên lạc Cán bộ phụ nữ kháng chiến điểm danh để biết ai còn, ai ốm đau, ai đã mất. Để rồi sau đó, trước khi bước vào phần lễ chính, việc đầu tiên Ban tổ chức làm là mời các đại biểu đứng dậy làm lễ mặc niệm cho 15 cô bác qua đời vì lý do tuổi cao sức yếu. Giọng cô Tám như nghẹn đi khi thông báo, kể từ lần gặp mặt được tổ chức vào ngày 19-5-2013 đến nay đã có thêm 15 người nữa ra đi. Cả hội trường như lặng đi khi nghe những thông tin này...
Niềm vui ngày gặp mặt. |
Hồi ức về một thời gian khó mà hào hùng được bà Nguyễn Thị Vân Lan- Trưởng Ban Liên lạc Cán bộ Phụ nữ kháng chiến TP Đà Nẵng- ôn lại tại buổi gặp thật đáng tự hào. Năm tháng chiến tranh ác liệt, đội quân tóc dài Quảng Đà ngày ấy tuổi đời còn xuân xanh lắm, chỉ mới 20-25 tuổi, nhận nhiệm vụ đặc biệt của Đặc khu ủy Quảng Đà đã tổ chức lực lượng phụ nữ tham gia 2 chân, 3 mũi giáp công, bao vây bức rút bức hàng các đồn bốt địch, siết chặt vòng vây tiến vào TP Đà Nẵng. Bên trong nội thành, các tổ chức hội phụ nữ may cờ giải phóng, tích trữ nhu yếu phẩm, lương thực, tổ chức các đoàn xe chuẩn bị thực lực CM phục vụ cho tổng tấn công nổi dậy và đưa xe ra đón các đồng chí lãnh đạo cùng đoàn quân giải phóng tiến vào giải phóng Đà Nẵng....
Kể làm sao cho hết những cống hiến, những hy sinh thầm lặng của đội quân tóc dài Quảng Đà trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ ác liệt để giành độc lập dân tộc. Đó là hình ảnh về sự hy sinh của chị Huỳnh Thị Lục trong lúc đang mang thai đứa con đầu lòng tại xã Hòa Quý, hay chị Nguyễn Thị Liên hy sinh trong ngày 8-3-1975 tại xã Điện An; là hình ảnh các bà, các mẹ, các cô: Phụng Ký, Nguyệt Ánh, Út, Vinh, Cúc... và nhiều cô chị khác tổ chức may hàng nghìn lá cờ ngay trong lòng địch; vận động, lôi kéo, làm tan rã Trung tâm huấn luyện Hòa Cầm với 2.000 binh lính vứt súng ống, giầy mũ quy hàng...Trong chiến tranh, có biết bao người mẹ đã phải cắn răng chịu đựng nỗi đau chia cắt tình mẫu tử, dứt ruột gửi con thơ về cho cơ sở nuôi dưỡng để lên đường làm nhiệm vụ...Nhắc lại những mẩu chuyện này, bà Vân Lan khe khẽ đọc những vần thơ da diết khiến cả hội trường như lặng đi: “Mẹ gửi con về với bà/Tình thương mẹ chia đều hai ngả/ Nửa theo gió đến trăm miền đất lạ/ Nửa về con sóng vỗ lời ru.../...”.
Trong không khí bồi hồi xúc động đó, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng Võ Công Trí trân trọng biểu dương và tri ân những cống hiến to lớn của các mẹ, các chị cán bộ phụ nữ thời kỳ kháng chiến và cho rằng, trong những năm tháng chiến tranh ác liệt giành độc lập tự do dân tộc, cán bộ phụ nữ kháng chiến Quảng Đà đã phát huy cao độ tinh thần yêu nước, cống hiến quãng đời tuổi trẻ thanh xuân đẹp nhất, vượt qua biết bao khó khăn, gian khổ, thiếu thốn...để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần vào sự nghiệp giải phóng TP, tiến tới thống nhất đất nước...Trong hòa bình, cán bộ phụ nữ trong kháng chiến lại tiếp tục phát huy truyền thống của PNVN, dù ở bất kỳ vị trí nào cũng đều làm tốt vai trò, nhiệm vụ của mình, góp phần xây dựng Đà Nẵng được như ngày hôm nay...
P.Thủy