Niềm vui từ những cây cầu mới
UBND tỉnh Bình Định vừa đầu tư gần 16 tỷ đồng xây dựng lại 2 cây cầu ở xã Cát Sơn và Cát Lâm (H. Phù Cát) bị hư hỏng, sập đổ do ảnh hưởng đợt bão lũ cuối năm 2016. Việc làm này tạo điều kiện thuận lợi, an toàn cho người dân địa phương trong đi lại, vận chuyển hàng hóa, nông sản. Sau 6 tháng thi công, cuối tháng 10-2018, cầu Dịch Nghi - nằm trên Tỉnh lộ 634, nối liền xóm Sơn Tuyền và Sơn Hồ, thuộc thôn Hội Sơn (xã Cát Sơn) - chính thức vận hành, đưa vào sử dụng. Đây là cây cầu bị đợt lũ cuối tháng 11-2016 làm sập hoàn toàn; chia cắt giao thông của 20 hộ dân ở xóm Sơn Hồ với trung tâm xã Cát Sơn. Trong gần 2 năm từ khi cầu bị sập, người dân xóm Sơn Hồ phải đi vòng đường núi mới có thể về trung tâm xã Cát Sơn; gây rất nhiều khó khăn, nhất là đối với các em học sinh. Ngoài ra, những hộ dân ở nơi khác nhưng có đất sản xuất tại xóm Sơn Hồ cũng gặp trắc trở mỗi khi vào nơi canh tác hoặc vận chuyển nông sản...
Cầu Dịch Nghi và cầu Trắng được xây mới, đáp ứng nhu cầu đi lại thuận tiện, an toàn cho người dân địa phương. |
Cầu Dịch Nghi được xây mới gồm 2 nhịp, tổng chiều dài 36 m, bề mặt cầu rộng 7 m, kết cấu bê- tông cốt thép; tổng kinh phí xây dựng 8 tỷ đồng, từ nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới. Ngoài việc xây dựng lại cầu, ngành chức năng còn làm bờ kè kiên cố bằng bê-tông xi-măng ở đoạn bờ Đông Bắc cầu. Từ khi cầu đưa vào sử dụng, việc lưu thông đi lại, vận chuyển hàng hóa, nông sản của người dân xóm Sơn Hồ nói riêng, người dân xã Cát Sơn nói chung vô cùng thuận lợi. Bên cạnh đó, đoạn bờ kè xây dựng kiên cố giúp người dân địa phương chấm dứt nỗi lo sạt lở đất nông nghiệp khu vực gần cầu. Bà Đặng Thị Ngọc, trú xóm Sơn Hồ, vui mừng: "Cầu được xây dựng lại, cảnh "ngăn sông, cách chợ" đã không còn. Người lớn đi làm đồng, thăm rẫy, chuyên chở nông sản được thuận lợi, an toàn; trẻ con hết đi đường vòng tới trường nên đỡ khổ hơn". "Trước khi bị sập, cầu cũ hư hỏng, xuống cấp nên vào mùa mưa bão, chúng tui khá lo lắng mỗi khi qua lại. Nay cầu mới xây dựng kiên cố, rộng rãi, bà con tha hồ đi lại, chuyên chở nông sản. Một đoạn bờ sông còn được xây kè kiên cố để chống xói lở đất, cảnh hà bá "nuốt" đất sản xuất mỗi khi mưa lũ không còn xảy ra", ông Võ Văn Thông, trú thôn Hội Sơn, chia sẻ.
Một cây cầu khác cũng được xây dựng mới, đưa vào sử dụng cuối năm 2018 là cầu Trắng - nằm trên Tỉnh lộ 639B, thuộc địa phận thôn Thuận Phong (xã Cát Lâm). Cây cầu bị đợt lũ cuối tháng 11-2016 làm hư hỏng, gây khó khăn, nguy hiểm cho người và phương tiện khi tham gia lưu thông. Cầu Trắng được xây dựng lại có kết cấu bê-tông cốt thép, gồm 5 dầm, 2 nhịp, tổng chiều dài 36 m, bề rộng mặt cầu 9m; tổng kinh phí xây dựng 7,9 tỷ đồng, từ nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới. Từ khi cầu đưa vào sử dụng đến nay, việc đi lại của người dân địa phương được thông suốt, an toàn. Đặc biệt, cầu Trắng nằm trên tuyến đường phía Tây tỉnh - nối từ xã Nhơn Tân (TX An Nhơn) đến H. Hoài Nhơn - nên việc xây mới, đưa vào khai thác tạo rất nhiều thuận lợi cho các phương tiện chuyên chở hàng hóa lưu thông qua lại.
Anh Lý Văn Chánh, lái xe thường xuyên lưu thông trên tuyến Tỉnh lộ 639B, cho biết: "Trước kia, tôi rất ngại mỗi khi xe qua khu vực cầu Trắng, bởi cầu hư nên phải đi đường tránh. Trong khi đó, đoạn đường tránh toàn ổ gà, ổ voi nên xe lắc lư, không chắc tay lái là có thể lọt xuống ruộng, nhất là ban đêm. Từ khi cầu được xây dựng lại, tài xế nào lái xe qua đoạn này cũng "nhẹ" cả người".
DƯƠNG MINH